Tặng những người có Mẹ đã đi xa
Tặng những người có Mẹ đã đi xa
Mẹ rộng lớn như vũ trụ vô tận và gần gũi như máu đang chảy trong chúng ta. Bài viết của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, cố vấn thân thiết của Trạm Đọc.

Trong bài thơ viết về Mẹ, một nhà thơ Nga đã kể câu chuyện mà tôi không thể nào quên được. Bài thơ viết một người lính bị thương nặng nằm trên giường bệnh. Lần thứ nhất thần chết đến gọi anh đi. Nhưng anh thấy mẹ vẫn ngồi bên cạnh nhìn anh sau bao nhiêu ngày không ngủ và anh đã không thể chết vì anh không muốn để mẹ chứng kiến đứa con yêu dấu của mẹ ra đi. Lần thứ hai thần chết lại đến gọi anh đi và anh đã dùng toàn bộ sức lực để chống lại thần chết bởi mẹ vẫn thức ngồi bên anh. Chỉ đến lần thứ ba, khi mẹ anh vừa chợp mắt thì anh ra đi. Anh muốn mẹ được ngủ một chút và không phải chứng kiến cái chết của con mình.

Tất cả những người sinh ra trên thế gian này trong toàn bộ lịch sử của loài người đều đã chứng kiến mẹ ngồi bên giường nhìn mình khi mình đau ốm với trái tim yêu thương và lo lắng mà chúng ta không thể nào biết hết cho dù trí tưởng tượng của chúng ta đến đâu. Người lính trong bài thơ đã thấu hiểu tình yêu thương và sự hy sinh của vô bờ bến của người mẹ. Chính thế mà anh đã chống lại được thần chết, một việc như bất khả thi, để làm cho người mẹ bớt đi một chút đau đớn trước cái chết của con mình.

Nhân loại đã từng ví người mẹ với những gì vĩ đại như : Mẹ là một vị Thánh. Nhưng không. Mẹ vĩ đại hơn cả những vị Thánh. Những vị Thánh có thể rời bỏ con người và có lúc trừng phạt con người. Nhưng người Mẹ không bao giờ rời bỏ những đứa con của mình và yêu thương những đứa con không điều kiện. Chúng ta lúc nào cũng sống trong tràn ngập tình yêu của Mẹ từ khi sinh ra cho tới lúc chết. Chúng ta trong sáng Mẹ yêu chúng ta. Chúng ta dại dột Mẹ yêu chúng ta. Chúng ta thành công Mẹ yêu chúng ta Chúng ta thất bại Mẹ yêu chúng ta. Và khi chúng ta trở nên tham lam, mưu mô và độc ác Mẹ vẫn yêu chúng ta. Chỉ có tình yêu thương của người Mẹ mới là tình yêu thương. Chỉ có sự hy sinh của người Mẹ mới là sự hy sinh. Chỉ có người Mẹ mới định nghĩa được tình yêu thương và sự hy sinh. Chỉ có tình yêu mới xác lập được con người và chỉ có người Mẹ mới sinh ra được tình yêu.

Mẹ rộng lớn như vũ trụ vô tận và gần gũi như máu đang chảy trong chúng ta. Tranh do chính tả giả vẽ về Mẹ của mình hồi còn trẻ. Mực trên giấy gió.

Trong bài thơ “Thư gửi Mẹ”, có đoạn tôi viết :

- Thưa Mẹ,

Máu là Mẹ ở trong con.

Cả khi con ngủ máu vẫn chảy
Để nuôi lớn những giấc mơ.
Máu chảy để con đứng dậy.
Máu chảy để con bước đi.
Máu chảy để con biết nhóm lửa.
Máu chảy để con biết trồng những cái cây.
Máu chảy để con sáng tạo.
Nước chảy trong đất sinh ra cây trái.
Máu chảy trong da thịt sinh ra tình yêu.

(Trích từ trường ca LÒ MỔ)

Có một điều kỳ diệu hơn tất cả mọi điều kỳ diệu là : chúng ta sống có yêu có ghét. Nhưng với Mẹ, chúng ta chỉ có tình yêu. Một thiên tài yêu Mẹ và một kẻ tử tù cũng yêu Mẹ với cùng một tình yêu không gì dập tắt được. Trong chuỗi phim kinh dị của Hollywood có tên Thứ Sáu ngày 13 nói về một kẻ giết người man rợ. Không ai có thể ngăn cản được hành động thú tính của hắn, nhưng chỉ khi một người phụ nữ nào đó cất tiếng : “ Fason, mẹ đây, con không được làm thế” thì kẻ giết người này dừng ngay hành động của hắn lại và gục đầu vào lòng người phụ nữ ấy như một đứa trẻ. Hầu như tất cả những kẻ từ tù, trước khi bị xử án, lá thư cuối cùng nếu họ viết đều nói lời xin lỗi Mẹ và xin Mẹ tha thứ cho tội lỗi của họ đã gây ra.

Đối với Mẹ, tất cả chúng ta lúc nào cũng là những đứa trẻ lên ba. Trong những bộ phim nổi tiếng nhất về những trùm mafia Mỹ như Bố Già, American Gangster đều nói đến người Mẹ. Những tay trùm mafia này mỗi khi đau khổ, tuyệt vọng đều tìm về với Mẹ và cần sự che chở của Mẹ. Và chỉ khi trở về với Mẹ thì chút nhân tính còn lại trong trái tim băng giá của họ mới được đánh thức. Trong khổ đau, tuyệt vọng hay trong những cơn đau thân xác chúng ta thường thốt lên gọi Mẹ. Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang kể một câu chuyện về những năm tháng chiến tranh ở Quảng Trị. Đó là một mặt trận tàn khốc nhất. Có biết bao người lính bơi qua sông vào thành Quảng Trị bị trúng đạn và chìm xuống dòng sông. Trước khi chìm xuống và hy hinh, tất cả những người lính đó đều kêu lên “ Mẹ ơi”. Và dòng sông đó được gọi là sông Mẹ ơi.

Mọi từ ngữ đầy tính biểu tượng của nhân loại cũng không đủ và không đúng để nói về Mẹ. Bởi chúng ta chỉ cần cất tiếng gọi “ Mẹ” là chúng ta đã nhận ra tất cả. Mẹ rộng lớn như vũ trụ vô tận và gần gũi như máu đang chảy trong chúng ta.

Nguyễn Quang Thiều

Tags: