Giữa tháng 9, Publishing Perspectives - một trang chuyên đưa tin các hoạt động xuất bản quốc tế - có bài viết về cuốn sách từ Việt Nam nhanh chóng được mua bản quyền để phát hành tại nhiều quốc gia. Đó chính là cuốn Saving Sorya (phần một trong bộ truyện Chang hoang dã) của Trang Nguyễn và Jeet Dzung.
Cụ thể, Pan Macmillan, nhà xuất bản hàng đầu Anh, đã mua bản quyền toàn cầu cuốn sách (trừ tiếng Việt tại thị trường Việt Nam). Tác phẩm nhanh chóng được nhiều nhà xuất bản mua lại để phát hành ở các quốc gia như: Penguin random House (Mỹ), Bookdream (Hàn Quốc), Jieli (Trung Quốc), Ayrinti (Thổ Nhĩ Kỳ), Fontini (Na Uy), AST (Nga). Cuối tháng 9, sách đã phát hành tại Anh và Mỹ.
Để chinh phục các nhà xuất bản lớn thế giới, các tác giả của Chang hoang dã không chỉ dày công sáng tạo, họ còn trải qua hành trình dài trong công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Theo chia sẻ của Trang Nguyễn và Jeet Dzung, cuốn sách ra đời sau hai năm thai nghén. Để hình thành nên ý tưởng, nội dung cho tác phẩm này là cả một quá trình dài xuất phát từ tình yêu dành cho động vật của Trang Nguyễn.
Năm lên 8 tuổi, trong một lần đi học về, Trang bắt gặp hình ảnh gấu bị hút mật. Hình ảnh đau đớn ấy khắc sâu vào Trang, khiến cô mong muốn bảo vệ những loài động vật. Theo thời gian, Trang lớn lên, trở thành tình nguyện viên trong các tổ chức bảo tồn và nhận ra bảo tồn động vật hoang dã chính là công việc mà cô muốn dành cả đời để theo đuổi.
Trang Nguyễn đã hoàn thành luận án tiến sĩ ngành Bảo tồn Động vật hoang dã tại Anh. Cô là nhà sáng lập kiêm giám đốc tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam WildAct. Trang Nguyễn là một trong 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi do tạp chí Forbes châu Á bình chọn năm 2020.
Từ khi còn đi học, Trang Nguyễn đã ấp ủ ý tưởng làm sách tranh cho về thiên nhiên, môi trường. Khi Trang Nguyễn bắt tay vào thực hiện ý tưởng cũng là lúc Nhà xuất bản Kim Đồng liên hệ mời cô làm sách cho thiếu nhi. Cô giới thiệu luôn dự án Chang hoang dã.
Cuốn sách Chang hoang dã - Gấu là tập một trong loạt truyện về các loài động vật hoang dã, công tác bảo tồn. Tác phẩm mang màu sắc tự truyện, xuất phát từ những điều mà Trang Nguyễn đã trải qua trong quá trình làm công tác bảo tồn của mình.
Trong sách, nhân vật Chang kể lại câu chuyện giải cứu cô gấu chó có tên Sorya, đưa bé gấu trở lại cánh rừng hoang dã. Sorya là bé gấu bị mất mẹ, được cứu khỏi trại của bọn buôn gấu khi mới hai tuần tuổi. Bé gấu nhút nhát, sợ hãi, chưa biết cách sinh tồn trong rừng nên vẫn phải sống trong cánh rừng của khu bảo tồn động vật hoang dã.
Chang lắng nghe và thấu hiểu tiếng gọi tự nhiên, khát khao tự do của Sorya. Cô quyết định đồng hành cùng Sorya trên con đường trở về với thiên nhiên.
Khi tham gia chuyển câu chuyện của Trang Nguyễn lên tranh, họa sĩ Jeet Dzung dành nhiều công sức để tìm hiểu thực địa. Dù đã xem nhiều hình ảnh về Sorya, anh vẫn chưa thể hiện được như ý hình ảnh cô gấu này.
Jeet Dzung đã đến trung tâm cứu hộ gấu của tổ chức Free the Bears tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, khu cứu hộ Phnom Tamao (Campuchia) để có cơ hội quan sát Sorya, các loài gấu cũng như thiên nhiên để có hình ảnh chân thực đưa vào sách.
Hành trình của Chang và Sorya trở về tự nhiên đầy thử thách nhưng cũng tuyệt đẹp. Họ trải qua những khu rừng khô cằn, rừng bị ngập, những cánh rừng bị phá bởi lâm tặc, hay những cánh rừng đã bị san trụi để thành công trường xây dựng… Qua bao ngày tháng bên nhau, tình cảm vô hình đã gắn kết Chang và Sorya. Cuối cùng, họ tìm được cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, nơi Sorya thuộc về.
Đó là một hành trình lay động trái tim, thức tỉnh chúng ta về tình yêu và sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Đó cũng là câu chuyện xuất phát từ tình yêu với động vật, ước mơ trở thành nhà bảo tồn và sự kiên nhẫn, quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh nhận xét qua những ghi chép và ký họa, nhân vật chia sẻ những ước mơ nho nhỏ và hoài bão của mình, muốn tìm hiểu thêm về thế giới mình đang sống, sống hài hòa với vạn vật và trân trọng tự nhiên.
“Rất nhiều tình tiết hấp dẫn, thông tin thú vị, chi tiết đáng yêu về rừng già Việt Nam và loài gấu được thể hiện bằng tranh. Những ghi chú bằng chữ in, đặc trưng của thể loại sách tranh truyện, có thể tạo được sự quan tâm ở các độc giả nhỏ tuổi”, TS Nguyễn Thụy Anh nhận xét.
Về phần tranh, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng các ký họa có màu sắc trầm nhưng không tạo cảm giác u ám, ngược lại tạo cảm xúc cho bạn đọc nhỏ. Điều đó góp phần giúp các em suy nghĩ nghiêm túc về thái độ sống của mình với môi trường, con người, loài vật, đặc biệt là khái niệm “tôn trọng” và “tự do”.
Nhà thơ Hữu Việt cho rằng đây là cuốn sách tranh đặc biệt về chủ đề bảo vệ thiên nhiên môi trương hoang dã. “Từ một câu chuyện có thật, hai tác giả, một viết lời, một vẽ tranh đã chạm đến vấn đề thời sự và cấp bách mang tính toàn cầu, đó là bảo vệ môi trường thiên nhiên hoang dã. Thông điệp đến nhẹ nhàng, phong phú và linh hoạt, có sức thuyết phục cao với độc giả trẻ”, nhà thơ Hữu Việt nhận xét.