Từ bản năng tự nhiên, hầu hết mọi người đều hình thành trong mình mô hình“thắng – thua”. Họ cho rằng mọi tình huống đều là một trận đấu, và những người khác đều là địch thủ trong trận chiến giành miếng bánh lớn nhất. Tuy nhiên, đa số các tình huống trong cuộc sống không nhất thiết phải là một trận đấu. Thường thì ai cũng có thể có miếng bánh cho mình, và mọi sự thậm chí còn tốt đẹp hơn cho tất cả nếu mọi người cùng đi theo giải pháp “cùng thắng”.
Điều tệ nhất của tâm lý “thắng – thua” là khi hai con người cùng có tâm lý này phải đối mặt với nhau, nguy cơ cao là sự việc sẽ đi đến kết cục “cùng thua”. Đôi bên đều thua cả, trong khi đó thì chú chó lại được xơi cả chiếc bánh bị rơi toẹt xuống sàn trong cuộc cãi vã.
Hơn nữa, rõ ràng việc xây dựng một mối quan hệ tích cực giữa hai con người luôn đối chọi với nhau quả thực là bất khả thi. Ngược lại, lối tư duy “cùng thắng” đem lại vô số lợi ích, một trong số đó là khả năng xây dựng được vô vàn những mối quan hệ tích cực với nhiều người khác. Bởi khả năng xây dựng các quan hệ tốt đẹp với mọi người quả là một món tài sản quý giá và là nền tảng cho sự thành đạt thực sự.
Tâm lý cùng thắng là cách tư duy luôn cố gắng tìm ra một giải pháp mà mọi người đều mong muốn. Nó đòi hỏi sự thay đổi tư duy từ chỗ “Tôi muốn chắc chắn rằng tôi sẽ có phần bánh của mình” sang “Rồi sẽ có đủ bánh cho tất cả mọi người cả thôi”.
Điều này có nghĩa rằng cần phải tiếp tục giao tiếp và thương lượng cho đến khi tìm ra một giải pháp mà mọi người đều mong đợi. Thực sự đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi cần có cả sự tinh tế lẫn tính nhẫn nại.
Tuy nhiên, kết quả đem lại sẽ là một mối quan hệ tích cực lâu bên và tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau, mang đến lợi ích cho tất cả mọi người.