Bạn sẽ làm gì nếu phát hiện con bạn không giỏi ở một lĩnh vực nào đó? Trong khi các bậc cha mẹ phương Tây sẽ chỉ đơn thuần coi đó là một điểm yếu của trẻ, thì cha mẹ Trung Quốc sẽ làm mọi thứ trong khả năng của họ để biến điểm yếu đó thành điểm mạnh.
Đó là vì cha mẹ Trung Quốc cho rằng không có gì tốt hơn cho trẻ bằng việc cải thiện những điểm chúng còn...chưa giỏi.
Trong khi cha mẹ phương Tây thường cố gắng không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, ví dụ bằng cách tránh cho trẻ tham gia các trò chơi mà chúng có thể bị thua, thì cha mẹ Trung Quốc lại dạy con cái họ phải bền bỉ trong các thử thách và khó khăn.
Louisa, con gái của tác giả, một lần được giáo viên giao về nhà một bản nhạc piano khó, mà trong bản nhạc đó cô bé phải chơi hai giai điệu khác nhau bằng hai tay cùng một lúc. Louisa đã luyện tập nhiều giờ liền, nhưng cô bé vẫn không thể chơi được bản nhạc. Khi cô bé nói muốn bỏ cuộc, người mẹ đã ép cô phải tiếp tục luyện tập. Nữ tác giả muốn con gái bà tin rằng cô bé có thể làm được. Và thực tế, Louisa cuối cùng đã có thể chơi được bản nhạc đó, cô bé thích thú đến nỗi chơi đi chơi lại bản nhạc đó trong nhiều ngày liền.
Một phương diện điển hình khác trong phong cách làm cha mẹ của người phương Tây là họ luôn khuyến khích con cái theo đuổi đam mê của chúng. Trong khi, các bậc cha mẹ Trung Quốc lại nhận thấy những giá trị to lớn hơn của việc chuẩn bị cho tương lai của con trẻ bằng cách trang bị cho chúng những kỹ năng cần thiết để thành công.
Bản thân tác giả cuốn sách này không tự đưa ra bất cứ quyết định nào cho bản thân trong suốt thời thơ ấu của bà. Bất cứ khi nào cần phải lựa chọn một môn học mới ở trường, một hoạt động ngoại khóa, hay khi bàn đến việc thi trường đại học nào, thì cha mẹ bà sẽ quyết định đâu là lựa chọn tốt nhất. Một mặt, điều này đồng nghĩa với việc bà không có chút tự do nào. Nhưng mặt khác, nhìn lại những thành công hiện tại đã đạt được, bà thấy biết ơn những quyết định của cha mẹ mình.