1/ Loài tinh tinh thứ ba: Sự tiến hoá và tương lai của loài người (xuất bản lần đầu năm 1991)
Trong cuốn sách Loài tinh tinh thứ ba, Jared Diamond đã tìm cách lý giải vì sao trong một khoảng thời gian rất ngắn, loài người đã tìm ra phương thức thống trị thế giới... cũng như hủy diệt nó vĩnh viễn. Loài người và loài tinh tinh chia sẻ tới 98% số gen di truyền. Tuy nhiên, trong khi loài người thống trị hành tinh này - tạo nên các nền văn minh và tôn giáo, nghiên cứu khoa học, xây dựng các thành phố và sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại... thì loài tinh tinh hành ngày vẫn phải đấu tranh để giải quyết những nhu cầu tồn tại cơ bản. Vậy 2% số gen còn lại có ý nghĩa như thế nào trong công việc tạo ra sự khác nhau cơ bản giữa hai loài có chung nguồn gốc tiến hóa?
Cuốn sách gồm 5 phần, trình bày về các đặc điểm giúp phân biệt loài người và các loài động vật khác. Tác giả nhận thấy chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, con người đã có một bước tiến hóa nhảy vọt để trở thành giống loài thống trị thế giới:
Thông điệp quan trọng mà cuốn sách đề cập: “Hãy cảnh giác; loài người đang tự tăng tốc đến sự diệt vong!”.
2/ Súng, Vi Trùng và Thép: Định mệnh của các xã hội loài người (xuất bản lần đầu năm 1997)
Đến nay, Súng, vi trùng và thép đã bán được hàng triệu bản và vẫn được xem là một công trình nền tảng về địa lý liên ngành, toàn diện và đột phá.
Yuval Harari đã lấy cảm hứng từ chính cuốn sách này của Jared Diamond để viết nên một cuốn sách nổi tiếng không kém: Sapiens: Lược sử về loài người.
Nội dung cuốn sách giải thích vì sao các nền văn minh Á – Âu (bao gồm cả Bắc Phi) lại tồn tại được, cũng như đã chinh phục các nền văn minh khác, cùng lúc ông bác bỏ các lý thuyết về sự thống trị của các nền văn minh Á –Âu dựa trên trí tuệ, đạo đức hay ưu thế di truyền.
Jared Diamond lập luận rằng, sự khác biệt về quyền lực và công nghệ giữa các xã hội loài người có nguồn gốc từ sự khác biệt về môi trường, trong đó sự khác biệt này được khuếch đại không ngừng. Qua đó, ông giải thích tại sao Tây Âu, chứ không phải các nền văn minh khác trong thế giới Á – Âu như Trung Quốc, lại trở thành các thế lực thống trị.
Tuy cuốn sách này nói cho cùng là về lịch sử và tiền sử, song chủ đề của nó không chỉ có giá trị hàn lâm mà còn có tầm quan trọng to lớn về thực tiễn và chính trị. Lịch sử những tương tác giữa các dân tộc khác nhau chính là cái đã định hình thế giới hiện đại thông qua sự chinh phục, bệnh truyền nhiễm và diệt chủng. Các xung đột đó tạo ra những ảnh hưởng lâu dài mà sau nhiều thế kỷ vẫn chưa thôi tác động, vẫn đang tích cực tiếp diễn ở một số khu vực nhiều vấn đề nhất của thế giới ngày nay.
3/ Tại sao tình dục lại thú vị (xuất bản lần đầu năm 1997)
Jared Diamond không nói chuyện giường chiếu, cũng không gây sốc như một tư liệu có hơi hướm gợi dục, mà thú vị ở chỗ khác: cùng bạn khám phá những bí ẩn từ cội rễ tiến hóa tình dục ở con người.
Mọi người đều nghĩ về tình dục. Tuy nhiên, chúng ta ít khi để ý tình dục ở con người khác với thói quen sinh sản của các loài khác như thế nào. Trong Tại sao tình dục lại thú vị?, Jared Diamond trình bày một khám phá về lịch sử tình dục của con người, và giải thích cách hành vi tình dục không bình thường của chúng ta có thể là lý do giúp chúng ta đứng đầu chuỗi thức ăn.
Những đặc điểm quan trọng làm nên sự khác thường nơi đời sống tình dục của con người theo tác giả, chung quy là: vai trò của đàn ông trong xã hội loài người khác con đực của những loài khác; chu kỳ kinh và sự mãn kinh ở phụ nữ khác với con cái những loài khác; sự phát triển của bộ ngực phụ nữ và đời sống quan hệ tình dục riêng tư ở loài người có lý lẽ của nó và con người khác đa số động vật ở chỗ: coi tình dục tạo ra lạc thú chứ không dừng lại ở sự truyền giống.
Cuốn sách còn đặt ra và dẫn dắt người đọc đi tìm hiểu, khám phá, lý giải các câu hỏi hài hước nhưng thực chất là để giải mã các đặc điểm sinh dục của con người:
Khi bạn đọc hết cuốn sách này, trả lời được những câu hỏi trên, nghĩa là bạn đã có thể hình dung đến những động lực tiến hoá rất đặc biệt quy định sự hình thành đặc điểm phương thức tình dục, giới tính của con người hôm nay.
4/ Sụp đổ: Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào? (xuất bản lần đầu năm 2005)
Với phương pháp đa ngành cùng khối lượng kiến thức khổng lồ, Jared Diamond đã hoàn thành kiệt tác mang tính cách mạng trong nghiên cứu về lịch sử nhân loại: Sụp đổ - Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào?
Người đọc sẽ đi từ văn minh Maya, đến với sự bùng nổ và suy tàn của người Viking, xem xét sự hưng thịnh và kết cục bi thảm của người Norse ở Greenland… Những nguyên nhân nào được xem là căn bản nhất cho mọi sự diễn tiến hay suy bại của các xã hội trên toàn thế giới?
Có thể kiếm tìm một lý giải hay một mô hình cho tất cả những thất bại hay thành công của nhân loại hay không? Chúng ta có thể học gì từ sự thất bại của những nền văn mình từng là vĩ đại nhất?
Đã là nền Văn minh rồi, sao lại Sụp Đổ? Jared Diamond đã diễn giải rất công phu với khung 5 điểm khiến một XH suy tàn, sụp đổ:
− Tổn hại môi trường;
− Biến đổi khí hậu;
− Láng giềng thù địch;
− Đối tác thương mại thân thiện;
− Và cách đối phó của XH đối với các vấn đề của mình.
Nhận xét về cuốn sách này, Malcolm Gladwell đã viết: “Bài học của Sụp đổ là các xã hội vốn không bị giết chết. Các xã hội thường tự tử: họ tự cắt cổ tay, và trong nhiều thập kỷ sau đó, chỉ biết đứng nhìn mình chảy máu đến chết”
5/ Thế giới cho đến ngày hôm qua: Chúng ta học được gì từ những xã hội truyền thống? (xuất bản lần đầu năm 2012)
Phần lớn chúng ta đều mặc nhiên thừa nhận các đặc trưng trong xã hội hiện đại của chúng ta, từ việc du lịch bằng máy bay, viễn thông cho tới việc biết đọc, biết viết và bệnh béo phì.
Tuy nhiên gần như suốt sáu triệu năm tồn tại, xã hội loài người không có những điều này. Trong khi hố sâu ngăn cách chúng ta khỏi thủy tổ dường như rộng hơn bao giờ hết, chúng ta có thể nhìn ngắm lối sống cũ của mình trong những xã hội truyền thống mà phần lớn vẫn hoặc gần đây còn tồn tại. Các xã hội như New Guninea nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ thay đổi mới chỉ là ngày hôm qua - thời điểm chúng ta tiến hóa - và rằng cơ thể và cách thức thực hành xã hội của người cận đại vẫn giúp họ có khả năng thích nghi tốt hơn với những điều kiện truyền thống hơn là hiện đại.
Thế giới cho đến ngày hôm qua cung cấp một bức tranh trực diện đầy mê hoặc về quá khứ nhân loại tồn tại hàng triệu năm, một quá khứ hầu như đã biến mất và xem xét những khác biệt giữa quá khứ và hiện tại cho cuộc sống hôm nay của chúng ta.
6/ Biến Động: Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào? (xuất bản lần đầu năm 2019)
Jared Diamond khảo sát các hình mẫu là bảy quốc gia ở khắp các châu lục, phân tích quá trình họ gặp phải, đối mặt và vượt qua biến động lớn trong quá khứ. Theo Diamond, dù ở cấp độ cá nhân hay quốc gia, thậm chí toàn cầu, cơ chế ứng phó phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là thay đổi có chọn lọc.
Kết hợp những kiến thức tuyệt vời về lịch sử, địa lý, kinh tế, nhân chủng học và cả tâm lý, Biến động của Jared Diamond là một cuốn sách mang tính sử thi, cấp tiến và đột phá.
Theo tác giả, học hỏi từ lịch sử luôn cần thiết với bất kỳ đối tượng nào. Liệu lần này, chúng ta có thể rút ra bài học gì từ quá khứ để ứng phó với các biến động ở hiện tại và tương lai?
Bill Gates đã nhận xét về cuốn sách này rằng: “Tôi mê mệt mọi thứ Jared Diamond viết ra, và cuốn sách này không ngoại lệ. Ông ấy chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua biến cố và chúng ta có thể lựa chọn đi theo nó.”
Và Yuval Noah Harari cũng đánh giá cao cuốn sách: “Một trải nghiệm hấp dẫn và khai sáng về cách các quốc gia xử lý biến cố – điều mà chúng ta hy vọng có thể sẽ giúp nhân loại vượt qua biến cố toàn cầu hiện nay.”
– Trạm Đọc tổng hợp