Trước tiên, ý kiến cho rằng Totem sói là một tuyệt phẩm, vì nó được tái bản liên tục và luôn đạt kỷ lục về số bản in, là một ý kiến không có sức thuyết phục. Trong logic học không thể lấy kết quả để giải thích cho nguyên nhân. Còn trong vấn đề văn chương - văn học, cách giải thích này càng tỏ ra phi lý. Thực tiễn xuất bản tác phẩm văn chương - văn học của thế giới cho thấy, không phải các tuyệt phẩm văn chương của thế giới có số lần tái xuất bản và số lượng bản in cao nhất, mà chính là các tác phẩm cận văn chương, tiêu khiển và giải trí mới có số lần tái xuất bản và số lượng bản in cao nhất! Với nhận thức và thực tiễn này, có thể khẳng định, việc Totem sói được tái bản liên tục và đạt kỷ lục bản in ở Trung Quốc chưa hẳn vì đó là một tuyệt phẩm.
Hầu hết bạn đọc Việt Nam đọc Totem sói (âm Hán-Việt là Lang Đằng Đồ) qua bản dịch tiếng Việt. Thường rất khó để định lượng giá trị của một tác phẩm văn học dịch. Trường hợp bản dịch của Totem sói cũng không phải là ngoại lệ. Có thể bản dịch này không thành công, chưa đạt, vì vậy sự cảm nhận và đánh giá của những người đọc trầm tĩnh rất khó khăn. Có thể bản dịch này vướng vào trường hợp đau đớn hơn: dịch là phản- dịch là diệt. Nếu vậy, sự cảm nhận của người đọc về Totem sói chỉ có một phần rất nhỏ.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhà dịch thuật tiếng Trung nào lên tiếng chính thức về chất lượng bản dịch Totem sói. Người viết bài này được quyền nghi ngờ về chất lượng bản dịch Totem sói. Đơn giản nhất là tựa đề của cuốn sách. Âm Hán-Việt của cuốn sách này là Lang Đằng Đồ được dịch là Totem sói tuy không phải là phản, là diệt nhưng hoàn toàn không tâm huyết với tiếng Việt, tây ta lẫn lộn (totem là tiếng tây, sói là tiếng ta) không đâu vào đâu. Trong tiếng Việt, có rất nhiều từ tương ứng, có thể chuyển tải gần như trọn vẹn từ Đằng Đồ trong tiếng Hán, đó là từ Căn Tính, hoặc là từ Sùng Bái. Vì vậy, Lang Đằng Đồ nên được dịch là Căn Tính Sói, hoặc là Sùng Bái Sói hay hơn rất nhiều so với Totem Sói xa lạ!
Có lẽ, các dịch giả tiếng Trung của Việt Nam cần phải dũng cảm và tâm huyết trong việc thẩm định lại chất lượng bản dịch của Totem sói để giúp người đọc đánh giá khách quan hơn, có cảm nhận chính xác hơn về giá trị văn chương của Totem sói.
Khi chưa thể định lượng và định tính giá trị văn chương của Totem sói, có thể xác định giá trị của Totem sói qua thể loại. Theo tôi, Totem sói của Khương Nhung là một tiểu thuyết luận đề. Tiểu thuyết luận đề là thể loại mà thông qua các chi tiết văn học trong tác phẩm, tác giả chủ động và chủ quan đưa ra các đánh giá mang tính suy luận, kết luận về cuộc sống, lịch sử, văn hóa, xã hội. Ba con vật chính của thảo nguyên hoang mạc Gobi thuộc vùng sa mạc Trung Quốc – hoàn cảnh phản ánh của Totem sói – là cừu, ngựa và loài sói Mông Cổ. Thông qua cuộc sống, hoàn cảnh cụ thể của ba loài vật này, tác giả Khương Nhung đưa ra các luận đề, các suy diễn khác nhau.
Thể loại tiểu thuyết luận đề trong Totem sói có phải là một thể loại mới mẻ và mang tính cách tân không? Hoàn toàn không mới. Ngay từ thế kỷ thứ 18, các nhà tư tưởng Khai Sáng ở Pháp đã khai sinh ra thể loại tiểu thuyết luận đề, dùng tiểu thuyết luận đề để chuyển tải các quan điểm triết học, khoa học xã hội vốn rắc rối và trừu tượng, khó hiểu. Các tiểu thuyết Zadich hay số mệnh, Cadidơ hay chủ nghĩa lạc quan của Voltaire, Những mơ mộng của một người dạo chơi cô độc của Rousseau chính là những tiểu thuyết luận đề có tác dụng phổ thông hóa, mềm mại hóa, uyển chuyển hóa các quan điểm khoa học khô khan và trừu tượng, nhằm giúp cho đông đảo bạn đọc tiếp thu và hiểu được những tư tưởng mới. Câu trả lời đã có.
Vậy tại sao Totem sói của Khương Nhung lại được người đọc Trung Hoa tìm đọc, có sức hấp dẫn lớn với họ? Có lẽ câu trả lời nằm ở vấn đề khác: tính luận đề của cuốn tiểu thuyết, những điều muốn nói của cuốn tiểu thuyết.
Totem sói là cuốn tiểu thuyết đề cập đến một giai đoạn lịch éo le và cay đắng của Trung Quốc: thời kỳ Cách mạng văn hóa. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết xoay quanh cuộc sống trên thảo nguyên Gobi của người thanh niên trí thức đến từ Bắc Kinh có tên là Trần Trận. Tộc người bản địa Mông Cổ - cừu - ngựa - chó sói và Trần Trận hiện hình lên, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm này, hòa quyện lấy nhau mật thiết.
Từ những tình tiết và hoàn cảnh cụ thể trong tác phẩm, Khương Nhung đã đưa ra nhiều luận đề, suy tưởng thành những triết lý.
Luận đề thứ nhất mà Khương Nhung muốn đề cập đến là tính cách cừu, phẩm chất của cừu. Theo Khương Nhung, cừu có tính cách nhu nhược, bạc nhược, đớn hèn, bản năng sinh tồn kém, không có tính chiến đấu, không có phẩm chất kháng cự, không có tư duy và năng lực làm chủ. Cừu tượng trưng cho sự an phận và nô lệ. Theo Khương Nhung, người Hán với truyền thống nông canh (trồng lúa nước, tức là văn minh nông nghiệp) mang đặc tính trọn vẹn của loài cừu, chính vì vậy, trong quá khứ, người Hán luôn bị các lân quốc, các bộ tộc du mục vốn có thiên tính mạnh mẽ đàn áp, nô dịch. Khương Nhung mơ tưởng một ngày nào đó, tộc Hán sẽ lột bỏ hoàn toàn lốt cừu để có một tâm thế và hình hài hiên ngang nhất.
Luận đề thứ hai của Khương Nhung: Tại sao giống ngựa lừng danh Mông Cổ lại không phải là linh vật tổ của người Mông Cổ? Khương Nhung luận được tất cả các đặc tính ưu việt của giống ngựa Mông Cổ như khỏe mạnh, bản năng sinh tồn lớn, sức chịu đựng phi thường, khả năng thích nghi vô tận, và ông cũng đưa ra kết luận rằng, cho dù rất ưu việt so với nhiều giống ngựa khác trên thế giới, nhưng ngựa Mông Cổ vẫn không có tính chiến đấu cao vì bị thiến. Ngựa chiến phải là ngựa bị thiến để ngựa không phải bận tâm tìm bạn tình, chính vì vậy ngựa chiến không có khả năng chiến đấu cao với thiên địch, không thể nào chiến thắng được kẻ thù truyền kiếp là sói. Đặc biệt là, cho dù là ngựa Mông Cổ, loài ngựa này vẫn bị con người bắt giữ và thuần hóa dễ dàng. Khương Nhung khao khát một mẫu người Hán mới mẻ, không phải là mẫu người Hán có tính chiến đấu thấp, và dễ bị thuần hóa.
Luận đề thứ ba của Khương Nhung là: sói chính là con vật có đầy đủ những phẩm chất, tính cách để tộc người Hán tôn thờ, sùng bái. Theo Khương Nhung, sói mạnh mẽ, can trường, thông minh, năng lực tác chiến và chiến đấu tốt, đầy tính kiên nhẫn và bất ngờ, tính đoàn kết cao, sói cao ngạo nhưng ý thức kỷ luật tốt, sói mềm mại nhưng vẫn cứng cáp, sói kín đáo mà vẫn hiên ngang, sói ngang tàng và bất khuất, sói tiềm ẩn những sức mạnh kinh hồn mà hổ, báo, sư tử không thể nào có được, sói bản năng vô cùng nhưng cũng trí tuệ vô biên. Khương Nhung đã giành cho tính cách sói, phẩm chất sói, cuộc sống sói những ngôn từ bay bổng nhất.
Nhưng, theo Khương Nhung, phẩm chất quan trọng nhất của sói chính là khả năng không bao giờ bị thuần hóa và thuần dưỡng, phẩm chất không thể chung sống với dị chủng cho dù vẫn chung một giống loài, phẩm chất không bao giờ bị lai tạp. Trong Totem sói, người thanh niên Trần Trận đã kỳ công nuôi dưỡng một con sói Mông Cổ với mong muốn thuần dưỡng và thuần hóa nó, với mong muốn lai tạo nó. Sói đã chủ động tiến đến cái chết để bảo vệ phẩm chất sói. Một cái chết bi hùng và đầy ngưỡng mộ trong tâm thức Khương Nhung.
Theo luận đề của Khương Nhung, chính vì người Mông Cổ sống du mục gần gũi với sói Mông Cổ nên người Mông Cổ đã phát hiện được những phẩm chất tuyệt vời của sói, và người Mông Cổ đã áp dụng sói tính vào mình, tôn thờ sói làm linh vật tổ. Chính vì vậy, người Mông Cổ đã có một sức mạnh vô biên, đã chinh phục được Châu Á, Châu Âu, Arabia…, có được một đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Khương Nhung ngưỡng mộ thành quả của người Mông Cổ trong quá khứ, và bộc lộ khao khát thành quả tương tự của Trung Quốc trong tương lai.
Khương Nhung ao ước mãnh liệt rằng, tộc người Hán phải nhanh chóng có bản tính và phẩm chất sói, gạt bỏ hoàn toàn tâm thế cừu, tâm thế ngựa để đất nước Trung Hoa có một vị thế mới, để con người Trung Hoa được toàn thế giới nể trọng.
Có thể các luận đề trong Totem sói của Khương Nhung đã đáp ứng được tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang ngày càng lên cao ở Trung Quốc nên Totem sói đã được ồ ạt đánh bóng và tái bản, có số bản in kỷ lục. Nếu nhận định này là xác thực, Việt Nam nói riêng và các nước láng giềng của Trung Quốc, một phần lớn của thế giới nói chung có quyền nghi ngờ về học thuyết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, “Trung hoa mộng” của nhà cầm quyền Trung Quốc, và căn tính sói của họ. Và có thể, “trỗi dậy hòa bình”, “Trung Hoa mộng” và căn tính sói sẽ mang đến cho nhân loại những đau xót vô bến vô bờ. Hãy cảnh giác!
Theo Văn Hóa Nghệ An
Chu Vĩnh Hải
Bìa minh họa: Olav Marahrens