Dám lựa chọn - Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho tiếng nói của riêng mình
Dám lựa chọn - Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho tiếng nói của riêng mình
Hy vọng rằng, khi cầm cuốn sách trên tay, ai trong số chúng ta cũng tìm thấy một lời an ủi cho cuộc đời bộn bề khó khăn và những điều không thể trù tính trước, đồng thời có can đảm lựa chọn những hướng đi cho chính mình.
Dám Lựa Chọn - Kim Hà Vi
(10 lượt)

Cuộc đời mỗi người đều được làm nên bởi những sự lựa chọn. Chúng có thể đúng và cũng có thể sai, có thể mang đến hạnh phúc và cũng có thể đưa ta đến mất mát và đánh đổi. Tuy thế, điều kiện tiên quyết ở đời vẫn là “dám lựa chọn”. Nếu chẳng dám đưa ra một lựa chọn vì chính bản thân mình, ta thậm chí còn chẳng thể nào tiến thêm một bước trong đời.

 Ấy là điều quý giá mà ta có thể đúc kết lại từ cuốn tự truyện dưới dạng thư của Kim Hà Vi, cây bút chọn khởi đầu nghiệp văn chương bằng cuốn truyện về chính cuộc đời mình, cuộc đời một người phụ nữ Việt Nam sinh ra vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX - Dám lựa chọn. Không đao to búa lớn, không phải một câu chuyện vĩ đại về một vĩ nhân, ấy chỉ là câu chuyện về một người bình thường giữa cuộc đời thường nhật. Trong sự bình thường ấy, người ta tìm được sự phi thường, không chỉ của riêng người phụ nữ ấy, mà còn của vô vàn người phụ nữ Việt Nam sinh ra cùng hoàn cảnh, để trân trọng và ngưỡng mộ.

Dám lựa chọn bắt đầu với lá thư gửi mẹ từ nước Đức xa xôi của cô con gái tên Trang. Trang từ nhỏ sống với mẹ, cha lưu lạc nơi xứ người và cũng đã có một gia đình riêng. Sinh ra và lớn lên ở thôn quê, cũng như nhiều cô gái khác khi đó, Trang kết hôn sau khi học hết cấp ba. Niềm đam mê với việc học đeo đuổi cháy bỏng trong cô, nhưng thực tại chua chát chưa bao giờ cho phép đam mê ấy được chắp cánh:

Nhưng mẹ lại phẩy tay gạt đi: “Học là ấm cho thân mày, chứ tao có được gì đâu.” Con thật buồn nhưng cũng không biết phải làm gì.

Cánh chim non nớt lần đầu tiên lìa tổ, tiến vào một hành trình mới quá đỗi lạ lẫm: kết hôn. Cuộc hôn nhân không được như mong đợi, khi tình yêu và hôn nhân trở thành lý do cho những xiềng xích nặng nề trói buộc và kìm hãm cô, ngăn cản cô phát triển mình và có được một cuộc sống bình thường bên cạnh cuộc hôn nhân. Tuy thế, với một người phụ nữ chân quê Việt Nam khi ấy, việc từ bỏ một cuộc hôn nhân chưa bao giờ là dễ dàng; Trang bị giằng xé giữa ham muốn được tự do, một thứ ham muốn rất con người bị tước đi trong cuộc hôn nhân ấy, và trách nhiệm vun vén gia đình mà người phụ nữ bao đời nay gánh trên vai. Trong lá thư của mình, cô viết: 

Con không đủ quyết tâm và sức mạnh để vượt ra khỏi lễ nghi và xã hội truyền thống đã trì giữ hàng nghìn năm nay. Chuyện ly hôn với Hoàng là một điều tối kỵ mà con không dám đề cập, hoặc thậm chí là chưa từng nghĩ tới…

Bước ngoặt thứ hai của cuộc đời Trang là chuyến du lịch sang Đức thăm ba và em gái. Khi cuộc hôn nhân dần đi đến bờ vực không thể cứu vãn, Trang tìm được sự bình yên trong tâm hồn khi ở trên xứ lạ, hoà mình với cuộc sống của ba cùng những người Hoa, người Việt hồn hậu và nhiệt thành. Cô bắt đầu học tiếng Đức và khát khao xây dựng cuộc sống mới tại nơi này. Cuộc hôn nhân dần sụp đổ, cô tìm cách làm đứt gãy những níu kéo cuối cùng với nó bằng cách kéo dài thời gian ở lại Đức. Ấy là lựa chọn của cô, và chính cô biết mình phải chấp nhận những chua chát của lựa chọn ấy: cái tiếng “bỏ gia đình tìm giàu sang nơi xứ người” sẽ đeo bám cuộc đời Trang mãi mãi, nhưng nó sẽ không khiến cô quay đầu lại và trở lại guồng quay cũ. Visa ba tháng tại Đức đã hết, cô phải chật vật tìm cách để được lưu lại tại Đức, thậm chí đã từng ở trong trại tị nạn với lý do mất giấy tờ tuỳ thân. Những truân chuyên và chật vật đã thay đổi cuộc đời cô, đồng thời cũng đưa cô tới một lối rẽ mới: cuộc hôn nhân thứ hai với một người Đức tên Muller.

Với Muller, Trang tưởng như đã tìm được một bến đỗ an toàn. Ở bên Muller, Trang đã có những năm tháng hạnh phúc, có hai đứa con nhỏ xinh xắn khiến cô vơi bớt nhọc nhằn và cô đơn nơi xứ người. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang: Muller muốn kết hôn với một phụ nữ châu Á, bởi ông muốn có một người vợ mang những nét tính cách châu Á truyền thống - một người sẽ khép mình, ít giao lưu với thế giới bên ngoài, dành toàn bộ thời gian, tâm trí và sức lực để vun vén cho chồng con. Trong khi đó, Trang lại không muốn mình trở thành một người như thế. Cô vẫn chăm sóc con cái chu toàn, lo cho Muller tới từng miếng ăn giấc ngủ, nhưng cô cũng muốn phấn đấu để có một cuộc đời toàn vẹn cho riêng mình. Cô học tiếng Đức và rồi từ đó theo học những lớp cao hơn về giáo dục tại một ngôi trường gần nhà. Muller lại chẳng muốn điều ấy xảy ra: ông gọi vợ mình là “con quạ đen”, chỉ trích cô không quan tâm đến mình và gia đình. Nếp sống của gia đình ông, nơi cha ông là trụ cột tài chính và mẹ ông dành cả đời tề gia nội trợ và chăm sóc gia đình, đã sớm ăn sâu vào ông, vô thức khiến ông kiếm tìm một nếp sống tương tự trong gia đình nhỏ với Trang. Những mâu thuẫn về lối sống, những lựa chọn cuộc đời, hay nhỏ nhặt hơn là cách dạy con hay những mối quan hệ với người thân trong gia đình, dần kéo thành những vết rạn nứt lớn, khiến cuộc hôn nhân của hai người chông chênh trên bờ vực sụp đổ.

Đọc Dám lựa chọn, có đôi khi ta sẽ không ngờ tới những gì mà Trang phải chịu đựng: một người có học thức và địa vị như Muller, khi đã không còn tình nghĩa, lại có thể cư xử tàn nhẫn tới nỗi khiến cả thể xác và tinh thần cô kiệt quệ. Cuộc đời có những lúc chẳng được như ý ta như vậy: ở tuổi bốn mươi, Trang thấy mình mất hết tất cả, với hai cuộc hôn nhân tan vỡ, những đứa con bị chính cha mình kìm kẹp, gieo vào tâm trí những ý niệm tàn nhẫn về mẹ. Người duy nhất ở bên cô khi ấy là Quang Phúc, đứa con với người chồng đầu, cậu nhóc đã đồng ý để mẹ giúp đỡ sang Đức học tập và lập thân lập nghiệp.

Cũng chính ở điểm tan vỡ nhất của cuộc đời ấy, Trang gượng dậy để làm lại mình. Cô tập viết bằng tiếng Việt, ban đầu gượng gạo như một đứa trẻ tập kể chuyện, để giãi bày lòng mình. Cô yêu công việc mình có tại một trường mầm non, trân quý từng phút giây hồn nhiên hiếm hoi bên những đứa trẻ. Cô chăm sóc tâm hồn mình bằng những cuốn sách, những bài giảng của thầy Thích Nhất Hạnh. Dẫu khó khăn vẫn còn đó, những mất mát và đổ vỡ vẫn hằn nặng trĩu lên trái tim, cô biết mình phải sống, sống cho tử tế, sống một cách tự tin và hạnh phúc. Bởi thế, sau rất nhiều năm vất vả, sau những quãng trượt dài trong đau khổ, cô khát khao được tìm lại chính mình:

 Đến bây giờ con vẫn miệt mài học tập, bất chấp mọi khó khăn, trở ngại, bất chấp sự đổ vỡ trong cuộc sống gia đình. Vẫn mải mê lượng đạt từng kinh nghiệm từng loại kiến thức trên đường đời, trên đất người, con âm thầm làm điều đó trong vô thức để chứng minh rằng mình là người có khả năng, mình đủ điều kiện để được chấp nhận trong cộng đồng này.

Dám lựa chọn không phải một câu chuyện kiểu mẫu

Tác phẩm không phải câu chuyện về một người vươn lên từ nghèo khó, trắc trở và đạt được những thành công mà người người mơ ước. Nhân vật chính của câu chuyện chỉ là một người phụ nữ đời thường như bao người, với cuộc đời đầy những chông gai, vênh lệch, khi chẳng có được tình yêu nào vẹn toàn, chật vật để tìm và có được một cơ hội để là mình. Tuy thế, chính những điều ấy lại làm nên thành công của cuốn sách. Nó dũng cảm kể một câu chuyện rất đời thường, những suy nghĩ đời thường và lo toan đời thường. Cũng chính trên những sự rất “đời thường” ấy, nó cho thấy sự phi thường của một người phụ nữ: những nét tính cách truyền thống, thậm chí có đôi phần cổ hủ, song hành với khát khao được khẳng định mình. Ở Trang, hai nét tính cách ấy không bài trừ lẫn nhau; cô vẫn là một người vợ, người mẹ, và cô cũng là chính mình, một người phụ nữ muốn được học, muốn được chấp nhận trong một cộng đồng sôi động, muốn có chỗ đứng của riêng mình trong xã hội. Những mâu thuẫn nội tại ấy không chỉ có ở Trang, mà có ở vô vàn người phụ nữ Việt Nam bao đời nay: những người không muốn sống mãi như một cái bóng của chồng, mà muốn chính mình cũng có được chỗ đứng riêng, tiếng nói riêng, và họ sẵn sàng chiến đấu vì tiếng nói ấy, như cách Trang đã chiến đấu qua những va vấp và xung đột để được tiếp tục đến trường.

Đọc Dám lựa chọn, người ta có thể đồng tình hoặc không đồng tình với những quyết định của nhân vật chính. Suy cho cùng, những sóng gió của cuộc đời cô phần lớn đến từ những quyết định của chính cô. Nhưng cuộc đời là vậy, chẳng ai trong số chúng ta không từng mắc sai lầm và phải trả giá hoặc đánh đổi cho nó. Điều quan trọng là, cho đến cùng, Trang vẫn muốn được là mình. Cô chiến đấu cho những gì mình coi là đúng đắn, dẫu có bao nhiêu sóng gió ập tới, dẫu cô đơn trên đất khách quê người và lép vế trong cuộc hôn nhân với người chồng thứ hai.

Dám lựa chọn là một câu chuyện hiếm thấy về một người phụ nữ đời thường, từ đó hun đúc nên tâm tư và cả sức mạnh của biết bao người phụ nữ Việt Nam từ ngàn đời nay. Khi thời thế dần thay đổi, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định, họ muốn tìm được chính mình và làm chủ cuộc đời mình. Cuộc đời có thể nhiều bão giông, có thể lắm va vấp, nhưng chính nó dạy con người dám lựa chọn. Chỉ khi dám lựa chọn, mỗi người mới có can đảm bước tiếp trên hành trình của mình, dẫu có vất vả đến đâu. 

Hy vọng rằng, khi cầm cuốn sách trên tay, ai trong số chúng ta cũng tìm thấy một lời an ủi cho cuộc đời bộn bề khó khăn và những điều không thể trù tính trước, đồng thời có can đảm lựa chọn những hướng đi cho chính mình.

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Dám lựa chọn – Tự truyện của một phụ nữ kiên cường

 
 
Tags: