Phiên họp thường niên của Ban chấp hành Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á (ABPA) diễn ra chiều 8/7 theo hình thức trực tuyến. Dưới sự chủ trì của Hội xuất bản Thái Lan - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ABPA - phiên họp năm nay quy tụ 8/10 các hội thành viên tham dự.
Bên cạnh việc rà soát các hoạt động chung của năm 2020, đại diện từng hội thành viên đều lần lượt trình bày báo cáo về tình hình ngành xuất bản của nước mình.
Tới nay, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khiến hầu hết quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hứng chịu ảnh hưởng nặng nề về nhiều mặt. Ngành xuất bản của các nước cũng không phải ngoại lệ.
Theo bà Trasvin Jittidecharak, Tổng thư ký ABPA, Cố vấn Danh dự Hội xuất bản Thái Lan, năm 2020, số lượng đầu sách mới ở Thái Lan giảm 30% so với năm 2019, dẫn tới tổng doanh thu toàn ngành xuất bản ở nước này giảm 23%.
Ông Arief Hakim Sani. Chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia, cũng chia sẻ rằng số lượng thành viên của hội đã giảm từ 217 năm 2018 xuống còn 164 năm 2021, phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong bối cảnh khó khăn chung này, việc Hội Xuất bản Việt Nam trình bày số liệu hoạt động của năm 2020, với hơn 36.000 đầu sách và hơn 400 triệu bản, được đánh giá là điểm sáng của hoạt động xuất bản trong khu vực năm vừa qua.
Các chỉ số sản xuất kinh doanh của toàn ngành xuất bản Việt Nam cơ bản đạt được chỉ tiêu đề ra. Một số mảng sách có sự tăng trưởng khá ấn tượng như: Sách khoa học công nghệ, kinh tế tăng 83,8% về số cuốn, 37,9% về số bản; sách thiếu niên, nhi đồng tăng 18,09% về số cuốn; sách từ điển, ngoại văn tăng 21,68% về số cuốn, 891,69% về số bản…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều triển lãm sách, hội chợ sách kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước theo hình thức trực tuyến trên Internet tại địa chỉ Book365.vn, sử dụng công nghệ hiện đại với nhiều tính năng ưu việt, giao diện bắt mắt nên đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế.
Công cuộc chuyển đổi số đã mở ra một hướng đi mới cho hoạt động xuất bản, nhằm lan tỏa tri thức một cách hiệu quả nhất. Một số kinh nghiệm hoạt động hay về lĩnh vực chuyển đổi số cũng được chia sẻ.
Chẳng hạn Hội Xuất bản Indonesia phát triển Ikapi Store phục vụ thương mại sách trực tuyến và chống lại nạn sách giả, sách lậu. Dự kiến ra mắt vào tháng 8, Ikapi Store được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều đơn vị xuất bản Indonesia tham gia.
Hội Xuất bản Indonesia cũng có sáng kiến tổ chức Ngày hội Sách Quốc gia lần thứ nhất theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại thành phố Serang, tỉnh Banten, từ ngày 26 tới 30/5. Đây sẽ là ngày hội được tổ chức thường niên, luân phiên giữa các thành phố trên khắp Indonesia. Sang năm 2022, Java sẽ tổ chức sự kiện này.
Để thúc đẩy văn hóa đọc, Hội Xuất bản Thái Lan ra mắt app NoGongDong vào tháng 9/2020, bước đầu thu được thành công với gần 10.000 người sử dụng, cũng như trang web My Morals in New Normal (bài học đạo đức của em trong trạng thái bình thường mới), nhằm trang bị cho trẻ em những kỹ năng mềm cần thiết cho thế kỷ 21.
Kuala Lumpur, với vai trò là Thủ đô Sách Thế giới năm 2020, phối hợp Hội Xuất bản Malaysia và một số cơ quan khác, tổ chức 650 sự kiện và hoạt động, chủ yếu theo hình thức trực tuyến.
Hội Xuất bản Malaysia cũng lần đầu tiên tổ chức Giải thưởng Sách Malaysia, thu hút 522 đề cử từ 99 nhà xuất bản. Tất cả các hoạt động chấm và trao giải đều diễn ra trực tuyến.
Hội Xuất bản Malaysia cũng mới thành lập Trung tâm Quyền sao chép Malaysia nhằm hỗ trợ các nhà xuất bản và các tác giả trong những vấn đề liên quan.
Tuy phía trước vẫn còn nhiều thách thức, các hội xuất bản thành viên Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á đều tin tưởng việc sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, trên tinh thần hợp tác và chia sẻ, đặc biệt khi Hội xuất bản Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2023.
Theo Zing News