Thế hệ Centennials sẽ định hình tương lai thế giới như thế nào?
Thế hệ Centennials sẽ định hình tương lai thế giới như thế nào?
Trong thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến sự ra đời của 6 thế hệ: Thế hệ vĩ đại nhất; Thế hệ trưởng thành/im lặng; Thế hệ Bùng nổ dân số (Baby Boomers); Thế hệ X; Thế hệ Y và thế hệ Centennials - Thế hệ Z. 
“Thế hệ Z - Hiểu rõ về thế hệ sẽ định hình tương lai của doanh nghiệp” là cuốn sách nghiên cứu về Gen Z - thế hệ cuối cùng của thời đại. Với độ dài 7 chương, thông qua 314 trang sách, hai tác giả Tom Koulopoulos và Dan Keldsen sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các hành vi và quan điểm có thể đưa bạn đến gần hoặc ra xa thế hệ Z. 

 

Nhận diện thế hệ Z

Đã từng có rất nhiều tài liệu định nghĩa về thế hệ Z. Từ điển trực tuyến Merriam-Webster định nghĩa thế hệ Z là những người sinh ra vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. 

Từ điển Oxford Living mô tả thế hệ Z là “thế hệ đến tuổi trưởng thành trong thập kỷ thứ hai của thế kỉ 21”. 

Nhưng theo Tom Koulopoulos và Dan Keldsen, ngoài việc định nghĩa thế hệ Z theo năm sinh từ năm 1995 đến 2015, còn có một cách khác để định nghĩa thế hệ này: “Thế hệ Z là một tập hợp các hành vi và thái độ về cách vận hành của thế giới. Bạn có thể được sinh ra trong thế hệ đó hoặc có thể chọn là một phần của nó.”

 

Bạn có thể được sinh ra trong thế hệ đó hoặc có thể chọn là một phần của thế hệ Z

 

Thế hệ Z tạo ra Hiệu ứng Thế hệ Z. Hiệu ứng này sẽ xảy ra khi các thế hệ được hợp nhất, thay vì chia rẽ, nhờ sự đơn giản và chi phí hợp lý của công nghệ. 

Và ai cũng có thể chọn trở thành Thế hệ Z:

- Người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số (Thế hệ Baby Boomers). Bạn đang bắt đầu sự nghiệp của mình thay vì sắp nghỉ hưu.

- Người sinh ra vào khoảng hoặc sau năm 2005.

- Người mới bắt đầu sự nghiệp nhưng không bao giờ muốn kết thúc con đường học tập của mình.

- Người tin rằng sự đổi mới đến từ việc vượt qua các ranh giới ngăn cách thay vì sống vì ranh giới đó.

- Nhà lãnh đạo muốn sống trẻ theo các cách mình nghĩ và khuyến khích người khác làm vậy.

- Người tin vào thử thách trí tuệ ngay cả khi nó là của riêng bản thân. 

- Nhà giáo dục. Người không muốn (hoặc không còn muốn) dạy một chương trình chỉ dẫn đến một trải nghiệm quen thuộc. 

- Người tin rằng 2,7 tỉ người sử dụng Internet vẫn ít so với 4,3 tỉ người cho có điều kiện tiếp cận. 

- Người không chấp nhận rằng giàu có là cách duy nhất để tạo ảnh hưởng. 

Do đó, THẾ HỆ Z LÀ LỰA CHỌN.

 

 

Tiền đề cốt lõi của Hiệu ứng Thế hệ Z là, bạn có thể không được sinh ra ở thế hệ Z, bạn cũng có quyền lựa chọn trở thành Thế hệ Z nhờ thái độ và hành vi của mình bởi nói cho cùng, đây sẽ là bộ mặt mới của hành vi con người.

 

 

Các Z-ers đang tác động tới thế giới của chúng ta như thế nào?

Khi nhắc tới Thế hệ Z, những thế hệ trước thường nghĩ tới một thế hệ lớn lên giữa các mạng xã hội, tiếp xúc với internet, smartphone từ lúc… trong trứng, hay là chạy theo các gu âm nhạc, thời trang khó hiểu và thích được chú ý. 

Tuy nhiên, Thế hệ Z lại là những người muốn tạo ra sự khác biệt trên thế giới nhất từ trước tới nay. 

Triển vọng lớn nhất của Thế hệ Z và nguồn động lực cho rằng tất cả mọi người sẽ có cơ hội tham gia như nhau trong việc tạo ra tương lai, không có sự phân biệt đã thúc đẩy hai tác giả Koulopoulos và Keldsen viết cuốn sách này. Bằng nghiên cứu của mình, hai ông đã chỉ ra Hiệu ứng Thế hệ Z đã tạo ra 6 yếu tố tác động đến thế giới sau đây. 

 

1/ Yếu tố thứ nhất: Phân chia thế hệ

Bằng những nghiên cứu về nhân khẩu học, các tác giả đã chỉ ra rằng: Trong 80 năm tới, chúng ta sẽ thấy kim tự tháp dân số toàn cầu tự định hình lại thành một tòa nhà chọc trời gần như hoàn hảo. 

Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là các nhóm tuổi ở đáy của tòa nhà chọc trời tăng chậm và các nhóm hướng đến đỉnh của tòa nhà tăng lên cùng với tăng tuổi thọ và độ tuổi lao động. 

 

Trong 80 năm tới, tháp dân số sẽ có hình dạng của một tòa nhà chọc trời

 

Cùng với sự phân tích về tầm ảnh hưởng, cuốn sách chỉ ra rằng thế hệ Z có sức ảnh hưởng và sức mạnh rất lớn. Sức ảnh hưởng của thế hệ Z lan tỏa trong toàn bộ dân số. Nó tạo hiệu ứng phá vỡ sự cân bằng quyền lực trong hầu hết mọi tổ chức hiện có - các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và chính phủ. 

Thế hệ Z không giống như bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Thế hệ Z có khả năng thúc đẩy những thay đổi nhờ sức ảnh hưởng. Nó làm cho xã hội trở nên minh bạch hơn, mang lại tiếng nói cho những con người thầm lặng. 

Trong tương lai gần, chúng ta sẽ sống và làm việc cùng với năm thế hệ, vì vậy, vấn đề lắng nghe các thế hệ và thu hẹp khoảng cách thế hệ là điều rất quan trọng. Cuốn sách đã dẫn ra những ví dụ cụ thể của tập đoàn Hyatt, Yahoo, IBM, Citrix...

 

2/ Yếu tố thứ hai: Siêu kết nối

Bạn có biết?

- Ngày này số lượng thiết bị di động được sử dụng nhiều hơn số người trên toàn thế giới.

- 60% số người trong chúng ta đặt các thiết bị di động trên hoặc gần giường. Con số này là 79% ở độ tuổi dưới 50.

- Chúng ta dùng trung bình 5,5 giờ cho các hoạt động trực tuyến mỗi ngày, và  40% những người trong độ tuổi từ 22 đến 32 dành hơn 13 giờ mỗi ngày cho hoạt động này

- 2,7 tỉ người hiện đang kết nối Internet.

Với những số liệu xác thực, các tác giả đã chứng minh tính di động trong các kết nối đã trở thành chủ đề chính trong cách hành xử của Thế hệ Z. 

Khi Thế hệ Z làm quen hơn với tính di động của một thế giới siêu kết nối, càng ngày cuộc sống của họ càng tiến đến hai thế giới. Một bên là thế giới ngoại tuyến rộng lớn với những thứ có thể nghe, nhìn, chạm, ngửi và nếm. Và một bên là thế giới trực tuyến có máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Hầu hết chúng ta đều va đập với hai thế giới này. 

Đối với Gen Z, kết nối tạo ra một mức độ minh bạch trong các mối quan hệ, tạo dựng niềm tin giữa con người với con người. 

 

3/ Yếu tố thứ 3: Sự bứt phá

Bản chất của sự bứt phá là làm tăng sức ảnh hưởng của đổi mới, đưa công nghệ nhảy vọt đến tương lai. Những người “lạc hậu” có thể bỏ qua nhiều thế hệ công nghệ và tiến tới điểm bứt phá của toàn nhân loại. 

Ngày nay, công nghệ mới đã thay đổi, từ “làm khó người dùng” trở nên “thân thiện với người dùng” hơn.

Thế hệ Baby Boomers được cho là thế hệ sợ công nghệ hiện đại và Thế hệ Y có lý do chính đáng để không sử dụng Internet vì họ cho rằng thế giới ảo trên mạng Internet không có nhiều giá trị đối với họ. Tuy nhiên, làn sóng đó đã thay đổi. Hiện có ngày càng nhiều người cao tuổi sử dụng Internet, mạng xã hội để kết nối với các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Ông bà, những người không bao giờ chạm vào máy tính, đột nhiên sử dụng iPad để Skype với cháu nội của họ. Đối với GenZ, công nghệ không phân chia thế hệ. Nó kết nối chúng. 

 

4/ Yếu tố thứ 4: Từ sự giàu có đến tầm ảnh hưởng

Cho đến ngày nay, tài sản của 85 người giàu nhất thế giới tương đương với 3,5 tỉ người nghèo nhất thế giới. Dựa trên sự phân bố và mật độ tài sản, ta thấy rằng tài sản ở nửa dưới kim tự tháp tương đương với tài sản của một phần triệu dân số ở đỉnh tháp. 

Để dễ hình dung, nếu ví dân số toàn cầu có kích thước bằng Kim tự tháp Giza vĩ đại, thì 85 người giàu nhất thế giới sẽ được xếp vừa vặn vào một chiếc thùng đựng cát trò chơi của trẻ em, và họ sẽ sở hữu một lượng tài sản bằng một nửa toàn bộ kim tự tháp.

Thời điểm thế giới chứng kiến sự chênh lệch giàu nghèo trên toàn cầu như ngày nay là thời điểm ngay trước Cách mạnh Pháp, một cuộc nổi dậy đã khiến 40.000 người giàu có nhất nước Pháp bị mất vị trí đứng đầu, theo đúng nghĩa đen.

Nhưng trong bối cảnh thảo luận về sự chênh lệch giàu nghèo này, điều thường bị bỏ qua là 3,5 tỉ người tại đáy của kim tự tháp, tính chung, họ có khối tài sản đáng kể nhưng lại không có ảnh hưởng, không có tiếng nói.

Và thế hệ Z là người đã mang lại tiếng nói cho tất cả mọi người.

Gen Z mang lại tiếng nói cho tất cả mọi người

5/ Yếu tố thứ 5: Coi thế giới là lớp học của tôi

Phong trào hướng tới phổ cập giáo dục là nền tảng cho sự phát triển của Hiệu ứng Thế hệ Z. Bởi vì nó xóa bỏ một trong những rào cản lớn nhất ngăn cách các thế hệ: Trình độ giáo dục. 

Đối với Gen Z, mọi khoảng cách - về địa lí, văn hóa và thế hệ - đang được thu hẹp một cách nhanh chóng. Không quan trọng bạn ở đâu, bạn là ai, cũng không quan trọng bạn già hay trẻ: Giá trị là giá trị. 

Sự đóng góp lớn nhất cho sự thịnh vượng trong nền kinh tế là tỷ lệ giáo dục ngày càng tăng, trên khắp các quốc gia phát triển và đang phát triển. Trong thế kỷ qua, chúng ta đã thấy giáo dục tiểu học tăng lên khoảng 80% trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn chỉ có 30 % đủ điều kiện cho giáo dục đại học sau trung học. Sự ra đời của các MOOC - khóa học trực tuyến mở trên quy mô lớn (MOOC: Massive open online course - khóa học thông qua Internet không giới hạn người tham dự) sẽ thay đổi đáng kể. 

Với nền giáo dục tự do, cởi mở, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho hàng tỷ người tham gia lực lượng lao động trên  toàn cầu. Dự kiến ​​trong suốt thập kỷ tới, chúng ta sẽ thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn tất cả những gì được ghi lại trong lịch sử.

 

6/ Yếu tố thứ 6: Lối tắt

 Bản chất của lối tắt là khả năng vượt qua các rào cản, tập trung vào việc biến ý nghĩa và mục đích thành trung tâm của trải nghiệm cá nhân và chuyên nghiệp. 

Trong bối cảnh của Hiệu ứng Thế hệ Z, thuật ngữ “lối tắt” được sử dụng để mô tả hai khía cạnh. Đầu tiên là tư duy không sợ hãi của người đi tắt; thứ hai, thừa nhận tác động tích cực đem lại bởi khả năng kết nối mọi người, tập hợp cộng đồng và mang lại kết quả tích cực mà bình thường không thể đạt được. 

Thế hệ Z và thế hệ đi trước - Thế hệ Y hoặc Thế hệ X - được xem là thế hệ có ý thức về quyền lợi. Họ được nuôi dưỡng trong các gia đình mà con cái được khuyến khích làm những gì mình muốn, hiếm khi bị chỉ trích vì bị thất bại và luôn được ca ngợi vì những nỗ lực của chúng. Triết lí phổ biến là mọi đứa trẻ đều là người chiến thắng. 

Thế hệ Z có tinh thần dũng cảm để đương đầu với những thách thức, khó khăn của thế kỉ. Thật tốt khi họ tự tin và tin tưởng vào khả năng của mình trong việc giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, thiếu giáo dục phổ cập, thất nghiệp, khủng hoảng tài chính, nhu cầu về năng lượng, sự tiếp cận hạn chế với nước sạch và điều kiện vệ sinh kém. 

Kết lại, với cuốn sách “Thế hệ Z - Hiểu rõ về thế hệ sẽ định hình tương lai của doanh nghiệp”, hai tác giả Tom Koulopoulos và Dan Keldsen hi vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ nhìn vào sự chia rẽ thế hệ và chấp nhận chúng như một quy luật tự nhiên. Qua lăng kính hiểu biết đó, chúng ta sẽ quyết định trở thành một phần của Thế hệ Z - thế hệ cuối cùng của thời đại thông tin và thế hệ đầu tiên của thời đại siêu kết nối. Chúng ta nên tin rằng sự thay đổi đơn giản này sẽ thay đổi thế giới của chúng ta một cách sâu sắc. Chào mừng bạn đến với Thế hệ Z!

Bạn có thể đặt mua cuốn sách tại các kênh:

✨Fahasa: http://bit.ly/2luVXjQ

✨Shopee: http://bit.ly/2krK5yO

✨Tiki: http://bit.ly/2lTwUqE

 

Trạm Đọc - Read Station 

Tags: