Nhưng xã hội và văn học nghệ thuật sẽ bị thay đổi mãi mãi. Chỉ tới khi con người ấy biến thành cát bụi, chúng ta mới được chiêm ngưỡng một tài năng đẹp nhưng yểu mệnh, được ví như một viên ngọc trai thô, tỏa sáng giữa hàng ngàn vạn thức quý khác. Tôi đang nhắc đến Đinh Vũ Hoàng Nguyên, tác giả của cuốn di cảo Có Một Phố Vừa Đi Qua Phố. Một con người suốt đời sống vì cái tình với cuộc sống, ngang tàng với những khát khao nông nổi và cũng, hết sức dịu dàng khi nhắc đến tình yêu.
Mỗi bài thơ trong tác phẩm là tập hợp của một vài nét phác họa thủ đô Hà Nội rất cổ, rất xưa và lãng mạn. Vẻ đẹp mềm mại thấm nhuần lịch sử ấy hiện lên trong từng kẽ ngói, tiếng chuông, cành sấu, ga tàu và góc phố. Và hơn cả là con người Tràng An nhã nhặn. Tình yêu nảy nở giữa sự xoay vần của thiên nhiên và những làn hương thân mật nơi phố vắng. Đinh Vũ Hoàng Nguyên trong thơ ca đối lập hoàn toàn với một gã họa sĩ ngông nghênh trong văn học. Chẳng giống với ai, những điều gì là tế nhị, trần tục, hoang dại nhất, qua bàn tay và tâm hồn của Nguyên đều trở nên rất đỗi gợi cảm, trong trẻo và thơ ngây. Cái hồn của thủ đô và mảnh đất thiêng liêng như được gói gọn trong mỗi bài thơ nhỏ nhắn. Không chỉ vậy, thơ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên còn là những cột mốc lớn lao đánh dấu những bước ngoặt lớn trong cuộc đời nhà thơ. Là khi lần đầu tiên và duy nhất lên chức cha. Là khi lãnh thổ của quốc gia đang lâm nguy trước thế lực thù địch. Tác giả thao thức lo nghĩ về lòng yêu tổ quốc và thầm lặng nuôi dưỡng nó trong lòng người con trai bé bỏng, qua những vần thơ về biển Đông. Cũng từ đó, những hạt giống của lòng yêu thương và sự trắc ẩn cứ được Nguyên gieo mãi vào lòng công chúng và con người.
Trong lúc con người vẫn đang tiếc ngẩn tiếc ngơ, buồn thương cho một tài năng bạc mệnh, mỗi một trang truyện ngắn của tác giả lại làm nhen nhóm những tiếng cười sảng khoái, niềm vui và lạc quan mãnh liệt trong lòng người đọc. Không chỉ bởi vì cái sự sỗ sàng, thô thiển nhưng rất thật, đậm chất Việt Nam của mỗi phận người trong đó, mà còn vì lối tường thuật hóm hỉnh, đậm tính thơ và tình người của Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Cuộc sống dẫu có phũ phàng và thực tế, nhưng vẫn còn nhiều điều thú vị luôn tiềm ẩn trong mỗi góc cạnh nhỏ xíu của nó, ở những đa dạng tầng lớp con người. Tác giả, với tâm hồn của một người nghệ sỹ và tính cách hồn nhiên chẳng ai có, đã rất tự nhiên tìm kiếm được tiếng nói chung và sự kết nối với biết bao kiếp người, và dù có ghét, có thương, có trách họ thì Đinh Vũ Hoàng Nguyên vẫn luôn bộc lộ những trạng thái cảm xúc đó theo cách của riêng mình, không giống ai. Chẳng hề lan man, dài dòng, chỉ với những câu đơn, cấu trúc bằng trắc và tài năng thiên bẩm của một nhà thơ, những mẩu truyện ngắn ấy trở nên gần gũi, bình dị và đi vào lòng người.
Có lẽ tác phẩm là một tập di cảo được tổng hợp lại sau khi tác giả đã qua đời. Bởi vậy những bài thơ, tản văn, truyện ngắn được sắp xếp hết sức ngẫu nhiên và không có một dụng ý nghệ thuật hay chủ đích nào. Cuộc sống vì thế cứ hiện lên, hiện lên thú vị và rất thực. Những mảng màu sáng tối, góc cạnh, đối lập, mâu thuẫn và bi hài. Con người có thể xấu xa, lương thiện, buồn bã, tươi vui, kỳ dị. Thế nhưng, tất cả họ đều có những câu chuyện đời rất riêng tư và có lẽ, chẳng hề hoài phí thời gian nếu ta lặng lẽ lắng nghe họ. Cũng chính bởi vẻ đa dạng ấy mà cuộc sống, bỗng chốc trở nên đẹp, đáng sống và hấp dẫn biết bao.
“Anh đi cuối những ngày nghiêng ngả bão
Biết đời mình, mưa đã mát như em.”
Tôi vẫn nhớ mãi đó là vần thơ cuối cùng Đinh Vũ Hoàng Nguyên làm trong bệnh viện trước khi đi xa. Và đến tận cùng của sự sống, con người trở về làm chính họ, vẫn là vẻ ngông, lãng mạn, si tình, vẫn là một tấm lòng biết ơn với sự yêu thương trong đời.
Sẽ không bao giờ có một câu văn nào có thể nắm bắt hay tóm gọn được tinh thần của Có Một Phố Vừa Đi Qua Phố. Tác phẩm sẽ vẫn đứng đó hiên ngang, độc nhất và khiêm nhường trong nền văn thơ Việt Nam thế kỷ XXI. Giá trị của tập di cảo này không thể đo đếm được, bởi bao hàm trong nó không chỉ đơn thuần là những mối quan hệ và tình cảm, đó là cả một đời người. Người mà, chỉ qua bốn chục năm tồn tại trên cõi nhân gian, đã kịp làm vang vọng âm thanh của mình đi xa mãi.
Tác giả: H.Phuong – Nguồn Văn học 365