Sự kiện “Một nét văn hoá Hà Nội” tôn vinh sách và văn hoá đọc
Sự kiện “Một nét văn hoá Hà Nội” tôn vinh sách và văn hoá đọc
Từ 16-18/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra sự kiện "Một nét văn hóa Hà Nội" do Công ty Trường Phương và MaiHa Books phối hợp tổ chức.
Sự kiện "Chợ sách" Một nét văn hóa Hà Nội diễn ra từ ngày 16 - 18/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với những câu chuyện lịch sử, nơi hội tự tinh hoa đất học của Đại Việt xưa, Việt Nam nay. Công trình này chính là minh chứng rõ nét cho truyền thống hiếu học từ xa xưa của người Việt.

Với ý tưởng tổ chức một "phiên chợ sách" nhằm tôn vinh sách và văn hoá đọc, Công ty Trường Phương và MaiHa Books phối hợp tổ chức sự kiện "Một nét văn hoá Hà Nội". Bên cạnh sách - "nhân vật chính" của sự kiện - BTC lên ý tưởng xây dựng chuỗi hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả mọi lứa tuổi.

Tại sự kiện đậm sắc văn hóa này sẽ có nhiều hoạt động để kết nối giữa sách với cộng đồng và sẽ được tổ chức trang trọng trong không gian văn hóa thuần Việt, nhất là tạo lại đường nét văn hóa Hà Nội xưa.

Đại diện BTC MaiHa Books cho biết, MaiHa Books mang tới sự kiện 3 dòng sách: Dòng sách học thuật hiện không nhiều đơn vị tiếp cận. Dòng sách thứ hai là dòng sách di sản gắn liền với hoạt động in ấn xuất bản sách đẹp.

Sách của MaiHa Books in trên giấy dó, mang đậm tính truyền thống. Ví dụ như ấn phẩm Kim Vân Kiều in số lượng 100 bản trên giấy dó, có hộp sơn mài. Đó là kết tinh sức sáng tạo của các nghệ nhân sơn mài và những cuốn sách kỳ công in trên giấy dó. Tại sự kiện, du khách sẽ được trải nghiệm một khâu đơn giản của quy trình làm giấy dó để cho thấy sự công phu của việc in ấn theo phương pháp truyền thống này.

 

Bộ "Kim Vân Kiều" được MaiHa Books in giới hạn 100 bản trên giấy dó, hộp sơn mài tinh xảo

Dòng sách thứ ba, để phục vụ những độc giả nhỏ tuổi, MaiHa Books sẽ giới thiệu là dòng sách thiếu nhi. Mở đầu trong đó là bộ truyện tranh thiếu nhi Nga. Trong quá khứ, sách văn học Nga từng gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều người Hà Nội, nay MaiHa Books muốn khơi gợi lại quá khứ này.

Từ đó, tạo dựng sớm cho độc giả nhí về một văn hóa đọc, một tinh thần yêu thương con người, yêu thương động vật. Màu sắc rực rỡ và nét vẽ độc đáo của các họa sĩ Nga cũng sẽ thu hút được nhiều sự chú ý của các bạn nhỏ.

Đây là cơ hội để những bạn đọc đam mê sách được sở hữu những ấn phẩm có một không hai.

Tham gia sự kiện, du khách cũng sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc với những hoạt động trò chơi dân gian, cũng như thưởng thức các màn diễn xướng truyền thống qua các chiếu chèo, chiếu xẩm... Một không gian "hoài cổ" cũng được sắp đặt để nhớ về "thời bao cấp" dành cho du khách tuổi trung niên.

Theo ông Hà Huy Chiến - Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học, cố vấn của chương trình - chia sẻ, "phiên chợ sách" sẽ là một sự kiện thường xuyên nhằm tạo thói quen, thông lệ cho độc giả. Sự kiện quy tụ đông đảo các đơn vị làm sách trên cả nước.

Chia sẻ tại sự kiện ra mắt Một nét văn hóa Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc đã bày tỏ những trăn trở đối với việc phát triển văn hóa đọc hiện nay:

"Nói văn hoá đọc ngày nay, chúng ta có thể đọc sách qua mạng, nhưng điều tôi muốn nói ở đây đó là cách tiếp cận cổ điển truyền thống - sách in. Lĩnh vực này có lúc từng băn khoăn với câu hỏi sách đọc có còn vị trí trong đời sống hay không?", nhà sử học Dương Trung Quốc bộc bạch.

"Thực tế cho thấy đời sống của sách ngày càng phong phú, dù ngôn ngữ phương tiện số ngày càng phát triển mạnh. Sách tích hợp truyền tải giá trị văn hoá nghệ thuật đồng thời thể hiện ngôn ngữ viết, vẽ. Và quan trọng sách đòi hỏi ta phải nâng niu, đòi hỏi đầu tư hơn cho cuốn sách. Xu thế hiện nay là sách ngày càng đẹp, đến với chúng ta thực sự là tác phẩm văn hoá nghệ thuật, tích hợp nhiều ngôn ngữ khác nhau, không chỉ có viết. Đó thực sự là nỗ lực của giới làm sách.

Việc tổ chức hội chợ sách, phiên chợ sách có nhiều hình thức phát triển. Bên cạnh các sự kiện trực truyến tạo ra thị trường mạnh mẽ phù hợp với hoàn cảnh hiện nay thì cách làm truyền thống vẫn cần phát huy. Vấn đề nhà tổ chức phải có nhiều sáng kiến, giải pháp phong phú thu hút nhiều người đến, tất nhiên vẫn phải quan tâm phòng chống dịch bệnh. BTC lựa chọn Hồ Văn - một địa điểm văn hoá – gắn với di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám tôn vinh việc học việc đọc là rất có ý nghĩa...".

"Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giao lưu. Nếu làm tốt thì sẽ tác động vào đời sống, giúp ích cho tri thức của các thế hệ" - nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết thêm - " Tôii mong sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp, phong phú là nơi giao lưu để kích thích những anh chị em làm sách có nhiều sáng kiến hơn nữa, làm cho văn hoá học, tinh thần yêu sách lan toả hơn nữa".

Dự kiến, sau “Một nét văn hóa Hà Nội”, BTC sẽ thực hiện nhiều sự kiện với các chủ đề khác nhau như “Thiếu nhi”, “Thư pháp các vị vua”,...

Trạm Đọc tổng hợp




Tags: