Tại chương trình, các nhà văn Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy và Đức Anh đã chia sẻ bí quyết của họ về việc xây dựng cốt truyện và nhân vật trong thực tế sáng tác.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ hiện đang công tác tại Tạp Chí Văn Nghệ Quân Đội, đã ra mắt các tác phẩm hình sự đặc biệt là tiểu thuyết “Sát Thủ Online” đã từng được chuyển thể thành bộ phim truyền hình đình đám.
Nhà văn Phong Điệp đã xuất bản 27 tựa sách gồm truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, đối thoại văn học. Trong đó, có tiểu thuyết ghi dấu ấn như “Blogger”, “Ga ký ức”, “Vực gió”... cũng đã có tác phẩm được dịch và xuất bản tại Pháp, Nga.
Nhà văn trẻ Đức Anh cũng đã ra mắt một số tiểu thuyết và truyện ngắn thể loại giả tưởng li kì thu hút bạn đọc trẻ, như “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”, “Đảo bạo bệnh”.
Các vấn đề quan trọng đã được đặt ra và thảo luận trong buổi talkshow bao gồm cách xây dựng cốt truyện và nhân vật dưới góc nhìn của người trong nghề, lao động nghệ thuật của nghề sáng tạo, và sự thưởng thức truyện trinh thám cũng như tương lai của thể loại này.
Theo đó, các nhà văn đã tận dụng, gạn lọc những nguồn dữ liệu trong đời sống hằng ngày để tạo nên những câu chuyện li kỳ, hấp dẫn người đọc. Và bằng việc nuôi dưỡng sự đồng cảm với nhân vật, sự tỉnh táo trong việc duy trì cân bằng giữa ngôn ngữ và truyện kể, các nhà văn không chỉ kể chuyện mà còn chạm vào tâm hồn và tư duy của người đọc.
Nhà văn Phong Điệp chia sẻ: "Việc chúng ta lấy chất liệu từ cuộc sống hàng ngày không chỉ là để kể chuyện, mà còn để chạm vào những tâm hồn người đọc. Tôi luôn đối thoại với các nhân vật, làm sao để hiểu họ một cách sâu sắc nhất”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh: “Ở Việt Nam, các trại sáng tác luôn mở cửa để tạo điều kiện cho các tác giả đi tìm hiểu, lấy tư liệu từ đời thường. Đôi khi chúng tôi tìm thấy mình trong tất cả các nhân vật, bất kể chính diện hay phản diện. Con người chúng ta vốn đa sắc cạnh. Chính những trải nghiệm nhỏ nhặt của chúng ta, nếu biết khái quát lên tầm cao hơn, sẽ ra những yếu tố cần thiết để làm chất liệu sáng tác”.
Khi được hỏi về sự phát triển của văn học trinh thám các nhà văn đều đồng ý với nhận định: Trinh thám hấp dẫn nhất là ở tình huống truyện. Dòng văn học này có căn cơ để phát triển là ở chỗ Việt Nam có rất nhiều khoảng trống đề tài để khai thác. Các kỹ thuật kể chuyện của thể loại này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc các nhà văn tìm cách triển khai cốt truyện. Chẳng hạn, nếu có một cảm hứng, một ý tưởng, một thông điệp đủ sâu, tại sao không nghĩ đến việc tạo ra một câu chuyện trinh thám, để bám vào đó làm nên tác phẩm của riêng bạn một cách suôn sẻ hơn, thu hút người đọc hơn?”.
Trong buổi trò chuyện, các tác giả cũng chia sẻ về cuốn tiểu thuyết trinh thám Cuốn Sổ Máu - tác phẩm mới nhất của nhà văn Phong Điệp.
Với 340 trang, "Cuốn Sổ Máu" mang đến cho độc giả một trải nghiệm đặc sắc về câu chuyện của hai mẹ con bé Phượng, người đã thoát chết sau một vụ thảm sát đẫm máu. Bí mật tội ác của một tên trùm ma túy khủng bố gia đình họ đã được khám phá trong một cuốn sổ đen. Họ bị truy sát và cuộc đua giữa sự sống và cái chết bắt đầu.
"Cuốn Sổ Máu"; không chỉ là một tiểu thuyết trinh thám thông thường, mà còn là một tác phẩm tâm lý đầy tinh tế. Nhà văn Phong Điệp đã tạo ra một thế giới đen tối nhưng hấp dẫn và li kì, nơi mà nhân tính được “kiểm tra” qua những thử thách cực đại.
Theo VHPT