Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá nguyên nhân của hiện tượng mơ lặp lại, sự liên kết giữa những cảm xúc trong cuộc sống thực với giấc mơ, cũng như cách các sự kiện lớn như đại dịch COVID đã ảnh hưởng đến tâm trí chúng ta khi ngủ. Quan trọng hơn là chia sẻ những lời khuyên giúp bạn kiểm soát và chuyển hóa những giấc mơ tiêu cực, mang lại giấc ngủ sâu hơn và bình yên hơn.
Tại sao có vẻ như cùng một giấc mơ cứ bám lấy chúng ta?
Có thể bạn đã từng mơ thấy mình bay lượn như một chú chim từ khi còn nhỏ, hoặc gần đây bạn thường xuyên trở lại một địa điểm hay thời gian nào đó trong giấc mơ. Có lẽ một ngày làm việc tồi tệ vẫn có thể khuấy động những cơn ác mộng về kỳ thi, dù bạn đã không còn là học sinh đã nhiều năm qua.
Nếu đúng vậy, bạn không phải là trường hợp duy nhất. Những giấc mơ lặp lại là một hiện tượng khá phổ biến: nghiên cứu cho thấy có đến 75% người trưởng thành từng trải qua ít nhất một giấc mơ như vậy trong cuộc đời của họ. Những giấc mơ này tồn tại nhiều mức độ khác nhau: đôi khi chúng gần như giống hệt nhau mỗi lần xuất hiện, nhưng cũng có thể có những chủ đề, địa điểm hoặc nhân vật lặp lại trong những bối cảnh khác nhau. Sự biến động này làm cho những giấc mơ lặp lại khác biệt với cơn ác mộng do chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD - Posttraumatic stress disorder), một tình trạng tâm lý trong đó người bệnh tái trải nghiệm những ký ức cụ thể từ đời sống thức của họ mà ít thay đổi khi ngủ. Các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về lý do tại sao chúng ta lại trải qua giấc mơ lặp lại, nhưng nghiên cứu mới đang giúp nhận diện tốt hơn các mô hình về tần suất và nội dung của những giấc mơ lặp lại, cũng như các tình huống gây ra chúng.
Những giấc mơ lặp lại thường có xu hướng tiêu cực
Các nghiên cứu gần đây đã củng cố quan điểm lâu nay rằng những giấc mơ lặp lại thường nhưng không phải lúc nào cũng là những giấc mơ xấu. Trong một cuộc khảo sát năm 2022 do Michael Schredl, trưởng phòng thí nghiệm giấc ngủ tại Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương ở Đức cùng các đồng nghiệp thực hiện, người trưởng thành cho rằng giấc mơ lặp lại có "tông màu tiêu cực" hai phần ba thời gian trong giấc mơ; những giấc mơ này thường liên quan đến các chủ đề như bị đuổi theo hoặc tấn công, đến nơi muộn hoặc thất bại trong việc gì đó. Ngược lại, những giấc mơ lặp lại tích cực của người tham gia lại liên quan đến các chủ đề như bay lượn hoặc khám phá một căn phòng mới trong ngôi nhà của mình.
Tại sao chúng ta dễ mơ những giấc mơ tiêu cực hơn?
Nguyên nhân của việc việc này vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng Schredl cho rằng giấc mơ thường phóng đại một điều gì đó trong đời sống thực của chúng ta thậm chí một cảm xúc nhỏ hoặc một tình huống không đáng kể mà chúng ta cảm thấy bất lực trong việc thay đổi. "Trong giấc mơ, nó trở thành một cảm xúc lớn hơn rất nhiều, mặc dù mối liên hệ này không phải lúc nào cũng rõ ràng hoặc dễ nhận thấy," Schredl giải thích.
Tâm lý học và khoa học thần kinh cung cấp thêm rất nhiều những manh mối. Chẳng hạn, chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng bởi "thiên kiến tiêu cực": xu hướng tập trung nhiều hơn vào những suy nghĩ, cảm xúc hoặc tương tác xã hội tiêu cực thay vì những điều tích cực. Hành vi này bắt nguồn từ nhu cầu tiềm thức nhằm giải quyết những tình huống tiêu cực có thể đe dọa sự sống còn. Thiên kiến tiêu cực có thể càng trở nên mạnh mẽ hơn khi ngủ vì bộ não trong trạng thái mơ sẽ làm giảm hoạt động ở các vùng não có chức năng liên quan đến logic tuyến tính, đồng thời kích hoạt các vùng liên quan đến cảm xúc. Điều này khiến cho sự phân biệt giữa suy nghĩ logic và cảm xúc của chúng ta trở nên mờ nhạt hơn, dẫn đến việc chúng ta dễ dàng trải nghiệm những cảm xúc mạnh mẽ hơn trong giấc mơ.
Tác động từ các sự kiện lớn: Hiểu được cơ sở tâm lý học của những giấc mơ lặp lại vẫn là một thách thức do khó kiểm soát giấc mơ trong một bối cảnh thí nghiệm. Tuy nhiên, các sự kiện như vụ khủng bố 11/9 hay đại dịch COVID những sự kiện mà nhiều người cùng trải qua một chấn thương chung đã cho phép các nhà khoa học nghiên cứu chi tiết hơn về các mô hình liên quan đến giấc mơ.
Những người trải qua các thảm họa khu vực hoặc toàn cầu thường có một sự gia tăng đáng kể về những giấc mơ lặp lại mang tông màu tiêu cực sau đó, theo lời Deirdre Leigh Barrett, một nhà nghiên cứu giấc mơ và tác giả của cuốn sách Pandemic Dreams (Tạm dịch: Những giấc mơ thời đại dịch) xuất bản năm 2020. Trong suốt đại dịch, Barrett đã thu thập được hơn 15.000 báo cáo giấc mơ, và trong hai ấn phẩm - một chương sách và một nghiên cứu - tác giả đã chỉ ra rằng các chủ đề lặp lại liên quan đến nỗi sợ hãi, bệnh tật và cái chết xuất hiện trong giấc mơ của mọi người nhiều gấp 2-4 lần so với trước khi đại dịch bắt đầu. Những câu chuyện phổ biến bao gồm việc chứng kiến người thân qua đời, nhìn thấy đàn côn trùng (có thể xuất phát từ việc COVID được mô tả như một "con bọ," theo lời Barrett) và trải qua những thảm họa, chẳng hạn như sóng thần.
Lời khuyên để kiểm soát giấc mơ tiêu cực lặp lại
Barrett và các chuyên gia khác nhấn mạnh rằng những giấc mơ tiêu cực lặp lại là hiện tượng bình thường và có thể kiểm soát được. Một số người đã thành công với liệu pháp Imagery Rehearsal Therapy (Luyện tập hình ảnh), trong đó họ tưởng tượng lại cơn ác mộng của mình với một kết thúc vui vẻ hơn trước khi đi ngủ.
Nirit Soffer-Dudek, nhà nghiên cứu ý thức và nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Ben-Gurion ở Negev, Israel, khuyến nghị chúng ta cần “vệ sinh giấc ngủ” (sleep hygiene). Với lời khuyên nên thiết lập lịch ngủ nhất quán, hạn chế sử dụng màn hình và tránh caffeine hoặc rượu trước khi đi ngủ “Bạn ít có khả năng chìm vào giấc ngủ trong trạng thái cảm xúc căng thẳng hơn”.
“Lời khuyên tốt nhất tôi có thể đưa ra là cố gắng thiết lập ranh giới mạnh mẽ giữa thời gian thức và ngủ để tránh mang sự lo lắng vào giấc mơ của bạn.”
- Tham khảo: Scientific American