Yêu Hà Nội, thích Sài Gòn: Mến thương không quản lo toan vùng miền
Yêu Hà Nội, thích Sài Gòn: Mến thương không quản lo toan vùng miền
Người Sài Gòn dễ thương, người Hà Nội nghĩa tình. Người Sài Gòn náo nhiệt, người Hà Nội suy tư. Khác nhau đấy nhưng nếu có lòng thì vẫn thương vẫn nhớ…

Cũng như bao con người khác, nhà báo Hồng Phúc đã rời quê hương Hà Nội để “vào Nam lập nghiệp” và đem lòng thương mảnh đất Sài Gòn. Với “Yêu Hà Nội, thích Sài Gòn,” chị đã phác nên bức tranh về hai thành phố khác nhau với những nét tính cách và những câu chuyện riêng biệt bằng một tình yêu cuộc sống và con người tha thiết.

Hồng Phúc gọi Sài Gòn là “nơi đến.” Thành phố luôn chuyển động giống như một cậu thanh niên mới lớn: hồ hởi, căng tràn sức sống và đặc biệt…mê hát. “Trong cái thành phố rộng lớn này, ở đâu và lúc nào bạn cũng có thể bắt gặp các tiệc sinh nhật, đám giỗ, đám hỏi, đám cưới… người ta ăn uống và hát hò ầm ĩ nhờ sự hỗ trợ của dàn loa vặn to hết cỡ cho thêm phần khí thế.” Người ta có thể tìm thấy đàn guitar ở hầu hết các quán cà phê, nghe thấy mọi điệu nhạc từ nhạc Trịnh tới nhạc tiền chiến và không thiếu nhạc trẻ trên mọi nẻo đường.

Lâu dần thành quen, người Sài Gòn chấp nhận cái ồn ào náo nhiệt như một phần của thành phố nơi họ sống. Bởi cái sự hồn nhiên ca hát ăn sâu vào máu nên dân Sài thành bao dung với những số phận muốn đổi đời – “những ai ôm mộng đẹp hay muốn được sống bình thường hơn cho đúng với mình.” Vì thế nên ở đất này thì không cần hoàn hảo.

Hồng Phúc kể câu chuyện thành phố với giọng văn dí dỏm và hài hước đậm chất hào sảng miền Nam. Những mảng màu cuộc sống cứ dần dần hiện ra trong những mẩu chuyện bình dị, như chuyện đi họp tổ dân phố, chuyện đi chợ bị “hớ” hay chuyện đi viện với đa dạng “bạn cùng phòng.” Người Sài Gòn hiện lên mộc mạc dễ thương và chân thành xởi lởi.

Nếu đất Sài Gòn là điểm đến đầy hứa hẹn của những hoài bão thì Hà Nội là “chốn về” của những tâm hồn xa quê. Kinh thành bốn ngàn năm trầm mặc như một người trưởng thành nhiều suy nghĩ. Nhớ về thủ đô, Hồng Phúc nhớ nhiều về mùa thu sương trắng bên cạnh đường Thanh Niên nơi chị lớn lên. “Trong văn hoá Việt Nam, trà mạn ướp sen pha với sương mai trên lá sen của Hồ Tây đã thành thứ tuyệt đỉnh của văn hoá ẩm thuỷ.”

Trong ký ức tuổi thơ, Hà Nội của chị là những mùa thu ngạt ngào hoa sữa và mù sương Tây Hồ. Đó là những đặc sản không nơi nào khác có mà người Hà Nội xa quê cứ đau đáu nhớ về mỗi khi đài báo trời se lạnh. Thế nhưng bây giờ hoạ hoằn lắm mới thấy “sương mù trên những ngõ nhỏ quanh Hồ Tây, nơi những khu biệt thự đã hết mờ ảo bởi những mái ngói xanh đỏ choé loé, đua nhau làm thủ trưởng.” Công cuộc phát triển đi kèm với những hệ luỵ đáng buồn của nó: ô nhiễm môi trường và lấn chiếm mặt nước để xây nhà.

Hà Nội loay hoay lưỡng lự giữa hoài niệm một thời vàng son và hào hứng đổi mới. Ẩn sau những câu chuyện về húng hành làng Láng, ga Hàng Cỏ hay đồng hồ Bưu điện Thành phố là những nỗi trăn trở của người con Hà thành: “Vì sao, khi nào, như thế nào, chúng ta đã làm mất đi sự tinh tươm mà mình đã được ban tặng hay cả thái độ tôn trọng những điều có vẻ vô tri quanh ta như một phần của việc làm người?”

Vượt lên trên những khác biệt về văn hoá và lối sống, Hà Nội và Sài Gòn tìm thấy điểm chung nơi những con người hiền lành chân thật. Phải có niềm yêu tha thiết con người và cuộc sống đến bao nhiêu Hồng Phúc mới có thể “biết ơn cuộc đời cho tôi cơ hội để học cách sống thật sâu mỗi ngày qua những nhịp điệu nhỏ nhoi ấy.” Đằng sau mỗi hoàn cảnh là một bài học đường đời. “Cuộc đời nhờ thế mà trở nên nhiều sắc màu hơn khi người ta nhận ra còn nhiều cánh cổng biết bao sau cánh cổng trước sân ngôi nhà tuổi nhỏ nơi mỗi chúng ta thuộc về.” Hà Nội hay Sài Gòn không còn quan trọng; quan trọng là ta yêu mến cuộc đời khi “tim còn biết đau, mắt còn sáng vì một điều bình thường trong một ngày bình thường.”

Trang Sâu 

Trạm Đọc

Tags: