Từng phục vụ trong quân đội Anh và Đức trước khi giải ngũ, vậy nên, hơn ai hết, tác giả hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh, bầu không khí ngập ngụa mùi thuốc súng của chiến trường, tâm tư của một người lính cũng như nỗi thống khổ của những người dân vô tội. Chính vì lý do này, cuốn Stalingrad mà ông đem lại cho chúng ta hôm nay không chỉ khắc họa một cách chi tiết về bản chất trận đánh; mà thông qua một lượng lớn tài liệu mới, đặc biệt là tài liệu từ những kho lưu trữ của Nga, ông còn cho chúng ta thấy sự trải nghiệm của binh lính hai phe một cách trọn vẹn nhất.
Bản chất chiến tranh: Sự ngạo mạn của những con sói hoang tưởng
Một trong những điều khó khăn mà người làm lãnh đạo dễ gặp phải, chính là kiềm chế sự ngạo mạn của mình khi đang trên đỉnh vinh quang. Đáng buồn thay, cả Adolf Hitler và Iosif Vissarionovich Stalin đều không thành công trong việc kìm chế sự ngạo mạn của mình. Hay nói đúng hơn, là cả hai chưa bao giờ kìm chế nó. Và hậu quả của việc này, là trận chiến đi vào lịch sử nhân loại với con số thương vong lên đến hơn hai triệu người.
Adolf Hitler, kẻ đầu sỏ gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai, với đà chiến thắng và đội quân phát xít tưởng như bất bại của mình, đã quyết định tấn công Liên Xô bằng chiến dịch Barbarossa với ý đồ đánh nhanh thắng nhanh. Qua các nguồn tin tình báo, Hitler tin rằng Nga chỉ còn là một “cấu trúc mục ruỗng” đang chực sụp đổ bất cứ lúc nào. Và thói cai trị điên cuồng, tàn bạo của Stalin chính là nguyên nhân sâu xa cho sự mục ruỗng ấy. Một trong những ví dụ kinh khủng nhất, điển hình nhất cho điều này, là việc Stalin thanh trừng lực lượng Hồng Quân Liên Xô.
Hitler đã quá tự tin vào bản thân và đội quân của mình - một đội quân được huấn luyện và đào tạo bằng những mệnh lệnh phi nhân tính và tàn khốc nhất. Đội quân ấy lên đường ra chiến trường, sẵn sàng hi sinh tính mạng vì Tổ Quốc, chỉ bởi một lời nói dối kinh hoàng của Hitler về “cuộc thánh chiến của Châu Âu chống lại chủ nghĩa Bolsevik”. Trong khi thực chất, đó chỉ là tham vọng của chính Hitler.
Thế nhưng, bản thân những người lính cũng nhận ra sự vô nghĩa của cuộc chiến: “...tất cả những chịu đựng này để làm gì. Loài người điên hết rồi hay sao? Thời buổi kinh hoàng này sẽ để lại dấu ấn vĩnh viễn cho nhiều người trong bọn anh.” Một trung úy Đức đã viết cho vợ mình như thế. Có thể nói, yếu tố tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của đội quân phát xít. Bên cạnh đó, chính những chủ quan và trì hoãn đồng thời lại theo đuổi quá nhiều mục tiêu cùng một lúc của Hitler cũng góp phần không nhỏ tạo nên thất bại ê chề dù có hẳn sự trợ giúp của tám nước đồng minh. Thiếu đánh giá khách quan về thời tiết, địa hình, sức chịu đựng của binh lính đồng thời tiềm lực của Hồng Quân Liên Xô; Hitler đã tỏ ra mình là một chỉ huy nghiệp dư hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, Stalin cũng tỏ ra ngây thơ chẳng kém khi đã nhất quyết không tin quân Đức phá bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau Liên Xô - Đức, nhất quyết đợi tin báo từ chiến trường rồi mới miễn cưỡng hạ lệnh bắn trả trong khi vẫn giữ tia hi vọng dàn hòa mong manh. Và khi tin tức từ chiến trường truyền đến thê thảm đến nỗi “Stalin, người mà bản chất hung tàn còn hàm chứa cả sự nhút nhát, bèn gọi Beria và Molotov đến họp kín” để bàn về việc dàn hòa với Hitler bất chấp nhục nhã. Chính sự chậm trễ này đã cho quân Đức một lợi thế đáng kể, và gây ra thiệt hại nặng nề về người và của cho phía Nga ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Bất lợi tiếp theo phải kể đến, chính là dư âm của cuộc thanh trừng Hồng Quân Liên Xô mà Stalin đã tiến hành từ mùa thu 1936 cho tới cuối năm 1938 với 36 671 sĩ quan bị hành quyết, giam cầm, hoặc thải hồi. Khi quá trình này được thực hiện, Stalin đã củng cố quyền lực của mình ở mức gần như tuyệt đối. Thế nhưng, nó đã để lại những ngờ vực và e ngại trong bộ máy chính trị cũng như trong Hồng Quân Liên Xô. Thời kỳ từ 1936 đến 1937 thường được gọi là "Nỗi khiếp sợ vĩ đại", với hàng trăm nghìn người (thậm chí chỉ đơn giản bị nghi ngờ chống đối chế độ Stalin) bị xử bắn hoặc bị bỏ tù.
Điều này khiến các chỉ huy Hồng Quân luôn sẵn sàng thí quân không do dự. Họ còn bị bó buộc ghê gớm bởi những “đòi hỏi chính trị của lãnh đạo nhà nước” và “nỗi sợ trách nhiệm sâu sắc”; dẫn đến “các mệnh lệnh để đưa ra các giải pháp cần thiết, nhất là các biện pháp phản công, đều được ban bố quá muộn”. Trong chiến tranh, điều này đồng nghĩa với tự diệt, gia tăng con số thương vong và tổn thất trong chính đội quân của mình.
Hoang tàn và cái chết
Trong tổng số người chết ước tính khoảng 70 triệu của Chiến tranh thế giới thứ hai thì trên 30 triệu người đã chết tại mặt trận này, tại mặt trận Nga - Đức và tại chính Stalingrad.
Lý do Hilter cố sức chiếm Stalingrad được cho là vì hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, đây là một thành phố công nghiệp lớn nằm trên sông Volga - con đường giao thông vận tải mang tầm quan trọng chiến lược nối liền Biển Caspi và miền Bắc nước Nga. Vì vậy việc để mất Stalingrad vào tay phát xít Đức sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận chuyển hàng hóa đến phía Bắc của đất nước. Thứ hai, việc đánh chiếm Stalingrad sẽ củng cố sườn phía Đông của quân Đức vốn đang tiến nhanh về vựa dầu tại vùng Kavkaz với mục tiêu cắt đứt nguồn cung ứng dầu hỏa cho Hồng quân Xô Viết.
Để thực hiện âm mưu này, phát xít Đức khi đó đã huy động lực lượng cực kỳ đông đảo lên tới 1,6 triệu người, 3000 xe tăng và hơn 2000 máy bay các loại. Tổng binh lực Liên Xô huy động cho chiến dịch phòng thủ Stalingrad lên tới 1,7 triệu người, 4431 xe tăng và 2769 máy bay các loại. Với hỏa lực như vậy, thì không có gì khó hiểu nếu Stalingrad trở thành bình địa.
Sự tàn bạo và khát máu của binh lính Đức đã bộc lộ còn trước cả khi tiến vào Stalingrad. Quân Đức đã bắn chết 90 trẻ em Do Thái mồ côi trong thị trấn Belaya Tserkov. Vụ thảm sát những đứa trẻ vô tội đó chẳng mấy chốc bị một tội ác lớn hơn nhiều che lấp: 33 771 người Do Thái đã bị tàn sát trong hẻm núi Babi Yar ở ngoại vi thành phố Kiev. Việc cướp phá, đốt làng, đốt nhà, tấn công thường dân hay thử súng trên tù binh dọc đường hành quân là không thể đếm xuể.
Khi Đức bắt đầu không kích Stalingrad, chỉ trong tuần đầu đánh bom, 40 000 người trên gần 60 000 người sinh sống tại thành phố này đã thiệt mạng. Cảnh tượng con chôn cha, vợ chôn chồng đã không còn lạ lẫm gì ở đây.
Thế nhưng, không chỉ có mình phát xít Đức mới tàn bạo. Có một sự thực, là Hồng Quân Liên Xô, dưới sự chỉ đạo của Stalin, cũng không hề kém cạnh. Quân Đức không khỏi ngạc nhiên trước sự lãng phí sinh mạng binh sĩ của các chỉ huy Nga khi mà ba tiểu đoàn học viên sĩ quan, không vũ khí, không lương thực, đã bị đẩy ra chống chọi với Sư đoàn tăng số 16 của Đức.
Hồng Quân thậm chí còn chẳng thương xót gì dân mình. Trong trận đánh vào khu công nhân Barrikady, “những phụ nữ Nga tay xách nách mang từ trong các nhà chạy ra tìm chỗ tránh đạn từ phía Đức thì bị súng máy Nga từ phía sau bắn ngã”.
Khi lính Đức lợi dụng trẻ mồ côi ở Stalingrad đi lấy nước bằng cách hứa cho chúng một mẩu bánh mỳ, Hồng Quân lập tức bắn chết những đứa trẻ đó. Trong giai đoạn đầu trận vây hãm Leningrad, khi lính Đức lấy dân thường làm lá chắn, Stalin đã hạ lệnh hạ sát bất kỳ thường dân nào tuân theo lệnh quân Đức, dù cho có bị bắt ép; và chỉ thị này cũng được áp dụng tại Stalingrad.
Trong số hàng ngàn thường dân tránh được vây ráp trong thành phố, thì hầu như tất cả đều bị ngộ độc thức ăn hay nước bẩn, trẻ con sống như những con thú hoang, ăn rễ củ và quả dại còn phụ nữ thì thường phải đánh đổi thân thể tàn tạ của mình để sống qua ngày hoặc nuôi con.
Stalingrad lúc bấy giờ, chỉ toàn đau thương và chết chóc.
Phía sau bộ áo lính
Chỉ có lính mới hiểu đời lính, đó cũng là lý do vì sao Anthony Beever lại có thể khắc họa hình ảnh cuộc sống của binh lính hai phe chân thực đến thế. Cuộc chiến này không phải do những người lính khơi mào, nhưng lại được được trả giá bằng sinh mệnh của họ. Với những người lính Nga, đây là cuộc chiến tranh Vệ quốc đầy vinh quang, và hi sinh gian khổ. Nhưng với những người lính Đức, cuộc chiến này không đem lại cho họ thứ gì, mà chỉ lấy đi những điều quý giá không thể bù đắp nổi.
Trong đội quân mang danh phát xít ấy, cũng có những con người luôn đấu tranh cho các giá trị đúng đắn. Khi buông súng, họ sẽ là những người con, những người chồng, người cha. Họ cũng mang nặng nỗi nhớ nhung cùng lưu luyến gia đình, quê hương. Họ có những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình. Và, họ không phải là những cỗ máy giết chóc.
Một thượng sĩ của Sư đoàn bộ binh cơ giới số 60 viết: “Ở đây người ta phải là con người khác hẳn, mà điều đó không hề dễ. Cứ như ta sống trong một thế giới khác.”
Khoác lên áo lính là khoác lên cả một trách nhiệm năng nề với quốc gia. Chính vì lẽ đó mà những người Đức này chịu đựng mọi thứ, từ căng thẳng kéo dài, hao hụt khẩu phần, thời tiết khắc nghiệt, rồi bệnh tật, rồi cả những chỉ thị tàn sát vô nhân tính từ cấp trên. Lúc này họ nào phải con người bình thường, họ đại diện cho Tổ Quốc, và sống vì lý tưởng của Tổ Quốc mình.
Người Nga cũng vậy. Họ đã nói họ không chiến đấu vì Stalin, mà chiến đấu vì Tổ Quốc. Cách cai trị của Stalin vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi, nhưng khi Stalin kêu gọi kháng chiến, người dân Nga vẫn sẵn sàng ghi danh. Từ phụ nữ, trẻ em, học sinh, thậm chí đến cả những người cao tuổi đều sôi sục quyết tâm chiến đấu. Họ đánh đến hơi thở cuối cùng, kiên quyết bám trụ trên mặt trận khiến người Đức vừa ngao ngán vừa thán phục.
Chiến thắng của Nga tại Stalingrad không chỉ đơn thuần là chiến thắng của cuộc chiến tranh Vệ quốc, mà đó còn là bước ngoặt quyết định về chính trị, quân sự và tâm lý của Chiến tranh thế giới thứ hai; đồng thời củng cố niềm tin thắng lợi cho Khối Đồng Minh, bắt đầu cho giai đoạn Hồng Quân Liên Xô chủ động tổ chức phản công trên toàn mặt trận và đóng góp một phần đáng kể vào sự đầu hàng của phát xít Đức hai năm rưỡi sau đó.