Tác giả đưa ra nhiều thông tin độc đáo về bối cảnh lịch sử, sự tiến hoá về mặt sinh học cũng như văn hoá và xã hội của loài người, làm rõ mối quan hệ phức tạp và dai dẳng của con người với những công cụ tiết kiệm sức lao động. Đây được coi là hành trình đầy thú vị nhìn lại 100.000 năm lịch sử nhân loại, thảo luận những câu hỏi lớn xuyên suốt chuyến đi đó và khám phá tương lai phía trước.
“Một ngàn năm trước, chúng ta biết tạo ra lửa và phát triển ngôn ngữ. Mười ngàn năm trước, chúng ta phát minh ra nông nghiệp, xây dựng và mở rộng các thành phố. Năm ngàn năm trước, chúng ta tạo ra bánh xe và chữ viết, tiến tới hình thành các quốc gia. Hiện tại, chúng ta đang tiến gần đến lần thay đổi thứ tư với hai yếu tố tác động là AI và rô-bốt.”
Từ ngọn lửa thuở sơ khai đến sự phát triển của rô-bốt
Sự xuất hiện của “ngọn lửa thần Prometheus” là bước nhảy vọt trong hành trình phát triển của nhân loại. Lửa chính là công nghệ đa chức năng đầu tiên khi cho thấy vai trò quan trọng của mình trong việc cung cấp ánh sáng, giữ ấm, đảm bảo an toàn và nấu chín thức ăn – chìa khóa giúp bộ não con người phát triển đến mức phức tạp chưa từng có. “Chỉ trong một thời gian ngắn, con người đã tiến hóa và có số lượng tế bào thần kinh tăng gấp ba lần so với các loài khỉ hoặc tinh tinh”. Theo tác giả, “Lửa giống như một loại phép thuật. Ngay cả trong thời hiện đại, người đi cắm trại vẫn thường ngồi quanh đống lửa trại vào ban đêm và nhìn chăm chăm vào đó như bị thôi miên bởi những vũ điệu kỳ lạ của nó”. Nếu như lửa là khởi nguồn của câu chuyện lãng mạn kéo dài đến tận hôm nay giữa chúng ta với công nghệ thì ngôn ngữ đã “biến chúng ta thành con người”. Đó chính là thời đại Thứ Nhất – là giai đoạn nền tảng của nhân loại, bắt đầu một hành trình đưa ta đến ngày hôm nay.
Cùng với sự xoay vần của thời đại, con người xây dựng xã hội từng bước từ nông nghiệp đến đô thị với phát kiến về “phân công lao động” – đó là lần thay đổi Thứ Hai trong lịch sử. Thời đại Thứ Ba bắt đầu chỉ khoảng 5.000 năm trước với sự phát triển của chữ viết và xe cộ, mở màn cho chuỗi “công nghệ mới” ra đời như pháp luật, tiền tệ, khế ước. “Khi chữ viết, xe cộ và tiền tệ cùng xuất hiện trên bức tranh tổng thể, những yếu tố cơ bản nhất để hình thành nên quốc gia và đế chế đã có đủ. Đây là quãng thời gian chúng ta chứng kiến hàng loạt những nền văn minh lớn đầu tiên nở rộ”. Tất cả những thứ này khi kết hợp lại đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta phát triển công nghệ với tốc độ rất nhanh trong mấy ngàn năm tiếp theo, tạo bước đệm vào Thời đại Thứ Tư – một kỉ nguyên mới vĩnh viễn làm thay đổi cách chúng ta sống một cách sâu sắc, làm thay đổi quỹ đạo phát triển của loài người: Thời đại của người máy và trí tuệ nhân tạo.
Con người đã quen với cuộc sống xung quanh có máy hút bụi, xe hơi tự lái hay thậm chí Siri, đó đều là những phát minh sử dụng trí tuệ nhân tạo AI – hay còn gọi là narrow AI. Có thể hiểu một cách khái quát, “AI là loại công nghệ có thể tương tác với dữ liệu hoặc môi trường của nó; điều này có nghĩa là một hệ thống tưới cây có gắn cảm biến để nhận biết lúc trời mưa cũng là một loại AI”. Và một vỏ bọc để chứa công nghệ AI là một cỗ máy cho nó khả năng tương tác với thế giới vật lý gọi là rô-bốt. Sự xuất hiện của rô-bốt giống như những điều kì diệu trong truyện tranh Doraemon dần được hiện thực hóa. Tốc độ, sự chính xác, kĩ năng trong công việc được chúng hoàn thành một cách tuyệt đối. Con người bắt đầu đặt ra câu hỏi mang tính sống còn: Rô-bốt có tước đoạt hết công việc của chúng ta?. Cùng với việc đưa ra những giả định, tác giả Byron Reese cùng người đọc phân tích tác động của trí tuệ nhân tạo và rô-bốt trong từng khả năng cụ thể: Máy móc chiếm hoàn toàn, chiếm một phần hoặc không thể làm bất kì công việc nào của con người. Theo ông, “một bộ phận rất lớn của lực lượng lao động cần được giải thoát khỏi những công việc nặng nhọc mà máy móc có thể làm” và cho dù rô-bốt có ưu việt đến đâu, con người hoàn toàn có thể chủ động trong việc tạo ra các giá trị và dịch vụ của mình. Máy móc là công cụ, cái chúng ta cần là tận dụng bộ não của mình – thứ có thể nói là linh hoạt và phức tạp nhất trong vũ trụ này.
Trí tuệ nhân tạo tổng quát và có hay không ý thức của máy tính?
Chúng ta đã khám phá tường tận thế giới của AI hẹp – công nghệ đã tạo ra xe tự lái, bộ điều nhiệt có thể tự điều chỉnh theo ý muốn của bạn hay bộ lọc thư rác cho email. Trái lại, trí tuệ nhân tạo tổng quát – viết tắt là AGI lại sở hữu một trí thông minh ít nhất là ngang ngửa con người. Theo tác giả, “bạn có thể yêu cầu AGI làm bất cứ điều gì – kể cả một nhiệm vụ chúng chưa từng được lập trình để làm – và chúng sẽ tự tính toán cách làm rồi cố thực hiện nhiệm vụ đó”. Giả sử chúng ta tạo ra được AGI, đó thực sự là một thay đổi đem đến nhiều sự phấn khích xen lẫn lo ngại gấp nhiều lần so với AI hẹp. Stephen Hawking nói: “Chúng ta không thể dự đoán mình sẽ nhận được những gì khi trí thông minh này được khuếch đại bằng những công cụ do AI đem đến, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ muốn ưu tiên chấm dứt bệnh tật, chiến tranh và nghèo đói. Thành công chế tạo AI có thể sẽ là thành tựu lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng rủi thay, đó có thể cũng là thành tựu cuối cùng”. Những chuyên gia trong hay ngoài ngành, thậm chí cả các đạo diễn làm phim khoa học viễn tưởng đều có những ý kiến trái chiều. Có quá nhiều lời đồn thổi rằng AI sẽ tạo ra những con rô-bốt xấu xa sở hữu siêu trí tuệ và loài người nên nghiêm túc lo ngại về ngày tận thế. “AGI cũng giống như một cuộc giải phẫu tim: chỉ có một kết quả tốt duy nhất nhưng lại có hàng trăm nguy cơ có thể dẫn đến tử vong”.
Với lối viết logic và những dữ liệu liên kết chặt chẽ, tác giả mổ xẻ từng khía cạnh sâu của vấn đề. Một mặt, ông khẳng định AGI sẽ là một bộ não số với hệ thống chứa đựng toàn bộ trí tuệ của nhân loại, đáp ứng những kỳ vọng không có giới hạn của con người. Mặt khác, nỗi lo sợ mang tính sống còn với toàn nhân loại cũng được ông nhìn nhận và phân tích: “Một khi máy tính có thể tự lập trình lại, liên tục tự cải thiện và dẫn đến cái gọi là ‘tính độc đáo trong công nghệ’ hoặc ‘sự bùng nổ trí tuệ’, chúng ta sẽ không dễ gì loại bỏ nguy cơ máy móc vượt mặt con người trong cuộc chiến tranh giành tài nguyên và sự bảo toàn”. Nói một cách dễ hiểu, loài người hoàn toàn có thể bị diệt vong như trong viễn cảnh của bộ phim Avengers: Age of Ultron và chúng ta sẽ không có những siêu anh hùng để bảo vệ Trái Đất.
Đó là lúc chúng ta nên nghiêm túc xem xét câu hỏi: “Máy tính có thể trở nên có ý thức hay không?” thông qua 8 giả thuyết lần lượt được phân tích tổng quát qua vật lí, sinh học và triết học đi từ nguồn gốc và sự tiến hóa của ý thức. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây vẫn là một câu hỏi mở mà “tương lai có lẽ các nhà khoa học sẽ nắm bắt được ý thức khi chúng ta hiểu rõ hơn về bộ não con người. Khi đó chúng ta sẽ biết máy tính có ý thức có thể được tạo ra hay không. Hoặc cũng có thể là máy tính sẽ tự có được ý thức, bằng một phương pháp nào đó hoàn toàn khác với cách mà con người có ý thức”. Hiện tại, với sự hiểu biết như muối bỏ bể của loài người so với vũ trụ rộng lớn, chúng ta “còn cách rất rất rất xa thời điểm mà sức mạnh máy tính và công nghệ lập trình đủ tiên tiến theo lý thuyết để chúng ta có thể tạo ra máy tính có ý thức. Máy tính có ý thức có thể sẽ là ý tưởng mà chúng ta phải bỏ vào ngăn kéo nhỏ chứa những thứ không khả thi, giống như cỗ máy du hành ngược thời gian”.
Con đường tương lai và Thời đại Thứ Năm
Nếu mỗi thời đại đều khiến nhân loại đi theo một hướng mới, hướng đi của chúng ta sẽ là gì? Cuộc sống trong Thời đại Thứ Tư sẽ ra sao? Theo phân tích của tác giả, chúng ta có hàng tá câu hỏi và vấn đề cần tìm lời giải đáp khi suy ngẫm về tác động của sự bùng nổ công nghệ: Đói nghèo và bệnh tật, năng lượng sạch, chiến tranh hay cái chết và sự bất tử. Ta phân vân có hay không sự ra đời của con người mới – một phiên bản nâng cấp của giống loài thống trị Trái Đất nắm trong tay quyền uy công nghệ ưu việt. Tuy nhiên, mặt tối của chiếc hộp màu sắc là gì hay những điều tồi tệ nào có thể xảy ra? Theo tác giả Byron Reese, “những thử thách rõ ràng nhất nằm ở lĩnh vực sinh học. Chúng ta sẽ rất khó ngăn cản một ai đó sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra mầm bệnh. Những mầm bệnh hiện tại đã đủ tồi tệ rồi, nếu người ta cứ điều chỉnh mỗi thứ một chút, sớm muộn gì cũng có một thứ khủng khiếp hơn được tạo ra. Chúng ta đã phát triển được những khái niệm về quyền con người vì những gì làm nên con người là quá rõ ràng. Nhưng còn những chuyện như nhân bản con người để lấy nội tạng thì sao?”. Danh sách những viễn cảnh khủng khiếp có thể tiếp tục kéo dài. Nhưng hãy lùi lại một bước và bạn sẽ nhận ra những điều tồi tệ đó không đáng vào đâu so với những gì con người đã vượt qua trên hành trình đến văn minh. “Loài người chúng ta từng vượt qua những mối đe dọa tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta hiện đang đối mặt. Chẳng có con gấu nào đang chờ chúng ta ở phía trước, đó chỉ là một tảng đá chắn đường mà chúng ta có thể trèo qua thôi”.
Bối cảnh hiện tại của chúng ta là buổi bình minh của Thời đại Thứ Tư, một kỷ nguyên mang đến sức mạnh đáng kinh ngạc có thể cải thiện cuộc sống của mọi người trên hành tinh này. Vậy điều gì sẽ xảy ra sau đó theo cách tiến bộ không ngừng của lịch sử nhân loại trên dòng chảy thời gian? Có hay không một tương lai xa xôi có tên là Thời đại Thứ Năm – khi con người sẽ vươn ra không gian bằng cách gửi tàu vũ trụ đến những hành tinh không có sự sống, nơi chúng ta đặt rô-bốt nano vào lòng đất để chuyển đổi ở cấp độ phân tử bất cứ vật chất nào để biến các hành tinh mới thành nơi cư trú của con người. Tác giả “toàn tâm toàn ý, thật lòng thật dạ và cực kỳ có lòng tin với nhân loại, hy vọng sẽ có 1 tỷ hành tinh với 1 tỷ con người sống trên mỗi hành tinh, nơi mỗi người đều được sống an toàn, mạnh khỏe, thịnh vượng và được tạo điều kiện để phát triển tối đa tiềm năng của mình”. Ông cho rằng “chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo dựng và thậm chí là sống trong tương lai đó. Đó không còn là một giấc mơ viển vông mà là một khả năng có thể xảy ra. Đó không còn là vấn đề về nguồn lực mà đơn giản là vấn đề ý chí – chúng ta có muốn làm hay không”.
Có thể nói, cuốn sách “Thời đại Thứ Tư” đã đưa ra một cái nhìn lạc quan về tương lai của trí tuệ nhân tạo. Với lối viết khoa học và tư duy logic, tác giả Byron Reese từng bước dẫn dắt bạn đọc qua một cuộc thảo luận đầy thú vị và suy ngẫm, mang đến một điều gì đó có giá trị hơn nhiều so với suy nghĩ về Trí tuệ nhân tạo và người máy - ông tập trung vào cách suy nghĩ về những công nghệ này và cách thức mà chúng sẽ thay đổi thế giới mãi mãi. Tờ New York Times nhận xét: “Thời đại Thứ Tư” không chỉ thảo luận sự trỗi dậy của AI có ý nghĩa gì đối với chúng ta, mà còn khiến chúng ta phải nhìn nhận lại các định kiến của mình. Và cả hai điều này đều được thực hiện với cách dẫn dắt vừa hấp dẫn vừa có tính giải trí.”
Hãy cùng đọc, suy ngẫm, thư giãn và phát triển sang Thời đại Thứ Tư cùng Byron Reese, đắm chìm vào thế giới công nghệ tiên tiến bậc nhất và tìm đáp án cho những câu hỏi mang tính thời đại của con người trong bình minh của kỷ nguyên mới.