"Thế bây giờ mẹ muốn cái giề?" ra đời như thế nào?
Eddy đã gợi ý đặt cái tên này cho cuốn sách thứ hai của chúng tôi. Cái tên này thể hiện đẩy đủ bầu không khí "tưng tửng", "nhí nhố" trong gia đình tôi...

Vì sao cuốn sách này lại có cái tên “dị” như vậy?

Mỗi khi đám con dại ấm ở, tôi thường than, “Haiz, con mình chẳng lẽ lại vứt?”

Những lúc ấy, bọn chúng sẽ phản công lại bằng câu, “Thế bây giờ mẹ muốn cái giề?” 

Và Eddy đã gợi ý đặt cái tên này cho cuốn sách thứ hai của chúng tôi. Sao lại không chứ? Tất cả chúng tôi đều hoàn toàn nhất trí. Cái tên này thể hiện đẩy đủ bầu không khí "tưng tửng", "nhí nhố" trong gia đình tôi, ở đó chúng tôi vui đùa cùng nhau, lũ con dại cảm thấy đủ an toàn và thoải mái để “vặn” lại bố mẹ.

 

Bạn có thể thấy, nếu như Con mình chẳng lẽ lại “vứt”? thiên về việc giải quyết những vấn đề của bọn trẻ nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng, thì Thế bây giờ mẹ muốn “cái giề”? sẽ thiên về “xử lý” các bậc phụ huynh.

 

Trong quá trình đồng hành cùng các bậc cha mẹ, tôi nhận ra rằng thứ đang kìm hãm các bạn trên hành trình - làm cha mẹ chính là bạn. Các bố mẹ luôn nhìn thấy vấn đề ở con mình và chăm chăm tìm cách giải quyết mà không nhận ra rằng những vấn đề ấy đa phần đều từ mình mà ra.

Chừng nào bố mẹ còn chưa điều chỉnh bản thân, chưa thay đổi tư duy, góc nhìn và cách tiếp cận, chừng đó bạn còn chưa thể tạo ra sự thay đổi ở con cái.

Thế bây giờ mẹ muốn “cái giề” sẽ dành phần lớn nội dung để “chữa bệnh từ gốc” cho những vấn đề mà bấy lâu các bạn vẫn cho là của con. Tin buồn là việc tự sửa mình từ xưa đến chưa bao giờ dễ dàng cả, nhưng tin tốt là bạn được hoàn toàn chủ động trên hành trình này.

Nếu bạn là cha mẹ, người đang điều hành một gia đình, và bạn...

 - đang tìm kiếm những cách thức mới để giải quyết  những vấn đề trong cuộc sống và với con cái; 

- là người cởi mở đối với sự thay đổi, kể cả thay đổi một số niềm tin và những cách thức quen thuộc trong gia đình;

- sẵn sàng xem xét kỹ lại hành vi của bản thân cũng như của con cái và những người khác;

- muốn không chỉ “sống sót” mà còn tận hưởng hạnh phúc trong hành trình làm cha mẹ...

thì tôi tin bạn sẽ học được rất nhiều điều bổ ích từ cuốn sách này.

Vì sao bạn cần điều này?

Là những nhà tư vấn và cũng là cha mẹ, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách chúng ta đối phó với thế giới liên tục thay đổi này. Khi điều hành một gia đình, nuôi dạy con cái hay làm việc, chúng ta đều cần có sự thích nghi và liên tục điều chỉnh. Có thể bạn đang làm cha mẹ/làm việc rất tốt, cũng có thể bạn đang gặp khó khăn, nhưng một điều rõ ràng là “điều từng đưa bạn đến đây sẽ không thể đưabạn tới tương lai” (What got you here wont get you there). Chúng ta cần sự thích ứng tốt hơn với những thay đổi của con cái và xã hội, và sự thay đổi của xã hội cũng đòi hỏi những cách nuôi dạy con cái tốt hơn.

Làm thế nào chúng ta có thể linh hoạt và “vặn mình” để tồn tại và phát triển cả trong công việc cũng trong như gia đình? Sau quá trình nghiên cứu và ứng dụng thành công những cách thức mới, chúng tôi đã tổng hợp lại và đưa ra những lời khuyên mà chúng tôi tin rằng sẽ có ích cho các gia đình và doanh nghiệp (khi áp dụng các nguyên tắc và phương pháp này cho gia đình và doanh nghiệp, chúng tôi thấy chúng đều cho hiệu quả như nhau).

 

Trước đây, chúng tôi chỉ tập trung vào giúp các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng tư duy quản lý mới, nhưng gần đây chúng tôi nhận thấy rằng các gia đình Việt cũng cần thay đổi. Khi các bậc cha mẹ hạnh phúc hơn trong gia đình, họ sẽ hạnh phúc và hiệu quả hơn ở nơi làm việc, và ngược lại. Những điều này có mối quan hệ mật thiết tới nhau.

 

Chúng tôi hi vọng với cuốn sách này, qua những câu chuyện và tình huống cùng cách thức phản ứng của chúng tôi, bạn có thể có cách nhìn nhận khác về những việc mình đang làm và tìm ra cách thức mới, cơ hội mới cho những vấn đề trong cuộc sống và công việc.

Cho dù bạn là ai, đang sống ở đâu, trong điều kiện hoàn cảnh nào, thì trong hành trình làm cha mẹ, bạn cũng đều khó tránh khỏi những tình huống khó khăn, thậm chí khủng hoảng. Khủng hoảng không phải là điều xấu nếu bạn chuẩn bị cho nó. Nếu bạn có sự tự tin cao, nếu bạn hành động linh hoạt, ứng phó nhanh với sự thay đổi của hoàn cảnh, của con cái và tình huống, bạn sẽ tạo ra những kết quả tốt hơn cho gia đình, bản thân và cho cả cộng đồng.

Mong rằng những gì chúng tôi chia sẻ sẽ giúp các bạn thấy hạnh phúc hơn khi đồng hành cùng con, bạn sẽ nhận ra rằng mình cần cởi bỏ áp lực làm cha mẹ "đúng". Chúng ta không cần phải hoàn hảo mới nuôi dạy được những đứa trẻ hạnh phúc và khỏe mạnh. Ngược lại, con cái chúng ta cũng không cần phải hoàn hảo như "con người ta".

Chúng ta cần biết con thế nào là đủ tốt, yêu thương con vì chính con người chúng, cho phép chúng phạm lỗi và trải nghiệm sai lầm, để con trưởng thành và được sống cuộc đời của riêng chúng.

TS Cherry Vũ - Tác giả "Thế bây giờ mẹ muốn cái giề?"

Tags: