Nhà sử học người Israel, Yuval Harari, đã có một sự nghiệp thăng tiến mà bất kỳ học giả nào cũng phải ao ước. Ông đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Oxford, chuyên ngành lịch sử quân sự thời trung cổ. Sau đó, ông xuất bản hàng loạt cuốn sách và bài báo về chủ đề này, giành được nhiều giải thưởng quan trọng trong lĩnh vực của mình, một vị trí trong Viện Hàn lâm Khoa học Trẻ Israel, và một chức vụ giáo sư biên chế tại Đại học Hebrew.
Năm 2011, Harari xuất bản tác phẩm đầu tiên về “lịch sử vĩ mô”. Cuốn sách có tên “Sapiens: Lược sử loài người” (mà tôi đã đọc và khuyên bạn nên đọc), mang đến một cái nhìn rộng lớn về lịch sử của loài chúng ta, xoay quanh khả năng độc đáo của con người trong việc tưởng tượng và sáng tạo.
Cuốn sách đã trở thành bestseller tại Israel và nhanh chóng được dịch ra 30 ngôn ngữ khác nhau, trở thành hiện tượng quốc tế. Tại Mỹ, cả Barack Obama và Bill Gates đều công khai khuyến đọc cuốn sách này. Mark Zuckerberg cũng đã chọn nó cho câu lạc bộ sách trực tuyến của mình. Sau đó, Harari đã xuất bản cuốn tiếp theo, “Homo Deus: Lược sử tương lai”, ngay lập tức trở thành bestseller trên tờ New York Times.
Với tầm cỡ những thành tựu này và tuổi đời còn khá trẻ của Harari, bạn có thể cho rằng nhà sử học này hẳn rất bận rộn. Nhưng như ông tiết lộ trong một buổi phỏng vấn trên podcast của Ezra Klein, Harari lại làm việc ít hơn so với những gì bạn tưởng…
Một lịch trình đầy chánh niệm
Trong cuộc phỏng vấn này, Harari tiết lộ rằng ông là một người tập thiền Vipassana nghiêm túc, dành 2 giờ mỗi ngày để thiền, và mỗi năm ông tham gia một kỳ thiền định kéo dài từ 1 đến 2 tháng.
Harari không hề phóng đại về điều này: ông thậm chí không biết rằng Donald Trump đã đắc cử Tổng thống cho đến ngày 20 tháng 1, khi ông trở về từ một kỳ thiền hoàn toàn tách biệt với thế giới, bắt đầu từ đầu tháng 11.
Điều thú vị đối với tôi về câu chuyện này không phải là sức mạnh của thiền định (mặc dù Harari đã chỉ ra trong cuộc phỏng vấn rằng thiền giúp ông nhận diện những vấn đề quan trọng), mà là những gì câu chuyện này nói về thực tế của việc tạo ra những giá trị quý báu.
Trong cuốn sách gần đây “Rest: Why You Get More Done When You Work Less” (tạm dịch: Nghỉ ngơi: Tại sao bạn làm được nhiều hơn khi làm việc ít đi), Alex Soojung-Kim Pang lập luận từ các ví dụ lịch sử và những phát hiện khoa học rằng một “ngày làm việc sáng tạo” kéo dài 4 giờ là tối ưu cho việc sản sinh ra những điều quan trọng mới.
Sau khoảng thời gian đó, phần lớn công việc chỉ là những việc bận rộn không đáng kể.
Nói cách khác, Yuval Harari có thể hy sinh một phần không nhỏ thời gian làm việc của mình mà không làm giảm tác động của ông, bởi những giờ làm việc bị hy sinh không phải là những giờ quý báu dành để nuôi dưỡng ý tưởng lớn tiếp theo của ông.
(Điều quan trọng cần lưu ý là khái niệm này không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực hiếm hoi như sử học học thuật. Trong cuốn “Deep Work”, tôi cũng kể câu chuyện về một công ty phần mềm không gặp phải sự sụt giảm năng suất nào khi họ giảm xuống chỉ làm việc 4 ngày trong tuần cho phần lớn thời gian trong năm: nhân viên đơn giản là cắt bỏ những công việc nông cạn không hiệu quả để bù lại thời gian làm việc ít hơn.)
Tôi không có lời khuyên cụ thể nào để rút ra từ quan sát này, nhưng nó là điều tôi đã gặp nhiều lần trong nghiên cứu và viết lách những năm gần đây, dẫn đến việc tôi tin rằng điều này xứng đáng được nhấn mạnh lại.
Chúng ta hiện nay bận rộn hơn bao giờ hết, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta hiệu quả hơn. Như Yuval Harari đã dạy chúng ta: có một sự khác biệt.
- Theo Cal Newport