Ý Nghĩa Của Sự Điên Loạn - Cách nhận diện nguồn cơn và xử lý những nỗi đau tinh thần sâu trong bạn
Ý Nghĩa Của Sự Điên Loạn - Cách nhận diện nguồn cơn và xử lý những nỗi đau tinh thần sâu trong bạn
Hãy nhìn nhận các chứng rối loạn đó trong chính bản chất của chúng, không tâng bốc cũng không hạ bệ, là cách bộc lộ, và đôi khi khi là khẳng định bản chất sâu thẳm nhất của con người chúng ta
Ý Nghĩa Của Sự Điên Loạn - Cách nhận diện nguồn cơn và xử lý những nỗi đau tinh thần sâu trong bạn
(7 lượt)
Qua tác phẩm Ý nghĩa của sự điên loạn - Neel Burton đã mang lại cho người đọc cái nhìn tổng quan về 6 chứng rối loạn tâm thần điển hình: rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, lo âu và tự hại, tự sát. Ở mỗi loại tác giả giới thiệu về lịch sử quá trình phát hiện và tìm cách chữa bệnh, các số liệu thống kê tỉ lệ mắc bệnh dựa trên các yếu tố giới tính, độ tuổi, môi trường văn hóa, xã hội… Các căn bệnh lớn lại được phân chia thành nhiều nhóm nhỏ theo một số tiêu chí xác định.

Thuật ngữ “tâm thần phân liệt” thì ra là bị hiểu sai từ thuật ngữ gốc, theo dụng ý của người đầu tiên đặt tên cho căn bệnh này là để biểu thị sự buông thả trong suy nghĩ và cảm xúc. “Không có gen quy định bệnh, nhưng sự kết hợp một số loại gen sẽ làm một người dễ hoặc khó mắc bệnh này hơn. Các nhà nghiên cứu những người có mức độ trải nghiệm bất thường và bất tuân thủ quy tắc một cách ngẫu hứng cao thì có năng suất nghệ thuật cao hơn và nhiều bạn tình hơn. Điều nay góp phần giải thích các gen có khuynh hướng gây ra bệnh này vẫn được suy trì và lan truyền rộng rãi trong cộng đồng người”.

Lần đầu mình tìm hiểu về trầm cảm là khoảng 5 năm trước, khi có vài thiếu niên tầm 13, 14 tuổi hỏi mình về loại bệnh này. Thời gian đó không hiểu có hiệu ứng gì mà rất nhiều bài báo viết về nó, tin tức về những người trẻ tuổi mắc bệnh ngày càng nhiều. Qua cuốn này mình biết thêm nhiều chi tiết hơn về trầm cảm. Chứng trầm cảm, theo nghiên cứu tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn đàn ông vì vấn đề về sinh lý, tâm lý, xã hội… Ngày càng nhiều người bị trầm cảm hoặc tự suy là mình bị trầm cảm, có lẽ đây là căn bệnh phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Theo phân tích của tác giả: “những bệnh nhân rơi vào thế trầm cảm vì cảm thấy thế giới này căn bản chưa đủ tốt. Họ muốn làm nhiều hơn, tốt hơn và tạo ra khác biệt, không chỉ cho bản thân mà còn cho tất cả những người xung quanh. Vậy nên nếu có thất bại hoặc thua cuộc thì cũng là bởi họ đã đặt tiêu chuẩn quá cao”.

Rối loạn lưỡng cực lại là một dạng rối loạn tâm trạng mà trong đó “các pha hưng cảm hưng cảm nhẹ và trầm cảm xuất hiện luân phiên và tái đi tái lại”. Khoảng một nửa số người mắc chứng rối loạn lưỡng cực đã tìm cách t ự s á t ít nhất 1 lần. Bên cạnh đó họ còn có nguy cơ bị thương hoặc tử vong cao đặc biệt trong các pha hưng cảm khi hành vi của họ trở nên hấp tấp hoặc liều lĩnh. Mặt khác, các nhà nghiên cứu từ lâu đã muốn chứng minh mối quan hệ giữa những người mắc bệnh này và những người giỏi sáng tạo nhưng đến nay vẫn chưa đủ bằng chứng để xác định rõ mối quan hệ này.

Phần tự sát và tự hại cũng mang lại nhiều tranh luận về mặt đạo đức của việc an tử tự nguyện, trong đó còn phân biệt: an tử thụ động và an tử chủ động. Vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi khá nhiều ở các nước trên thế giới, mà quan điểm theo đa số như thế nào thì chắc các bạn cũng biết rồi. Đọc chủ đề này mình cũng biết thêm nhiều về các mức độ, loại hình, cách thức tự hại, tự sát. Nó còn phụ thuộc vào thời điểm lịch sử, quan điểm xã hội và cả việc dễ hay khó tìm các vật dụng, thiết bị để tự hại, tự sát.

Tóm lại, cuốn này phù hợp cho ai muốn tìm hiểu khái quát, ngắn gọn vừa đủ về các rối loạn tâm thần này. [...] Xã hội thay vì y tế hóa hay lãng mạn hóa rối loạn tâm thần thì “hãy nhìn nhận các chứng rối loạn đó trong chính bản chất của chúng, không tâng bốc cũng không hạ bệ, là cách bộc lộ, và đôi khi khi là khẳng định bản chất sâu thẳm nhất của con người chúng ta”. “Khi nhận ra những đặc trưng của chúng và chiêm nghiệm, ta có thể chế ngự và tận dụng chúng, đây là óc thiên tài ở hình thái cao nhất.

Theo Omega Buddies - Phi Giao

Tags: