Tại sao càng giàu, lại càng thấy tiền không bao giờ là đủ?
Tại sao càng giàu, lại càng thấy tiền không bao giờ là đủ?
Khi đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, tiền sẽ chẳng còn là yêu cầu cấp thiết đối với chúng ta. Đó cũng là lúc để những động lực khác trỗi dậy, thôi thúc ta hành động và… kiếm thêm nhiều tiền hơn nữa.
Thế giới ngày càng lắm người giàu. Những danh xưng tỉ phú, triệu phú dần trở nên nhiều như nấm. Thực tế ấy khiến ta phải thừa nhận: Có những người kiếm được nhiều tiền đến mức có tiêu cả đời cũng không hết được, cho dù họ sở hữu lối sống xa xỉ đến đâu.

 

Nhưng khi bước trên những nấc thang của sự thành công, các con số sẽ không còn có tác động mạnh mẽ tới người giàu như lúc họ bắt đầu sự nghiệp. Vậy điều gì khiến cho tham vọng của họ ngày càng mãnh liệt? 

 

Tham vọng không dừng lại, ngay cả khi họ đã trở nên giàu có

Thực ra, những người thành công cũng có những lý do của riêng mình. Tôi ngộ ra điều ấy khi trò chuyện với một vài nhân vật, mà họ đã có nhiều cơ hội được tiếp xúc (và nghiên cứu) với giới siêu giàu. Michael Norton, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard - người đang nghiên cứu mối liên hệ giữa hạnh phúc và sự giàu sang - đã xây dựng một mô hình khá cụ thể, để giúp chúng ta thấu hiểu tâm lý này.

Norton cho hay, các nghiên cứu thường xoay quanh hai câu hỏi lớn mà con người thường tự đặt ra cho mình, mỗi khi họ cảm thấy hài lòng với hiện tại cuộc sống. Hai câu hỏi đó là: “Mình đã làm tốt hơn trước đây chưa?” Và “Mình có đang làm tốt hơn người khác không?”. Những chất vấn này không chỉ được áp dụng với tiền tài hay danh vọng, mà còn ở ngoại hình, chiều cao, hay bất cứ thứ gì mà con người thường băn khoăn lo lắng.

 

Ta luôn có xu hướng tự so sánh với người khác, và với chính mình

“Nhưng vấn đề là, có rất nhiều thứ trong cuộc đời mà con người ta không thể cân đo đong đếm” - ông tiếp lời - “Chẳng hạn như bạn muốn trở thành một ông bố bà mẹ tốt, sẽ rấy khó để bạn tự đánh giá xem liệu mình có đang làm tốt hơn so với mình của năm trước, hay mình có phải một mẫu hình lý tưởng so với ông hàng xóm bên nhà”.

Cũng vì vậy, mà con người ta thường có xu hướng so sánh những gì có thể định lượng, mà ở đây tiền bạc là lựa chọn lý tưởng. Nếu tôi cần biết liệu cuộc đời mình có đang đi lên phía trước, chỉ cần hỏi lại xem mình đã làm được bao nhiêu tiền? Có nhiều hơn năm trước không? Có thêm nhà, thêm xe không? Mọi thứ thật đơn giản, với thước đo tiền bạc.

 

Tiền bạc là thước đo dễ dàng nhất để đánh giá con người

Bản năng so sánh này của con người không biến mất, ngay cả khi ta đã kiếm được hơn mức mà mình cần rất, rất nhiều. Việc tự vấn bản thân chỉ có một hệ quả, đó là nó thúc đẩy chúng ta tiếp tục cố gắng để tiến về phía trước. Và khi tiếp tục tiến lên như thế, những giới hạn đối với bản thân lại càng được đẩy lên cao hơn. Giá thử như bạn sống ở Việt Nam và sở hữu khối tài sản khoảng 50 triệu USD, ok bạn rất giàu (không, bạn thực sự rất, rất, rất giàu). Nhưng cùng khối tài sản ấy mà chuyển đến sống ở giữa khu Manhattan, New York thì bạn cũng bình thường thôi. Vậy nên dù bạn thực sự đã vượt xa mốc ban đầu rất nhiều, thì bạn vẫn cảm thấy mình luôn thua kém những người xung quanh, và dĩ nhiên - bạn chẳng bao giờ hài lòng với điều đó.

Để mô phỏng lại hiện tượng kỳ lạ này, Norton và các cộng sự đã cùng nhau thực hiện một nghiên cứu công phu. Theo công trình được xuất bản vào hồi đầu năm ngoái, họ đã tiến hành khảo sát hơn 2000 người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu đô la, hỏi rằng mức độ hạnh phúc của họ là bao nhiêu, trên thang điểm từ 1 đến 10. Và họ cần thêm bao nhiêu tiền để có thể đạt được trạng thái ấy. Kết quả thật đáng buồn: Chẳng có ai hài lòng với những gì họ đang có, và hầu hết đều muốn sở hữu một khối tài sản gấp đôi, gấp ba bây giờ để trở nên hạnh phúc thực sự.

 

Ngay cả khi mọi người đều ghen tị, họ vẫn chưa hài lòng

Nhằm thực hiện thí nghiệm trên, Norton không chỉ phải vất vả trong việc kết nối với những người giàu có, mà còn tiêu tốn một khoản chi phí không hề nhỏ. Với mỗi người chấp nhận tham gia khảo sát, họ được trả tới 46 euro, trong khi một người bình thường chỉ được trả trung bình 1 USD. Vậy nên có thể nói vui rằng những người giàu vẫn đang giàu lên, ngay cả trong một thí nghiệm về mặt trái của sự giàu có.

Jeffrey Winters, một giáo sư ngành Chính trị học thuộc Đại học Northwestern, cũng là tác giả của cuốn sách Quyền lực tập trung cũng có những nhận định về vấn đề này. Ông cho hay, bên cạnh việc so sánh với những người khác, thì những người siêu giàu còn có một động lực khác để ép mình kiếm được thêm nhiều tiền hơn nữa: Họ yêu thích cái cảm giác khi nhìn thấy khối tài sản của mình được mở rộng, qua việc đầu cơ, mua bán, sáp nhập… v.v. Những người làm công ăn lương như chúng ta lại có tư duy khác. Hầu hết chúng ta kiếm tiền để đáp ứng những nhu cầu của bản thân như mua nhà, tích trữ nhu yếu phẩm, đóng bảo hiểm hay nuôi dạy con. Nói cách khác, chúng ta đổi tiền lấy sự chu cấp ổn định. Còn người giàu đổi tiền, để lấy nhiều tiền hơn.

Chính từ hai tư tưởng hoàn toàn khác biệt này mà chúng ta cũng có hai cách phản ứng khác nhau. Với vài trăm triệu USD, bạn đã có thể sở hữu 6 chiếc du thuyền ở khắp nơi trên thế giới - đó là thứ mà phần lớn chúng ta sẽ hằng mơ ước. Nhưng những người giàu không đặt mục tiêu là sở hữu du thuyền. Họ muốn nhiều, nhiều hơn nữa, và đó mới chính là mục đích mà họ muốn. “Trong trường hợp này, sẽ chẳng có con số nào là đủ” - Winters kết luận - “Mọi tỷ phú mà tôi nói chuyện cùng (và tôi biết cũng khá nhiều người như thế), đều hết sức phấn khích khi theo dõi số tài sản họ có tăng lên từng ngày”.

 

Người giàu thèm cái cảm giác có nhiều tiền hơn, chứ chưa chắc đã cần đến chúng

Xoay quanh câu chuyện này, tôi cũng tham khảo thêm ý kiến của một chuyên gia khác - Brooke Harrington, giáo sư của Trường Kinh doanh Copenhagen. Harrington đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều bài viết về thói quen cũng như xu hướng trong tài chính của những người thuộc giới siêu giàu. Khi bàn về hiện tượng này, ông cũng đưa ra những nhận định tương tự: Người giàu không tự vấn bản thân về việc liệu họ có đủ tiền để mua thứ này thứ kia hay không, mà về việc mình có đang có nhiều hơn những người khác hay không.

“Cái ý niệm về sự giàu có” - như Harrington viết trong thư - “Không phải là việc hoàn thành những ước mơ thời thơ ấu. Ta cảm thấy mình giàu có khi bản thân mình có vị trí cao hơn những người trong cùng tầng lớp, cùng nhóm xã hội. Vậy nên câu hỏi đúng cần phải đặt ra không phải là những người giàu có muốn có gì, mà là họ phải sở hữu thứ gì để khẳng định và củng cố cho địa vị của mình”.

 

Áp lực về địa vị càng lớn hơn, một khi ta đã trở nên giàu có

Tiểu thuyết gia Gary Shteyngart cũng có những trải nghiệm riêng về những suy nghĩ của người giàu với tài sản của họ. Nhân vật chính trong cuốn sách mới ra mắt của ông - Lake Success - là một chuyên gia tài chính ở New York. Vậy nên trong quá trình nghiên cứu cho cuốn sách của mình, Shteyngart có nhiều cơ hội để làm thân với những nhân vật nổi bật trên thương trường. Phần lớn trong số họ là chủ tịch của các quỹ đầu tư - những người dị ứng với máy bay thương mại và thuê các giám đốc tài chính để quản lý tài sản gia đình. “Họ đã đạt đến ‘cảnh giới’ có đủ khả năng để làm bất cứ điều gì họ muốn, và khi ấy giá tiền của mọi thứ đã không còn quan trọng. Cho dù là xe hơi cánh bướm hay những công nghệ mới nhất của Tesla, tôi không rõ giá tiền bao nhiêu, nhưng chúng chẳng là gì to tát so với số tài sản hàng trăm triệu USD của họ”.

Trong quãng thời gian tiếp xúc với những người giàu có, Shteyngart nhận ra một điều rằng họ có tính cạnh tranh cực kỳ cao. “Họ dành cả ngày để sát phạt lẫn nhau trên phần mềm Bloomberg Terminals, rồi lại cùng ngồi ăn thua trên chiếu Poker hàng tối”. Tâm lý tranh giành lợi thế phổ biến đến nỗi họ hơn thua nhau ngay từ những khoản tiền từ thiện. Shteyngart cho rằng phía sau tâm lý này là một nhu cầu khát khao được công nhận về năng lực và trí thông minh.

 

Tất cả chúng ta đều muốn được người khác công nhận

Sự thực thì có những nhà đầu tư đã làm nên sự nghiệp nhờ yếu tố may mắn phần nhiều, nên điều đó khiến họ cảm thấy năng lực của mình bị nghi ngờ, dẫu cho khối tài sản khổng lồ kia chính là minh chứng nặng ký nhất cho thành công của họ. Ông cũng từng chứng kiến những thương nhân thành đạt coi tiền bạc như những tấm “thẻ điểm”. Không có giải thưởng, không có chứng nhận, đối với họ, tiền bạc là bảo chứng duy nhất họ có để chứng minh giá trị của bản thân mình.

Quãng thời gian trải nghiệm trong thế giới kim tiền làm Shteyngart phần nào lo ngại. Có những người mà trong mắt cả thế giới là sung sướng - những người có thể mua bất cứ thứ gì mà họ thích, ấy thế mà họ lại chẳng lấy gì làm hài lòng về điều đó. Đúng với kết luận của các nhà khoa học, và như ông bà ta vẫn kháo nhau bấy lâu nay: Tiền chưa chắc đã mua được hạnh phúc. “Cuối cùng thì” - Shteyngart mỉm cười và nói - “Tôi đã rất vui khi cuộc thăm dò của mình cũng đến hồi kết thúc. Nó làm tôi tuyệt vọng quá chừng”.

 

Theo The Atlantic

Vân Anh (biên dịch)

 

Tags: