Sự trỗi dậy của sách nói
Sự trỗi dậy của sách nói
Sách nói tăng trưởng mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất với doanh thu cao. Trung Quốc cũng có nhiều người sử dụng sách nói.
Sách nói ra đời từ năm 1932 tại Mỹ, dành cho người khiếm thị. Trong nhiều thập niên sau đó, sách nói được xem như bạn của người cao tuổi khi đôi mắt của họ không còn tốt để đọc sách in. Giờ đây, với sự phát triển của công nghệ, Internet, sách nói ngày càng phổ biến và được nhiều người trẻ sử dụng.

Tăng trưởng ngoạn mục

Sách nói đã phát triển trong khoảng ba năm gần đây và trỗi dậy ngoạn mục từ năm 2020. Omdia, công ty nghiên cứu thị trường viễn thông, công nghệ có trụ sở ở Anh, đã đưa ra một bản báo cáo cho thấy doanh thu sách nói toàn cầu đạt 4 tỷ USD năm 2020, ước đạt 4,8 tỷ USD trong năm nay.

Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi có văn hóa đọc phát triển, sách nói đạt tăng trưởng cao.

Tại Mỹ, hơn 71.000 sách nói được xuất bản trong năm 2020, tăng 39% về số đầu sách so với năm 2019. Đây là mức tăng trưởng cao nhất được ghi nhận từ năm 2015.

Theo Hiệp hội các nhà xuất bản sách nói Mỹ (Audio Publishers Association), doanh thu sách nói ở quốc gia này đạt 1,3 tỷ USD năm 2020. Năm nay, sách nói tiếp tục phát triển. Hai tháng đầu năm, doanh thu sách nói tăng 23,7%, đạt 131,6 triệu USD.

Tại Anh, tờ The Guardian bình luận sách nói “tăng trưởng ngoạn mục”. Doanh số sách nói trong năm 2019 đạt 132,3 triệu USD, sáu tháng đầu năm 2020 đạt 76,4 triệu USD.

Tại Nga, theo Sergey Anuryev, Tổng giám đốc LitRes (nhà xuất bản chiếm 70% thị phần sách nói ở Nga), sách nói ở Nga tăng trưởng với tốc độ cao hơn đáng kể so với sách điện tử. Quý I năm nay, doanh thu của sách nói ở Nga đạt khoảng 10 triệu USD. Dự báo đến cuối năm 2021, con số này vượt quá 40 triệu USD.

Sách nói cũng tăng mạnh tại Đức. Theo Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Đức, doanh thu sách nói năm 2020 tăng 24,5% so với 2019, lượng đăng ký cố định của sách điện tử và sách nói tăng 28,4%.

Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng với lượng người dùng sách nói đông đảo. Ximalaya là một trong ba “ông lớn” của thị trường Trung Quốc, có doanh số tăng vọt trong ba năm trở lại đây. Quý I năm nay, Ximalaya thu 176 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020, doanh thu của Ximalaya là 626 triệu USD, tăng 51,3% so với 2019.

Ở thị trường tiếng Tây Ban Nha, sách nói cũng phát triển mạnh. Theo Dosdoce, năm 2018 có 8.000 sách nói. Con số này tăng lên 10.000 năm 2019 và đạt 14.000 năm 2020. Tại Tây Ban Nha, Mỹ và các nước Mỹ Latinh, doanh thu phát hành sách nói tiếng Tây Ban Nha năm 2020 tăng tới 137%.

Dự báo về thị trường sách nói

Dựa trên số liệu, phân tích, các công ty nghiên cứu thị trường chỉ ra bức tranh tươi sáng của tương lai sách nói.

Omdia đã phân tích thị trường sách nói toàn cầu và nghiên cứu chi tiết 20 quốc gia để đưa ra dự báo về tương lai của sách nói. Đơn vị này dự báo đến năm 2026, doanh thu toàn cầu tăng lên 9,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,9%, hơn 337 triệu người dùng sách nói hàng tháng.

Thị trường sách nói hiện nay thường phân chia theo hai kênh phân phối: Tải xuống và đăng ký. Grand View Research, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở ở Mỹ, cho biết trong thị trường sách nói, phân khúc tải xuống chiếm doanh thu cao, khoảng 55% vào năm 2019.

Người nghe thích mua luôn một cuốn sách chất lượng cao, vì vậy, các công ty liên tục giảm giá sách và đưa ra các gói giá đặc biệt để thu hút người dùng.

Tuy vậy, kênh phân phối dựa trên đăng ký sẽ mở rộng với tốc độ tăng là 25,6% từ năm 2020 đến năm 2027. Người tiêu dùng thích mua các gói đăng ký hơn là tải xuống một lần vì chúng cung cấp quyền truy cập vào nhiều loại đầu sách, chi phí ít tốn kém hơn.

Năm 2019, Bắc Mỹ chiếm tỷ trọng doanh thu sách nói lớn nhất, gần 45%. Doanh thu của Mỹ chiếm 40% tổng thị trường vào năm 2019. Đây là quốc gia sớm áp dụng công nghệ, và được dự đoán sẽ giữ vững vị trí số một của mình trong những năm tới.

Châu Á Thái Bình Dương cũng được dự đoán sẽ giữ tỷ trọng doanh thu đáng kể, Trung Quốc, Nhật Bản tăng trưởng mạnh. Các nhà xuất bản toàn cầu đang tập trung vào việc nâng cấp phương tiện âm thanh, thuê nhiều người lồng tiếng cho các bản ghi âm để tạo lợi thế cạnh tranh cho các đối thủ trong khu vực tiếng Trung Quốc.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của sách nói, các “ông lớn” trong làng sách nói phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt khi ngày càng có thêm nhiều người tham gia sân chơi. Tuy vậy, các công ty toàn cầu vẫn có lợi thế trên thị trường khi họ nâng cấp nhiều nội dung trong kho sách của mình.

Trên thị trường hiện nay, một số doanh nghiệp sách nói chủ chốt là Audible (thuộc Amazon), Rbmedia (công ty Mỹ, mua lại nhiều công ty sách nói độc lập khác), Playster, Apple Books, Storytel (công ty Thụy Điển, có trụ sở ở 20 quốc gia)…

Theo Zing News

Tags: