Ngày 4/10, Nhà xuất bản Trẻ công bố phát hành ấn bản đặc biệt Tôi là Bêtô (tác giả Nguyễn Nhật Ánh). Trước đó, dịp kỷ niệm 40 năm thành lập nhà xuất bản hồi tháng tư, đơn vị này cũng cho ra mắt nhiều ấn phẩm đặc biệt như: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Cánh đồng bất tận, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ…
Cuối năm 2019, Công ty Đông A ra mắt dòng sách đặc biệt S100 (chỉ làm 100 bản) với quy cách riêng. Sách đặc biệt Đông A thường có bìa da thật, da nhân tạo hoặc vải buckram; ruột sách được in trên giấy chất lượng cao.
Sách đặc biệt Đông A được làm theo lối châu Âu cổ điển với nhiều công đoạn thủ công: Khâu sách từng tép, tạo gân trên gáy bằng tay và để nguyên 24 giờ định hình, mạ nhũ vàng trên da, tờ gác thủy ấn... Nội dung sách đặc biệt của đơn vị này thường có thêm tranh minh họa, đôi khi công ty đặt hàng các họa sĩ vẽ minh họa riêng cho ấn phẩm.
Với sự đầu tư đó, sách đặc biệt của Đông A nhanh chóng được ưa chuộng. Dòng sách này thường dành cho người sưu tầm sách.
Nhã Nam là một trong những đơn vị sớm làm bản đặc biệt trên thị trường. 15 năm trước, bên cạnh các bản phổ thông, đơn vị này đã bắt đầu thực hiện những phiên bản bìa cứng, in trên giấy cao cấp, đánh số với các cuốn như Cư trú của Trần Trung Chính, Đường du mục của Didier Daeninckx...
Từ đó đến nay, Nhã Nam đã làm khá nhiều sách đặc biệt. Trong khoảng hai năm trở lại đây, đơn vị này làm bìa da PU, da thật như một sự nâng cấp so với bản đặc biệt trước đây.
Sách đặc biệt của Nhã Nam hướng tới những người yêu sách đẹp, muốn sở hữu một phiên bản sang trọng làm kỷ niệm. Bởi vậy, nhiều cuốn sách đặc biệt của Nhã Nam được thực hiện với số lượng khá lớn. Ví dụ sách Khuyến học có hơn 700 bản bìa da PU; Việt Nam sử lược có hơn 700 bản bìa da PU, 111 bìa da thật; Cây cam ngọt của tôi có 550 bản đặc biệt…
Hướng tới người yêu thích sách đẹp, muốn có ấn bản kỷ niệm nên sách đặc biệt của Nhã Nam có giá “mềm”. Ví dụ cuốn Khuyến học bìa da PU có giá 257.000 đồng. Theo đại diện Nhã Nam, nguyên liệu làm bản đặc biệt đã chiếm đến một nửa giá bìa sách.
Công ty Tao Đàn, ngay sau khi mới thành lập, cũng thường làm sách bìa cứng bên cạnh bìa mềm phổ thông. Tao Đàn không gọi đó là “bản đặc biệt”, nhưng những ấn phẩm này cũng hướng tới các nhà sưu tầm, người yêu sách đẹp. Cách phát hành của Tao Đàn độc đáo, thường in 200 bản bìa cứng, hoặc in đúng lượng sách mà bạn đọc đặt trước, giá bán sách bìa cứng bằng giá sách bìa mềm.
Nhà xuất bản Trẻ làm bản đặc biệt trong một số dịp kỷ niệm. Dịp 40 năm thành lập, đơn vị này cho ra mắt loạt sách đặc biệt với bìa cứng, ruột sách in trên giấy chất lượng cao, có minh họa riêng…
Mới đây, đơn vị này công bố làm sách đặc biệt Tôi là Bêtô nhằm “góp thêm một tựa sách giá trị vào dòng sách đẹp của ngành xuất bản Việt Nam, giúp đông đảo người chơi sách, sưu tầm sách có thêm một bản hay đẹp trong tủ sách gia đình; giúp bạn yêu sách có thêm một món quà trang nhã, giá trị để gửi tặng cho nhau”.
Tham gia sân chơi này, Thái Hà Books gây ấn tượng bởi những bản sách siêu đặc biệt. Đó là sách độc bản, với giấy dó, hộp sơn mài, sách bìa thêu tay, thường phát hành trong cuộc đấu giá nhằm góp quỹ văn hóa.
Theo ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc bản quyền Nhã Nam - dòng sách đặc biệt đã có ngay khi hình thành xuất bản ở nước ta. Từ những năm 1930, chúng ta đã có những cuốn sách in trên giấy dó, giấy lụa ngà kèm tranh minh họa của họa sĩ nổi tiếng…
“Do nhiều yếu tố xã hội, trải qua thời gian, có những lúc thị trường và thú chơi sách đặc biệt chìm xuống. Giờ đây, xã hội phát triển, văn hóa đọc phát triển, trào lưu sách đặc biệt trở lại mạnh mẽ. Kể cả sau này, thị trường có chìm xuống vì lẽ nào đó, những phiên bản đặc biệt vẫn tồn tại, như thú chơi sách cổ, sách hiếm vẫn luôn hiện hữu vậy”, ông Nguyễn Xuân Minh nói.
Đồng quan điểm với đại diện Nhã Nam, ông Trần Đại Thắng - Giám đốc công ty Đông A - cho rằng sách đặc biệt là một dòng chảy gắn liền lịch sử của sách, có lúc mạnh mẽ, có khi âm thầm, nhưng thời nào cũng có. Chính vì thế, việc chơi sách đặc biệt hiện nay không phải là trào lưu nhất thời, mà là một tất yếu khi xã hội cũng như ngành xuất bản phát triển.
Việc chơi sách đặc biệt hiện nay không phải trào lưu nhất thời, mà là một tất yếu khi xã hội cũng như ngành xuất bản phát triển.
Ông Trần Đại Thắng
Ông Trần Đại Thắng cho rằng: “Thị trường sách đặc biệt ở Việt Nam còn non trẻ nên cần được nuôi dưỡng, chăm chút. Các đơn vị làm sách đặc biệt ở Việt Nam còn ít, lại mới vào nghề nên phải học hỏi tỉ mỉ và rút dần kinh nghiệm”.
Theo đại diện Đông A, đây chưa phải là lúc đặt nặng mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận để ra sách ồ ạt hay chỉ gán mác “giới hạn”, “đặc biệt” vào cho có, như vậy sẽ làm hỏng thị trường và bị độc giả, các nhà sưu tập quay lưng.
Đơn vị này khẳng định sẽ tập trung việc làm tốt nhất các sản phẩm của mình với phương châm “Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua”.
Nhã Nam tiếp tục làm sách đặc biệt dành cho người yêu thích sách đẹp, nhà sưu tầm, người muốn có ấn bản kỷ niệm. Với Nhã Nam, đây là thị trường ngách, phục vụ nhóm nhỏ bạn đọc sưu tầm, sẵn sàng trả số tiền cao để sở hữu. Sách đặc biệt không hướng tới độc giả đại chúng.
“Chúng tôi vẫn làm bản đặc biệt nhưng làm quyển nào còn tùy vào nội dung sách và độ quan tâm của độc giả, xem cuốn sách ấy có cần thiết làm đặc biệt hay không. Backlist của Nhã Nam vẫn còn nhiều sách giá trị chưa thực hiện được bản đặc biệt”, ông Nguyễn Xuân Minh nói.
Theo Zing News