Sự nguy hiểm của việc tự nhận mình là “người lý trí”
Sự nguy hiểm của việc tự nhận mình là “người lý trí”
Hắn là bạn đã từng biết nhiều người tự nhận bản thân là người lý trí. Họ tự hào nghĩ mình là người khách quan, có sao nói vậy; nhưng họ cũng là người khiến bạn không thể chịu đựng nổi và là người không bao giờ chịu tranh luận với người khác bằng thiện chí.
Tư Duy Truy Tìm Sự Thật
(35 lượt)
Hãy tạm gọi đó là Bob. Bob tự hào rằng anh là người lý trí và thường nhanh chóng chỉnh những niềm tin phi lý của người khác. Phương châm của Bob là “Sự thật không quan tâm tới cảm nhận của bạn”, “Tôi thà hỏi những câu hỏi không ai có thể trả lời, còn hơn là có những câu trả lời không ai có thể hỏi”, hoặc “Những gì có thể được khẳng định mà không cần bằng chứng thì cũng có thể bị bác bỏ mà không cần bằng chứng”. Khi tranh luận với người khác, Bob thường bắt đầu bằng “Theo lý mà nói thì...”

Thế nhưng Bob vẫn phạm phải hầu hết những sai lầm của những người “phi lý trí” mà anh xem thường: Bob chỉ chọn những dữ kiện củng cố niềm tin của mình và bỏ qua tất cả những dữ kiện khác. Anh chế nhạo những người bất đồng quan điểm với mình. Anh tập trung vào điểm yếu trong lập luận của họ hơn là những điểm mạnh. Anh không bao giờ thay đổi ý kiến, ít nhất là những ý kiến về điều anh cho là quan trọng. Nhìn chung, Bob không giống một người khách quan, mà anh giống một người đang tự khẳng định mình khách quan, và anh dùng sự tự khẳng định đó như một món vũ khí để chống lại kẻ địch của mình.

Bob là hình mẫu hoàn hảo để bạn thấy rằng ý kiến của bạn sẽ ngày càng thiên lệch nếu bạn tự hào mình là người “lý trí”, “khách quan” hoặc “không thiên vị”.

Có vẻ điều này xảy ra là vì hai nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, việc bạn tự nhìn nhận bản thân là người “khách quan” có tác động như một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Càng nghĩ mình khách quan, bạn càng tin rằng trực giác và ý kiến của mình là đại diện chính xác của thực tế, và vì thế bạn sẽ càng ít nghi ngờ những trực giác và ý kiến đó. Bạn sẽ nghĩ: “Mình là người khách quan nên quan điểm của mình về việc kiểm soát súng chắc chắn đúng còn quan điểm của những người phi lý không đồng tình với mình là sai”, hoặc “Mình không phải là người thiên vị, nên nếu mình thấy ứng viên này tốt hơn thì chắc chắn anh ta tốt hơn”.

Đây là hiện tượng mà các nhà nghiên cứu thường gọi là “chủ nghĩa hiện thực ngây thơ” - một kiểu ảo tưởng mà theo đó, bạn mặc định những gì bạn nhận định về thế giới chính là sự thật khách quan. “Nếu tôi nhận định pizza khóm dở tệ thì nó thật sự dở tệ; tất cả những ai không có nhận định như thế đều sai.”

Việc tự nhận bản thân là người “lý trí” hoặc “khách quan” có thể khiến bạn lún sâu vào chủ nghĩa hiện thực ngây thơ; đó là một mối nguy hại. Nhưng vẫn còn một mối nguy hại khác - đồng thời cũng là nguyên nhân thứ hai - đó là bạn sẽ cảm thấy tôi tệ nếu có dấu hiệu cho thấy bạn không đáp ứng được tiêu chuẩn lý tưởng mà bạn đã gắn với bản sắc của mình. Nếu bạn tự hào rằng mình là người khách quan hoặc là một thành viên của phe lý trí, thì bản sắc cá nhân của bạn sẽ bị đe dọa khi bạn có nhận định sai.

Bài viết trích lược từ cuốn Tư duy truy tìm sự thật của Julia Galef

Tags: