Bạn vẫn thường đọc say mê hàng nghìn trang sách về gương thành công như Bill Gates, Steve Jobs, Elon Musk…Bạn muốn bỏ hết mấy tiết học tầm thường trên giảng đường để nhanh chóng thực hiện ước mơ chinh phục thế giới.
Bài viết này sẽ cho bạn một góc nhìn khác. Rằng đằng sau những câu chuyện lung linh kia là nhiều nhọc nhằn bất trắc chưa nói thành lời.
Hãy đọc để biết rằng trước khi có công ty tỷ $, những thiên tài cũng từng thất bại, và đôi khi điều bạn cần thực sự học là cách họ vấp ngã đã diễn ra thế nào!
Chúng ta thường đặt mục tiêu cho một nghề nghiệp cụ thể vì ấn tượng với thành tích của những người xuất sắc nhất trong ngành nghề đó. Tham vọng của chúng ta có thể hình thành từ sự ngưỡng mộ dành cho người kiến trúc sư đã dựng nên một sân bay mới tuyệt đẹp cho thành phố, hay từ việc theo dõi những cuộc giao dịch liều lĩnh và bạo dạn của một nhà quản lý vốn giàu có nhất Wall Street, từ việc đọc những phân tích của một tiểu thuyết gia văn học nổi tiếng hay thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị tại nhà hàng do một đầu bếp từng đoạt giải mở. Chúng ta thường xây dựng những kế hoạch nghề nghiệp của mình dựa trên sự hoàn hảo.
Chúng ta bị mắc kẹt trong một nghịch lý khó chịu: trong khi những tham vọng của chúng ta được đốt lên bởi sự vĩ đại, ưu tú, thì tất cả những điều chúng ta nhận thức về bản thân lại chỉ ra thể hiện một sự kém cỏi từ bẩm sinh.
Chúng ta đã rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa cầu toàn, là sự khao khát hoàn hảo đến mãnh liệt, mà không có hiểu biết đầy đủ hay chín chắn về những điều kiện cần thiết để đạt được điều đó.
Điều này cơ bản không phải lỗi của chúng ta. Truyền thông không tiết lộ, hay thậm chí là chẳng hề để ý đến, từ đó bỏ qua rất nhiều câu chuyện về những cuộc đời tầm thường không nổi bật, những năm tháng thất bại, bị từ chối và chán nản vốn có thể xảy đến với cả những người đã có thành tích - chỉ để chọn đăng tải những thời điểm đỉnh cao trong nghề nghiệp của họ, từ đó biến những điều mà thực ra là xuất chúng đặc biệt thành thứ chuẩn thông thường, một loại thành tựu mà ai cũng có thể đạt được.
Dần dần, có vẻ như là “ai nấy” cũng đều thành đạt, đơn giản vì tất cả những chuyện chúng ta được nghe kể thật sự là những câu chuyện thành công – và chúng ta đã quên mất không nghĩ tới rất nhiều giọt nước mắt và tuyệt vọng cần có quanh những điều đó.
Quan điểm của chúng ta trở nên bấp bênh vì chúng ta hiểu quá rõ những dằn vặt nội tâm, trong khi vẫn phải nhìn thấy những câu chuyện thành công trông có vẻ là không hề có chút khó khăn đớn đau nào đang nhan nhản xung quanh. Chúng ta không thể tha thứ cho bản thân về những hoảng loạn mà những “bản nháp thất bại” gây ra cho ta – phần nhiều vì chúng ta vẫn chưa nhìn thấy hết những “bản nháp thất bại” của những người chúng ta ngưỡng mộ.
Chúng ta cần có một bức tranh đúng mực hơn về những khó khăn ẩn sau mọi điều chúng ta mong muốn vươn tới. Thí dụ, chúng ta không nên chỉ nhìn vào những tuyệt phẩm nghệ thuật tại bảo tàng mà cần bước vào studio để xem những bản nháp tồi tệ và thê thảm đầu tiên được vẽ trên giấy và đã bị người nghệ sĩ phá nát đi trong buồn bã. Chúng ta nên tập trung tìm hiểu mất bao lâu để một kiến trúc sư nhận được một dự án ra hồn đầu tiên (lúc đó họ đã ngoài 50), đào lại những mẩu chuyện thời đầu của nhà văn giờ đạt giải và nghiên cứu kĩ càng những thất bại mà một nhà kinh doanh phải trải qua trước khi thành công.
Chúng ta cần công nhận vai trò chính đáng và thiết yếu của sự thất bại, và cho phép bản thân làm việc một cách không toàn vẹn trong một thời gian – điều này giống như cái giá phải trả để có một cơ hội làm điều mà một ngày nào đó, trong nhiều thập kỷ nữa, người khác nhìn vào sẽ cho rằng là thành công chớp nhoáng.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo The School of Life