Ngày nay, các nhà tâm lý học giải thích rằng JB gây ra tai nạn một cách vô thức, và đó là cách cậu ta làm để thu hút sự chú ý.
Ngày đó người ta cứ cho là cậu ta có “duyên với tai nạn” vậy thôi.
Khi lớn lên, tôi thường chơi với những người có “duyên sáng tạo”. Ý tưởng cứ đến với họ như cách tai nạn tìm đến JB ngày xưa. Rồi các nhà tâm lý học chắc cũng nói hệt như khi họ nhận xét về trường hợp của JB, rằng họ sáng tạo ra ý tưởng một cách vô thức, rồi
thì đó là cách để họ tạo được sự quan tâm, chú ý.
Có lẽ vậy. Nhưng tôi nghĩ ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác tác động.
James Webb Young trích lời Vlfredo Pareto, người cho là trên đời có hai nhóm người: Người đầu cơ và người thụ hưởng.
Pareto cho rằng nhóm người đầu cơ luôn bận rộn với những khả năng kết hợp mới. Nhóm người này, theo cách Young gọi, bao gồm “tất cả những người ở bất kỳ lĩnh vực nào mà... không thể ngồi một mình quá lâu và luôn tính toán làm sao để thay đổi điều đó.”
Mặt khác, nhóm thụ hưởng bao gồm những người “lề thói, cẩn thận, thiếu trí tưởng tượng, cầu toàn và nhóm này bị nhóm đầu cơ lôi kéo.”
Young đồng tình với Pareto về sự hiện diện của hai nhóm người này và từ đó kết luận rằng “có nhiều người mà không kỹ năng nào có thể giúp họ sáng tạo ý tưởng được.”
Tôi không tán thành với kết luận đó.
Tôi không nghĩ những người có duyên sáng tạo mà tôi giao du lại có tài năng thiên bẩm để sáng tạo ý tưởng, hay có cách suy nghĩ độc nhất dẫn họ tới những chân trời mới, hoặc có nội nhãn xuyên thấu giúp họ nhìn ra trật tự và các mối liên quan, trong khi những người khác chỉ thấy một mớ hỗn độn.
Điều duy nhất khiến họ khác biệt là:
Người có ý tưởng nhận thức được sự tồn tại của ý tưởng và biết là họ sẽ tìm ra ý tưởng; người không có ý tưởng thì không biết đến sự tồn tại của ý tưởng và không biết rằng họ có thể tìm thấy nó.
[...]
Nhận thức sự tồn tại của ý tưởng
Khi mới bắt đầu giảng dạy, tôi nói với các sinh viên rằng mỗi vấn đề đều có một giải pháp, một câu trả lời, và một ý tưởng riêng.
Tôi đã nhầm.
Giờ tôi biết là có hàng trăm giải pháp, hàng trăm câu trả lời và hàng trăm ý tưởng.
Có thể là có hàng nghìn. Thực sự là có thể có vô tận các giải pháp và ý tưởng.
Cứ thử ngẫm mà xem:
Cho đến năm 1940 (tôi đoán có lẽ đó là lần cuối họ thống kê), có tổng cộng 94 bằng sáng chế cốc có quai. Trời ạ, cốc có quai!
Có khoảng hơn 1200 loại dây thép gai khác nhau.
Các loại sách nấu ăn được xuất bản ở Mỹ đủ để chất đầy một thư viện nhỏ.
[...]
Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện:
Trong suốt hơn 20 năm, tôi làm việc cho một công ty đã từng làm quảng cáo cho Smokey Bear. Điều đầu tiên mà người viết quảng cáo và đạo diễn nghệ thuật phải làm
hàng năm là lên ý tưởng cho một áp phích cơ bản.
Quy định để làm áp phích không bao giờ thay đổi: Nó phải có kích thước và hình dáng nhất định; phải có hình vẽ Smokey; phải đơn giản để có thể gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, phải rõ ràng để ngay cả người tối dạ cũng hiểu, và (nếu có chữ) ngắn gọn sao cho người ta có thể đọc trong ba hay bốn giây thôi.
Nhiệm vụ của tấm áp phích cũng không bao giờ thay đổi: Nó cần thuyết phục người ta phải cẩn thận với lửa.
Nói cách khác, năm nào chúng tôi cũng phải làm một nội dung, chỉ khác về cách trình bày.
Và chúng tôi làm đúng như thế. Thật vậy, hàng năm chúng tôi có 15 đến 20 ý tưởng cho tấm áp phích. Năm nào cũng vậy, trong hơn 20 năm trời. Hơn 300 áp phích về Smokey với cùng một nhiệm vụ, nhưng không cái nào giống nhau hết.
Như tôi biết, người viết quảng cáo và đạo diễn nghệ thuật ở công ty đó vẫn làm như vậy với áp phích Smokey hàng năm và họ vẫn không thiếu ý tưởng.
Vậy nên đừng có nói với tôi rằng chỉ có một hay hai cách để giải quyết một vấn đề. Tôi không hề thấy vậy.
[...]
Lúc nào cũng có ý tưởng khác, và giải pháp khác cho vấn đề. Hãy chấp nhận sự thật đó.
Hãy hiểu rằng bạn sẽ tìm ra ý tưởng
Giờ bạn đã biết (tôi hy vọng là vậy) rằng có hàng trăm giải pháp cho một vấn đề, rằng ý tưởng tràn ngập xung quanh. Tốt rồi! Vậy tại sao bạn vẫn chưa tìm được ý tưởng?
Hãy xem xét ba sự kiện sau:
1/ Bạn đã gặp trường hợp này nhiều lần: Một tay chơi golf chưa có tên tuổi đang dẫn đầu một giải đấu quan trọng trong ngày đầu tiên. Tên anh ta tràn ngập các trang báo. Mọi người nói về anh này. Rằng anh ta là Arnold Palmer mới, Jack Nicklaus mới, rồi Tiger Woods mới.
Ngày hôm sau anh chàng đánh quá tám gậy (+8)^2, không đủ điểm qua vòng sau, và rồi mất tích khỏi cuộc chơi.
Chuyện gì đã xảy ra?
2/ Có lần, tôi đang quay một đoạn quảng cáo ở nhà thi đấu Los Angeles Forum và phía bên kia sân tập bóng, Wilt Chamberlain đang ném bóng và có một vài đứa nhóc nhặt bóng cho anh ta. Anh ta hẳn đã ném khoảng hơn 100 cú rồi và tôi thấy chỉ có ba cú trượt rổ. Vút, vút, vút. Thật xuất chúng. Trong trận đấu tối hôm đó, anh ta lại trượt đến tám trong số mười hai cú ném ở vạch.
Chuyện gì đã xảy ra?
3/ Bạn đã thuộc lòng bài thuyết trình trong chuyến đi công tác. Bạn biết chủ đề mình nói, bạn biết mình cần nói gì, và bạn biết phải nói như thế nào. Dễ ợt! Bạn tập bài thuyết trình trước gương. Điểm 10 hoàn hảo.
Nhưng khi bạn đứng trước đám đông, đầu óc bạn trống rỗng và bài thuyết trình được trình bày dở hết chỗ nói.
Chuyện gì đã xảy ra?
Bạn biết điều gì đã xảy ra mà.
Có rất nhiều cách để giải thích, nhưng về cơ bản, bạn, Wilt và tay golf bị lãng quên kia, vô tình hay cố ý đều trở nên hoài nghi về bản thân. Và chuyện gì xảy ra sau đó thì ai cũng biết.
Tay golf xuất sắc ngày đầu tiên, Wilt ở trên sân tập và bạn trong phòng khách sạn đều cảm thấy thoải mái với trình độ của mình khi đó.
Rồi không hiểu sao sau đó, các vị lại băn khoăn liệu mình có giỏi như vậy hay không. Phong độ các vị trên sân golf, trên sân tập và trong phòng khách sạn đều hơn hẳn hình ảnh các vị nghĩ về mình khi đó.
Do đó cơ thể cũng như đầu óc các vị tự nhiên làm giảm khả năng của các vị xuống đến mức thoải mái trở lại.
Và không có sức mạnh lý trí nào, không nỗ lực rèn luyện hay quyết tâm nào có thể đưa khả năng của các vị trở lại mức cao như trước.
Đó là vì sự tự nhận thức bản thân quyết định bạn như thế nào và khả năng của bạn ra sao. Không phải nỗ lực hay lý trí mà là sự tự nhận thức bản thân.
Vì thế, nếu bạn muốn trở nên có duyên sáng tạo, bạn phải chấp nhận hai điều:
Trước hết, bạn phải đồng ý rằng nhân tố quan trọng nhất giúp bạn thành công chính là cách bạn suy nghĩ về bản thân.
Sự tự nhận thức về bản thân ảnh hưởng... không đúng, quyết định cá tính, hành vi của bạn, việc bạn giao tiếp với người khác thế nào, bạn làm việc ra sao, tình cảm, đức tin, cống hiến, khát vọng của bạn, thậm chí cả tài năng và khả năng của bạn nữa.
Bạn hành động đúng như con người bạn hình dung trong tưởng tượng. Đơn giản vậy thôi.
Và đó là điều không cần bàn cãi.
Nếu bạn nghĩ mình thất bại thì nhiều khả năng bạn sẽ thất bại. Nếu bạn nghĩ mình thành công thì bạn sẽ thành công.
[...]
Tóm lại: Thái độ quan trọng hơn thực trạng.
Đặc biệt điều này có nghĩa sự khác nhau giữa người búng tay là ra ý tưởng và người thiếu sáng tạo chẳng liên quan mấy đến những khả năng bẩm sinh giúp tìm ra ý tưởng. Nó liên quan đến niềm tin là họ có thể tìm ra ý tưởng.
Những ai tin rằng mình có thể thì sẽ làm được. Ai không tin mình có thể thì không bao giờ thành công. Đơn giản vậy thôi.
Thứ hai, bạn phải chấp nhận điều mà William James gọi là “phát hiện vĩ đại nhất thế hệ này” là sự thực. Phát hiện đó là gì ư?
Con người có thể thay đổi cuộc sống của mình bằng cách thay đổi thái độ.
[...]
Điều này cũng không cần bàn cãi.
Tuy thế, đây lại chính là điều mà nhiều người, trong đó có thể có cả bạn, không tán đồng.
Bạn đồng ý là sự tự nhận thức bản thân định hướng cuộc sống của bạn, nhưng mặc cho bao dẫn chứng được đưa ra bởi các nhà hiền triết và các bậc phụ huynh, rồi các mục sư, bác sĩ, nhà thơ, nhà nghiên cứu rồi các triết gia, nhà tâm lý học, rồi thì giáo viên, huấn luyện viên, và mặc cho bao dẫn chứng sống trong hàng trăm cuốn sách về tu luyện bản thân, bạn phủ nhận sự thật là mình có thể thay đổi sự tự nhận thức về bản thân.
Bạn sai ở chỗ đó. Bạn có thể thay đổi được.
[...]
Tôi chỉ mong các bạn thực hiện một bước nhảy nhỏ: tâm trí có thể thay đổi tâm trí.
Hãy chấp nhận điều này. Đó là chân lý.
Rồi sau đó hãy bắt đầu thay đổi sự tự nhận thức về bản thân bạn.
- Trích dẫn từ cuốn sách “Một nửa của 13 là 8” - Jack Foster -