Văn chương là trò chơi tự thân của người viết
Văn chương là trò chơi tự thân của người viết
Theo Nhật Phi, văn chương không cần gửi gắm thông điệp về lẽ sống, đạo đức làm người. Trong tác phẩm của mình, anh chỉ nhắn nhủ độc giả hãy đọc và yêu sách nhiều hơn.

Nhật Phi (sinh năm 1991) là cái tên quen thuộc trong làng văn trẻ. Người yêu văn chương biết đến anh qua Người ngủ thuê - tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ V. Trong số các tác giả vào vòng chung khảo, anh là người trẻ tuổi nhất.

Từ một sinh viên Đại học Ngoại thương, Nhật Phi nhanh chóng góp mặt trên bản đồ làng văn. Sau đó, anh ra mắt cuốn Nhật kí một người cô đơn, và dù có sáng tác hay không, anh vẫn chăm chỉ trong công việc dịch sách. Anh thường dịch tiểu thuyết, hiện tại, chuyển ngữ một serie sci-fi.

Bằng tâm thế của người trẻ sống trong xã hội, muốn bày tỏ góc nhìn về thời cuộc, tới đây, anh quay trở lại với một tác phẩm mang yếu tố tri ân, đậm dấu ấn phong cách cá nhân.

Người ngủ thuê là tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 năm 2014. Ảnh: NVCC.

"Tôi thấy sướng khi được viết fantasy"

Cuốn sách sắp ra mắt của Nhật Phi từng bị 6 đơn vị xuất bản từ chối vì nhiều yếu tố không đồng thuận, đặc biệt là độ dài. Đến lần thứ bảy, anh mới nhận được cái gật đầu từ một đơn vị làm sách.

Tác giả cho biết đây sẽ là một “serie tổng hợp, nơi âm hưởng trong các tác phẩm trước đều góp mặt”. Từ lúc có ý tưởng đến khi hoàn thiện là bốn năm.

“Tôi luôn mượn những câu chuyện tưởng tượng hoặc vấn đề nào đó trong cuộc sống để viết ra suy nghĩ của mình về xã hội đương đại. Những năm tôi lớn lên, xã hội đầy biến động, con người bắt đầu hội nhập nhiều hơn. Tuy vậy, tôi không hướng câu chuyện của mình vào đối tượng cụ thể nào cả”, Nhật Phi tự bạch về phong cách viết văn của mình.

Từ năm lớp 6, anh đã ham mê sáng tác. Cảm hứng khi ấy xuất phát từ truyện tranh và games. Lớn hơn, anh đọc nhiều sách của Fujiko F. Fujio, Yann Martel hay Nguyễn Huy Thiệp. Từ đó, cách viết dần thay đổi.

Khi người viết mê tác phẩm của tác giả khác, ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi lối viết của họ. Thế nhưng, đọc Người ngủ thuê hay Nhật kí một người cô đơn làm khó người đọc nếu phải tìm ra điểm trùng hợp trong phong cách viết đó so với Doraemon của Fujiko F. Fujio hay Cuộc đời của Pi của Yann Martel.

“Nếu tôi giống phong cách của nhà văn khác thì tác phẩm của tôi không còn gì thú vị nữa rồi”, tác giả lý giải.

Từng thử sức với trào phúng, sci-fi, nhưng fantasy vẫn là thể loại níu giữ ngòi bút anh nhiều hơn cả.

“Suy cho cùng, đó là thứ làm tôi sướng nhất khi viết. Nguyễn Nhật Ánh từng nói, ông có thể viết về những thứ tăm tối nhất dành cho người lớn, nhưng ông sẽ không thấy sướng. Văn chương là trò chơi tự thân của người viết, tìm thấy niềm vui với thể loại nào thì họ sẽ ‘chơi’ hết mình với thể loại đó”, Nhật Phi chia sẻ.

Không đặt nặng vấn đề độc giả, sự nổi tiếng

Nhiều năm nay, thể loại fantasy đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc, hấp dẫn độc giả trẻ. Nguyễn Dương Quỳnh, Phan Cuồng, hay Minh Moon... là những cây bút trẻ có nhiều dấu ấn khi đi theo dòng này. Mỗi nhà văn tìm cho mình một cách khai thác và cá tính văn phong riêng biệt.

Nếu Nguyễn Dương Quỳnh quan niệm điều quan trọng nhất khi viết fantasy là khơi gợi được sự đồng cảm trong lòng người đọc, người viết phải thấu cảm với câu chuyện của nhân vật, dù ở hoàn cảnh kỳ dị, Phan Cuồng đọc Ngậm ngải tìm trầm (Thanh Tịnh) và mượn ý tứ ở đó cho câu chuyện của mình, thì Nhật Phi lại không đặt nặng vấn đề phải tạo ra nét riêng biệt trong sáng tác.

Anh cho rằng để tạo ra điểm khác, chúng ta vẫn phải đi qua những điểm giống, rồi từ đó “cố mà khác”. Như thế, sáng tác sẽ mang tính khiên cưỡng. Mỗi nhà văn có một trí tưởng tượng khác nhau. Để thu hút độc giả, đó là câu chuyện của truyền thông, không phải của nhà văn.

Bởi vậy, khi các cây bút trẻ tìm đến mạng xã hội (Facebook, Instagram hay viết blog) để “truyền thông” sáng tác của mình, Nhật Phi chấp nhận không đi theo xu hướng đó.

“Tôi không làm được điều đó. Chắc là không có duyên. Tôi từng lập một Fanpage với tư cách nhà văn, sau cùng tôi quá lười để lên bài”, anh nói.

Một thời gian dài không ra sách, nhưng “người ngủ thuê” không e ngại chuyện bị lãng quên trong lòng độc giả: “Tôi không đặt nặng vấn đề độc giả nhớ hay quên tôi. Nhà văn không phải các ngôi sao, idol, để mà lâu lâu phải ra mắt sách”.

5 năm qua không ra tác phẩm mới, anh cần mẫn hơn với việc dịch sách. Niềm vui khi làm công việc này đối với Nhật Phi là “được đọc và chơi với ngôn từ”.

Tuy vậy, nghiệp viết văn vẫn là công việc cho anh niềm vui nhiều hơn cả, vì “nó là cái gì đó của riêng mình và mang hy vọng nhiều hơn, mặc dù quá trình viết không phải bao giờ nhà văn cũng cảm thấy vui”, Nhật Phi bộc bạch.

Theo Zing News

Tags: