7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc - Bạn có thể thay đổi mọi thứ tốt hơn, khi bạn thay đổi bản thân
7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc - Bạn có thể thay đổi mọi thứ tốt hơn, khi bạn thay đổi bản thân
“7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc” của Jim Rohn chẳng những khơi gợi động lực, mà còn như một cuốn cẩm nang cho những ai đang bối rối khi muốn đi tìm một đáp án tốt nhất cho câu hỏi: làm thế nào để sống sung túc và hạnh phúc?
7 Chiến Lược Để Sống Sung Túc & Hạnh Phúc
(7 lượt)

 

Bạn không phải là người làm theo

 

Tác giả Jim Rohn, một doanh nhân, một nhà triết lý kinh doanh người Mỹ không chỉ hướng dẫn cho người đọc cách kinh doanh hay làm giàu, mà ông còn muốn truyền cảm hứng về việc mỗi người “Hãy cho chính mình cơ hội để trở thành mọi điều mà bạn có thể trở thành và đạt được mọi thành tựu mà bạn có thể đạt đến”. Chỉ có vậy bạn mới thật sự có một cuộc sống sung túc và hạnh phúc, chứ không chỉ là giàu có. Và theo ông, cản ngại lớn nhất để đạt đến điều đó là ở chính bản thân mỗi người chứ không phải ở hoàn cảnh bên ngoài.

Cuốn sách mở đầu bằng câu chuyện Jim Rohn, lúc 25 tuổi, đã có gia đình, luôn cật lực làm việc nhưng vẫn trong tình trạng “thiếu trước hụt sau”, ngày càng tụt lại phía sau về mặt tài chính, đối diện viễn cảnh “kết thúc ở tuổi 60, rỗng túi và trông chờ sự giúp đỡ từ người khác”. Ý nghĩ này làm ông hoảng hốt, trong đầu càng chất chứa nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, rằng “Tôi phải làm gì đây? Làm thế nào tôi có thể chuyển hướng cuộc đời mình”, cho đến khi Jim Rohn tình cờ gặp được một người. Đó là “người thầy tinh thần” đã giúp Jim Rohn thấy được nguồn gốc vấn đề của mình, và tự tìm cho mình cơ hội chuyển hướng cuộc đời. 

Sách trình bày khúc chiết, giản dị, sinh động 7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc, bằng những trải nghiệm, đúc kết của tác giả từ chính cuộc đời mình và những người chung quanh. Đó là những bài học, những kinh nghiệm cực kỳ giá trị mà bạn có thể áp dụng, với lời nhắc của Jim Rohn “Hãy nhớ rằng trong mọi việc bạn làm, bạn luôn là người chủ động học hỏi chứ không đơn thuần là người làm theo”.

Hãy bắt đầu với năm từ then chốt mà tác giả khơi gợi: Nền tảng (những nguyên tắc cơ bản mà từ đó mọi thành tựu được xây dựng nên); Sung túc (với người này là có đủ tiền để làm mọi điều mình muốn, với người kia nó có thể là hoàn toàn không nợ nần, với người khác nữa lại đồng nghĩa với cơ hội để phát triển và thành đạt); Hạnh phúc (kỹ năng phản ứng với những gì mà cuộc sống mang lại, bằng khả năng nhận thức và tận hưởng cuộc sống của mình); Kỷ luật (theo tác giả là yếu tố sống còn quyết định sự thành công của hành trình tìm kiếm cả sự giàu có lẫn hạnh phúc); và Thành công (theo Jim Rohn, đó là “Tạo dựng cuộc đời mình như mong muốn”).

Nhưng làm thế nào để chúng ta thực hiện được những điều đó? Đó chính là 7 chiến lược cụ thể, được tác giả tỉ mỉ nêu bài học kinh nghiệm thực tiễn và cách thức để thực hiện: Giải phóng sức mạnh của mục tiêu; Tìm kiếm tri thức; Học cách thay đổi; Quản lý tài chính; Làm chủ thời gian; Kết giao với những người thành đạt; và Học nghệ thuật sống tốt. 

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực hiện không dễ, bởi chúng ta thường gặp phải các vấn đề: sống không có mục tiêu, thiếu kế hoạch, bị chi phối bởi sức ì, thiếu tính kỷ luật, không quản lý được thời gian, thiếu những đúc kết từ thực tiễn, thiếu triết lý sống… Nhưng như chính tác giả đã viết: “Hãy cho chính mình cơ hội, hãy thực hiện ngay từ hôm nay, bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn.”

 

Không thay đổi được các “mùa” hãy thay đổi bản thân

 

Chẳng hạn, khi đề cập đến vấn đề vì sao phải giải phóng sức mạnh của mục tiêu, tác giả chỉ ra những động lực mạnh mẽ khi có mục tiêu và ước mơ, chứng minh đó là những lý do thiết yếu để thay đổi và thành công. Ông chỉ ra “mục tiêu là một quá trình liên tục, trọn đời”, vì vậy “hãy khiến chúng phục vụ cho bạn”, bởi nếu “Không có ước mơ và tầm nhìn, chúng ta sẽ bị diệt vong”.

Trao đổi về chiến lược “Tìm kiếm tri thức”, tác giả không chỉ nêu các cách thức để đạt được như: suy nghiệm lại bản thân, học từ người khác (cả thành công lẫn thất bại), lắng nghe, quan sát…, Jim Rohn còn thuyết phục mọi người bằng Kinh Thánh “Đường đến sự thông thái, hãy tìm sẽ gặp”.  

Nói về chiến lược “học cách thay đổi”, ông cho rằng “việc bạn trở thành người như thế nào quan trọng hơn những gì bạn đạt được”. Ông đúc kết: “giá trị làm nên sự khác biệt”, “thành công và hạnh phúc không phải là những giá trị để theo đuổi mà là những giá trị để phát triển”. 

Thật thấm thía khi Jim Rohn chỉ ra: “Cách duy nhất để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn cho bạn là khi chính bạn trở nên tốt hơn”. Và “những gì tốt hơn không phải là những gì bạn mong muốn, mà là những gì bạn trở thành”.

Đặc biệt, tác giả dùng hình ảnh các mùa của thiên nhiên để ví von với các mùa của cuộc sống. Jim Rohn gợi mở bằng hai câu sau: “Cuộc sống và việc làm kinh tế tựa như các mùa”, và “Bạn không thể thay đổi các mùa nhưng bạn có thể thay đổi bản thân”. 

Đầu tiên, ông khuyên học cách ứng xử với “mùa đông”. Theo ông, có đủ loại mùa đông. Có mùa đông kinh tế, khi những con sói tài chính đến ngay trước cửa nhà; có mùa đông thể chất, khi sức khỏe của chúng ta đáng lo ngại; có mùa đông riêng của mỗi người, khi trái tim chúng ta tan nát. Vậy, ta nên ứng xử với “mùa đông” như thế nào? “Mùa đông là mùa để trở nên mạnh mẽ”. Theo ông, hãy sử dụng những “mùa đông” của mình để chuẩn bị sẵn sàng năng lượng mà tăng tốc cho “mùa xuân” - mùa luôn đến sau mùa đông. Jim Rohn dẫn lời người thầy tinh thần của mình “Đừng trông mong nó sẽ dễ dàng hơn, mà hãy mong mình vững vàng hơn. Đừng trông mong có ít chuyện trục trặc hơn mà hãy mong mình có nhiều kỹ năng hơn. Đừng mong có ít thử thách hơn, hãy mong mình khôn ngoan hơn”. 

Cứ thế, với Jim Rohn, “mùa xuân” là mùa để tận dụng, vì cơ hội thường theo sau khó khăn; “mùa hạ” là mùa để chăm sóc, để bảo vệ những gì mình tạo ra; “mùa thu” là mùa để nhận lấy trách nhiệm - chịu trách nhiệm hoàn toàn là một trong những hình thức cho thấy độ trưởng thành cao nhất của mỗi người, và cũng là một trong những điều khó nhất. 

Jim Rohn cũng chỉ ra những giới hạn con người thường tự đặt ra cho mình như thói quen trì hoãn, đổ lỗi, tự bào chữa… Ông viết: “Bản ngã tìm mọi cách để bảo vệ chính nó. Vì vậy chúng ta đổ lỗi cho những lực lượng bên ngoài để không phải đối diện với những yếu kém và thất bại của bản thân”. Làm thế nào để thay đổi điều đó? Ngoài những chia sẻ, hướng dẫn cụ thể để thực hiện, ông đưa ra lời khuyên “Bạn có thể thay đổi tất cả mọi thứ cho tốt hơn, khi bạn thay đổi bản thân”. Và việc thay đổi đó phải bắt đầu “ngay từ hôm nay”. 

Cuối cùng, Jim Rohn đặt ra cho chúng ta bốn câu hỏi: “Tại sao ta nên cố gắng?”, “Tại sao không?”, “Tại sao không phải là bạn?”, và “Tại sao không phải là bây giờ?”. Ông chia sẻ: “Bạn và tôi đã được ban tặng những món quà của cuộc sống, nhưng chúng ta là người quyết định liệu chúng ta có vận dụng những luật lệ của Thượng đế để sáng tạo, để sung túc và hạnh phúc không”.

7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc” đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều điều để chiêm nghiệm và vận dụng. Còn câu trả lời, tất nhiên thuộc về mỗi người.

Tags: