VH Tuổi 20: 'Thỏ rơi từ mặt trăng'- Khát vọng đi tìm bản ngã của tuổi trẻ
VH Tuổi 20: 'Thỏ rơi từ mặt trăng'- Khát vọng đi tìm bản ngã của tuổi trẻ
Nàng công chúa mặt trăng được sinh ra từ tình yêu của hai con người xuất thân từ hai thế giới. Nàng sống bình yên và vô vị trong vỏ ốc của riêng mình, cho đến một hôm, nàng tìm ra đường về quê mẹ.

 

 

Cuộc du hành lên mặt trăng hay chuyến hành trình tìm về bản ngã

 

 

Nguyễn Dương Quỳnh đã vẽ ra một thế giới tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích hay trong truyện thần tiên, nơi mặt trăng không phải là một hành tinh khô cằn nhiều đá sỏi mà chính là quê mẹ, có hoa thơm cỏ lạ và những chú Thỏ Mặt Trăng tinh ranh luôn tìm cách đưa nàng công chúa trở về.

Nhưng thế giới đó không hề bình yên, lãng mạn như bản chất ánh trăng xanh vốn có. Đó là một thế giới nội tâm dậy sóng của những người trẻ tuổi. Một nhân vật Tôi bị ám ảnh bởi cái chết như là một sự hi sinh của mẹ, có cuộc sống đơn điệu và buồn tẻ khi đắm chìm trong những trang viết đều đặn, lặp lại nhàm chán mỗi ngày. Một anh chàng Chuột kỳ quái, ranh mãnh, cục cằn, độc ác, thông minh xuất sắc mà cũng tàn nhẫn vô biên. Một cô em gái có vẻ ngoài trống rỗng, vô cảm, căm ghét vô hạn mà cũng yêu thương ngút ngàn… Tất cả họ hiện lên, vô cùng sống động và chân thực, trong những mẩu đối thoại cụt ngủn, gắt gỏng, đốp chát, trong từng tình huống chối bỏ, sỉ nhục, đe dọa lẫn nhau. Tuy nhiên, họ lại dính chặt vào nhau đến kỳ lạ bởi sự cô đơn mang tên tuổi trẻ, những ám ảnh về mục đích cho sự tồn tại của mình, những bất an mà họ luôn trốn tránh, và những nỗi sợ hãi trước sự vô nghĩa của thế giới.

Chuyến hành trình tìm bản ngã hay một cuộc phiêu lưu dậy sóng của tuổi trẻ

 

 

Những tình cảm thiêng liêng không dễ gọi tên

 

 

Đó là tình bạn không thể lý giải giữa Tôi và Chuột, hai cá thể luôn xung đột, hà khắc nhưng lại luôn gắn bó với nhau – một sự sóng đôi như hai mặt của một bản thể. Tình bạn đó đôi khi tưởng chừng như không hề tồn tại, bỗng chốc trở nên quá mạnh mẽ và rõ ràng, vì chính nó là chất xúc tác để họ có thể đến được mặt trăng, một thế giới có lực hấp dẫn lạ kỳ mà họ không dám hoặc không muốn thừa nhận.

Đó là tình mẫu tử tưởng như đã bị các nhân vật dìm xuống tận đáy sâu, chợt một sớm mai trỗi dậy làm họ thảng thốt. Người mẹ đến từ thế giới mặt trăng xinh đẹp, thoát tục và xa cách đã yên tâm an nghỉ vì tin rằng con mình chắc chắn sẽ không “lơ lửng” như bà từng lo sợ. Người mẹ mặt đất – mẹ của Chuột và em gái – lạnh lẽo, lãnh đạm, thờ ơ nhưng đã luôn ở bên cạnh Chuột và giữ yên lặng để anh ngủ một giấc thật sâu, thật dài cho qua cơn sốt. Còn là người mẹ mặt trăng thần thánh – bà ngoại của nhân vật Tôi – trong cuộc đối thoại gay gắt với cháu ngoại đến từ mặt đất, cũng thừa nhận rằng điều mà bà mong muốn nhất, đó chính là sự an toàn và hạnh phúc của con mình.

Đó cũng là tuyên ngôn của tác giả về thứ tình cảm đáng được tôn thờ - Tình cảm gia đình, của người cha đối với nhân vật Tôi, của giáo sư Thỏ và người mẹ - cô gái đến từ mặt trăng đã trót phải lòng anh bác sĩ trẻ...“Gia đình giống như vầng trăng. Nếu không có mặt trăng, những sinh vật sống bởi thủy triều sẽ chết hết. Chỉ vì không nhìn thấy được ích lợi của nó, không có nghĩa là nó vô dụng.” 

Gia đình giống như vầng trăng. Ánh trăng nhẹ dịu yên bình ấy liệu có thể chữa lành mọi tổn thương?

 

 

Và tựu trung lại, chúng ta đang đọc về một cuộc phiêu lưu

 

 

Chính thế, đó là một cuộc phiêu lưu. Nhưng không phải chúng ta sẽ cùng nhân vật chính bước vào tàu con thoi và bay cái vèo lên vụ trụ bao la, nơi có ngàn tinh tú nhấp nháy. Chúng ta sẽ theo từng bước chân ngập ngừng, sợ sệt, xen lẫn phấn khích của họ để đi xuống, từng nấc thang một, đến một cõi tăm tối vô định, đằng sau mặt trăng dịu dàng là muôn phần hiểm nguy ẩn giấu, nơi có một cái kết thật sự đáng ngạc nhiên đang chờ đợi họ.

Đích đến của tuổi trẻ chính là gì? Mục đích cho sự tồn tại của chúng ta trong cuộc đời này? Hai nhân vật chính của câu chuyện vẫn đang đi tìm lời giải. Mời bạn đi tìm cùng họ.

 


Nguyễn Dương Quỳnh – Sinh năm 1990, hiện đang học tập và sinh sống tại Kyoto, Nhật Bản. Tác phẩm đã xuất bản: Đỏ (2012); Thị trấn của chúng ta (2016).

  

Trên mặt trăng có Thỏ.

Đó là những gì mẹ tôi và giáo sư Thỏ đã nói, với một nụ cười bình thản trên môi.

Một người có xu hướng tâm thần, đầu óc kì lạ như mẹ tôi thì chẳng nói gì, nhưng nếu giáo sư Thỏ cũng nghĩ như thế, không phải là một sự sỉ nhục đối với khoa học hay sao? Chuyến viễn du của tàu Apollo 11 đã phơi bày cho thế giới thấy bộ mặt nứt nẻ khô khốc của chị Hằng. Trước ánh sáng rõ ràng của khoa học, không còn chỗ nào cho những giấc mơ tồn tại. Vào ngày 21 tháng 7 năm 1969, nhân loại vĩnh viễn mất đi những con thỏ mặt trăng, đổi lại một vệ tinh đầy đá. Không có một đứa trẻ con quá sáu tuổi nào không biết những sự thật vô tình rõ rành rành in giấy trắng mực đen đó. Vậy mà một giáo sư đại học, vẫn nói như thế.

“Bởi vì, chúng ta đến từ mặt trăng mà.”

 

Trích “Thỏ rơi từ mặt trăng” - Truyện dài dự thi Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức.

Các bạn độc giả theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: