Làm Việc Sâu không phải là những gì quá cao siêu và viển vông. Bạn có thể thực hành nó ngay lúc nào, ngay bây giờ. Trong cuốn sách “Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ ra ngay cả đi bộ chúng ta cũng có thể luyện tập “Deep Work”: “Thở vào, bước một bước và chú tâm hoàn toàn vào lòng bàn chân của mình. Nếu quý vị chưa “về” được một trăm phần trăm thì đừng bước bước nào nữa cả. Quý vị có thể xài lớn thì giờ như vậy. Khi nào chắc chắn mình đã về được một trăm phần trăm với giây phút hiện tại bây giờ và ở đây, tiếp xúc được với thực tại một cách sâu sắc thì quý vị hãy mỉm cười và bước đi bước kế tiếp. Đi như vậy, quý vị sẽ in lên mặt đất sự vững chãi, thảnh thơi và niềm an vui của quý vị.” [1]
Dưới đây là một số những lợi ích cơ bản mà, giống như Thiền Định, có thể mang lại cho bạn, nếu bạn chịu khó dành 1 tiếng mỗi ngày để thực sự “sống sâu”.
Hạnh phúc ngay lúc này: Tâm trí lan man là tâm trí không hạnh phúc. Bạn không cần phải như Tôn Ngộ Không để sử dụng chiêu Thần Hành, khi mà linh hồn có thể tạm thời rời khỏi thể xác và tự do di chuyển. Ngay lúc này, bạn đang ngồi trên ghế, tay đặt ngay ngắn trên bàn, mắt bạn đang nhìn những con chữ rất đắm đuối nhưng tâm trí lại có thể đang băn khoăn vô vàn thứ chuyện “không đâu” khác. Bữa ăn tối qua mình ăn gì nhỉ? Người yêu có cần giận mình nữa không? Sắp được đi Đà Lạt rồi, háo hức quá đi? Có nên chụp ảnh cuốn này rồi đăng lên Facebook để các bạn biết mình cũng sâu sắc lắm chứ bộ?... Tóm lại, trong lúc đọc sách thì suy nghĩ mọi thứ… trừ chuyện đọc sách.
Nếu bạn vào chế độ "Deep Work", tâm trí sẽ cần tập trung cao độ vào việc mình đang làm. Giống như một sĩ tử toàn tâm toàn ý vào giải đề trong 2 tiếng thi đại học, hay một chuyên gia phải nhập tâm hết mức vào việc gỡ bom, toàn bộ tinh lực của bạn khi sẽ được hấp thụ và tan chảy vào công việc. Cảm giác căng thẳng dâng tràn, nhưng cũng sung sướng khó tả.
Nâng cao năng suất: Thần thoại về 8 tiếng nơi công sở là bạn sẽ ngồi chăm chú hoàn toàn trong 8 tiếng, nhưng thực tế thực sự tập trung được 2 tiếng mỗi buổi sáng, chiều cũng đã là thành tích với dân văn phòng rồi. Thời gian còn lại, chúng ta hay phải dành vào những công việc, tuy vặt vãnh nhưng ngốn rất nhiều thời gian và năng lượng như trả lời Email, nói chuyện với đồng nghiệp, chat nhóm trên Skype, ăn quà vặt buổi chiều, sinh nhật đồng nghiệp tháng 3... Nhớ lại những lúc ở lại cơ quan làm muộn, hay đi làm cuối tuần, một mình một văn phòng, đôi khi cô đơn nhưng lại làm được “bao việc”. Nâng suất rất cao vì không bị ai đó làm phiền, đứt mạch sự tập trung.
Thúc đẩy sự chuyên sâu: Nếu xét cho cùng, mức lương và điều kiện được đãi ngộ của bạn sẽ tỉ lệ nghịch với số người (ít nhất là ở Hà Nội) có thể làm công việc mà bạn đang làm. Lương bạn có thể sẽ càng cao, nếu số người mà sếp có thể chọn lựa từ thị trường lao động để thay thế bạn càng thấp. Thời đại của hời hợt và cái gì cũng biết một chút sẽ vẫn còn kéo dài, nhưng xã hội sẽ luôn trao thưởng hậu hĩnh cho các chuyên gia: những kẻ rất giỏi và rất hiểu công việc mình đang làm. Và bạn hiếm có thể đi sâu vào một lĩnh vực (và xây lợi thế cạnh tranh cho mình) nếu không thực sự hiểu sâu về nó. “Deep Work” có lẽ là cách để thúc đẩy việc luyện tập có chủ đích & sâu tốt nhất trong các phương pháp phát triển bản thân mỗi ngày.
Để chuyển sang được chế độ "Deep Work", thứ quan trọng hàng đầu không phải là bạn bắt tay ngay vào công việc, mà cần tạo môi trường lý tưởng cho mình trước đã. Giống như không mấy ai mở lớp hành thiền ngay Ngã Tư Sở và người ta cần lên không gian thanh tịnh và linh thiêng của chùa để tĩnh tâm, đôi khi không phải do tâm trí bạn thích đi "phượt" khắp nơi, mà vì tâm bạn bị thu hút và tấn công bởi quá nhiều các kích thích ngoại lai.
Và một trong những cách khôn ngoan nhất để chống lại các cám dỗ không phải là cưỡng lại chúng mà là khiến chúng biến mất, hay gạt chúng ra khỏi môi trường của bạn. Đừng cố ép mình không vào Instagram hay ngừng chơi Candy Crush, bạn hãy thử xoá luôn ứng dựng đó trên Iphone xem sao. Đây là các gợi ý bạn rất nên thử qua.
Khung thời gian nào thì có thể tùy cơ địa của bạn, nhưng hầu hết sẽ rơi vào 2 khung giờ, khi đô thị chưa kịp hoặc ngừng cất tiếng là 5-7h sáng hoặc 22h-24h. Tuỳ vào khả năng, nhưng thường bạn chỉ tập trung được 1 giờ đã là rất đáng tuyên dương, và sau đó thì phải nghỉ để phục hồi “cơ” tập trung. Có những người có thể “thăng hoa” được 3-4 giờ (làm việc không mệt mỏi, mất cảm giác về thời gian, trôi trong công việc, phiêu lãng cùng Excel, đến mức quan sát cũng thấy được truyền năng lượng), nhưng nếu bạn chưa bao giờ làm việc “siêu” tập trung, thì hãy dành ra 1 khung giờ cố định hàng ngày tầm 90 phút là đủ.
Tóm tắt cách bước để thực hành Làm Việc Sâu mỗi ngày:
Khi vào chế độ Làm Việc Sâu, càng làm bạn sẽ càng thấy thích thú, một trạng thái dòng được các nhà tâm lý học gọi là Dòng Chảy (Flow), khi càng tiến sâu, bạn sẽ cảm thấy mình trôi đi cùng công việc, thay vì phải nhích từng centimet đến vạch đích. Tuỳ năng lực, nhưng thường sau 1 tiếng hãy giải lao, ăn chút hoa quả, uống chút nước và lập lại quá trình này cho đến khi cơ thể cất tiếng cần nghỉ ngơi. Chúc bạn thành công trong quá trình Làm Việc Sâu của mình.
[1] Bụt Là Hình Hài, Bụt Là Tâm Thức (Thái Hà Books)
Và nếu bạn thấy cuốn sách này hữu ích, hãy truy cập link này, nhập mã "doccungtram" vào phần ghi chú hoặc nhập mã, để được chiết khấu thêm 10% nhé bạn! Chúc các bạn tìm thấy nhiều niềm vui và những điều bổ ích với cuốn sách!
Minh Đào - Trạm đọc