3. Cha mẹ Trung Quốc không bận tâm tới sự thích thú và niềm vui của trẻ trong khi nuôi dạy con cái.

Khi chúng ta thấy các bậc cha mẹ nghiêm khắc la mắng con cái họ, chúng ta thường nghĩ hẳn là bọn trẻ không cảm thấy vui vẻ gì. Nhưng Amy Chua lại sống khá vui vẻ khi bà còn bé, mặc dù bà được nuôi dạy bởi cặp cha mẹ Trung Quốc cực kỳ khắt khe.

Thực tế, đối với các bậc cha mẹ Trung Quốc, chẳng có gì là vui thú đối với con trẻ nếu chúng không tài giỏi. Và để giỏi một việc gì đó đòi hỏi phải luyện tập rất nhiều. Trong khi hầu hết bọn trẻ đều muốn bỏ cuộc ngay từ đầu – vì đây là giai đoạn khó khăn nhất – thì các Mẹ Hổ ép chúng phải tiếp tục cho đến khi chúng bắt đầu thấy hứng thú.

Lấy ví dụ về cô con gái Sophia của tác giả. Khi cô bé bắt đầu học chơi piano, mọi sự luyện tập đều đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng dù sao Amy vẫn ép cô bé phải luyện đàn, thường là ba tiếng mỗi ngày. Sau một thời gian, Sophia chơi đàn giỏi đến mức bắt đầu nhận được những lời khen từ mọi người. Chính sự công nhận này khiến cô bé trở nên tự tin hơn và thích thú hơn với việc luyện đàn khó khăn kia, và nhờ đó Amy cũng dễ dàng “gò” Sophia tiếp tục luyện đàn.

Mặc dù thực tế rằng niềm vui không phải là mối quan tâm chủ yếu của cha mẹ Trung Quốc, nhưng con cái họ đều khẳng định rằng chúng cảm thấy vui vẻ.

Khi bạn nhìn vào thời khóa biểu dày đặc của một đứa trẻ Trung Quốc và khối lượng bài tập đồ sộ mà cha mẹ “nhồi” cho chúng, chắc bạn sẽ tự hỏi làm thế nào những đứa trẻ ấy có một tuổi thơ vui vẻ được. Nhưng khi Amy quan sát các gia đình phương Tây, bà nhận thấy nhiều kế hoạch bị phá vỡ mặc dù họ có thời khóa biểu linh động hơn rất nhiều và những cuộc trò chuyện cởi mở về cái gì mang lại niềm vui.

Trong thực tế, nhiều trẻ em phương Tây khi trưởng thành không muốn sống cùng cha mẹ chúng, hoặc tệ hơn là không muốn trò chuyện với cha mẹ. Ngược lại, nhiều đứa trẻ châu Á lại coi đó là niềm hạnh phúc và rât biết ơn ba mẹ chúng dù cho họ luôn có những đòi hỏi khắc nghiệt. Như vậy có thể thấy rằng để con trẻ trưởng thành một cách vui vẻ và biết ơn, niềm vui không nhất thiết phải được ưu tiên.