Khi tôi đang ngấu nghiến quyển sách yêu thích của mình trong phòng khách, mẹ đột nhiên lao vào với bộ dạng không thể vội vã hơn, chộp lấy túi xách và chạy ra phía cửa, không quên nói vọng lại một câu giải thích ngắn gọn: “Ông nội mất rồi.”
Đã tám năm trôi qua kể từ ngày đó, và những gì tôi biết về sự qua đời của ông chỉ vỏn vẹn một lần duy nhất vào thăm ông ở bệnh viện. Ông ngồi trên giường bệnh trong căn phòng nhỏ mà ông chia sẻ cùng năm người khác. Trông ông không có gì thay đổi ngoài nước da vàng vọt vì bệnh gan. Bố tôi và các bác kể lại rằng ông đã đi nhẹ nhàng và thanh thản. Như một hơi thở.
Giống như bố và các bác tôi, chúng ta khi được hỏi về việc mình muốn chết như thế nào đều có chung câu trả lời là một cái chết êm ái như chìm vào giấc ngủ. Nói cách khác, theo Giáo sư Sherwin B. Nuland, tác giả của cuốn “Hiểu về sự chết” đạt giải Pulitzer thì đó là “một cái chết có phẩm giá.” Đáng tiếc thay, hình ảnh lãng mạn đó chỉ xuất hiện trong điện ảnh và văn học; trên thực tế, cuốn sách khẳng định quan điểm của Giáo sư rằng “Tôi thường không thấy phẩm giá trong quá trình chết của chúng ta.” Giáo sư vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về cái chết gắn chặt với sự đau đớn dai dẳng hay đột ngột, đập tan những mô tả mĩ miều và trừu tượng phổ biến của nó.
Tôi thường không thấy phẩm giá trong quá trình chết của chúng ta.
Đó là một mô tả thoáng chốc nhưng thường gặp trong cuốn sách này. Nhanh nhưng tưởng như bất tận.
Một số người sẽ đặt câu hỏi về quan điểm xuyên suốt cuốn sách của Giáo sư Nuland rằng cái chết nhẹ nhàng và yên bình chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người bởi kinh nghiệm cá nhân khi chứng kiến giờ phút hấp hối của những người chết vì tuổi già. Tôi đã từng nghe nhiều người kể về cách một người già từ trần: ban đầu người sẽ có cảm giác mỏi mệt, và các cơ quan sẽ lạnh dần từ chân lên đầu trong khi hơi thở yếu dần đi rồi tắt hẳn.
Trên thực tế, cái chết luôn không nhân từ. Theo như Giáo sư Nuland, mặc dù bề ngoài cái chết tuổi già khoác lên mình một vẻ an nhiên và có phần thoát tục, những hoạt động sinh lý diễn ra bên trong cơ thể lại hoàn toàn trái ngược. Khi hô hấp yếu đi, các cơ quan thiếu oxy, tim buộc phải đập mạnh và gấp hơn để tăng lượng oxy trong tuần hoàn máu, đồng nghĩa với việc nhịp tim rối loạn dù lượng máu cung cấp luôn thiếu. Chân, nơi xa trái tim nhất, sẽ lạnh ngắt; ngay lúc đó, lượng cacbonic (CO2) trong não tăng đột biến sẽ bóp nghẹt hệ thần kinh, gây ngưng trệ suy nghĩ và rối loạn điều khiển cơ thể. Tử thần hiện hữu ở dạng thức giằng xé nhất khi não bộ bị nghiền nát.
Viết về cái chết dưới góc nhìn sinh lý học, “Hiểu về sự chết” thoạt đầu có vẻ không hấp dẫn và kén chọn người đọc khi mục lục của nó liệt kê sáu nguyên nhân cái chết phổ biến: từ đau đớn như tự tử, dai dẳng ăn mòn như ung thư cho đến hư vô như Alzheimer,.... Cá nhân tôi khi bắt đầu cũng không mong đợi gì nhiều, nhưng rồi tôi dành ba ngày đọc để nhận ra điều quan trọng nhất, mặt bên kia của sự chết: “Chúng ta chết để thế giới có thể tiếp tục sống. Chúng ta được trao cho điều kỳ diệu là sự sống bởi vì hàng triệu triệu sinh vật sống đã lót đường cho chúng ta rồi sau đó đã chết đi - theo nghĩa nào đó, là cho chúng ta. Đến lượt mình, chúng ta chết đi để những người khác có thể sống. Trong sự cân bằng của vạn vật tự nhiên, bi kịch của cá nhân đơn lẻ trở thành chiến thắng của sự sống đang tiếp diễn.”
Ông nhìn thẳng vào một chủ để nhạy cảm và gạt bỏ những mộng tưởng nhưng không phải với thái độ tàn nhẫn người dưng hay vô cảm khoa học, mà đâu đó trong cuốn sách vừa thấp thoáng hình bóng người bác sĩ bất lực về chuyên môn khi Thần Chết cướp đi con người trên tay mình; vừa xuyên suốt hình ảnh bậc hiền nhân hiểu tận cùng lẽ sinh tử đến đi của kiếp người. Sự sống luôn hạn định, điều quan trọng không phải là tìm mọi cách để kéo dài sự sống – chúng ta không có khả năng và cũng chẳng nên cưỡng lại quy luật tự nhiên, mà là sống một cách trọn vẹn và thanh thản nhất.
Trang Sâu
Trạm Đọc