Tất cả chúng ta đều
Tất cả chúng ta đều "lụy tình"; nhưng không phải ai cũng dám thừa nhận điều này
Nhu cầu được yêu không có lỗi, lỗi tại ta không dám đối diện với cảm xúc đó ở bản thân và cả ở người mình yêu.

Để tồn tại, chúng ta thường tự vệ bằng cách chối bỏ sự nhạy cảm, ngó lơ một số cảm xúc nhất định và nhiều khi tập trung sống “không cảm xúc”.

Vậy nhưng tình yêu đòi hỏi ta làm điều hoàn toàn ngược lại. Một người yêu tốt là người phải có khả năng biểu lộ nỗi đau, ham muốn và sự tổn thương; phải biết dựa dẫm và sẵn sàng từ bỏ sự tự chủ trong tình yêu. Đây thật ra là một hành vi khá cân bằng: phần lớn thời gian cứ sống thật mạnh mẽ, rồi thoải mái làm một người dịu dàng trong phần nhỏ thời gian còn lại. Chắc chắn hành trình từ vẻ độc lập tới việc sống với trái tim dễ tổn thương có đôi khi quá sức ta, và niềm tha thiết được gần gũi một người có thể song hành với nỗi sợ và chút gì đó đáng khinh bỉ (thật ra không phải vậy).

 


Khi mối quan hệ bắt đầu, giây phút một người không có đủ dũng khí thổ lộ tình cảm thật ngọt ngào. Họ mong muốn chạm vào tay người mình yêu và tìm một chỗ cho mình trong cuộc sống của người ấy; nhưng nỗi sợ bị từ chỗ lớn tới nỗi họ ngần ngừ, dao động. Nền văn hóa luôn cảm thông cho sự vụng về cũng như giai đoạn cực kỳ dễ tổn thương này. Chúng ta được dạy phải kiên nhẫn với hành vi khác lạ ở người khác khi họ cố gắng thể hiện tình cảm. Đó có thể là khi họ đỏ mặt tía tai hay nói năng linh tinh. Hoặc họ có thể châm biếm hay lạnh lùng với ta, không phải vì thờ ơ mà vì họ, phiền phức thay, muốn ngụy trang một tình cảm nồng nhiệt.

Tuy nhiên, chúng ta mặc định rằng nỗi sợ bị từ chối sẽ bị giới hạn nhất định và chỉ tập trung vào giai đoạn khởi đầu trong tình yêu. Ngay khi đối phương chấp nhận tình cảm, khi “hai ta về một nhà” chỉ là điều sớm muộn, chúng ta cũng mặc nhiên cho rằng nỗi sợ này đã kết thúc. Phải chăng, khi hai người đã thể hiện rõ ràng tình cảm với nhau, hay sau khi cùng có với nhau những khoản thế chấp chung, mua nhà, thề hẹn, có một vài đứa con và đã ghi tên của nhau vào di chúc của họ, thật lạ lùng nếu việc lo lắng này tiếp tục diễn ra?

Nhưng lo lắng lại là một trong những khía cạnh kì lạ hơn của tình yêu – mà cả chúng ta và đối phương cần sẵn sàng đối mặt – đó là sự thực là, nhu cầu, nhưng cũng là nỗi sợ bị từ chối luôn thường trực. Nó sẽ tiếp diễn, kể cả với những người khá lý trí, thường trong những tình huống khó khăn. Phần nhiều lý do là chúng ta từ chối không quan tâm tới nỗi lo đủ nhiều, cũng như không được hướng dẫn để phát hiện ra những biểu hiện khác thường của đối phương. Chúng ta vẫn chưa tìm ra cách nào dứt khoát mà không ủy mị, để thừa nhận chúng ta thèm được bảo đảm trong tình cảm đến thế nào.

 


Trong tâm lý của chúng ta, sự chấp nhận không bao giờ có sẵn, sự đáp lại không bao giờ là đảm bảo; sẽ luôn có những mối nguy mới, dù là thật hay chỉ là kết quả của ý thức về sự toàn vẹn trong tình yêu. Những thứ rất nhỏ cũng có thể châm ngòi cho mối bất an. Có thể người kia đi làm trong một khoảng thời gian bất thường nào đó; hay khá sôi nổi trò chuyện với một người lạ tại bữa tiệc; hoặc đã lâu hai người không quan hệ. Có thể họ không còn chào đón chúng ta khi trở về nhà. Hoặc là họ bỗng nhiên trở nên trầm lặng trong khoảng nửa tiếng. Kể cả sau nhiều năm bên ai đó, ta vẫn vô cùng sợ hãi khi hỏi đối phương bằng chứng họ cần chúng ta.

Nhưng việc này lại đi kèm một điều phức tạp đến đáng sợ ta tự thêm vào: chúng ta mặc định rằng những lo lắng như vậy không thể nào tồn tại. Điều này khiến việc tự nhận ra cảm xúc của chúng ta càng thêm khó khăn, chứ đừng nói tới việc trao đổi nó với người còn lại và đảm bảo họ sẽ thấu hiểu và thông cảm như ta luôn khao khát. Thay vì khéo léo yêu cầu đối phương khẳng định tình cảm, chúng ta lại ngụy trang ham muốn của mình dưới những biểu hiện lỗ mãng và khiến người khác tổn thương, những việc đảm bảo sẽ phản lại mục đích ban đầu. Trong những mối quan hệ, khi nỗi sợ bị về sự từ chối bị gạt đi, có hai triệu chứng thường xảy ra.

 


Thứ nhất, chúng ta có thể trở nên xa cách – hoặc như các nhà trị liệu tâm lý gọi là “trốn tránh”. Chúng ta muốn tiến gần đối phương nhưng lại lo lắng bị từ chối, vì vậy chúng ta hất họ ra xa. Chúng ta nói mình bận rộn, giả vờ như nghĩ đi nơi khác, ngầm định rằng còn lâu mới cần một sự đảm bảo trong mối quan hệ. Thậm chí chúng ta có thể ngoại tình, một nỗ lực tối thượng để giữ thể diện - để xa cách đối phương – và thường đây là một cách ngoan cố thể hiện rằng chúng ta không cần tình yêu của họ (điều chúng ta quá dè dặt để nói ra). Ngoại tình có thể trở thành cách khen ngợi kì cục nhất, cách chứng minh trúc trắc nhất về sự thờ ơ chúng ta cố tỏ ra, và gửi tới những người chúng ta thật sự quan tâm một cách bí mật.

Hoặc là, chúng ta sẽ thích kiểm soát. Chúng ta cảm thấy đối phương đang trốn chạy khỏi mình trong cảm xúc, và đáp lại bằng cách cứng nhắc trói họ lại. Chúng ta bực dọc khi đối phương chỉ đến muộn một chút, mắng mỏ thậm tệ khi họ không làm một vài việc nhà, hỏi han liên tục xem họ đã làm việc được giao hay chưa. Chúng ta làm tất cả những điều này thay vì thừa nhận: “Em/Anh sợ rằng bản thân không là gì với anh/em cả…” Chúng ta nghĩ rằng không thể ép buộc họ phải khoan dung và tình cảm.

Chúng ta không thể ép họ yêu chúng ta (thậm chí khi chúng ta còn chưa đề nghị họ làm vậy). Vì vậy chúng ta cố gắng kiểm soát họ như một thủ tục. Mục đích của việc này không phải để quán xuyến mọi việc, mà chúng ta đơn giản không thể thừa nhận bản thân đã đầu hàng sự sợ hãi nhiều đến nhường nào. Một vòng tròn bi kịch bắt đầu. Chúng ta trở nên khó chịu và thích quấy rầy.

Với đối phương, việc này có vẻ giống như chúng ta không thể nào tiếp tục yêu họ nữa. Nhưng sự thật lại là chúng ta vẫn yêu họ: chúng ta chỉ đơn giản lo sợ quá nhiều rằng họ không yêu chúng ta. Cuối cùng, ta bảo vệ sự dễ tổn thương của mình bằng cách bôi xấu người trốn tránh mình. Chúng ta chộp lấy những điểm yếu của họ và phàn nàn về các thiếu sót. Chúng ta làm bất cứ điều gì thay vì hỏi điều thực sự khiến chúng ta bận tâm: người đó có yêu mình không? Và nếu như những biểu hiện khiếm nhã, thô bạo này có thể được thấu hiểu chăng nữa, thì sự thật được hé lộ cũng không phải là sự từ chối; mà là một lời cầu xin được yêu thương dịu dàng bị bóp méo đến kì cục, dù rất chân thành.

 

 

Chúng ta nên cảm thông cho chính mình. Tình yêu đòi hỏi chúng ta đặt bản thân vào một vị trí yếu thế so với đối phương, khiến chúng ta có vẻ vụng về khi thể hiện sức mạnh và tỏ ra không thể bị tổn thương. Người yêu có thể nhìn thấy những phần vốn bị ẩn đi trong chúng ta. Điều đó cho họ sức mạnh. Nếu có khi nào họ muốn sử dụng tới sức mạnh đó – và đôi khi đúng là vậy – họ sẽ biết chính xác phải làm thế nào. Điều này có thể thật sự đáng sợ.

Khía cạnh này của tình cảm thậm chí còn khó khăn hơn nếu tuổi thơ và những trải nghiệm trước đó của chúng ta khiến cho việc gần gũi trở nên thật đáng sợ - nếu ta từng gặp phải những kẻ luôn nhắm vào những người dễ bị tổn thương để tấn công. Đó có thể là một thất bại trong tình yêu bị chế giễu, những mong chờ trong nhút nhát bị trêu đùa, những nỗi sợ bị trêu chọc. Khả năng những điểm mong manh dễ tổn thương này bị phơi bày lần nữa có thể sẽ liên kết với những ký ức đen tối vô cùng xấu hổ nhục nhã. 

 


Chúng ta không ngốc khi e sợ việc gần gũi, mà bởi vì điều này thật sự tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ngay từ đầu chúng ta đã nhận thức được điều này đáng sợ như thế nào, chúng ta nên thừa nhận rằng sự nguy hiểm này sẽ còn tiếp diễn. Việc ở bên một ai đó có thể dễ dàng khiến chúng ta tổn thương quả là một thử thách – và để níu giữ mối quan hệ mặc dù đôi khi đối phương có thể sử dụng việc nhận biết này để đánh lại chúng ta. Mối nguy hiểm này không phải điều chỉ một vài cá nhân không may phải đối mặt. Đó là tính chất căn bản của mọi mối quan hệ gần gũi.

Về cơ bản, cả hai biểu hiện lo lắng và lảng tránh đều tồi tệ. Trong trạng thái đó con người dường như thể hiện rằng: “Tôi không cần quan tâm tới anh” hay “Tôi chính là một con quái vật thích điểu khiển”. Nhưng con người thích kiểm soát hay xa cách đó đang cố gắng, thông qua hành động của họ, biểu đạt một điều khác.

 

Thông điệp sâu bên trong chính là: “Em/anh khiếp sợ nếu anh/em không quan tâm tới em/anh nữa: Em lo lắng nếu anh không đủ yêu em để dễ dàng chấp nhận những điểm xấu xí của em; nên em tự khoác lên một bộ giáp, hay đánh lại trước.” Điều họ thể hiện ra ngoài giống như một sự phô diễn sức mạnh. Nếu được hiểu một cách chính xác, đó thưc sự là một khẩn cầu lộn xộn, dễ gây hiểu lầm nhưng sự thật là lòng mong mỏi được yêu thương.

 

 


 

Trái khoáy thay, những hành động tự vệ theo bản năng của chúng ta lại phản tác dụng. Người tỏ ra lạnh lùng hay thích kiểm soát để né tránh sự bẽ mặt rốt cục lại làm tổn thương chính mối quan hệ họ đang nỗ lực gìn giữ - dù theo một cách rất khác lạ. Trong lúc tìm cách tránh khỏi sự bẽ mặt, họ lại tạo ra một vấn đề khác: người bạn đời cảm thấy bực mình, khó chịu và rối bời.

Thật chua chát vì một người cực đoan vừa có vẻ khó chịu, bị tổn thương cùng cực nhưng cũng vô cùng tốt đẹp. Họ giống như một con sư tử giận dữ nhưng đồng thời cũng là một đứa trẻ sợ hãi. Thật kỳ lạ khi những phản ứng này lại đến từ sự yếu đuối. Nhưng thường là vậy: chính nỗi sợ bị tổn thưởng dẫn chúng ta tới những cơn bột phát tồi tệ nhất.


Nếu chúng ta muốn đối phó đúng cách với những phản ứng rất phổ biến (dù khó chịu) đối với sự gần gũi, chúng ta cần bắt đầu nhìn nhận bản thân một cách bình tĩnh và thật lòng. Câu hỏi là: Chúng ta thường làm gì khi cần ai đó nhưng không thể liên hệ với họ? Liệu chúng ta sẽ rút lui, tấn công hay giải thích những yêu cầu này theo một cách không đáng sợ nào đó – dù điều này khá hiếm hoi?

Giải pháp triển vọng hơn ở đây chính là chúng ta có thể học cách nhận biết những mẹo tự vệ điển hình của bản thân và của bạn đời trong trạng thái bình tĩnh hơn. Sau đó chúng ta có thể thấy rằng khi rút sự tự vệ lại, họ thật sự không lạnh lùng trong mối quan hệ (dù đó là những gì ta thấy trên bề mặt). Hoặc khi họ trở nên kiểm soát hơn, thật ra không phải họ đơn thuần trở nên hách dịch, họ đang dùng một cách ngu ngốc nhưng khiến người ta bực mình, được ngụy trang khéo léo, để chiếm được tình yêu của chúng ta và thuần hóa cảm xúc ham muốn nguy hiểm đối với điều đó.

Cách làm này bao gồm một bước chuyển trong việc diễn giải. Chúng ta có thể thay thế quan điểm khắc nghiệt về những gì họ đang làm với sự khoan dung hơn (và có lẽ là đúng đắn hơn). Và nếu chúng ta đã bắt đầu từ việc thấu hiểu những xu hướng của bản thân theo những hướng này, việc hiểu điều gì đang xảy ra đằng sau cơn thịnh nộ của người bạn đời sẽ trở nên dễ dàng hơn. 

 

 

Sự gần gũi vốn dĩ đã là một mối đe dọa. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta hốt hoảng về điều đó. Nhưng chúng ta có thể dần dần (bằng sự dũng cảm và tinh thần vượt khó) thay thế sự tự vệ bằng sự giải thích. Chúng ta có thể nói ra mình sợ hãi và tại sao lại muốn tỏ ra lạnh lùng hay kiểm soát hơn. Và chúng ta cũng có thể bắt đầu nhìn thấy những điều đối phương có lẽ đang cố gắng để trao đổi thông qua thái độ khó chịu của họ. Sự giải thích không giúp giải quyết mọi vấn đề, nhưng có còn hơn không.

 

Giải pháp chính cho mọi vấn đề chính là làm quen với một quan điểm mới và chính xác hơn về những chức năng của cảm xúc: để làm rõ nhu cầu liên tục cần được đảm bảo trong tình yêu cũng như sự mỏng manh một cách lành mạnh và trưởng thành; đồng thời, để hiểu phải khó khăn thế nào để ai đó có thể phơi bày sự dựa dẫm dễ bị tổn thương của mình.

 

 


Chúng ta bị tổn thương vì việc trưởng thành tạo nên một bức tranh quá thô ráp về cách ta sống. Nó muốn dạy cho chúng ta cách trở nên mạnh mẽ, không thể bị tổn thương. Nó cho rằng không phải lúc nào cũng đúng khi mong muốn đối phương chứng minh cho ta thấy rằng họ vẫn thích chúng ta dù họ chỉ mới đi xa một vài giờ đồng hồ hay khi ta muốn họ trấn an chúng ta rằng họ chưa bỏ chúng ta – chỉ tại họ không chú ý tới chúng ta trong bữa tiệc và không muốn về khi ta đã đi về.

Nhưng chính kiểu trấn an này là điều chúng ta cần. Chúng ta luôn có nhu cầu được chấp nhận và không bao giờ có thể thỏa mãn. Đây là chuyện tất cả mọi người đều gặp, không phải một lời nguyền giới hạn trong những người yếu đuối và nghèo khó.

Bất an là một dấu hiệu của sự sống. Điều đó có nghĩa là ta chưa cho phép bản thân coi nhẹ người khác, nghĩa là ta vẫn nhận thức được rằng mọi thứ đều có thể trở nên khó khăn – và còn đủ tình cảm để quan tâm tới người ấy.


Chúng ta nên tạo không gian cho những giây phút thường ngày, có thể thường xuyên như vài tiếng đồng hồ, khi chúng ta không thấy xấu hổ và có thể chính đáng xác nhận lại: “Em thật sự cần anh; anh có muốn tiếp tục với em không?”. Chúng ta nên giải thoát lòng mong mỏi được cảm thấy an lòng khỏi việc bị gọi là “lụy tình” trong một mối quan hệ - một từ xấu xí và thiếu tự trọng. Chúng ta nên giỏi hơn trong việc nhìn ra tình yêu từ đối phương và sự mong chờ núp bên trong chúng ta trong những giây phút ngốc nghếch, thích kiểm soát và lạnh lùng của bản thân và đối phương.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The book of life

Tags: tình yêu