TỌA ĐÀM ĐI VÈ PHÍA MẶT TRỜI MỌC
Thời gian: 15h00 - 17h30, thứ 7 ngày 01/07/2023.
Địa điểm: Sân khấu A, Đường sách TP. HCM
Diễn giả:
- Nhà nghiên cứu, tác giả và dịch giả Nguyễn Quốc Vương
- TS. Nguyễn Vũ Kỳ, Khoa Nhật Bản học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.
- Á hậu Thúy Vân (Hoa hậu Quốc tế tại Nhật Bản năm 2015)Đại sứ du lịch Nhật Bản 2016, Đại sứ sách và văn hóa đọc 2023-2024
- MC Ninh Hoàng Ngân.
NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổ chức sự kiện chia sẻ góc nhìn đa chiều về đất nước Mặt Trời Mọc, với sự xuất hiện của các diễn giả là những người có vốn hiểu biết và kiến thức phong phú, chân thực về Nhật Bản.
“Nước Nhật đã tái sinh tôi thành con người khác và cũng đã làm cho tôi trở lại là chính tôi sau nhiều năm bị lạc mất chính mình. Đấy cũng là nơi tôi lấy lại cảm giác làm người, nếm trải cảm giác hạnh phúc và cả cảm giác đau khổ tột cùng.” Đây là những chia sẻ giản dị và chân thành trong tự truyện “3000 ngày trên đất Nhật” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023) của tác giả Nguyễn Quốc Vương, người đã có nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, thông hiểu về đời sống văn hóa - xã hội “đất nước mặt trời mọc”. Chia sẻ này càng cho thấy Nhật Bản luôn có sức hút kỳ lạ với những bí ẩn từ tính cách con người đến cả đời sống - văn hóa. Mỹ danh “đất nước mặt trời mọc” không tự nhiên dành cho Nhật Bản, mà nó xuất phát từ nhiều lý do.
“Nhật Bản” trong cách viết theo âm Hán có nghĩa là “gốc của mặt trời”. Vị trí địa lý nằm ở cực Đông của châu Á nên Nhật Bản cũng là nước đầu tiên nhìn thấy Mặt trời mọc vào mỗi sớm. Chưa dừng lại ở đó, “Cổ sử ký” có ghi chép Nữ thần mặt trời Amaterasu Oomikami được xem là thủy tổ của dòng dõi hoàng gia Nhật Bản. Tất cả đều xoay quanh ý nghĩa về tên gọi “đất nước mặt trời mọc” mỗi khi nhắc đến Nhật Bản.
Tính cách của người Nhật dường như cũng thể hiện điều này khi sự kiên trì và chăm chỉ đã “ăn sâu” trong mỗi người. Vốn là quốc gia “tự lực, tự cường”, người Nhật luôn tìm ra “ánh sáng ở nơi vực sâu” để vượt qua mọi khó khăn bao gồm chiến tranh và thiên tai. Bất chấp những trở ngại như thế nào, người Nhật vẫn có thể vực dậy và lớn mạnh, trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Điều này được tác giả Nguyễn Quốc Vương ghi lại trong “3000 ngày trên đất Nhật”, ví dụ trong trận động đất lớn vào năm 2011 “… người Nhật đã thể hiện rõ bản lĩnh và sức mạnh của mình khi không để xảy ra cướp bóc, không có lộn xộn tranh giành đồ cứu trợ. Số lượng tình nguyện viên trẻ đến vùng Đông Bắc nguy hiểm để giúp đỡ người khác ngày một nhiều”.
Với những người yêu quý văn hóa và con người Nhật Bản, “3000 ngày trên đất Nhật” xuất hiện có thể phần nào giúp thỏa mãn khao khát hiểu biết về đất nước tuyệt vời này. Cuốn sách vừa giúp ta hiểu thêm về văn hóa, phong tục của nước Nhật vừa cho ta thêm những suy ngẫm về cuộc sống của du học sinh và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Liệu cuộc sống của du học sinh Việt Nam tại Nhật có toàn màu hồng như quảng cáo của các công ty môi giới xuất khẩu lao động? Cuốn sách là câu chuyện rất riêng của tác giả nhưng cũng gợi ra nhiều suy ngẫm cho người đọc. Nhất là với các bạn trẻ trên con đường tìm hướng đi mới cho bản thân, dám bước ra khỏi vùng an toàn để có được lối đi riêng.
Hiện nay ở Nhật có gần nửa triệu người Việt Nam sinh sống. Trải nghiệm của họ có khác với những gì tác giả Nguyễn Quốc Vương đã cảm nhận? Câu hỏi này sẽ được các diễn giả trả lời trong nội dung tọa đàm.
Trạm đọc tổng hợp