Trạm Ngỏ: Trước một thế giới vô nghĩa, Leo Tolstoy chọn quay trở lại dưới sự bao bọc của Thượng Đế để tìm lại ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhưng với thế những người sống trong thế kỉ 21 hiện nay, đây là một giải pháp gần như bất khả. Khoa học hiện đại và chủ nghĩa duy vật đã chôn sống Chúa dưới mồ từ lâu và với đa phần người Việt vô thần thì chúng ta không có chút cảm xúc linh thiêng nào khi nhắc đến Chúa
Có một giải pháp khác mà nhà thần thoại học Joseph Campbell, sau khi đã nghiên cứu hàng trăm nghìn câu chuyện thần thoại ở khắp mọi nơi trên thế giới, gọi là Monomyth, Hành trình của vị anh hùng. Vị anh hùng, không nhất thiết phải đi chém rồng, tiêu diệt tên phù thuỳ độc ác, hay giải cứu thế giới như biệt đội anh hùng, mà mỗi người trong chúng ta đều có thể là một người anh hùng tinh thần: dũng cảm nghe theo tiếng gọi phiêu lưu, đối đầu với bất trắc, và tạo ra trật tự từ sự mơ hồ đó. Bởi vì, như Joseph Campbell từng nói, cái hang bạn sợ hãi không dám bước vào lại chính là nơi chứa đựng kho báu mà bạn đang tìm kiếm.
Đó là lý do những con rồng gian ác, khè lửa, có thể nuốt chửng bạn lại canh giữ những kho báu vĩ đại nhất thế gian. Chúng có thể giết bạn, nhưng chúng cũng có thể mang đến phần thưởng lớn nhất cho đời bạn. Đó chính là Sức mạnh của sự mơ hồ và bí ẩn. Những việc mà bạn sợ hãi nhất – tỏ tình với người mình thích 10 năm, du học Harvard, phỏng vấn công việc ao ước – chúng vừa là những thứ đáng sợ nhất, bất trắc nhất, nằm ngoài vùng an toàn của bạn – nhưng lại là "Viên kim cương" mà bạn ao ước nhất.
Phiên bản hiện đại của Monomyth của thế kỉ 20, được tác giả Jamie Holmes, diễn giải lại trong thế kỉ 21, dưới góc nhìn của tâm lý học hiện đại, qua cuốn sách Sức mạnh của sự mơ hồ và bí ấn.
Con người hiện đại không có chút lòng thương xót cho những gì mơ hồ, bí ẩn, bất thường, bối rối. Chúng ta, từ trong các công ty, trường học, gia đình, giam mình trong nhà tù của các quy tắc để kiểm soát, tiêu diệt mọi những dị thường của cuộc sống. Vòng tròn an toàn của ta ngày càng mở rộng, sinh ra mối nguy hiểm của việc bóp nghẹt những sự mơ hồ, nằm trong vùng mơ hồ, vốn cực kì cần thiết cho sự sáng tạo, sự tăng trưởng. Tổng hợp những phát hiện tự ngành tâm lý học xã hội và khoa học nhận thức, nhà nghiên cứu Jamie Holmes đã viết nên một cuốn sách giúp bạn đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong thời hiện đại: lao mình với bất trắc, mơ hồ, bí ẩn để biến nó thành đồng mình của mình. Bên ngoài vùng an toàn của là nguồn sức mạnh to lớn của sự mơ hồ, và cuốn sách này sẽ chỉ bạn cách khai thác chúng.
Khi vừa bước sang tuổi năm mươi, Leo Tolstoy (9/9/1828 – 10/11/1910) rơi vào cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Để lại sau lưng những tác phẩm vĩ đại nhất, ông nhận ra cảm quan về ý nghĩa cuộc sống của mình bỗng đi xuống ngay khi danh vọng và sự tung hê của dư luận đang cuồn cuộn dâng trào, ông chìm sâu vào chứng trầm cảm và luôn u sầu dù có một gia sản lớn, sức khỏe tốt so với tuổi của ông, một người vợ đã sinh cho ông mười bốn người con, và viễn cảnh về sự nổi tiếng vĩnh hằng trong giới văn học.
Trên bờ vực tự tử, lần cuối ông đưa tay ra nắm lấy tia sáng giữa bóng tối đang bủa vây lấy sự tồn tại của chính ông, để biến nó thành thứ triết lý, tôn giáo vĩ đại của thế giới, trả lời cho câu hỏi muôn đời về ý nghĩa cuộc sống. Năm 1879, một thập kỷ sau Chiến tranh và Hòa bình, hai năm sau Ann Karenina và một thập kỷ trước khi ông tập hợp những phát hiện triết học của mình và ghi này trong cuốn Calendar of Wisdom (Lịch minh triết), Tolstoy đã bàn về thảm họa của sự tồn tại trong đời sống nội tâm của ông trong cuốn Tự Thú– một cuốn hồi ký tự truyện tỏ rõ lòng mình và những cảm xúc mạnh mẽ đang trào dâng, tác phẩm cũng cho ta biết những tiên liệu của Tolstoy về tiền bạc, danh vọng, và những lý do sai lầm cho việc cầm bút.
Ông so sánh diễn biến chứng trầm cảm của bản thân như một căn bệnh thể chất nghiêm trọng. Tolstoy viết: "Giống như những gì xảy ra với người có vết nội thượng chí mạng. Lúc đầu những triệu chứng khó ở thoáng xuất hiện, không khiến người bệnh lưu tâm nhiều, sau đó những triệu chứng này lặp lại với cường độ thường xuyên hơn gây ra những cơn đau triền miên. Cơn đau ngày một dữ dội và trước khi người bệnh có thể hiểu chuyện gì đang xảy, triệu chứng khó ở đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với anh ta, hơn bất cứ điều gì khác trên thế gian – đó là cái chết!"
Các triệu chứng đặc thù của việc mất khoái cảm bủa vây lấy ông – không còn đam mê cho công việc, từ bỏ cái danh vọng vĩnh hằng mà ông từng mơ ước bởi giờ nó đã trở nên thật vô nghĩa. Ông thậm chí dừng việc ra ngoài săn bắn với khẩu súng của mình, sợ rằng sẽ không vượt qua được cám dỗ mà tự kết liễu đời mình. Dù từ góc độ là một người sáng tạo, ông không thừa nhận sự tồn tại của “một ai đó”, ông dần cảm nhận cuộc đời mình là một trò lố mà “một ai đó” đã áp đặt lên – một trò lố mà khi người ta nhận thức được sự vô thường tất yếu của bản thân thì càng trở nên tuyệt vọng hơn.
Hôm nay hay ngày mai, bệnh tật và cái chết sẽ đến (chúng đã đến rồi) với những người tôi yêu mến và với cả bản thân tôi; không còn lại gì ngoài mùi hôi thối và dòi bọ. Sớm hay muộn thì những vấn đề của cá nhân tôi, dù có là gì đi chăng nữa, cũng sẽ bị quên lãng, và tôi không còn tồn tại nữa. Vậy tại sao phải cố gắng?…Làm sao người ta không thể nhận ra điều này? Và làm thế nào để tiếp tục sống? Đây chính là điều đáng kinh ngạc! Một người chỉ có thể sống khi người ta say xỉn với đời, ngay khi anh ta tỉnh táo trở lại hầu như không thể không nhìn ra cuộc đời chỉ là một sự lừa dối, một sự lừa dối ngu xuẩn! Đó chính là bản chất của nó: chẳng có gì vui nhộn hay dí dỏm về nó, đơn giản chỉ là tàn bạo và ngu xuẩn.
Nếu chỉ đơn giản hiểu rằng cuộc sống không có ý nghĩa, tôi đã có thể chịu đựng điều đó trong lặng lẽ và coi đó là điều may mắn của mình. Nhưng tôi lại không thể thỏa mãn bản thân với điều đó. Nếu tôi giống như một người đàn ông sống trong rừng, biết rằng lối ra không tồn tại thì tôi đã có thể sống, nhưng tôi lại là một kẻ lạc lối trong rừng, kinh hoàng lo sợ mình sẽ đi lạc và nháo nhào tìm cách thoát ra. Anh ta biết rằng mỗi bước anh ta đi càng làm anh ta thêm rối trí, nhưng anh ta không đừng được việc đâm quàng đâm bậy. Thực sự là kinh khủng. Để giải thoát bản thân khỏi nỗi kinh hoàng này, tôi đã muốn tự kết liễu đời mình.
Nhưng ông nhận ra rằng gốc rễ của căn bệnh tinh thần này, cuộc tìm kiếm không phải của riêng ông và nó cũng không phức tạp.
Câu hỏi của tôi…là câu hỏi đơn giản nhất, nó nằm trong tâm khảm của tất thảy mọi người, từ đứa trẻ ngây thơ tới cụ già tinh anh nhất, đó là một câu hỏi mà không có lời giải đáp thì người ta không thể sống được, như kinh nghiệm của tôi. Đó là: “Việc mình làm hôm nay hay ngày mai sẽ đem lại kết quả gì ? Cuộc đời này sẽ để lại điều gì?” Nói theo cách khác: “Tại sao tôi sống, tại sao tôi lại muốn gì, hoặc làm gì?” Hoặc “Liệu cuộc đời tôi có một ý nghĩa nào đó mà cái chết lăm le chực chờ phía trước cũng không thể phá hủy ?”
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng lại sâu rộng vô cùng này, ban đầu Tolstoy đã tìm đến khoa học, nhưng nhận ra thay vì nhận thức vấn đề và đi vào trả lời cho câu hỏi, khoa học lại tránh né nó và đặt ra những câu hỏi khác, rồi đi trả lời chúng. Trên hết, ông thấy rằng khoa học không có khả năng soi rọi cái vô hạn mà thay vào đó thu hẹp cả câu hỏi và câu trả lời về với cái hữu hạn. Ông viết:
Tất cả những lời này đều chẳng có ý nghĩa gì hết, vì trong vô hạn không có sự phức tạp cũng như đơn giản, không có tiến hay lùi, không có tốt hay xấu.
Một người thực sự muốn tìm kiếm cách sống không thể thỏa mãn với câu trả lời – “Nghiên cứu trong không gian vô tận các đột biến của các nguyên tử, thời gian của chúng là vô cùng và sự phức tạp của chúng là vô hạn, và sau đó ta sẽ hiểu cuộc sống của chính mình” – và anh ta cũng chẳng thể thỏa mãn với câu trả lời: “Nghiên cứu toàn bộ cuộc sống của nhân loại, sự khởi đầu và kết thúc của cuộc sống ấy ta không thể biết, ta thậm chí cũng không thể biết một phần nhỏ của nó, và sau đó ta sẽ hiểu cuộc sống của chính mình.”
Một thế kỷ rưỡi trước khi Alan Lightman vật lộn với cùng một nghịch lý, Tolstoy đã nắm bắt được cái tình huống khó xử trong cuốn Catch-22:
Vấn đề của khoa học thực nghiệm là chuỗi các nguyên nhân và kết quả của hiện tượng vật chất. Chỉ cần khoa học thực nghiệm đưa ra câu hỏi về nguyên nhân cuối cùng là nó đã trở nên vô nghĩa rồi. Vấn đề của khoa học trừu tượng là sự công nhận bản chất nguyên thủy của cuộc sống. Chỉ cần khoa học trừu tượng đề cập tới việc nghiên cứu các hiện tượng hậu quả (như hiện tượng xã hội và lịch sử) là nó cũng đã trở nên vô nghĩa rồi. Khoa học thực nghiệm về sau chỉ đưa ra những kiến thức tích cực và thể hiện sự vĩ đại của tâm trí con người mà không đề cập tới việc nghiên cứu câu hỏi cho nguyên nhân cuối cùng. Trái lại, khoa học trừu tượng chỉ là một môn khoa học, hiển thị sự vĩ đại của tâm trí con người khi nó gạt sang một bên các câu hỏi liên quan tới nguyên nhân kết quả của các hiện tượng và coi con người chỉ liên quan đến nguyên nhân cuối cùng.
Ông sau đó quay sang triết học, nhưng thấy thất vọng không kém:
Triết học không chỉ không đưa ra lời giải đáp mà còn lặp lại câu hỏi ấy. Nếu đây là triết học đích thực, thì tất cả công lao của nó chỉ nằm ở mỗi việc trình bày lại câu hỏi cho rõ ràng.
Thay vì một câu trả lời, ông tìm thấy ở triết học “cùng một câu hỏi, chỉ là trong một hình thức phức tạp khác.” Ông than phiền về sự bất lực của cả khoa học và triết học trong việc đưa ra một câu trả lời thỏa đáng:
Một loại kiến thức không trả lời được câu hỏi về cuộc sống, loại khác đưa ra câu trả lời khẳng định trực tiếp nỗi tuyệt vọng của tôi, cho thấy những kết luận mà tôi đi tới không phải là kết quả của cái tâm trí hỏng hóc hay bệnh tật của tôi, mà ngược lại những điều tôi nghĩ là đúng và suy nghĩ của tôi trùng lặp với kết luận của những tâm trí vĩ đại nhất.
Thất vọng, Tolstoy tự trả lời câu hỏi của chính mình:
“Tại sao mọi thứ hiện diện lại tồn tại và tại sao tôi lại tồn tại?” “Bởi vì nó tồn tại.”
Đó là cảm giác mà John Cage một thế kỷ sau trong (“No why. Just here.”) và George Lucas trong (“There is no why. We are. Life is beyond reason.”) – đã đưa ra một nhận định tương đương với tinh thần của Phật giáo. Và thực sự Tolstoy đã tìm tới tâm linh trong một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng để tìm một lời giải đáp – trước hết bằng cách tìm hiểu những người sống quanh ông, làm cách nào họ có thể sống với những câu hỏi ngày đêm ám ảnh như thế. Ông đã tìm thấy ở họ bốn chiến lược để kiểm soát cơn khủng hoảng sự tồn tại, nhưng tất cả chúng đều không giải quyết được vấn đề:
Tôi thấy rằng đối với những người sống quanh tôi có bốn cách thoát khỏi tình thế khủng khiếp mà tất cả chúng ta đều bị đặt vào.
Cách thứ nhất là sự thiếu hiểu biết. Nó gồm việc không biết, không hiểu rằng cuộc sống là một điều tồi tệ và lố bịch. Từ (những người thuộc loại này) tôi không có gì để học – một người không thể không biết cái anh ta đã biết.
Cách thứ hai là chủ nghĩa khoái lạc. Nó gồm, trong khi hiểu sự tuyệt vọng của cuộc sống, tận dụng những lợi thế sẵn có của mình, không quan tâm tới việc lớn cũng như việc nhỏ, chỉ chăm chăm hưởng thụ theo cách tốt nhất, nhất là khi có điều kiện để tận hưởng…Đây là cách mà đa số những người sống quanh tôi áp dụng để khiến cuộc sống trở nên dễ thở hơn. Hoàn cảnh của họ đem đến cho họ nhiều điều để tận hưởng hơn là những khó khăn, và sự chai mòn về đạo đức cho phép họ quên rằng những lợi thế từ địa vị của họ là tình cờ… điều khiến tôi trở thành Solomon hôm nay cũng có thể biến tôi trở thành nô lệ của Solomon ngày mai. Sự thiếu nhanh nhạy trong tưởng tượng cho phép họ quên đi những điều khiến Đức Phật không thể yên lòng – hôm nay hoặc ngày mai những điều tất yếu như bệnh tật, tuổi già, cái chết sẽ làm tiêu tan những lạc thú này.
Cách thứ tư là sự yếu đuối. Nó gồm việc nhận thức sự thật của cuộc sống mà vẫn bám víu vào nó, biết trước rằng nó chẳng đem lại điều gì. Những người thuộc loại này hiểu rằng cái chết thì tốt hơn cuộc sống, nhưng lại không có sức mạnh để hành động theo lý trí – tự kết liễu đời mình và nhanh chóng kết thúc sự giả dối này – dường như họ còn chờ đợi một điều gì đó. Đây là lối thoát cho sự yếu đuối, bởi nếu tôi biết điều gì là tốt nhất và tôi có thể làm, tại sao lại không làm?..Cách thứ tư này là sống như Solomon và Schopenhauer – biết rằng cuộc đời là trò đùa ngu xuẩn mà vẫn sống, tắm rửa, mặc đẹp, ăn tối, trò chuyện và thậm chí là viết sách. Điều này đối với tôi cực kỳ khó chịu và đau khổ, nhưng tôi vẫn ở nguyên vị trí đó.
Thấy mình thuộc loại thứ tư, Tolstoy bắt đầu đặt câu hỏi tại sao ông vẫn chưa tự sát. Đột nhiên ông nhận ra rằng một phần trong ông đang đặt câu hỏi về tính chính xác trong những suy nghĩ trầm cảm của mình, đưa ra một “nghi ngờ mơ hồ” về sự chắc chắn trong những kết luận của ông về sự vô tri của cuộc sống. Bị lúng túng vì nhận thức rằng tâm trí vừa là con rối vừa là thầy múa rối, ông viết:
Nó như thế này: tôi, lý do của tôi, đã thừa nhận rằng cuộc sống là vô nghĩa. Nếu không có gì cao hơn lý do (và không có: không có gì có thể chứng minh là có), thì lý do chính là người sáng tạo ra cuộc sống của tôi. Nếu lý do không tồn tại thì tôi cũng không tồn tại. Làm sao lý do có thể chối bỏ cuộc sống trong khi nó chính là người tạo ra cuộc sống? Nói theo cách khác, nếu không có cuộc sống, lý do của tôi sẽ không tồn tại, vì vậy lý do là con đẻ của cuộc sống. Cuộc sống là tất cả. Lý do vừa là quả ngọt của cuộc sống lại vừa chối bỏ nó. Tôi cảm thấy có gì đó không đúng ở đây.
Và ông khám phá ra rằng giải pháp không nằm trong khoa học, triết học hay cuộc sống của chủ nghĩa khoái lạc, nhưng trong những điều đó cuộc sống tồn tại ở hình thức đơn giản và tinh khiết nhất:
Suy ngẫm để nhận ra sự vô thường của cuộc đời không phải là khó, nhưng cuộc đời đã quen với những kẻ có lối suy nghĩ đơn giản nhất, và những kẻ ấy đã và vẫn đang sống. Làm sao mọi người đều sống mà không bao giờ nghi ngờ tính hợp lý của cuộc sống?
Kiến thức của tôi, được khẳng định bởi sự thông thái của các nhà hiền triết, đã cho tôi thấy rằng tất cả mọi thứ trên trái đất – hữu cơ và vô cơ – đều được sắp xếp một cách khéo léo – chỉ bản tôi là ngu ngốc. Và những kẻ ngu ngốc – chiếm đại đa số con người – không biết mọi thứ từ hữu cơ đến vô cơ được sắp xếp như thế nào, nhưng họ vẫn sống và đối với họ cuộc đời được sắp xếp một cách hoàn hảo!…
Và nó khiến tôi giật mình suy nghĩ: "Nhưng nếu như có điều gì đó tôi vẫn chưa biết? Sự thiếu hiểu biết thường có biểu hiện như vậy. Sự thiếu hiểu biết luôn nói những điều tôi đang nói. Khi nó không biết gì, nó cho đó là điều ngu xuẩn. Thật vậy, có vẻ như toàn thể nhân loại đã sống và sống như thể họ biết ý nghĩa cuộc đời của họ, bởi nếu không hiểu họ đã không thể sống, nhưng với bản thân tôi, tôi thấy toàn bộ cuộc sống này là vô nghĩa và tôi không thể sống được.
Thức tỉnh với những gì mà Stuar Firestein gọi là “vô minh ý thức” 130 năm sau đó, Tolstoy nhìn thấy điểm chết của mình ở góc nhìn mới:
Với ảo tưởng về niềm tự hào của tôi, tôi đã quả quyết rằng tôi, Solomon và Schopenhauer đã nêu ra câu hỏi một cách chính xác và hoàn hảo không gì có thể thay thế được – luôn chắc rằng mọi người không hiểu ý nghĩa cuộc sống – trên hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống tôi lại chưa một lần tự hỏi “Nhưng ý nghĩa cuộc sống của hàng tỷ người đang và đã sống trên thế giới là gì?”
Tôi đã sống lâu trong trạng thái của sự điên cuồng, một đặc trưng của những kẻ như chúng tôi rất phóng khoáng và mê khám phá. Nhưng nhờ tình cảm mới mẻ tôi dành cho những người lao động chân chính, tôi đã cố gắng hiểu họ và nhận ra họ không quá ngu ngốc như ta tưởng, và bất chấp niềm tin tuyệt đối của tôi rằng điều tốt nhất tôi có thể làm là treo cổ mình lên, tôi vẫn cảm thấy một cách bản năng là tôi muốn sống và hiểu ý nghĩa cuộc sống của tôi, tôi phải tìm kiếm ý nghĩa này không phải từ những người đã đánh mất nó và muốn tự sát, mà từ hàng tỷ người đã sống trong quá khứ, hiện tại, những người tạo ra cuộc sống và san sẻ gánh nặng cuộc sống của chính họ và cả của chúng ta nữa. Và tôi đã quan sát vô số những người sống đơn giản, họ ít học và nghèo khổ, những người này đã và đang sống, và tôi đã thấy ở họ một điều gì đó rất khác biệt.
Tôi thấy rằng, với những trường hợp hiếm hoi, tất cả những người đã và đang sống đó không vừa vặn với các suy đoán của tôi, và tôi không thể xếp họ vào thành phần không hiểu câu hỏi, bởi chính họ đã nêu nó ra và trả lời nó với sự rõ ràng phi thường. Tôi cũng không thể coi họ là những kẻ hưởng lạc bởi cuộc sống của họ nhiều thiếu thốn, đau khổ hơn là khoái cảm. Tôi lại càng không thể coi họ như những kẻ lê bước phi ý chí trong một sự tồn tại vô nghĩa, bởi mỗi hành động trong cuộc sống của họ cũng như bản thân cái chết đã được họ giải thích. Họ coi việc tự sát là tội ác lớn nhất. Dường như tất cả nhân loại đều hiểu ý nghĩa cuộc sống nhưng tôi không những không thừa nhận mà lại còn khinh bỉ họ. Dường như suy nghĩ một cách có lý trí không những không mang lại ý nghĩa cuộc sống mà còn chối bỏ nó: trong khi ý nghĩa cuộc sống được tạo nên bởi hàng tỷ người, bởi toàn thể nhân loại, những kiến thức kia lại dựa trên một số kiến thức giả tưởng khinh rẻ.
Kiến thức tư duy được đưa ra bởi những người có học và khôn ngoan, tư duy lý trí chối bỏ ý nghĩa của cuộc sống, trong đại đa số người dân, toàn thể nhân loại lại tiếp nhận ý nghĩa cuộc sống thông qua những kiến thức phi lý. Và kiến thức phi lý đó chính là đức tin, là những câu chuyện về thánh thần, sự kiến tạo sự sống trong sáu ngày, thiên thần và ác quỷ.. chính là điều tôi không thể chấp nhận ngày nào tôi còn giữ lại lý trí của mình.
Tình thế của tôi thật là khủng khiếp. Tôi biết tôi không thể tìm thấy gì trên con đường tư duy lý trí ngoại trừ việc chối bỏ cuộc sống, còn đức tin thì không gì khác hơn là sự phủ nhận lý trí, điều không thể đối với tôi hơn cả việc chối bỏ cuộc sống. Khi suy nghĩ một cách có lý trí cuộc đời này có vẻ là một điều tồi tệ, mọi người biết điều ấy và có quyền kết liễu đời mình, nhưng họ đã và vẫn đang sống, và bản thân tôi cũng đang sống dù tôi đã biết từ lâu rằng cuộc đời là vô nghĩa và tồi tệ. Theo đức tin, dường như để hiểu được ý nghĩa cuộc sống, tôi phải từ bỏ lý do của mình, nhưng đó lại là thứ duy nhất đòi hỏi phải có ý nghĩa.
Mâu thuẫn phát sinh ở đây. Hoặc là cái mà tôi gọi là lý do không có lý như tôi tưởng hoặc là điều tưởng như vô lý đối với tôi lại không quá vô lý như tôi tưởng.
Và ở đó ông đã tìm ra lỗ hổng trong tất cả các lập luận trước đây của mình, gốc rễ tình trạng u sầu của ông về sự vô nghĩa của cuộc sống:
Tôi công nhận rằng những lập luận từ tư duy lý trí là hoàn toàn chuẩn xác. Từ đó tôi đi đến kết luận tất yếu: cuộc sống là vô nghĩa, nhưng tôi nhận thấy có một sai lầm. Sai lầm nằm ở chỗ lý luận của tôi không phù hợp với câu hỏi đặt ra. Câu hỏi là: "Tại sao tôi phải sống, có nghĩa là, sự tồn tại hữu hạn của tôi trong thế giới vô hạn này sẽ để lại điều gì là thực, là bất biến? Và để trả lời câu hỏi đó tôi đã nghiên cứu cuộc sống.
Lời giải cho những câu hỏi về cuộc sống có thể không làm tôi thỏa mãn, vì câu hỏi của tôi, đơn giản như khi nó xuất hiện lần đầu tiên, yêu cầu một lời giải thích về sự hữu hạn trong tương quan với sự vô hạn, và ngược lại.
Câu hỏi của tôi:”Bất chấp thời gian và không gian, ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?” Và tôi đã trả lời một câu hỏi hoàn toàn khác: “Ý nghĩa cuộc sống của tôi trong phạm vi thời gian và không gian hữu hạn là gì?” Kết quả là, sau những nỗ lực suy ngẫm triền miên, câu trả lời tôi đạt được là: “Không gì cả”
Theo lý luận của tôi, tôi luôn so sánh (và cũng không thể làm gì khác hơn) hữu hạn với hữu hạn, vô hạn với vô hạn, nhưng vì lý do đó tôi đã đi đến một kết luận tất yếu: lực là lực, vật chất là vật chất, ý chí là ý chí, vô hạn là vô hạn, không có gì là không có gì – và đó là tất cả lời giải.
Kiến thức triết học không phủ nhận điều gì, mà chỉ trả lời nó không thể giải đáp được câu hỏi này – rằng đối với kiến thức triết học lời giải vẫn chưa được xác định.
Sau khi hiểu điều này, tôi biết không thể dùng tư duy lý trí để trả lời câu hỏi của tôi, những gì rút ra từ đó ám chỉ một câu trả lời chỉ có thể có được bởi một câu hỏi khác và chỉ khi quan hệ giữa vô hạn và hữu hạn được đưa vào câu hỏi. Và tôi hiểu rằng, dù câu trả lời của đức tin có thể không hợp lý và méo mó, họ có lợi thế là đưa vào mỗi câu trả lời mối liên hệ giữa hữu hạn và vô hạn, điều kiện cần cho một câu trả lời thỏa đáng.
Vì vậy, ngoài việc suy nghĩ lý trí, gần như là kiến thức duy nhất tôi thừa nhận, tôi đã buộc phải thừa nhận là tất cả nhân loại sống đều có một cách suy nghĩ phi lý trí khác – người ta có thể sống được bằng đức tin. Vẫn như trước đây, tôi coi đức tin là điều phi lý, nhưng tôi không thể không thừa nhận rằng mình nó đã giải đáp câu hỏi của loài người về cuộc sống, từ đó giúp họ tồn tại.
Tolstoy lưu ý rằng, đức tin có thể là bất cứ điều gì “mang đến ý nghĩa vô hạn cho sự tồn tại hữu hạn của con người, ý nghĩa đó không bị hủy hoại bởi khổ đau, mất mát và kể cả cái chết.” nhưng ông cẩn thận không đánh đồng đức tin với một tôn giáo cụ thể nào. Như Flannery O’Connor, người đã tinh tế chỉ ra sự khác biệt giữa tôn giáo và đức tin, Tolstoy viết:
Tôi hiểu rằng đức tin không chỉ đơn thuần là “bằng chứng của những điều không nhìn thấy”,… cũng không phải là một mặc khải (chỉ xác định một trong những chỉ dẫn về đức tin, không phải là mối quan hệ của con người với Chúa (trước hết ta phải định nghĩa đức tin sau đó định nghĩa Chúa, chứ không được định nghĩa đức tin thông qua Chúa), đó không chỉ là sự đồng tình với những gì đã được nói đến (và người ta thường luôn nghĩ về đức tin như thế), mà đức tin là sự hiểu biết về ý nghĩa cuộc sống con người. Đức tin là sức mạnh của cuộc sống. Nếu một người sống thì anh ta phải tin vào điều gì đó. Nếu anh ta không tin rằng mình phải sống cho điều gì thì anh ta sẽ không sống. Nếu anh ta không nhận ra bản chất hư ảo của sự hữu hạn, thì anh ta sẽ tin vào sự hữu hạn. Nếu anh ta hiểu bản chất hư ảo của sự hữu hạn thì anh ta sẽ tin vào sự vô hạn. Anh ta không thể sống mà không có niềm tin…
Để có thể sống, một người hoặc phải không nhìn thấy sự vô hạn hoặc phải có một lời giải thích về ý nghĩa cuộc sống kết nối cái hữu hạn với vô hạn.
Tuy nhiên khi càng khám phá đức tin kỹ hơn, ông càng thấy rõ ràng sự tách biệt giữa nó với tôn giáo, đặc biệt là với những lời dạy của nhà thờ Cơ đốc giáo và việc thực hành tín ngưỡng của đám nhà giàu. Một lần nữa, ông trở lại với người nông dân như một hình mẫu của sự cứu rỗi tâm linh, nối kết cái hữu hạn với vô hạn, và một lần nữa nhìn thấy ở họ một đặc tính gần giống với triết lý biết chấp nhận trong Phật giáo:
Ngược lại với những gì tôi quan sát từ những kẻ sống quanh tôi, cả cuộc đời trôi qua đi trong sự lười biếng, khoái lạc và bất mãn, tôi thấy những người lao động nặng nhọc, họ hài lòng với cuộc sống. Trái ngược với cách những kẻ quanh tôi chống lại số phận và phàn nàn về những mất mát và đau khổ, những người này chấp nhận bệnh tật và buồn đau mà không có bất kỳ sự lúng túng hay phản đối nào, và với một niềm tin tĩnh lặng và vững chắc rằng mọi thứ đều tốt đẹp. Trái ngược với chúng tôi, những kẻ càng khôn ngoan càng chẳng hiểu gì về ý nghĩa cuộc sống, mà chỉ thấy một sự mỉa mai tồi tệ với cái thực tế là chúng ta phải chịu sự đau khổ rồi chết đi, những người dân ấy sống và đau khổ, đối mặt với những đớn đau và cái chết bằng một sự tĩnh lặng, và đa phần là vui vẻ đón nhận..
Trái ngược hoàn toàn với sự hiểu biết của tôi, họ hiểu rõ ý nghĩa của sự sống và cái chết, họ lao động lặng lẽ, chịu đựng sự thiếu thốn và những khổ đau, sống và chết, không thấy ở đó hư không mà chỉ có điều tốt lành.
Tôi biết rằng nếu muốn hiểu cuộc sống và ý nghĩa của nó, tôi phải không được sống cuộc sống của một ký sinh trùng, mà phải sống một cuộc đời thật, và tìm kiếm ý nghĩa được gửi gắm trong cuộc sống bằng một nhân tính thật, phải đắm mình vào cuộc đời, kiểm nghiệm nó.
Theo Brainpickings
Thùy Linh (Bookaholic) dịch