2: Nỗ lực phát triển tính cách đòi hỏi việc điều chỉnh mô thức cá nhân theo những nguyên tắc phổ quát.

Các mô thức là những khối lắp ghép cho tính cách của ta. Chúng là những nguyên tắc nền tảng – là lăng kính mà qua đó ta nhìn ra thế giới.

 Nhận thức của chúng ta không phải là một thực tại khách quan, mà là cách diễn giải chủ quan có nhuốm màu sắc của lăng kính mô thức ta đang mang.

Những thói quen tạo nên phần lớn các hành động của chúng ta chính là kết quả trực tiếp của các mô thức này.

Bởi đó là cốt lõi tính cách của chúng ta, các mô thức là chìa khóa dẫn tới bất kỳ thay đổi nào. Nếu bạn muốn thay đổi bản thân mình, trước hết bạn phải thay đổi các nguyên tắc nền tảng. Chỉ bằng cách này ta mới có thể thay đổi thực tại chủ quan của ta, và nhờ đó thay đổi hành vi.

Bạn cũng cần nhận thức rõ các mô thức của chính mình. Nếu bạn muốn vượt qua những thói quen thâm căn cố đế, như tính chần chừ, tính tự coi mình là trung tâm, hay tính thiếu kiên nhẫn, trước hết bạn phải nhận ra nguyên tắc nền tảng tạo nên thói quen đó.

Nếu bạn muốn vươn tới sự thành đạt thực sự, sẽ rất hữu ích khi bạn điều chỉnh các mô thức cá nhân với những nguyên tắc phổ quát có tính bao trùm hơn – chính là những giá trị như công bằng, trung thực và chính trực.

Bởi đa số mọi người đều đồng ý với những nguyên tắc trên, ta có thể xem chúng như quy luật tự nhiên mang tính trường tồn vĩnh cửu, gần như là thước đo chuẩn mực mà ta có thể dùng để đo lường các giá trị của mình.

Có thể đánh giá hành vi con người dựa vào các nguyên tắc phổ quát này. Khi khả năng điều chỉnh hành vi bản thân theo những nguyên tắc đó càng tốt, chúng ta càng có thể hòa nhập vào thế giới quanh mình một cách hiệu quả hơn.

Và bởi hành vi của chúng ta được tạo nên trực tiếp bởi các nguyên tắc nền tảng cá nhân của mình, ta có thể nói:

Nỗ lực phát triển tính cách đòi hỏi việc điều chỉnh mô thức cá nhân theo những nguyên tắc phổ quát.