Nigel Warburton là triết gia nổi tiếng người Anh. Ông hiện là Giảng viên cao cấp Phân khoa Triết học của trường Open University. Trong nhiều năm qua, Nigel đã đóng góp rất nhiều cho nền triết học hiện đại.
Chào Nigel, ông bắt đầu cảm thấy hứng thú với triết học từ khi nào?
Tôi nhớ khi còn nhỏ tôi đã hỏi mẹ là: “Các em bé học nói như thế nào?”. Mẹ bảo em bé chỉ vào đồ vật rồi người lớn nói tên đồ vật đó cho em bé bắt chước. Tôi không thật sự thỏa mãn với câu trả lời này. Tôi không chắc hiện giờ mình có thể trả lời được nó, nhưng câu hỏi như thế đã nhen nhóm đam mê triết học từ thuở thơ ấu trong tôi. Khi trở thành một nam sinh, tôi đã nghiền ngẫm cuốn Lịch sử Triết học phương Tây của Bertrand Russell trong thư viện. Chính thư viện, chứ không phải là cuốn sách là một trong những nguồn cảm hứng lớn cho tôi. Và hơn cả cuốn sách ấy, thư viện là một nơi yên tĩnh cho tất cả mọi người. Thư viện đã mang đến cho tôi nhiều loại sách khác nhau, tôi hào hứng đến mức sẵn sàng đi bộ vài dặm tới thư viện địa phương để mang về bất cứ cuốn sách nào tôi muốn. Và chắc chắn rồi, trong một lần tình cờ, tôi đã mượn thêm vài quyển về triết học kèm theo những cuốn nổi tiếng khác.
Vậy ông đã theo học ngành triết ở đại học?
Ban đầu, tôi theo ngành Tâm lý học ở đại học Bristol, nhưng nó khiến tôi khá thất vọng và đã quyết định bỏ học giữa chừng. Sau một năm rời Bristol, tôi gần như dành toàn thời gian làm việc ở bãi đỗ xe. Khoảng thời gian đó, mâu thuẫn giữa triết học và tâm lý học đã thôi thúc tôi quay trở lại trường đại học để học triết học thay vì ngành tâm lý. Bạn biết đấy, tôi rất thích đọc các tác phẩm tâm lý của Sartre, nhưng tôi lại không thể hiểu được những cuốn về triết học của ông như Being and Nothingness. Điều này khiến tôi thực sự tò mò và muốn tìm hiểu về triết, để có thể hiểu dù chỉ một chút. Sau đó, tôi chính thức chuyển sang nghiên cứu triết học.
Rất nhiều nhà triết học Anh – Mỹ đã quyết định theo đuổi triết học khi còn trẻ, bởi họ được tiếp xúc với Sartre và Chủ nghĩa hiện sinh. (Chủ nghĩa hiện sinh là từ dùng để nói về nghiên cứu của một nhóm các triết gia cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, những người tuy khác nhau về học thuyết nhưng có chung niềm tin rằng tư duy triết học xuất phát từ chủ thể con người — không chỉ là chủ thể tư duy, mà là cá thể sống, cảm xúc, và hoạt động.) Tuy nhiên sau một thời gian nghiên cứu, họ lại kịch liệt phản đối Sartre và thuyết này. Ông có như vậy không?
Tôi không cho rằng bạn phải hoàn toàn đồng ý với những triết gia bạn đọc. Sẽ tốt hơn nếu bạn phản đối khi bạn đọc và trao đổi về sách, chứ không chỉ đọc một cách thụ động. Tôi tìm thấy trong các tác phẩm của Sartre sự kích thích, khó khăn và bực bội. Những tác phẩm sau này của ông thậm chí tôi còn không thể đọc nổi vì ông dùng thuốc phiện quá nhiều và câu chữ khiến người đọc cảm thấy nghẹt thở. Bản thân tôi không đồng ý với nhiều quan điểm của Sartre, nhưng không thể phủ nhận ông là nhà tư tưởng lỗi lạc có ảnh hưởng lớn đến tôi.
Sartre cũng là một tiểu thuyết gia về triết học. Vậy một người nghiên cứu triết học có thể viết được tiểu thuyết triết học không? Hay chỉ các nhà tư tưởng lớn mới làm được điều đó?
Tôi nghĩ các nhà tư tưởng lớn thường giản lược vấn đề họ viết với thực tế bằng cách thiết lập những giới hạn tùy ý. Theo tôi được biết, triết học nghiên cứu tất cả những vấn đề chung và cơ bản của con người như chúng ta nên sống như thế nào, sự thật của tạo hóa là gì v.v. Với tôi, bộ môn này không phải là một đống chữ nghĩa khó hiểu như nhiều bài báo phân tích. Nhiều công trình nghiên cứu triết học đã góp phần quan trọng vào nền văn học thế giới, như các các phẩm của Plato và Lucretius. Nhiều tác phẩm về thơ cũng mang màu sắc triết lý của triết học như thơ của TS Eliot, thơ của Kierkegaard hay Nietzsche. Các nhà thơ lỗi lạc kể trên cũng là nhà triết học.
Ông có cho rằng chương trình phát thanh Philosophy Bites gồm nhiều series của ông đã giúp khán giả đến gần hơn với triết học trong suốt 20 năm qua?
Có lẽ chương trình của chúng tôi đã làm khán giả yêu thích bộ môn triết học thêm một lần nữa, nhưng đó không phải tất cả. Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách đưa ra cái nhìn tổng quan về triết học cuối thập kỉ 80, cuốn sách nhập môn duy nhất ở thời điểm ấy là The Problems of Philosophy của Bertrand Russell, xuất bản năm 1912 và được gọi là cuốn Triết học Cơ bản. Đó là một cuốn sách hay, nhưng tiêu đề khiến cho người đọc cảm thấy triết học thật nhàm chán và lý thuyết. Nếu bây giờ bạn đi vào nhà sách, sẽ có hàng dãy sách nhập môn cơ bản của mọi lĩnh vực. Nhưng 20 năm về trước, thật khó để tìm ra một cuốn sách phổ thông cho mọi đối tượng người đọc.
Khi còn giảng dạy triết học cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học, tôi nhận ra rằng chẳng có cuốn sách nào gây hứng thú cho người đọc tới mức họ chuyển từ trạng thái quan tâm sang yêu thích và săn đón các tác phẩm kinh điển. Do đó tôi viết cuốn Philosophy: The Basics. Hầu hết các giảng viên sẽ bảo bạn không cần phải đọc sách hướng dẫn hay nhập môn gì cả, cứ tìm đọc luôn các cuốn nổi tiếng của Hume, Descartes hay Mill. Nhưng nhiều độc giả không thể hấp thụ nhưng tinh túy ấy nếu không trải qua một quá trình tìm hiểu từ căn bản.
Vậy hãy nói về cuốn sách đầu tiên ông khuyên đọc, cuốn “What Does It All Mean?” của Thomas Nagel.
What Does It All Mean? - Thomas Nagel
Tại sao cuốn sách đó lại là bước khởi đầu tốt để nhập môn triết học?
Đó là một cuốn sách hoàn hảo cho bất kì ai muốn tìm hiểu về triết học. Thứ nhất, nó ngắn, rất ngắn. Thứ hai, nó được viết dưới dạng văn xuôi rõ ràng, dễ hiểu, không màu mè. Bạn có thể chọn đọc vào buổi tối hoặc bất cứ lúc nào bạn hứng thú tìm muốn hiểu triết học thực sự là gì. Cuốn sách này đã giúp Thomas Nagel tạo nên tên tuổi trong lòng bạn đọc, nhưng nếu bạn không biết tác giả là ai thì cũng chẳng sao đâu. Tôi cho rằng với những ai có ý định viết một cuốn tổng quan giới thiệu về triết học, thật khó để vượt qua “What Does It All Mean?”
Negal bắt đầu cuốn sách với những quan sát từ góc nhìn triết học vượt xa khỏi khả năng của con người. Những quan sát ấy rất đúng với trải nghiệm của tôi trên cương vị một người thầy đồng thời cũng là một người cha.
Con người đã đặt câu hỏi mang tính triết học từ rất sớm, và trong hơn 2000 năm lịch sử, chúng ta vẫn không ngừng thảo luận những câu hỏi tư duy về việc chúng ta nên sống như thé nào, bản chất của tạo hóa là gì, ý thức của con người là gì… Negal đã trả lời toàn bộ những câu hỏi trên dựa trên những mối liên kết triết học.
“What does it all mean?” là câu hỏi khiến người chưa nghiên cứu triết học nghĩ đến câu hỏi “Triết học là gì?”. Nhưng người đọc có lẽ sẽ hơi thất vọng vì cuốn sách rất ít đề cập đến ý nghĩa của cuộc sống và các vấn đề tương tự. Ông có nghĩ rằng tiêu đề cuốn sách đã khiến người đọc lầm tưởng?
Trong phần giới thiệu, Nagel viết: “Cuộc sống này không tồn tại những điều hiển nhiên. Và triết học cũng là một sự vật phức tạp luôn vận động, không có học thuyết nào có thể trường tồn mãi mãi.” Chính phần mở đầu này đã cho thấy Nagel không chủ ý giải thích triết học là gì trong cuốn sách. Thay vào đó, ông muốn đưa ra câu hỏi và giúp bạn học cách tư duy, phê bình chúng. Nếu ai đó đến với triết học để sau vài năm ngộ ra anh ta nên sống như thế nào, tạo hóa thật sự là gì… thì đó quả là một ý tưởng ngờ nghệch đến tồi tệ. Theo Scorates, trí tuệ thực sự nằm ở chỗ bạn biết mình hiểu biết hạn hẹp tới mức nào.
Cuốn sách thứ hai mà ông khuyên đọc là The Life You Can Save của Peter Singer, một trong những nhà triết học còn sống lỗi lạc nhất ở thời điểm hiện tại phải không?
The Life You Can Save - Peter Singer
Tôi nghĩ rằng, bản chất của câu hỏi “Làm sao để mang triết học tới với một người chưa từng biết gì về nó?” chính là “Chúng ta nên sống như thế nào?” Peter Singer có rất nhiều điều để chia sẻ về câu hỏi này.
Thông điệp chính của cuốn sách là gì?
Cuốn sách nói về nghèo đói, bệnh dịch trên trái đất và sự giàu có của phương Tây có thể giúp giảm bớt đau thương như thế nào. Hai thái cực đối lập đó đã khiến tác giả đề xuất ý tưởng người giàu nên trích 5% tiền lương để làm từ thiện hàng tháng. Với ông, giúp đỡ những người khốn khổ không có nghĩa là ta phải hiến toàn bộ tài sản hoặc cho đi một phần tiền lớn, chỉ cần một chút như 5% tiền lương ấy cũng làm thay đổi số phận của nhiều người nghèo. Singer không giảng đạo và bắt bạn tuân theo, chỉ đơn giản là lời chia sẻ từ góc nhìn của tác giả. Dù bạn không đồng ý với quan điểm của ông, quá trình đọc cuốn sách cũng giúp bạn hoàn thiện tư duy để trả lời câu hỏi: “Tại sao tôi lại phản đối?” Cách làm của Singer cũng giống như Scorates, là thử thách sự quyết đoán của bạn và bắt bạn phản hồi lại.
Cuốn sách được mở đầu như thế nào?
Singer gợi mở cuốn sách với một tình huống tư duy thú vị. Thử tưởng tượng trên đường đi làm với bộ quần áo chỉnh tề, nuột nà. Khi đi qua một cái hồ, bạn chợt nhìn thấy một đứa trẻ đang ngấp ngoải chết đuối, đầu nó sắp chìm xuống mặt nước. Vào khoảnh khắc đó, bạn có lao xuống cứu đứa trẻ không? Có vẻ hầu hết chúng ta sẽ không chút do dự nhảy xuống cứu, dù mất luôn bộ quần áo đẹp hoặc phải đi làm muộn. Trong tính huống ấy, chúng ta sẵn sàng cứu người nhưng trong cuộc sống bộn bề, sự vô tâm của đã khiến ta lờ đi những đứa trẻ cơ nhỡ thất học, hay những người nghèo đói, bệnh tật đang trên bờ vực cái chết – dù ta có thể cứu họ với một cái giá rẻ hơn một bộ quần áo hay đôi giày.
Vậy sự khác nhau giữa tình huống bất ngờ nói trên và sự vô tâm của con người trong cuộc sống bộn bề cụ thể là gì?
Singer cho rằng không có sự khác biệt về giá trị đạo đức trong hai tình huống kể trên. Việc làm từ thiện cho người khó khăn hay người mắc bệnh hiểm nghèo là một cách làm gián tiếp có giá trị đạo đức tương đương với cứu đứa trẻ chết đuối. Ông tin rằng nhiều người dù chưa giàu vẫn sẵn lòng chia sẻ với mọi người xung quanh, đó là những hành động có có ý nghĩa lớn với nhân loại.
Những lập luận vừa rồi của Singer có vẻ khá thuyết phục về mặt lý thuyết. Vậy những người phản đối nói gì?
Singer là một vĩ nhân bởi không cần bạn phải đồng ý ông ấy vẫn có thể vượt qua dư luận - bao gồm những người phản đối - để chứng minh lập luận của mình một cách thuyết phục và xác đáng. Có người đã phản đối rằng: “Nếu tôi cứu đứa trẻ thì tôi biết chắc chắn rằng nó còn sống, nhưng mang tiền đi từ thiện thì tiền có thể sẽ bị người khác lãng phí.” Tuy nhiên, Singer đã đưa ra một website phân tích và thống kế mức độ sử dụng tiền hiệu quả của các tổ chức từ thiện. Ông khuyên những người phản đối hãy tìm đến những tổ chức đáng tin nhất để đóng góp.
Và cuốn sách thứ ba ông khuyên đọc là Justice của Michael Sandel, cuốn triết học về chính trị chứ không phải về đạo đức?
Justice - Michael Sandel
Lý do tôi chọn cuốn sách này bởi Michael Sandel là một tác giả - diễn giả lỗi lạc có khả năng là làm sống dậy ngành triết học. Ông có thể biến câu chuyện của những nhà triết học lỗi lạc thời cổ đại như Aristotle trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại ngày nay. Các ý tưởng của ông đều mang tính ứng dụng cao trong hiện thực đời sống.
Ông có thể nêu ra một vài ví dụ được không?
Có chứ, có một câu chuyện về một tay golf tên là Casey Martin. Anh ta chơi golf rất cừ nhưng sau đó gặp phải vấn đề với đôi chân. Ban giám khảo giải golf năm đó đã có cuộc tranh cãi nảy lửa để quyết định có nên cho anh ta vào vòng trong hay không. Thậm chí có nhiều hội đồng được lập ra để phân tích trường hợp này. Sandel cho rằng tranh cãi xảy ra trong tình huống này là hoàn toàn tự nhiên đối với những người theo trường phái triết học của Aristoteles (Aristotelian). Họ sẽ đưa ra những câu hỏi kiểu như: “Golf là gì?”, “Bản chất của golf là gì?” và “Mục đích của việc chơi golf là gì?” Golf là môn thể thao chú trọng vào việc đưa bóng vào lỗ, hay là môn để rèn luyện sức khỏe và sự dẻo dai như nhiều người quan niệm? Có công bằng không nếu một người được đứng trong sân biểu diễn trong khi nhiều người khác phải đứng ngoài trầm trồ thèm muốn được chơi? Và rối quan hệ giữa con người có thể bị đổ vỡ vì cạnh tranh để giành lấy chiếc vé vào vòng trong? v.v Có rất nhiều câu hỏi kiểu như thế.
Để giải đáp những câu hỏi này, chúng ta cần phải suy nghĩ về mục đích cuối cùng – trong tiếng Hy Lạp là telos - của bộ môn thể thao này. Sandel đã quan sát rất tài tình ở chỗ: các tay golf có thừa sự khéo léo và nhạy cảm, họ đặt niềm tin và đam mê vào mỗi cú vung gậy thay vì dùng sức. Sau đó, ông nhanh chóng sử dụng Internet là một công cụ để nhiều người biết đến ý tưởng và lập luận của mình. Những bài giảng về công lý của ông đã rất phổ biến trên YouTube.
Sandel là một nhà hiền triết về chính trị. Rõ ràng sự nghiêm ngặt và tính ứng dụng cao của triết học đã giúp người học tư duy logic hơn. Ông có nghĩ tư duy triết học hữu ích cho các chính trị gia?
Rất nhiều chính trị ra theo học ngành triết học, và triết học chắc chắn ảnh hưởng đến tầm hiểu biết và cách suy luận của họ. Thật thú vị nếu một nhà triết học tham gia vào hoạt động chính trị vì thực tế, bộ môn trừu tượng này thường chỉ mang lại kĩ năng lý luận hữu ích cho các chính trị gia. Tất nhiên rất nhiều chính trị gia tôn thờ chủ nghĩa Mác và áp dụng triết học vào mọi mặt của đời sống. Nhưng tôi nghĩ rằng với nền dân chủ hiện nay, các chính trị gia cần suy nghĩ để tìm ra cách làm mới để thay đổi những cái lạc hậu thay vì áp dụng một lý thuyết có sẵn và biết trước kết luận.
Cuốn sách ông khuyên đọc tiếp theo, là Causing Death and Saving Lives của nhà triết học người Anh Jonathan Glover, đó có phải là một tác phẩm về đạo đức, luân lý?
Causing Death and Saving Lives - Jonathan Glover
Khi tôi còn ngồi trên giảng đường, cuốn sách này đã làm tôi nhận ra triết học thực sự đáng đầu tư thời gian và công sức. Nó cho tôi thấy triết học không phải là môn bới lông tìm vết, cũng không phải là cuộc chiến của các hình thái xã hội, triết học là bộ môn đi sâu vào bản chất của vấn đề. Như Peter Singer hay Glover đã nói, tư duy triết học có thể giúp bạn thay đổi cuộc đời.
Nhưng quan điểm triết học thay đổi cuộc đời dường như không đúng với phần đông các nhà nghiên cứu khác?
Thật ngạc nghiên khi đó là một quan điểm bất thường trong triết học cho tới khi Glover viết cuốn sách vào những năm thập niên 70 của thế kỉ trước. Ở thời đó, các nhà triết học luân lý thường tập trung vào các câu hỏi trừu tượng về tính siêu hình của đạo đức. Glover là một tác giả quan trọng của phong trào mang triết học trở về với đời thực. Cuốn sách này nhìn thẳng vào các hành vi như phá thai, tự sát, hay giết người trong chiến tranh. Hầu hết các chủ đề đều liên quan đến đạo đức và cái chết.
Vậy Glover có gì khác với Peter Singer?
Glover thường nêu trích dẫn từ các tác giả đi trước như Dostoevsky, Orwell. Các tác phẩm của ông luôn chứa đựng tinh thần nhân đạo, nhân văn. Theo đó, Glover muốn kết nối những ý tưởng cốt lỗi ẩn sâu trong thuyết vị lợi của Kant – cho rằng giá trị luân lý của mọi hành động dựa trên khả năng nó đem đến hạnh phúc hay sung sướng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên kết nối này đôi khi bị người đọc xem nhẹ mà bỏ qua. Ông cũng rất tài tình trong việc nêu lên câu hỏi về sự thiêng liêng của sự sống. Rất nhiều người theo tôn giáo tin rằng mạng sống của con người là bất khả xâm phạm, và cái chết là một sai lầm. Còn với Glover, sống thì phải sống có ích, sống có mục tiêu và sống vì người khác. Cuộc sống đơn giản, bình thường và bằng phẳng thì không phải là sống.
Cuốn sách cuối cùng ông đưa ra có vẻ hơi khó đọc và ít người biết đến, đó là The Grasshopper của Bernard Suits?
The Grasshopper - Bernard Suits
Tôi cũng không biết cuốn sách này cho tới cách đây vài năm, GA Cohen khuyên tôi nên đọc. Và rồi cả Simon Blackburn cũng khuyên quý vị nên đọc đấy thôi. Không phải cuốn sách hay nào cũng chấp bút bởi một nhà triết học nổi tiếng. The Grasshopper là một cuốn sách mỏng được xuất bản lần đầu vào năm 1978. Toàn bộ cuốn sách nói về những cuộc chơi. Chuyện chơi bời là một chủ đề thú vị cho một cuốn sách, và trong cuốn này, nó được viết theo lối rất nhẹ nhàng. Tác giả đã phân tích hoàn toàn thuyết phục những vấn đề ông đưa ra.
Tác giả đưa ra vấn đề gì vậy thưa ông?
Bạn có thể hiểu cuốn sách này nói về cách tranh luận của gia đình Wittgenstein về các cuộc chơi. Nhân vật Wittgenstein cho rằng về bản chất không có một điểm chung nào giữa các trò chơi, nhưng có sự tương đồng giữa những thứ được chúng ta gọi là trò chơi. Bernard Suits cho rằng bạn có thể đưa ra một định nghĩa về các trò nhờ tìm hiểu những điều kiện cần và đủ. Nghe thì có vẻ lý thuyết và khô khan nhưng cuốn sách lại chẳng mang chút lý thuyết dạy đời nào.
Tại sao cuốn sách lại có tên là The Grasshopper? (Tạm dịch: Con châu chấu)
Cuốn sách tên như vậy vì nhân vật chính là một con châu chấu. Nó được lấy cảm hứng từ truyện ngắn của Aesop về châu chấu và kiến. Kiến làm việc vất vả suốt mùa hè để dự trữ lương thực cho mùa đông rét buốt, còn châu chấu thì dành thời gian để nhảy múa hát ca. Mùa đông đến, châu chấu chết vì không có gì ăn. Trong câu chuyện có một cuộc đối thoại vui mà châu chấu giả làm Socrates, nói rằng nó thà chết vì đói chứ không từ bỏ niềm vui của mình. Tác giả Bernard Suits cũng đồng ý với quan điểm đó.
Cuốn sách đó dành cho cả người lớn và trẻ em phải không?
Ồ, không hề! Cuốn sách đó chủ yếu dành cho người nghiên cứu triết học. Đó là một cách nghiên cứu thông minh bởi bản chất của việc chơi cũng rất tự nhiên. Suits lập luận rằng vui chơi là một “nỗ lực tự nguyện để vượt qua những trở ngại không cần thiết”. Về cơ bản, có 3 yếu tố mà tất cả các trò chơi cần có là mục tiêu, luật chơi và thái độ chơi.
Ví dụ mục tiêu bạn đặt ra khi tham gia chơi trò leo núi là leo được lên đỉnh. Bạn có thể lên được đỉnh núi bằng cách nhảy dù từ trực thăng, nhưng bạn không thể làm vậy vì trò chơi nào cũng có quy tắc. Đó chính là luật chơi. Bất kì trò chơi nào cũng cần luật nên sinh ra thái độ chấp nhận luật không chỉ bởi bạn phải tuân theo nó. Bạn chấp nhận chúng vì bạn muốn tôn trọng tinh thần của trò chơi.
Cuốn sách này được viết dưới hình thức đối thoại, đây là hình thức khá lạ với các tác phẩm triết học hiện đại. Ông có thể chia sẻ thêm về hình thức này không?
Một vài tác phẩm triết học cổ điển đã từng được viết dưới hình thức các cuộc đối thoại trong đó có các tác phẩm của Plato và David Hume. Những tác phẩm ít ỏi theo lối này đều tạo được dấu ấn riêng và trở thành điển hình cho cách viết nói trên. Chính The Grasshopper của Suit cũng là một tác phẩm với nỗ lực nghiêm túc của tác giả nhằm đánh vào những điểm mấu chốt của triết học, và đã để lại ấn tượng cho người đọc như tôi.
Tại sao Suit lại thích chủ đề trò chơi và chọn viết về nó?
Suit luôn cho rằng chơi là tốt, bởi chúng ta được sống trong một thế giới nơi mọi nhu cầu được đáp ứng. Thật thú vị khi luôn có những thử thách và trở ngại khiến ta cố gắng để đạt được mục tiêu. Khi chơi ta chẳng cần lo lắng về những thứ khác. Suit đánh giá cao bản chất nội tại của các trò chơi, ông khẳng định một cách tinh tế điều đó bằng cách đưa ra các lập luận và ví dụ linh hoạt. Người tác giả tài năng ấy đã mang vào cuốn sách của mình nhiều câu chuyện hài hước. Ông đã tạo được phong cách riêng khiến độc giả chú ý tới. Một lần nữa, tôi phải dành lời khen cho The Grasshopper – một cuốn sách ngắn nhưng rất đáng đọc. Nếu bạn bỏ lỡ nó, bạn đã bỏ lỡ một bí ẩn về lý thuyết trò chơi mà Wittgenstein đã dày công xây dựng.
Cảm ơn ông đã tham dự cuộc phỏng vấn này!
Trạm Đọc
Theo Fivebooks