Nhưng thực tế, tình yêu “ít điều kiện”, thậm chí “vô điều kiện” vẫn tồn tại, và thú vị thay, khoa học đã chứng minh rằng, khi ta yêu “ít điều kiện” thì não ta sản sinh ra Dopamine - một chất hóa học liên quan tới cảm giác thỏa mãn khiến cho bản thân chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc.
Yêu vô điều kiện là tình yêu trong đó ta chấp nhận tất cả những gì vốn có của người ấy, dù bất cứ điều gì xảy ra ta vẫn thương yêu, lo lắng, chăm sóc, không bao giờ rời bỏ người đó, không mong chờ nhận lại bất cứ điều gì.
Trong thực tế, tình yêu vô điều kiện thường gặp nhiều nhất trong mối quan hệ gia đình giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ luôn yêu thương con, luôn ở bên con, luôn tin tưởng con – đó chính là biểu hiện của tình yêu vô điều kiện.
Thế nhưng, tình yêu vô điều kiện với con không đồng nghĩa với việc che chở mù quáng. Cha mẹ không chỉ yêu con, mà còn đồng hành với con. Điều khó nhất trong tình yêu ấy, chính là học cách tôn trọng và chấp nhận những lựa chọn của con, chấp nhận hoàn toàn con cái. Nó bao gồm cả việc chấp nhận sự lựa chọn của con dù bạn không thích lựa chọn đó.
Trừng phạt, thử thách, nuông chiều … đều không phải là điều nên làm trong tình cảm gia đình.
Tình yêu vô điều kiện có sức mạnh thay đổi mối quan hệ bố mẹ và con cái một cách sâu sắc. Thế nhưng làm thế nào để bố mẹ bắt đầu một tình yêu thực sự “vô điều kiện – ít điều kiện” với con cái?
Làm thế nào để vượt qua bản tính ích kỷ của bản thân để cho đi tình yêu vô điều kiện mà không mong chờ được đáp lại?
Dưới đây là vài điều mà không chỉ bố mẹ, mà chúng ta đều có thể học tập để yêu thương “ít điều kiện” hơn, để cả gia đình hạnh phúc hơn.
Alfie Kohn, chuyên gia về giáo dục và phương pháp nuôi dạy trẻ nổi tiếng của Mỹ - đã xuất bản cuốn sách “Cha mẹ vô điều kiện” - bàn về chủ đề yêu thương vô điều kiện trong giáo dục trẻ em.
Trong cuốn sách, ông đặt lại rất nhiều vấn đề trong dạy trẻ mà các bậc cha mẹ rất quan tâm hiện nay như: Tại sao cha mẹ ngày càng kiểm soát con cái quá mức? Hình phạt cho con và hậu quả của nó như thế nào với sự phát triển của trẻ? Điều gì đang cản trở chúng ta yêu thương con vô điều kiện?
Sau những phân tích dưới nhiều góc độ, tác giả tập trung vào bàn vấn đề là nên thay đổi quan niệm nuôi dạy trẻ từ đối phó sang hợp tác với trẻ; đề xuất một số phương pháp cha mẹ nên sử dụng để tiếp cận, hiểu được suy nghĩ và cảm thông với con.
“Những đứa trẻ ngoan ngoãn đến mức làm bất kỳ điều gì cha mẹ muốn, trở thành mẫu người cha mẹ mong ước, thường phải trả giá là đánh mất cái tôi của mình” - Alfie Kohn (Cha mẹ vô điều kiện)