Tại sao con người lại muốn vươn tới Sao Hỏa đến vậy?
Tại sao con người lại muốn vươn tới Sao Hỏa đến vậy?
Khám phá không gian là một phần của việc hiểu biết về vũ trụ và vị trí của chúng ta trong đó. Tầm quan trọng sống còn của việc này với sự tồn vong của loài người rồi sẽ được chứng minh. Hãy lên tàu, thắt dây an toàn và thư giãn đi nào, chúng ta sắp sửa cất cánh cùng cuốn sách “Einstein bỏ túi - 10 bài học ngắn về du hành không gian” của ETS.
Einstein Bỏ Túi - 10 Bài Học Ngắn Về: Du Hành Không Gian
(1 lượt)

Kể từ sau những chuyến tàu có người lái tới Mặt Trăng của Mỹ trong thế kỷ 20, nhân loại chưa từng thực sự thoát khỏi bầu khí quyển Trái Đất. Nhưng hành trình khám phá không gian của chúng ta vẫn chưa dừng lại: các tàu thăm dò không người lái đã tới mọi ngóc ngách của Hệ Mặt Trời và cung cấp kiến thức tổng quát về các điều kiện của nó. Trong những năm gần đây, chủ đề du hành không gian bằng tàu có người lái trở lại Mặt Trăng và hạ cánh trên Sao Hỏa đã dần sôi động trở lại; kế hoạch giúp con người định cư trên Hành Tinh Đỏ cũng được đưa vào các chương trình nghị sự.

Nhưng nhiều người vẫn còn phân vân: tại sao chúng ta phải di cư tới một nơi khác? Tại sao điểm dừng đầu tiên lại là Sao Hỏa? Chúng ta vẫn còn rất nhiều tài nguyên và nhiều nơi trên Trái Đất chưa được khai thác. Ngay cả sa mạc, sông băng và những nơi cằn cỗi khác trên Trái Đất vẫn được coi là có điều kiện sống lý tưởng hơn Sao Hỏa rất nhiều, vậy tại sao chúng ta lại muốn đưa người lên sống ở Sao Hỏa?

Cuốn sách "Einstein bỏ túi 10 bài học ngắn về du hành không gian"

Tuy xã hội loài người hiện đang phát triển rất nhanh, nhận thức của mọi người ngày càng tiến bộ hơn nhờ những thiết bị di động cầm tay, Internet, máy bay, đường sắt cao tốc… nhưng chúng ta cần phải lưu ý hai điểm. Thứ nhất, cuộc sống hiện đại ngày nay là do sự tiến bộ không ngừng của khoa học và công nghệ mang lại. Thứ hai là cuộc sống này có thể diễn ra ở thời đại chúng ta cùng vài thế hệ tiếp theo, nhưng lâu dài thì rất khó nói.

Một thực tế khác là sự tàn phá môi trường, khai thác tài nguyên quá mức của con người kể từ khi công nghiệp hóa, cũng như việc phát thải khí nhà kính do đốt nhiên liệu hóa thạch đã khiến hiệu ứng nhà kính ngày càng trầm trọng: nhiệt độ trung bình hiện đã tăng hơn 1 độ C so với trước khi công nghiệp hóa. Người ta tin rằng chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 3 độ C, hệ thống tự điều chỉnh của khí hậu Trái Đất sẽ sụp đổ và những thảm họa không thể ngăn cản sẽ ập đến. Không chỉ có vậy, con người cũng cần đề phòng trước những thảm họa đến từ ngoài không gian như biến động của Mặt Trời, sự va chạm của các tiểu hành tinh vào Trái Đất, và còn rất nhiều nữa. Nếu không thể đưa một bộ phận dân cư rời khỏi Trái Đất, nhân loại có thể đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi những thảm họa đó ập tới.

Ngoài ra, quá trình di dân tới các hành tinh khác không thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà là nỗ lực của vài thế hệ, thậm chí hàng chục thế hệ. Đây là lý do tại sao một số nhà khoa học, doanh nhân và chính trị gia muốn vươn tới không gian và tìm kiếm nơi ở mới cho con người.

Paul Parsons - Tác giả cuốn sách "Einstein bỏ túi 10 bài học ngắn về du hành không gian

Các nhà khoa học đã khám phá 8 hành tinh trong Hệ Mặt Trời, cũng như một số hành tinh lùn và mặt trăng. Trong các hành tinh của Hệ Mặt Trời, Sao Hỏa là hành tinh có điều kiện phù hợp với con người hơn cả; điều này không có nghĩa là môi trường của Sao Hỏa và Trái Đất giống nhau, nhưng môi trường của sáu hành tinh kia tồi tệ hơn Sao Hỏa rất nhiều.

Sao Thủy quá gần Mặt Trời và bị khóa bởi thủy triều với Mặt Trời, nên môi trường rất khắc nghiệt: nhiệt độ của phía hướng về Mặt Trời cao tới 428 độ C, và nhiệt độ ở phía còn lại xuống tới -193 độ C.

Sao Kim bằng 88% thể tích và 81,6% khối lượng Trái Đất. Tuy nhiên, tốc độ quay của Sao Kim không thích hợp với sự sống của con người, bầu khí quyển chủ yếu là CO2, nhiệt độ bề mặt lên tới 500 độ C, áp suất bề mặt gấp 90 lần Trái Đất, mưa axit sunfuric đậm đặc thường xuyên xảy ra, hành tinh này cũng không có nước và oxy.

Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương đều là những hành tinh khí khổng lồ. Sao Thiên Vương nặng gấp 14,5 lần Trái Đất, còn Sao Mộc nặng gấp 318 lần Trái Đất. Không hành tinh nào trong số này có bề mặt rắn. Nhiệt độ bề mặt cao nhất của Sao Mộc chỉ là -148 độ C, và nhiệt độ thấp nhất của Sao Hải Vương xuống tới -200 độ C nên hoàn toàn không phù hợp cho con người sinh sống.

So với sáu hành tinh này, môi trường của Sao Hỏa ôn hòa hơn nhiều. Mặc dù bầu khí quyển của Sao Hỏa mỏng hơn Trái Đất, nhiệt độ khắc nghiệt nhưng vẫn có thể chấp nhận được; dù không có nước lỏng, nhưng nước đóng băng trong lòng đất và ở các cực lại khá nhiều. Nó tự quay quanh mình hết 24 giờ, 37 phút và 22,7 giây một vòng (gần tương tự Trái Đất); chu kỳ quay quanh Mặt Trời là 686,971 ngày, gần bằng 2 năm của Trái Đất. Quan trọng hơn, trục quay của Sao Hỏa có độ nghiêng 25,19 độ, khá tương đồng với độ nghiêng 23,26 độ của Trái Đất nên ở xích đạo tạo thành chí tuyến và có sự thay đổi theo mùa rõ rệt trong năm. Tất cả những yếu tố này khiến Hành Tinh Đỏ trở thành nơi định cư hứa hẹn cho con người.

Tất nhiên, Mặt Trăng cũng có thể trở thành nơi định cư của con người trong tương lai, nhưng nó quá nhỏ và gần Trái Đất, khó thoát khỏi những thiên tai mà Trái Đất có thể gặp phải nên không thể đạt được hiệu quả "đặt trứng vào hai giỏ".

Ngoài Mặt Trăng và Sao Kim, Sao Hỏa là hành tinh gần Trái Đất nhất (khoảng 57 triệu km khi ở gần nhất). Với khả năng du hành không gian hiện tại của con người, Sao Hỏa đã là giới hạn mà một tàu có người lái có thể tới.

- Trạm Đọc -

Tags: