Nếu bạn từng là big fan của “Ba chàng ngốc”, thì tác giả Chetan Bhagat sẽ làm sự hâm mộ thêm cuồng nhiệt với tiểu thuyết “Ngày đẹp hơn sẽ tới”.
Tiếp tục với lối viết hài hước về sự trưởng thành của tuổi trẻ, Bhagat gửi đến những ngụ ngôn sâu xa về tinh thần trách nhiệm và ý thức nhân văn trong mỗi công dân tương lai. Lấy bối cảnh thành phố cổ xưa Varanasi, nơi có hai chàng trai đại diện cho hai cách sống trái ngược nhau, một chàng dùng sự thông minh để kiếm tiền, và một chàng dùng nó để cải cách đất nước, và trớ trêu thay cả hai đều yêu một cô gái. Tài năng, tình yêu, lý tưởng sống, khát vọng khẳng định mình,… điều gì chờ cả ba trong một xã hội Ấn đầy biến động, và họ sẽ đi qua tuổi trẻ ra sao.
Hãy mở mỗi trang sách và tìm thấy tuổi trẻ của chính mình trong đó.
Natsume Soseki (1867-1916), cùng với Mori Ogai và Akutawaga, được coi là một trong ba trụ cột của văn học Nhật thế kỉ XX. “Ngày 210” chỉ là một tác phẩm ngắn của ông nhưng nó dồn nén những xung đột tư tưởng quan trọng nhất về Nhật Bản. “Ngày 210” mô tả về 2 chàng trai leo núi và cuộc đối thoại của họ giữa thiên nhiên khắc nghiệt và hùng vĩ. “Ngày 210” là cuốn tiểu thuyết của xung đột, giữa thiên nhiên gầm gào tức giận và con người nhỏ bé yếu ớt; giữa xã hội âm u tuyệt vọng và cá nhân kiệt quệ khốn cùng.
Đằng sau hành trình chinh phục gian nan ấy là nỗi âm u hoang mang trong lòng mỗi người khi văn hóa Nhật đang suy vi khi đối đầu với mưa Âu gió Mỹ. Trước bão tố của thiên nhiên và thời đại, trước những giằng xé của nội tâm, hai chàng trai, giống như Soseki, chỉ tự nhủ “Dù thế nào cũng phải leo lên núi Aso”. Và những bước chân khát khao ấy sẽ đi về đâu.
Nếu bạn băn khoăn “cha đẻ” của mô típ “mất trí nhớ” rồi yêu đương lãng mạn trong phim Hàn Quốc là ai thì “Thầy Lang” là một ứng cử viên sáng giá. Cuốn sách này từng làm mưa làm gió trên thị trường “ngôn tình” Việt Nam những năm 1980 (hãy thử hỏi bố mẹ bạn về cuốn tiểu thuyết này). “Thầy lang” nói về bác sĩ Wilczur, một bậc thầy về phẫu thuật. Bỗng một ngày vợ ông bỏ đi cùng con gái, người ông yêu thương nhất. Quá đau đớn, ông bị mất trí nhớ, trở nên vô gia cư và phiêu bạt khắp những vùng quê Ba Lan. Rồi một ngày tình yêu con người và cuộc sống gọi ông trở về.
“Không phải bánh mì, không phải bản thân cuộc sống, không phải lòng tốt và sự chân thành của người khác, thậm chí cũng không phải lòng tin rằng ta mang lại lợi ích cho ai, mà chỉ có tình cảm. Và chỉ cần ta yêu ai đó bằng tất cả tấm lòng, thì số phận đã lại cướp đi, đã lại tước mất, đã lại lấy đi mất…” Đừng bỏ qua cuốn tiểu thuyết kinh điển về chủ nghĩa duy cảm này.
Tiểu thuyết này đem đến một trải nghiệm khác thường về một cô gái người Việt ở Congo, nơi cô làm tình nguyện cho một tổ chức quốc tế. Giữa không gian bao la và hùng vĩ của châu Phi, mối tình của Pha Lê (nữ chính) với Phan vừa lãng mạn vừa trắc trở như chính xã hội Congo đầy đói nghèo và bất công.
Xen giữa những trường đoạn về sự đa văn hóa của tổ chức quốc tế, những cuộc đụng độ “chết người” ở châu Phi, là những khắc khoải nhớ mong về quê hương, những suy nghiệm hoàn toàn mới văn hóa Việt Nam từ một góc nhìn vừa thân quen vừa xa xôi. Khác biệt về văn hóa, nhọc nhằn để thích nghi hóa ra lại điều kéo ta về với quê hương, về với chính mình, về với những góc kỉ niệm xa xôi nhất.
Tình yêu, kí ức, xung đột xã hội, bất công toàn cầu, sự cô đơn,… tất cả hòa quyện khéo léo và tinh tế trong một cuốn tiểu thuyết 200 trang đầy nắng và không hân hoan.
Trạm đọc (Read Station)