Tiểu thuyết dã sử Cầm Thư Quán và những cuộc truy cầu bất tận
Tiểu thuyết dã sử Cầm Thư Quán và những cuộc truy cầu bất tận
Năm 2018, cuốn tiểu thuyết Cầm Thư quán của nhà văn Hà Thủy Nguyên một lần nữa xuất hiện trước công chúng – trong một diện mạo mới và đã được tác giả chỉnh sửa, bổ sung thêm một phần nội dung. Cũng từ đây, Cầm Thư quán mở ra trước mắt người đọc một khát khao truy tìm sự tuyệt đích bất tận.
Cầm Thư Quán
(4 lượt)

 

Ở biển Bắc có con cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Cá côn biến thành chim bằng, lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì chim bằngrời về biển Nam, biển Nam là Ao trời.
...
Con ve sầu và con chim cưu cười con chim bằng rằng: ‘Chúng ta bay vù lên cây du, cây phượng, có lúc bay không tới mà rớt xuống đất. Hà tất phải bay cao chín vạn dặm để xuống phương Nam?’
...
Một con chim se sẻ ở trong cái đầm nhỏ cười chim bằng: ‘Con đó bay đi đâu vậy? Tôi lên cao độ vài nhẫn rồi xuống, bay liệng trong đám cỏ bồng cỏ cảo, cho bay như vậy là đủ rồi. Con đó bay đi đâu thế?'.

Trích thiên Tiêu dao du – Nam hoa kinh, Trang Tử

 

Cuốn sách nhỏ của Hà Thủy Nguyên viết về hai chị em Ngọc Cầm, Ngọc Thư – quán chủ Cầm Thư quán. Tại Cầm Thư quán, Ngọc Cầm gảy đàn theo khúc Hải du, Ngọc Thư đọc sách và truy cầu kinh Phật. Nơi đây cũng vì thế mà xa rời chốn nhân thế hay cảnh cung đình xa hoa. Cuộc sống của hai nàng chỉ xoay quanh duy nhất hai điều ấy. Thế nhưng dù Cầm Thư quán có xa lánh chốn cung đình hay cách xa nhân thế bao nhiêu, thì Ngọc Cầm, Ngọc Thư cũng vẫn phải đối mặt với những con người đến từ miền xa cách đó: những anh chàng “giá áo túi cơm” vào tán chuyện rồi mua vui vài ba câu thơ nhạt nhẽo, Thánh thượng Lê Thánh Tông quyền lực trên vạn người nhưng vẫn không thể khỏa lấp khát khao của Ngọc Cầm...

 

Khác với những truyện ngắn hoặc tiểu thuyết do những người viết trẻ hiện tại xây dựng, Cầm Thư quán không đi sâu vào mối quan hệ nam nữ giữa Lê Thánh Tông và Ngọc Cầm, cũng không “ngôn tình hóa” các dữ kiện lịch sử. Trong Cầm Thư quán, nhân vật, lịch sử trở thành phương tiện để tác giả gửi gắm thông điệp của riêng mình: Cả Ngọc Cầm, Ngọc Thư, Lê Thánh Tông, chàng thư sinh và nhà sư không tên đều đang trên đường truy cầu một điều gì đó khác thường, thậm chí là phi thường:

Ngọc Cầm ban đầu mải miết chạy theo khúc Hải du. Khúc Hải du xuất hiện cùng với tiếng đàn của nàng, văng vẳng trong đêm xa, chập chờn trong ý nghĩ, rồi theo nàng đến tận cùng. Lúc đầu, khúc Hải du thể hiện cho khát khao vượt ra khỏi cuộc đời nhàm chán, thoát lên trên lẽ thường của những tam tòng, tứ đức đương thời, đồng thời cũng là khát khao vươn mình chạm tới sự vô cùng, bất tận. Thế nhưng, đến cuối cùng, khúc Hải du không dừng lại ở tiếng đàn ngang tàng, bất tận, mà còn trở thành tấu khúc truy tìm tri âm, tri kỷ, là tiếng đàn kéo hai con người “tưởng chừng xa vạn dặm nhưng duyên nợ đã quấn quít tự thuở nào” lại với nhau.

Một phiên bản của tác phẩm Cầm Thư Quán

Ngọc Thư mải miết chạy theo lời Phật dạy, ngày ngày gõ mõ tụng kinh, lên chùa thỉnh Phật. Nàng không phải người mê đắm Phật pháp đến quên ăn quên ngủ, cũng không phải người sẵn sàng cắt tóc đi tu. Nàng chỉ đơn giản là đang tìm câu trả lời cho hàng ngàn hàng vạn những câu hỏi nảy sinh trong tâm tưởng. Ngọc Thư không có sự ngang tàng của Ngọc Cầm, nhưng ở nàng và Ngọc Cầm luôn có chung một suy nghĩ:

 

Nhiều khi chị tự hỏi chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta chỉ là những người con gái bình thường. Cần gì mang trong mình một bồ kinh sử, cần gì tới ngón đàn đắm đuối lòng người, và càng chẳng cần tới nhan sắc diễm tuyệt này… Họ hay chúng ta rồi cuối cùng cũng sẽ chết!

 

Một mặt, Ngọc Thư và Ngọc Cầm vẫn luôn theo đuổi lý tưởng của riêng họ, nhưng mặt khác, cả hai người lại luôn phải đối mặt với những suy nghĩ về một “cuộc sống bình thường”, trở thành những “người con gái bình thường”. “Người bình thường”, vào thời đó, có nghĩa là phải tuân thủ đủ tam tòng tứ đức, luân thường đạo lý, cắm mặt làm việc, là không cần thông tuệ kinh văn, là không cần đàn hát, là không cần sắc đẹp, chỉ cần có một nơi yên bề gia thất hoặc nhận ơn mưa móc của vua là đủ, là nhìn thấy vua thì phải khúm núm nghe lệnh, là chẳng thể biết đến cái gì là tự do, cái gì là đẹp đẽ, là chẳng biết đặt những câu hỏi để kiếm tìm câu trả lời,... “Người bình thường” như vậy, có khác nào loài se sẻ, con ve sầu, chim cưu mà Trang Tử đã từng nhắc đến trong thiên Tiêu dao du?

Mâu thuẫn ấy đi cùng cả hai nàng trong suốt câu chuyện, nhưng rồi đến cuối, Ngọc Cầm vẫn chọn một lần phiêu theo khúc Hải du, Ngọc Thư vẫn chọn đắm chìm trong những câu hỏi chưa có lời giải của chính nàng.

Trong truyện còn khắc họa một Lê Thánh Tông thời Hồng Đức thịnh thế với những nét tâm lý, tình cảm mới lạ. Ai cũng biết Lê Thánh Tông là vị vua (có thể xem là) hoàn hảo: dưới thời của ông, Đại Việt đạt đỉnh cao cả về kinh tế, chính trị lẫn tình hình văn hóa, xã hội.

Đến với Cầm Thư quán, bạn đọc sẽ bắt gặp một Lê Thánh Tông cá nhân hơn, và cũng... tham lam hơn. Lê Thánh Tông “tham lam” không chỉ vì vừa muốn giang sơn, vừa muốn mỹ nhân, mà còn vì ông tò mò muốn biết cả đời sau sẽ nghĩ gì về mình. Thế nhưng cũng ở đây, người đọc sẽ bắt gặp một Lê Thánh Tông si tình hết mực, và cũng day dứt, buồn đau hết mực. Nếu Ngọc Cầm, Ngọc Thư khát khao sự vô cùng, bất tận, thì có lẽ điều duy nhất Lê Thánh Tông truy cầu là chính mình: giang sơn, mỹ nhân, tình ái,... tất cả đều được ông “dùng” để khẳng định chính mình. Chỉ là đến cuối cùng, Lê Thánh Tông lại chẳng giữ lại được gì ngoài giang sơn.

Chàng thư sinh mà Ngọc Cầm say mê lại đối ngược hoàn toàn với Lê Thánh Tông. Chàng ta không có nhu cầu khẳng định chính mình, nhưng chàng lại có cái khát khao theo đuổi sự “tận thiện, tận mỹ”. Tuy nhiên, chàng cũng đâu có tìm được sự tận thiện, tận mỹ như đã hẹn với Ngọc Cầm. Chàng còn chẳng thể nào hiểu ra được khát khao theo đuổi sự tận thiện, tận mỹ ấy thực chất cũng chỉ là theo đuổi một thứ ảo ảnh xa vời, là “tuyệt đích của hư vô”. Dường như chàng thư sinh ấy đã quên rằng, sự tận thiện, tận mỹ mà chàng tìm kiếm bấy lâu, nay đã dừng lại vĩnh viễn trên bức tranh họa người con cái với bước chân vương cánh hoa đào rồi.

Nhân vật cuối cùng là nhà sư trẻ - người đem đến cho những câu hỏi của Ngọc Thư một câu trả lời. Nhà sư ấy truy đuổi điều gì? “Ta chẳng muốn đi theo ai… Ta chỉ muốn đi trên con đường của ta giữa bể khổ và chẳng cần biết đến quay đầu…” Từ đầu đến cuối, tôi không thấy nhà sư ấy quá khát khao điểu gì, nhưng anh ta lại là người dám một mình đi ngược lại rất nhiều nhà sư khác. Các nhà sư khác cho rằng lẽ sinh trong trời đất là do khổ mà nên, còn nhà sư trẻ này lại cho rằng “Nguồn gốc của sinh là đi từ nhị nguyên tới nhất nguyên.” Vậy cuối cùng lẽ sinh trong trời đất là do đâu mà nên? Tôi nghĩ, khi nhìn thấy bức tượng Đại Phật Hoan Hỉ, cả Ngọc Thư, cả bạn đọc, cả tôi, đều sẽ có câu trả lời của riêng mình. 

Ảnh gốc: Tranh Y Xuy Ngũ Nguyệt

Nhìn chung, Cầm Thư quán duy mỹ với nhiều ẩn ngữ, biểu tượng mà trong đó, biển/ nước trở đi trở lại trong suốt toàn bộ tác phẩm. Đối trọng của hình tượng đó là ngọn lửa rực cháy ở cuối truyện. Đó có phải ngọn lửa giận dữ không? Tôi không chắc. Nhưng tôi biết ngọn lửa ấy đã hòa quyện vào tâm tưởng chàng thư sinh, đã đốt cháy ảo vọng truy tìm cái “tận thiện, tận mỹ” của chàng, cũng đốt cháy ảo vọng từ “suối Tham” của Lê Thánh Tông.

Suy cho cùng, tiểu thuyết Cầm Thư quán của Hà Thủy Nguyên là một cuốn sách không quá khó đọc, và chắc chắn khi đọc xong, người đọc sẽ phải suy nghĩ về từng nhân vật, từng hình ảnh, từng biểu tượng, thậm chí là từng lời thoại mà tác giả viết nên. Cũng chính vì thế, Cầm Thư quán không trôi tuột đi như vài ba câu chuyện nửa vời khác, mà vẫn luôn lưu lại trong suy nghĩ của tôi. Đối với tôi, một cuốn sách hay là một cuốn sách có thể khiến ta nhìn lại chính mình, đối diện với những dục vọng của chính mình và suy ngẫm. Và Cầm Thư quán chính là một cuốn sách như thế.

Theo IPick

Nguyễn Hoàng Dương

Tags: