Mỹ học không phải là một điều gì đó xa lạ, cao siêu khi mà hàng ngày, trước mỗi con người, sự vật, sự việc, hiện tượng, chúng ta đều có xu hướng nhận xét, đánh giá theo những tiêu chí: đẹp-xấu, thiện-ác, thật-giả, đúng-sai… Như thế có thể nói Mỹ học như là một cách thức, một hệ thước đo cho đời sống người.
Thế nhưng trong một đời sống bùng nổ, dư thừa, lạm phát thông tin như hiện nay, mỗi chúng ta không tránh khỏi những băn khoăn – nhiều khi là hoang mang, lạc hướng – trước những đa dạng của truyền thông, trước những tranh chấp của các hệ giá trị sống khác nhau đã và đang hình thành. Lựa chọn một điểm nhìn, lựa chọn một cách sống không chỉ là một tự do nữa, mà còn là một yêu cầu riết róng để chúng ta có thể “sống ổn” trong đời sống này. Nhất là đối với những người làm giáo dục, khi họ còn có thêm trách nhiệm giải thích, định hướng cho các thế hệ trẻ những giá trị, chuẩn mực, nguyên tắc của thẩm mĩ, của cái đẹp, của một đời sống đẹp.
Cuốn sách “50 câu hỏi Mỹ học đương đại” của tác giả người Pháp Marc Jimenez do dịch giả - nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương chuyển ngữ với những câu trả lời ngắn gọn, súc tích nhưng cũng không kém phần sâu sắc, bao quát về những vấn đề cơ bản nhất của Mỹ học và đặc biệt là Mỹ học đương đại chắc chắn là một công cụ hữu ích, một nguồn tham chiếu có giá trị cho chúng ta trong những phán đoán, nhận định về nghệ thuật, đời sống thẩm mỹ đương đại, trong đó chúng ta xác định vị thế của cá nhân và cộng đồng hướng tới khát vọng muôn đời của con người: cái Đẹp.
Cuốn sách sẽ được giới thiệu trong buổi tọa đàm “Mỹ học, truyền thông và đời sống đương đại”, được phối hợp tổ chức bởi các đơn vị: Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam, CUCA Việt Nam và CLB Đọc sách Sư phạm.