Thiên đàng của ngôn từ
Thiên đàng của ngôn từ
Gửi những đồng nghiệp văn chương Việt Nam của tôi - Bruce Weigl

Tôi tin vào thiên đàng của ngôn từ. Tôi tin rằng để trở thành nhà thơ, bạn phải tự nguyện để mình rối ren với thế giới, tự nguyện bước vào những vương quốc hoàn toàn lạ lẫm, rồi tự nộp mình cho những vương quốc ấy để có thể tìm thấy con đường dẫn đến một loại tri thức mà chỉ có những người dâng hiến cuộc đời mình cho ngôn từ mới có thể thấu hiểu một cách trọn vẹn. Để trở thành một nhà thơ, bạn phải là một người mạnh mẽ. Tình bạn văn chương trong mấy chục năm qua với Việt Nam và với những nhà văn Việt Nam đã cho tôi nhiều lợi thế hơn hầu hết những nhà văn thuộc thế hệ tôi. Nếu không có những trải nghiệm ở Việt Nam, nếu không có sự giúp đỡ của rất nhiều người bạn và nhà văn từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam, chắc chắn tôi không được khai sáng theo nhiều cách khác nhau đến thế.

Tất cả chúng ta đã gặp nhau lần đầu tiên trong trận chiến, khi đó hầu hết chúng ta là những chàng trai hồn nhiên. Trong một số trường hợp chúng ta đã chiến đấu trực diện, một chọi một, chống lại nhau, nhưng trong mỗi trường hợp đó chúng ta đã tránh được việc giết chết nhau. Tôi biết rằng tôi không phải là một tay súng giỏi. Vào thời đó chúng ta chỉ muốn tống khứ nhau đi; bạn muốn chúng tôi cút khỏi đất nước các bạn, và chúng tôi muốn về nhà. Chúng tôi chưa bao giờ ý thức rõ ràng rằng tại sao chúng tôi lại đến Việt Nam.

Mấy chục năm trước chúng ta đã gặp nhau lần thứ hai – một cuộc gặp gỡ lịch sử đầu tiên của chúng ta, lần này trong tư cách những nhà văn, ở Hà Nội. Trong số rất nhiều kết quả, kết quả quan trọng nhất của hội nghị đầu tiên vào năm 1991 chính là việc mở ra những cánh cửa, để lần đầu tiên trong lịch sử của hai nước chúng ta, đã có sự trao đổi phi thường và làm thay đổi cuộc sống của những ý tưởng đặt giữa trung tâm của tất cả những gì chúng ta nâng niu nhất như gia đình, đất nước, thơ ca, ẩm thực và sự quan trọng cấp bách của việc học cách sống trong một thế giới toàn cầu nơi chúng ta phải giúp đỡ và lệ thuộc vào nhau. Chúng ta đã lúng túng trong cuộc gặp đầu tiên ấy, và có lẽ thậm chí còn hơi cảnh giác nhau và  những động cơ của nhau, nhưng bất cứ sự nghi ngờ nào về lòng tin hoặc sự chân thành nhanh chóng biến mất vì hội nghị đầu tiên ấy đã cho phép chúng ta dành thời gian cho nhau ngoài những cuộc thảo luận và gặp mặt chính thức, để chúng ta có thể tìm hiểu về nhau và nhận ra rằng chúng ta giống nhau đến nhường nào.

 

Trong tình hình chính trị giữa hai bên lúc đó, việc tổ chức và tài trợ hội thảo đó là một hành động dũng cảm và táo bạo của Hội Nhà văn Việt Nam.  Khi đó chính phủ hai nước chúng ta không nói chuyện nhiều với nhau, và thực sự đã không có những nỗ lực ngoại giao bền vững nào để hàn gắn những vết sẹo chiến tranh và trở thành bạn bè, hoặc thậm chí đối tác trong thế giới mới. Vì thế điều quan trọng là bây giờ chúng ta phải ghi nhớ, và trong cả tương lai nữa là những sự liên hệ đầu tiên và quan trọng nhất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau chiến tranh là sự liên hệ văn chương, được tiên phong bởi Hội Nhà Văn Việt Nam và Kevin Bowen từ Trung tậm William Joiner đặt tại Boston.  Điều giúp cho những mối liên hệ văn chương này trở nên có thể là việc chúng ta nhận ra rằng chúng ta – những nhà văn - có tình yêu chung và sự ngưỡng mộ dành cho sự thật, và cho sức mạnh tuyệt đối của ngôn từ trong việc nâng chúng ta lên khỏi rất nhiều những thảm kịch của loài người.

Nhờ vào thời gian của tôi ở Việt Nam trong cương vị một người khách và một người bạn, tôi có được lợi thế của hai nền giáo dục thơ ca: một trong các trường đại học Mỹ (nó không quá tồi), và một trong thế giới thơ ca và văn hóa Việt, thực ra là đời sống Việt, vì ở Việt Nam chúng có cùng ý nghĩa. 

Cuộc gặp gỡ giữa chúng ta mấy chục năm trước dẫn đến nhiều sự trao đổi quý báu giữa những nhà văn, những chủ bút, và những nhà xuất bản ở cả hai phía. Về sau, những sự trao đổi này đã dẫn đến nhiều thể loại tác phẩm văn chương Việt Nam phong phú không chỉ được dịch ra tiếng Anh - thường là bởi những nhà văn Mỹ cùng với những đồng nghiệp Việt Nam – mà còn được giảng dạy trong các trường cấp ba, cao đẳng và đại học Mỹ, giúp những thế hệ trẻ Mỹ có được cái nhìn sâu sắc về lịch sử và văn hóa Việt Nam? Điều này chưa từng có trên đất Mỹ. Về phía mình, Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ những dự án dịch thuật này, và chúng tôi, những người làm việc tại trung tâm William Joiner sẽ luôn biết ơn sự giúp đỡ hào hiệp đó, cũng như biết ơn sự hợp tác của Việt Nam trong việc xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta thông qua trao đổi văn học. 

Nhưng những điều chúng ta đã làm chưa hề đủ. Khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở đất nước chúng tôi đã bắt đầu làm khô kiệt nguồn kinh phí dành cho các dự án xuất bản quốc tế, cộng với những chi phí in ấn và nhân công đang tăng nhanh, cả những nhà xuất bản văn học uy tín và thành công nhất cũng thậm chí đã và đang phải cắt giảm việc xuất bản các tác phẩm của những nhà văn Mỹ nổi tiếng.  Vào thời điểm này, tôi biết ít nhất hơn một chục bản thảo tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh – cả thơ và tiểu thuyết – đang tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà xuất bản Mỹ nhưng điều này đang gặp khó khăn vì không có sự giúp đỡ tài chính.

Chúng ta chưa giải quyết được vấn đề về việc làm sao có thể trao đổi nền văn hóa văn học của chúng ta một cách thành công và bài bản, đảm bảo chi phí thấp nhất đồng thời đạt giá trị chất lượng cao và việc phân phối và phát hành rộng rãi của các tác phẩm. Mặc dù thế, giải quyết được điều này có lẽ không khó như chúng ta nghĩ, đặc biệt với những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong mấy chục năm qua, trong việc kết nối hai nền văn hóa rất khác biệt của chúng và những bước tiến dài mà chúng ta đã đạt được trong việc hiểu rõ hơn về nhau. Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay đang nỗ lực để có được một dự án truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới. Điều còn lại là những đại diện chuyên nghiệp của những giới cầm bút và giới xuất bản của hai bên sẽ phải ngồi lại với nhau và quyết định ai sẽ thực hiện phần việc nào trong quá trình ấy tốt nhất, với chi phí thấp nhất, và chia sẻ công việc cho nhau theo hướng ấy. Bằng việc này, chúng ta sẽ có thể thành lập một thư viện độc nhất vô nhị với những tác phẩm văn học dịch Việt Nam được phân phối rộng rãi trên khắp nước Mỹ và Việt Nam, và sau đó, đến những quốc gia khác.

Ba mươi năm trước khi chúng ta gặp nhau lần đầu tiên như những đồng nghiệp văn chương, chúng ta đã là những người đàn ông và phụ nữ trong thời kỳ thanh xuân với ý nghĩ rằng điều duy nhất chúng ta chia sẻ chung là chiến tranh.  Chúng ta cũng đã gặp nhau như những người anh và người chị trong cuộc chiến đấu giành lại sự công bằng qua hình thức trao đổi ý tưởng và ước mơ một cách tự do và cởi mở. Thời gian mười ngày của cuộc hội nghị ba mươi năm trước đã thay đổi cuộc đời tôi vĩnh viễn và không thể đảo ngược, và đặt tôi lên một con đường dẫn đến tri thức của thế giới – một con đường mà tôi vẫn đang đứng ở đó, vào giây phút này, giữa các bạn.  Bây giờ tôi biết đầy đủ nhất những hậu quả dai dẳng mà chiến tranh gây ra cho con người và cho một đất nước.

Bây giờ chúng ta không trẻ nữa, nhưng tôi hy vọng thời gian làm chúng ta khôn ngoan hơn. Chúng ta bây giờ là những nhà văn, là những người bạn và đồng nghiệp văn chương của ba mươi năm.  Tôi biết ơn những cơ hội được ở giữa các bạn. Tất cả những người bạn của tôi đều biết rằng tôi yêu Việt Nam, tôi yêu văn hóa và văn học Việt Nam nhiều như thế nào, và họ cũng biết rằng bất cứ khi nào ở Việt Nam, tôi lại được bình phục từ những vấn đề sức khỏe để rồi lại cảm thấy mạnh mẽ và sáng suốt.  Điều này phải có một ý nghĩa nào đó.

Điều tôi học được trong ba mươi năm làm bạn với các nhà văn Việt Nam là món quà hiếm có của cuộc sống, và một niềm tin vào sức mạnh của những giọng nói đời thường cất lên từ những bộn bề của cuộc sống và cất lên những câu chuyện không tuổi tác của chúng, những câu chuyện có khả năng cứu rỗi chúng ta.  Tôi tin vào thiên đàng của ngôn từ.  Tôi tin rằng chỉ có thơ ca mới có thể nuôi dưỡng và nâng niu được những ngôn từ cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta.  Đó là bài học của ba mươi năm, mặc dù bài học ấy dường như khiêm dường đối với các bạn bây giờ, đó là bài học cách xa cái thời chiến tranh và ít nhất là kết quả của những sự hiểu lầm to lớn và chết người giữa chúng ta. Nghịch lý của đời tôi luôn là việc chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ của tôi, làm tổn thương tâm hồn tôi vĩnh viễn, nhưng cùng lúc đó nó đã dành tặng Việt Nam cho tôi với tất cả sự bí ẩn và huy hoàng. Tôi không hiểu tại sao tôi lại không phải là người Việt Nam. Đôi lúc tôi cảm thấy tôi là người Việt, hoặc tôi đã từng một lần sống cuộc đời của một người Việt. Trong cuộc sống đó tôi nhớ mình đã chạy băng qua những cánh đồng lúa, xanh thẳm trong sự chín rũ của chúng, cùng với những người bạn của tôi, giữa những tiếng thơ cất lên từ sau con đê làng, những bài hát về công việc và tình yêu, bài hát về quả khế và chiếc giếng sâu đầy nước mát.  Những bài hát như một tiếng kinh cầu, giúp cho công việc đỡ nặng nhọc hơn, nhưng nếu bạn lắng nghe kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng chúng là những bài hát giản dị nhất và tuyệt đẹp nhất về hạnh phúc được sống trong thế giới này, với một một tiếng nói tự do, và cơ hội nói lên một điều gì khiến bạn đọc xúc động và có thể dẫn tất cả chúng ta về phía ánh sáng.

Oberlin, Ohio

Nguyễn Phan Quế Mai chuyển ngữ

Nguồn Văn nghệ số 27/2021

Tags: