Cho đến nay, hầu hết sách pop-up xuất bản tại Việt Nam hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi, trong khi trên thế giới sách dựng hình được độc giả nhiều độ tuổi quan tâm. Lịch sử sách dựng hình khá lâu đời, từ thế kỷ XIII với mục đích dùng để tính toán ngày của thánh. Dần dần các cuốn sách dựng hình được dùng để minh họa các bài học về giải phẫu, kết cấu... Cho đến cuối thế kỷ XVIII, những cuốn sách dựng hình được thiết kế dành cho trẻ em mới bắt đầu xuất hiện. Tác giả minh họa người Đức Lothar Meggendorfer là người đầu tiên làm sách dựng hình dành cho trẻ em. Ngày nay, tên của ông được đặt cho giải thưởng sách pop-up do Movable Book Society tổ chức hằng năm.
Mặc dù sách pop-up đẹp, hấp dẫn song hạn chế của dòng sách này là giá thành cao, do việc sản xuất sách phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác dẫn đến chi phí cao. Mong muốn mang đến cho độc giả Việt những cuốn sách pop-up đầu tiên của tác giả Việt với nội dung về Việt Nam và giá thành hợp lý, năm 2016, dự án sách pop-up “Sài Gòn phố” đã được thực hiện thành công. Chỉ trong vòng một tháng gây quỹ cộng đồng cho “Sài Gòn phố”, dự án đã nhận được sự tham gia của gần 400 người với mức ủng hộ vượt 161% chỉ tiêu đặt ra.
Lựa chọn những công trình kiến trúc tiêu biểu như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành hay những cây cầu mang giá trị lịch sử đặc biệt như cầu Mống, cầu Bình Lợi..., cuốn sách pop-up “Sài Gòn phố” như một cuốn bản đồ du lịch độc đáo, hấp dẫn mang ý nghĩa lưu niệm cho du khách. Hình ảnh về mỗi công trình đều có hộp thông tin về lịch sử, kiến trúc... bằng song ngữ Việt - Anh.
Thực tế, hành trình đưa cuốn sách pop-up “Sài Gòn phố” đến tay độc giả khá khó khăn. Nhiều nhà in từ chối thực hiện vì không biết cách gia công; những nơi nhận lại đòi hỏi mức phí quá cao... Đây cũng là điều mà nhóm tác giả của cuốn sách pop-up “Hà Nội ngàn năm ký ức” (Lê Chi biên soạn, nhóm Cloud Pillow minh họa và nhà văn Nguyễn Việt Hà hiệu đính) chia sẻ.
Theo biên tập viên Lê Chi, để thực hiện cuốn sách pop-up đầu tiên về Hà Nội, họ phải trải qua nhiều công đoạn, từ lên ý tưởng, vẽ phác thảo, làm đầy từng chi tiết, đo đạc chính xác để tách lớp, lên màu, in thử, chỉnh sửa... Sau đó, mỗi cuốn sách đều phải được làm thủ công ở các khâu gấp, dán... nên nhà in chỉ có thể hoàn thiện được khoảng 20 - 30 cuốn sách/ngày. Ngày nào nhóm tác giả cũng phải thay phiên nhau trực nhà in để kiểm tra từng cuốn sách hoàn thiện... Nhưng, dù mệt mỏi như thế, nhóm vẫn nhen nhóm các dự án sách pop-up “made in Việt Nam” tiếp theo.
Mức giá 285.000 đồng/cuốn sách pop-up “Hà Nội ngàn năm ký ức” có thể là cao so với những sách in thông thường, nhưng lại là phù hợp so với các “kênh” giải trí khác như xem phim, đi nghe nhạc... và đặc biệt là so với chính giá trị mà cuốn sách đem lại. Phần hình ảnh nổi in màu, các hộp thông tin ngắn gọn và từng chi tiết “rất Hà Nội” đã đem lại sự thành công cho cuốn sách.
“Hà Nội ngàn năm ký ức” không chỉ đẹp ở 11 địa điểm được quảng bá qua từng trang sách, mà còn ở mỗi chi tiết nho nhỏ, thú vị như hình ảnh quán phở bò gia truyền, tiệm tạp hóa hay hàng ốc luộc... cùng với bác xích lô chở khách, người thợ vẽ chân dung bên hồ, học sinh tham quan Hoàng thành Thăng Long... Tất cả tạo nên một Hà Nội sống động và chân thực. “Hà Nội ngàn năm ký ức”, bởi thế, không chỉ dành cho độc giả trẻ em, mà còn cho tất cả những ai yêu Hà Nội, muốn tìm hiểu về Hà Nội hay lưu giữ một chút kỷ niệm về mảnh đất này.
Công nghệ phát triển, khi xu hướng "xem nhiều hơn đọc" hình thành thì những cuốn sách pop-up càng có cơ hội được ưa chuộng. Tin rằng, sau “Sài Gòn phố” và “Hà Nội ngàn năm ký ức”, ngày càng có nhiều cuốn sách pop-up “made in Việt Nam” chào đời.