Mục tiêu của “Sống trăm năm và tôi nhận thấy…” là giúp những người trong độ tuổi trung niên và lão niên quan tâm tới các vấn đề nhân sinh và xã hội có thể tự xây dựng nhân sinh quan, giá trị quan cho mình trước khi quá muộn. Thay vì đưa ra các vấn đề, sau đó giải thích mang tính lý luận, Giáo sư Kim muốn tìm kiếm trí tuệ trong cuộc sống, giúp mọi người có thể đánh giá và xử lý một cách khôn ngoan những vấn đề mà họ gặp phải trong đời sống.
Đó là những vấn đề thực tế mà ai cũng phải nghĩ tới ít nhất một lần trong đời. Từ những chuyện nảy sinh trong gia đình cho tới những thử thách ngoài xã hội, những vấn đề mà chúng ta không thể làm ngơ như các mối bận tâm về ý nghĩa cuộc đời và cuối cùng là cái chết. Ông sẽ đặt ra câu hỏi về việc chúng ta phải sống như thế nào trong hơn nửa hành trình cuộc đời và tìm kiếm lời giải đáp cho từng câu hỏi ấy.
Ông tin rằng cho dù già đi nhưng chúng ta vẫn có quyền được hạnh phúc, song song với đó, chúng ta cũng có nghĩa vụ sống một cách ý nghĩa để được hậu bối và con cháu kính trọng. Dù sống tới trăm tuổi, vẫn mong muốn độc giả có thể tận hưởng hạnh phúc tự thân, được mọi người xung quanh cảm kích và kính trọng.
"Mỗi độ năm mới chúng ta lại chúc phúc cho nhau. "Phúc" trong câu này mang ý nghĩa may mắn. Đó là phúc vận tự tìm đến, chứ không phải là phúc có được từ lựa chọn và nỗ lực của mỗi người. Điều này cũng giống như mong ước trúng số độc đắc. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trúng số sẽ khiến người ta hạnh phúc. "Phúc" tìm đến một cách miễn phí thường sẽ lấy đi nhiều hơn những gì ta nhận được.
Bởi vậy khi nói đến hạnh phúc là ta đang nhắc tới hạnh phúc được kết nối với những điều giản dị trong cuộc đời. Việc con người mưu cầu hạnh phúc cũng tựa như việc chúng ta muốn góp nhặt vào chiếc bát thời gian dành cho mình những điều ấy. Trong chiếc bát ấy của mỗi người, dù không giống nhau hoàn toàn nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng."
Trạm đọc