Tự xuất bản sách liệu có khó?
Tự xuất bản sách liệu có khó?
Ai cũng có thể tự xuất bản một cuốn sách cho riêng mình, nhất là trong lúc dịch Covid-19 đang căng thẳng thì nhiều người lại càng có thời gian để làm việc đó.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đang làm việc tại báo Tiền Phong. Anh có gần 10 năm kinh nghiệm viết sách best seller cho nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có TS Lê Thẩm Dương (Chuyên gia kinh tế), TS Alok Bharadwaj (Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á). Xu hướng tự xuất bản sách đang nở rộ, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người đã dành thời gian giãn cách ở nhà để viết sách. VietNamNet có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Anh Tuấn xung quanh xu hướng tự xuất bản sách này.

 - Theo anh, thủ tục pháp lý để tự xuất bản một cuốn sách có khó không?

Không khó. Để xuất bản được một cuốn sách bạn cần có giấy phép xuất bản và giấy phép phát hành của một nhà xuất bản bất kỳ. Hiện nay đa số các nhà xuất bản đều có dịch vụ liên kết xuất bản với các tổ chức và cá nhân với thủ tục theo quy định. 

- Vậy khâu nào là khó nhất trong qúa trình tự xuất bản sách?

Thông thường có 6 bước để xuất bản một cuốn sách: Chuẩn bị bản thảo + Xin giấy phép xuất bản + Thiết kế + In + Phát hành + Truyền thông. Bước khó nhất là chuẩn bị bản thảo vì để viết một hai bài khoảng 1.000-2.000 từ thì đơn giản với nhiều người, nhưng để có thể in một cuốn sách khoảng 200 trang phải cần khoảng 60.000 từ. Rồi phải phân bổ khoảng 60.000 từ ấy thành các chương/phần liên kết với nhau...

- Là một chuyên gia chuyên tư vấn để khách hàng tự xuất bản sách, anh có lời khuyên gì để khâu chuẩn bị bản thảo được đơn giản hơn?

Tôi cho rằng không ai có thể giỏi mọi thứ, nhưng sẽ phải giỏi một thứ. Nếu tập trung khai thác cho cái mà mình giỏi nhất, mình là chuyên gia, thì việc để có 60.000 từ không quá khó. Thậm chí, nếu một cuốn sách có nội dung hay thì chỉ dày khoảng 100 trang (khoảng 30.000 từ) cũng vẫn được bạn đọc đón nhận.

Chuẩn bị bản thảo là khâu quan trọng nhất trong quá trình tự xuất bản một cuốn sách nên nếu có điều kiện thì tác giả nên nhờ một chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn. 

- Anh nhận thấy trong quá trình chuẩn bị bản thảo, các tác giả tự xuất bản sách hay gặp những lỗi gì phổ biến?

Lỗi phổ biến nhất là các tác giả thường chỉ viết những cái mình có, mình thích mà không viết những cái bạn đọc thích, bạn đọc cần. Những cuốn sách như thế này thường ít đem lại giá trị cho cộng đồng và không có tác dụng nhiều trong việc làm thương hiệu cho tác giả.

Lỗi phổ biến thứ hai là tác giả làm việc theo cảm hứng, không đặt quyết tâm cao trong quá trình chuẩn bị bản thảo. Lúc đầu thì có thể rất hào hứng, nhưng sau đó cảm hứng cứ bị tụt dần, mãi không kết thúc được bản thảo.

Lỗi phổ biến thứ ba là tác giả phó thác hết cho biên tập viên nhà xuất bản. Trên thực tế với những hợp đồng liên kết bạn phải phối hợp kỹ càng với biên tập viên nhà xuất bản. Khi in sách ra mới tránh được lỗi chính tả, thậm chí mất nội dung, gây ức chế cho người đọc.

- Khi tự xuất bản sách, các tác giả thường băn khoăn về kênh phát hành. Anh có tư vấn gì cho các tác giả?

Ngược lại, tôi lại nghĩ việc phát hành sách của các tác giả tự xuất bản lại có nhiều thuận lợi hơn. Kênh phát hành đầu tiên mà các tác giả nên tập trung là qua các kênh cá nhân, ví dụ qua trang facebook cá nhân, qua các chương trình hội thảo, đào tạo (nếu tác giả là diễn giả, chuyên gia đào tạo...). Kênh này có ưu điểm là chiết khấu thấp (thậm chí bán đúng giá bìa), thu tiền ngay.

Kênh phát hành thứ hai là qua hệ thống các nhà sách truyền thống như Fahasa, Phương Nam Books, Tân Việt Books... Kênh này hiệu quả cho việc làm thương hiệu tác giả, nhưng lợi ích kinh tế không đem lại nhiều vì chiết khấu cao và thường nhiều tháng sau mới được đối tác thanh toán.

Gần đây có thêm một kênh phát hành tương đối hiệu quả là qua các sàn thương mại điện tử. Tác giả có thể bán sỉ cho các sàn hoặc có thể tự mở cửa hàng trên đó để bán lẻ. Thủ tục bán sỉ hay lập gian hàng đều rất đơn giản.

- Hiện có nhiều dịch vụ hỗ trợ tác giả tự xuất bản sách không, thưa anh?

Tôi nghĩ là các tác giả hoàn toàn có thể tự xuất bản sách được cuốn sách của riêng mình mà không cần phải nhờ đến các dịch vụ hỗ trợ xuất bản. Còn nếu tác giả không có nhiều thời gian và muốn có một cuốn sách thật sự hoàn hảo thì có thể sử dụng dịch vụ tư vấn. Tuy nhiên, các tác giả cần tìm đến các chuyên gia, các địa chỉ uy tín chứ đừng tin vào những quảng cáo trên mạng, bởi theo như cá nhân tôi biết thì hiện trên thị trường Việt Nam có rất ít chuyên gia, dịch vụ có thể làm tốt công việc này.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Minh Hạnh | Dân Trí

Tags: