"Tao là đàn ông!" - “Nam tính” đã phá hủy cảm xúc như thế nào?
Vô kỷ luật, coi thường phụ nữ (nhất là trong quan hệ tình dục), vị kỷ, che giấu cảm xúc cô đơn,... là những hậu quả của việc tôn vinh “nam tính” thượng đẳng - hay là định kiến giới dành cho nam, theo nghiên cứu tâm lý học của bài viết này.

Thà được vinh danh như “đàn ông” còn hơn thành công như một mụ đàn bà.

 

Vô kỷ luật, coi thường phụ nữ (nhất là trong quan hệ tình dục), vị kỷ, che giấu cảm xúc cô đơn,... là những hậu quả của việc tôn vinh “nam tính” thượng đẳng - hay là định kiến giới dành cho nam, theo nghiên cứu tâm lý học của bài viết này.

 

Đọc đến đây, bạn sẽ ngạc nhiên, “Nam giới mà cũng bị định kiến à?”. Chính câu hỏi đó của bạn cũng góp phần đẩy “thằng đàn ông” sâu thêm vào cái vực thẳm của định kiến giới, thứ phá hủy sự yêu thương, sự chân thành có trong bất kì ai trên thế giới này.

 

Ở các trường đại học Việt Nam, là một người luôn cố gắng lội nước ngược dòng, tôi cảm thấy rất rõ những định kiến được “bàn tay xã hội vô hình” áp đặt nên định nghĩa về bản thân mình như thế nào. Con trai, trong từ điển xã hội, nghĩa là là phải biết đánh đế chế, biết đá bóng, giỏi uống bia, học dốt nhưng chơi phải giỏi, không có chuyện viết Note, không nói chuyện kiểu “deep”, ít đọc sách, luôn phải mạnh mẽ... Nhưng liệu con trai có thật sự như thế không?

 

“...Nghiên cứu cho thấy 1 điều mà các giáo viên dạy mầm non luôn nhận ra rằng: từ khi còn sơ sinh cho đến lúc 4, 5 tuổi, các bé trai dễ xúc động hơn các bé gái. Một nghiên cứu của trường Y Harvard và Viện nhi Boston vào năm 1999 phát hiện rằng các bé trai 6 tháng tuổi thường có xu hướng thể hiện "biểu hiện tức giận trên khuôn mặt, để tỏ ra cảm giác phiền phức, để thực hiện cử chỉ rằng nó muốn được bế và có xu hướng khóc nhiều hơn con gái".

 

Qua bài viết này, bạn sẽ thấy vấn đề định kiến nam giới không chỉ tồn tại ở một xã hội nặng Nho giáo như Việt Nam, mà ngay cả ở Mỹ, nó cũng là một vấn đề nghiêm trọng bởi những chấn thương tâm lý và thành tích học tập nó để lại cho người con trai. Read Station trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Andrew Reiner, dạy viết luận, văn học và nghiên cứu văn hóa tại trường Đại học Towson.

 

Dạy đàn ông trung thực với cảm xúc của chính mình

 

Kì học trước, một sinh viên của khóa học về sự nam tính mà tôi dạy đã chiếu một đoạn phim cô ấy tìm được trên mạng về một đứa trẻ mới tập đi và những gì xảy ra với nó trong lần đầu tiêm vắc xin. Khi máy quay hạ xuống, chúng tôi nghe giọng người cha: "Bố sẽ nắm tay con, được chứ?". Và sau đó, khi cậu bé trở nên kích động, ông nói: "Đừng khóc!... nào, ông tướng! Đập tay, đập tay nào! Hãy nói rằng con là một người đàn ông cơ mà". Và cậu bé nói: "Con là một người đàn ông". Đoạn phim kết thúc với hình ảnh cậu bé đang rên rỉ nhăn nhó trong giận dữ và tự đấm vào ngực. "Tao là đàn ông!" - cậu gào lên, dàn dụa nước mắt và nghiến răng ken két.

 


 Ảnh: Nytimes
 

Đoạn phim tự quay này đã đánh trúng điểm cần bàn, nó mô tả những gì sinh viên thu nhận được trong khóa học của tôi: cách mà những cậu bé được dạy dỗ, đôi khi đi với những ý định tốt đẹp nhất, về chuyện làm sao để biến cảm xúc đau khổ của họ thành cơn giận dữ. Gần hơn nữa, cái mà nó ghi lại được, là những khuấy động ban đầu về bản tính đàn ông trong trận chiến với chính nó.

 

Đây không phải là chuyện nhỏ. Điều sinh viên khám phá ra trong khóa học này - một seminar của Đại học Honors tên là "Nụ cười thực sự của đàn ông: Sự thay đổi theo thời gian của tính nam giới." – đó là: chính những gì các cậu bé cần có vẻ như cũng là chính những thứ khiến họ sợ. Tuy nhiên, khi chúng được tiêm nhiễm để chống lại những cảm xúc sâu thẳm chân thực, thì hậu quả đã vượt xa, mà thường là rất nghiêm trọng.

 

Mặc cho sự nổi lên của metrosexual (những người đàn ông thích chăm sóc vẻ bề ngoài của mình, họ có thể là dị tính hoặc không) và sự tăng lên về số lượng của những ông bố ở nhà, thì khuôn mẫu cứng nhắc về nam giới vẫn rất khó để bị xóa bỏ. Khi nam giới tiếp tục bị nữ giới bỏ xa trong trường Đại học, và đồng thời lại vượt trội phụ nữ với tỷ lệ tự tử là 4-1 thì một số trường đại học đã sực tỉnh trước thực tế rằng chính đàn ông (chứ không chỉ phụ nữ) có lẽ cần được dạy để vượt qua những định kiến về giới của chính họ.

 

Theo nhiều cách nhìn, những người đàn ông trẻ tuổi tham gia các lớp học của tôi – thường chiếm 20% lớp học - phản ánh xu thế chung của xã hội. Dựa vào điểm số và bài luận của họ, rõ ràng là họ dành ít thời gian làm bài tập về nhà hơn là các sinh viên nữ; trong khi chẳng hề kém cạnh về mặt trí tuệ, họ thờ ơ khi bản thân nhận điểm số thấp. Khi tôi hỏi một nam sinh trong lớp rằng tại sao cậu ấy không công khai băn khoăn về điểm số của cậu ấy như các nữ sinh khác vẫn làm, cậu ấy đã trả lời: "Không có gì tồi tệ với một thằng đàn ông hơn việc được nhìn nhận như ngoan ngoãn và chăm chỉ".

 

Trong một báo cáo dựa trên cuốn sách "Sự nổi lên của nữ giới: Sự gia tăng khoảng cách giới trong giáo dục và ý nghĩa của nó đối với các trường học tại Mỹ" năm 2013, nhà xã hội học Thomas A.Diprete và Claudia Buchmann đã quan sát được: "Kết quả kém hơn của nam giới trong trường học không liên quan tới giải phẫu hay hoóc môn hay cấu trúc não bộ mà là những chuẩn mực xã hội dành cho phái nam. Trên thực tế, những bạn trai tham gia vào các hoạt động văn hóa ngoại khóa như âm nhạc, nghệ thuật, kịch hay học ngôn ngữ khác thì được báo cáo là có mức gắn kết với trường học và điểm số cao hơn những nam sinh khác. Nhưng những hoạt động văn hóa này thường bị các nam thanh niên khác bôi nhọ là ẻo lả èo uột. Họ cũng thấy rằng: Suốt những năm tiểu học và cả sau đó, phái nữ liên tục cho thấy "những kĩ năng xã hội và hành vi tốt hơn" - điều khiến họ có được "nhận thức cao hơn trong học tập" và "mức độ đầu tư cao hơn cho học tập".

 

Không quá bất ngờ khi tỉ lệ nhập học đại học ở nữ giới vượt qua nam giới ở Mỹ. Vào năm 1994, theo phân tích của trung tâm nghiên cứu Pew, 63% nữ giới và 61% nam giới nhập học đại học ngay sau khi tốt nghiệp trung học; vào năm 2012, tỷ lệ nữ giới đã tăng lên 71%, nhưng tỷ lệ nam giới thì không đổi.

 

Vào thời điểm mà nam giới tiếp cận đại học thì một khuôn mẫu giới đã in sâu và bén rễ trong họ đủ để nuôi dưỡng những câu chuyện mà họ từng nghe về chính bản thân họ trong tư cách là người học.

 

Thà có được vinh danh là "đàn ông" còn hơn là thành công như một mụ đàn bà, tất cả đều nằm ở cái mác của việc không ngừng phải chứng minh bản sắc của mình với chính mình và người khác.

 

Khóa học "Nụ cười thực sự của đàn ông" xem xét những thay đổi và sự ổn định trong nhận thức của nam giới từ thế kỉ 18, và đã phát triển thành một bài giảng đầy kích thích được thực hiện bởi Michael Kimmel - nhà nghiên cứu chuyên đề và tác giả trong một lĩnh vực đang nổi lên đó là nghiên cứu về sự nam tính.

 

Tiến sĩ Kimmel đã tới trường tôi - Đại học Towson, vào năm 2011 để thảo luận về "luật huynh đệ" (Bro Code) trong các qui ước của phái nam trong trường Đại học. Trong buổi nói chuyện, ông đã mổ xẻ nhiều qui tắc bất thành văn, các hành động được coi là chuyện thường cần có của nam sinh da trắng: phim khiêu dâm trên mạng, uống rượu say, tình huynh đệ mà trong đó sự tôn trọng giữa các anh em trong hội tỉ lệ thuận với sự coi thường nữ giới trong khi quan hệ tình dục, và cuối cùng, cách phổ biển khẳng định sức mạnh mong manh của họ là trò chơi điện tử.

 

Khi tiến sĩ Kimmel khéo léo chuyển hướng một làn sóng phản đối trực tiếp, không khí trở nên rất căng thẳng. Một chàng trai trẻ đã đứng lên và phát biểu: "Tại sao thầy không thấy là rõ ràng các cô gái cũng rất hứng thú trong quan hệ tình dục như chúng ta; họ cũng chủ động đến với chúng ta". Tiến sĩ Kimmel lắc đầu khiến sinh viên tỏ ra bối rối rõ ràng.

 

Giọng nói của anh ta có chút dao động, chàng trai trẻ lắp bắp một vài câu được các nam sinh khác mớm lời, về cách mà phụ nữ có thể thiếu nhạy cảm và làm tổn thương người khác như đàn ông. Cậu ta nói nghe có vẻ như chính cậu ta là nạn nhân. Nhưng sau đó, tôi đã hỏi cậu ta rằng liệu cậu ta đã tìm kiếm sự an ủi và lời khuyên từ những người bạn chưa thì cậu ta nhìn tôi chằm chằm một cách hoài nghi, hai đồng tử của cậu ta như hai hòn đảo xanh nhỏ nhắn giữa biển khơi của lớp màng cứng ở mắt.

 

Tôi mong muốn từ khóa học này có thể khám phá những định kiến về của tâm lý nam giới - sự xấu hổ khi thể hiện nỗi buồn, thất vọng hay những cảm xúc mãnh liệt, ngoại trừ sự tức giận, chưa kể việc thể hiện nó ra ngoài và bị bọn con trai khác cô lập. Rất nhiều nam thanh niên, cũng như những học sinh này, cố vẽ nên những tấm mặt nạ giả tạo nhưng đầy sức thuyết phục, dù ẩn dấu sâu dưới đó họ không phải là những người mà họ đã cố giả vờ trở thành.

 

Nghiên cứu cho thấy 1 điều mà các giáo viên dạy mầm non luôn nhận ra rằng: từ khi còn sơ sinh cho đến lúc 4, 5 tuổi, các bé trai dễ xúc động hơn các bé gái. Một nghiên cứu của trường Y Harvard và Viện nhi Boston vào năm 1999 phát hiện rằng các bé trai 6 tháng tuổi thường có xu hướng thể hiện "biểu hiện tức giận trên khuôn mặt, để tỏ ra cảm giác phiền phức, để thực hiện cử chỉ rằng nó muốn được bế và có xu hướng khóc nhiều hơn con gái".

 

Báo cáo cũng cho thấy: "Các bé trai cũng chịu ảnh hưởng của định hướng xã hội nhiều hơn bé gái" - như là có xu hướng nhìn về phía mẹ và "thể hiện biểu cảm vui sướng trên khuôn mặt".

 

Điều này cũng diễn ra trong công trình của Niobe Way - một giáo sư phân ngành Tâm lý học ứng dụng của Đại học New York. Sau hơn 20 năm nghiên cứu, tiến sĩ Way kết luận rằng rất nhiều bé trai, đặc biệt là ở giai đoạn đầu và giữa tuổi thành niên, phát triển những mối quan hệ bạn bè sâu sắc và có giá trị, có thể sánh ngang với các cô gái về độ chân thực trong cảm xúc và sự thân mật.

 

Nhưng chúng ta đã xã hội hóa và loại bỏ tính dễ tổn thương ra khỏi họ. Khi họ lên 15 hay 16 tuổi, "họ bắt đầu có vẻ như đã hình thành khuôn mẫu về giới," - bà đã viết như vậy trong "Những bí mật thầm kín: Tình bạn của con trai và cuộc khủng hoảng trong kết nối". "Họ bắt đầu dùng những cụm từ như "no homo" (tiếng lóng, dùng sau lời nói hay hành động để khẳng định mình không đồng tính luyến ái hay không có dấu hiệu dị tính nào cả) ... và họ nói với chúng tôi rằng họ không có thời gian cho những người bạn là nam khác, kể cả khi họ muốn những mối quan hệ đó được duy trì".

 

Khi phái nữ đã vượt mặt nam giới ở trường học, mối đe dọa được những người đàn ông mỏng manh này cảm thấy thường được thể hiện ra trong các mối quan hệ mà họ tiếp xúc nhiều nhất. "Con trai không chỉ đầu tư vào các mối quan hệ tình ái nhiều hơn mà họ còn ít tự tin hơn trong việc chèo lái mối quan hệ so với các cô gái" - nhà xã hội học Robin W. Simon đã viết như vậy trong tạp chí về Sức khỏe và Hành vi xã hội. Đó chính là vấn đề, bởi vì "các đối tác tình ái là những nguồn thân cận chính của nam giới", trong khi các cô gái còn có thể chia sẻ với gia đình và bạn bè mình.

 

Ảnh: Nytimes
 

Một số nhà phê bình văn hóa đã liên hệ việc dễ tổn thương về mặt cảm xúc với sự suy giảm của đặc quyền nam giới và tất cả những gì mà nó kéo theo. Sự nhận thức về nguy cơ của việc giảm thiểu sức mạnh đang bộc lộ những mảnh nứt vỡ xấu xí, thậm chí đôi khi còn nguy hiểm trong tâm lý người con trai. Các chuyên gia chỉ ra bạo lực tình dục ở trường học và cả những kẻ giết người hàng loạt như ở trường Cao đẳng Cộng đồng ở Oregon và một rạp chiếu phim ở Colorado. Những tay súng này được nhận định là có hai điểm chung về đặc điểm siêu nam tính: cảm giác bị cô lập sâu sắc và sự khát khao trở thành “bang chủ” khét tiếng.

 

Với rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người đàn ông trẻ tuổi phải chịu đựng lực hấp dẫn của những đặc tính nam giới truyền thống, những nghiên cứu về nam giới đang dần được xác nhận là một ngành độc lập, chứ không phải là một ngành con của khoa học về phụ nữ. Trường Đại học Hobart và William Smith đã tiến hành một thí nghiệm nhỏ ở đàn ông từ giai đoạn cuối những năm 90. Trung tâm Nghiên cứu nam giới và nam tính được thành lập vào năm 2013 ở trường Đại học Stony Brook, là một bộ phận của trường Đại học New York. Họ lên kế hoạch để trao tấm bằng cử nhân đầu tiên vào năm 2018. Năm ngoái, trung tâm đã tổ chức một hội thảo quốc tế về nam giới và nam tính, chủ đề bao gồm cương vị làm cha, tình bạn của nam giới và sự cân bằng trong công việc và đời sống gia đình.

 

Vậy tạo sao các học xá không có nhiều các trung tâm tư vấn dành cho con trai nhiều hơn?

 

Một số trường Đại học cung cấp các dịch vụ tư vấn cho đàn ông da màu và đồng tính, và một số câu lạc bộ mà các thành viên nam có thể tìm hiểu về các cuộc khủng khoảng của bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Chỉ một vài dịch vụ quí giá ở trường Đại học trong đó có đại học Massachusetts và Simon Fraser đưa ra phương pháp cho tất cả nam giới để cùng khám phá những cuộc đấu tranh tương đồng ở họ. Những dịch vụ này không tồn tại mà không bị gây áp lục. Nói về việc trao quyền cho cảm xúc của nam giới, nhẹ thì bị mọi người tròn mắt, nặng là có những cuộc biểu tình dữ dội - giống như khi trung tâm Simon Fraser được đề xuất thành lập vào năm 2012, và cả các bạn lẫn nữ ở trường đều thách thức nhu cầu có một "không gian an toàn" cho các thành viên của giới thống trị

 

Nhưng liệu việc khuyến khích đàn ông thể hiện toàn bộ trường nhân cách của họ có mang lại lợi ích cho phụ nữ? Tại sao chúng ta tiếp tục hạn chế đời sống tâm hồn của nam giới khi nó không phục vụ lợi ích cho ai cả? Câu hỏi này là một kế hoạch hoa mỹ mà tôi đưa ra cho sinh viên trước khi họ bắt đầu cái gọi là trải nghiệm "Đàn ông đich thực".

 

Trong bài tập này, sinh viên gặp những người lạ mặt để tìm hiểu, chứng kiến tận mắt những tiêu chuẩn được xã hội hóa của nam giới và để xác định liệu những chuẩn mực này có thúc đẩy phát triển một bản sắc khỏe mạnh và bền vững hay không.

 

Những phát hiện này dẫn đến những buổi thuyết trình hấp dẫn. Một sinh viên phỏng vấn người bạn nam và nữ của cô về việc hẹn hò của họ, và diễn lại tập hợp những kinh nghiệm của họ từ con mắt của một người đàn ông và phụ nữ. Một bài trình bày khác lại phát hiện ra những tấm màn im lặng và lo âu bao phủ lên phòng kì túc xá của sinh viên nam. Hai sinh viên khác thì thu thập được những thông tin về nhận thức về giới của trẻ nhỏ ở một cửa hàng đồ chơi. Một trong những công trình hé lộ nhiều nhất là một bài Power Point của một sinh viên đã quay phim chính mình và sau đó là một bạn nữ khác, 2 người giả vờ khóc giữa đám đông trong phòng giải lao của thư viện trường Đại học, từ đó đánh giá các phản ứng khác biệt của những người đi qua.

 

Tôi hỏi cậu ấy: “Em nghĩ tại sao một số phụ nữ lại dừng lại để xem cô bạn của mình có ổn không?” “Và tại sao không một ai làm điều tương tự cho em?”

 

Cậu ta khoanh tay lại, con trỏ laze ấn vào bắp tay giống như một mũi tiêm, và dừng lại. Thậm chí ngay cả tới thời điểm này của khóa học, sinh viên, trong đó có những người đã tiếp cận với các vấn đề giới trước đây, có vẻ mù mờ về chính những định kiến thâm căn cố đế trong họ. Bởi vậy, câu trả lời của cậu ta khiến nhiều người phải nhướn mày: "Nó như thể là chúng ta sợ" - cậu ra nói, "rằng sự sắp đặt của tự nhiên sẽ bị sụp đổ".

 

Andrew Reiner dạy viết luận, văn học và nghiên cứu văn hóa tại trường Đại học Towson.

 

 Trạm đọc (Read Station) dịch và tổng hợp

Theo New York Times