Người ta khiếp hãi khi nghe những gói tư vấn du học giá trên trời không dưới chục ngàn đô, thế nhưng các trung tâm du học, đặc biệt là du học Mỹ vẫn chưa bao giờ hết khách. Đầu tư vài chục ngàn để nhận lại vài trăm ngàn tiền học bổng chễm chệ trên trang chủ báo mạng như cô bé Harvard mấy ngày gần đây vẫn là một khoản lãi đáng kể. Thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau những hào nhoáng ảo đó là bao khó khăn chật vật của những du học sinh lần đầu tự lập ở nơi đất khách quê người.
“Tôi hay học đêm đến hai, ba giờ sáng” - Huyền Chip trong cuốn sách “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford" dường như nói hộ lòng tất cả các du học sinh Việt. Một môi trường với ngôn ngữ và phương pháp giáo dục hoàn toàn mới có thể làm khó cả những học sinh chuyên Anh giỏi nhất.
Vì vậy, mặc dù các trường đại học hầu hết đều cung cấp những lớp viết cơ bản cho học sinh quốc tế, viết một bài nghiên cứu hay một business plan vài chục trang vẫn là thử thách không hề nhỏ đối với sinh viên Việt Nam. Đó là chưa kể những từ ngữ chuyên ngành gồ ghề gấp nhiều lần từ SAT mà sinh viên các ngành đặc thù như khoa học hay xã hội học bắt buộc phải nằm lòng.
Ngoài ra, sinh viên cũng gặp vô vàn khó khăn trong việc làm quen với môi trường sư phạm với guồng quay nghẹt thở như đua công thức 1. Nếu như ở Stanford, chương trình học diễn ra theo quý “ngắn bằng hai phần ba một kỳ mà vẫn có đầy đủ thi giữa quý, thi cuối quý nên lịch học lúc nào cũng toàn thi là thi" thì ở Nhật Bản, theo Lê Nguyễn Nhật Linh trong cuốn "Đến Nhật Bản học về cuộc đời", trong một tiết học liên tục 90 phút thì “thời gian suy nghĩ luôn là các mốc 5 giây, 10 giây và 15 giây.” Các nền giáo dục càng tiến bộ thì càng coi trọng thời gian, nên việc các du học sinh quay như chong chóng và hụt hơi không theo kịp với cường độ học là chuyện thường ngày ở huyện.
Không hạnh phúc ở Stanford là một cái tội. Tôi là một tội đồ.
Nếu như học tập là một thử thách không dễ dàng thì hoà nhập cộng đồng lại là một khía cạnh phức tạp và khó khăn khác. Rào cản văn hoá khiến việc kết thân với các bạn nước ngoài, đặc biệt là những nước ngoài châu Á trở nên đặc biệt trắc trở, một phần vì những định kiến còn méo mó mà nước ngoài vẫn nhìn khi nói về Việt Nam.
Áp lực học tập, cảm giác bị cô lập và khó hoà nhập cộng với nỗi nhớ nhà da diết vô hình chung đã đẩy những cô bé cậu bé mang trên mình sứ mệnh cao cả của gia đình và đất nước vào những căn bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Nếu là du học sinh Mỹ, Singapore hay Nhật, chắc chắn các bạn không còn lạ gì với câu chuyện học sinh tự tử. “Tất cả chúng tôi được mặc định là những người chiến thắng. Tất cả chúng tôi bị áp lực phải chứng tỏ bản thân. Mỗi giây, mỗi phút hít thở bầu không khí của ngôi trường này là mỗi giây, mỗi phút chúng tôi phải chiến đấu.” Huyền Chip kể lại trong cuốn sách mới nhất của mình - "Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford."
Câu chuyện quen thuộc này hẳn nhiên không chỉ diễn ra tại Stanford của Huyền Chip, mà là hiện trạng đau lòng trong cộng đồng du học sinh tất cả mọi nơi trên thế giới. Có em phải bảo lưu học về nhà vì không chịu nổi sự cô độc trong những bữa cơm tự ăn tự nấu một mình.
Có bạn lại phải chuyển sang một nước khác gần nhà hơn để bố mẹ tiện chăm sóc. “Trầm cảm là một con dao không cán, mà lúc nào ta cũng nắm chặt trong tay” - kể cả ở nước Nhật với nền văn hoá thân thuộc hơn nhưng Lê Nguyễn Nhật Linh cũng không tránh khỏi là nạn nhân của căn bệnh tâm lý này.
Những bức ảnh chụp khuôn viên hoành tráng lộng lẫy đậm khí trời Tây, hay nụ cười rạng rỡ bên những gương mặt đủ màu da sắc tộc - ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đặc trưng này khi nói về du học. Nhưng chúng chỉ là bề nổi màu hồng mà đằng sau ấy là cả mặt xám phức tạp ta phải nghiêm túc nhìn nhận.
Bất kì ai đang có ý định du học đều cần phải được chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý qua nhiều cách như: tham khảo ý kiến ở các diễn đàn du học sinh nước ngoài, tìm hiểu kĩ về môi trường sống và học tập trên các phương tiện truyền thông, hay đọc những cuốn sách ghi lại chia sẻ thật của các du học sinh - những người đã và đang phải trải qua những khó khăn mà các bạn sắp đối mặt. Sẽ thật đáng tiếc nếu như các bạn phải đi khỏi một quốc gia, chỉ để đâm đầu vào những rắc rối ở một quốc gia khác.
Độc giả có thể tìm đọc cuốn sách Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford tại: Uranium (Bản có chữ ký), Tiki, hoặc Fahasha
Trang Sâu
Trạm Đọc