Một thành phố lập dị với bầu không khí sống-và-cùng-sống, London là nơi mọi người có thể tự do là chính mình, tìm thấy cộng đồng mà họ thuộc về và viết bất cứ thứ gì họ muốn. Theo một nghĩa nào đó, có rất nhiều London để các nhà văn khám phá. Đó là thành phố mà người giàu và người nghèo thường sống cạnh nhau: Ngay cả những quận đắt đỏ nhất như Mayfair và Westminster cũng sẽ có những dự án nhà giá rẻ. Cũng có những thị trấn từng là làng mạc, mỗi làng có bản sắc riêng biệt và nhân khẩu học ngày càng linh hoạt.
Không một nhà văn đơn lẻ nào có thể định nghĩa London bởi vì nó không bao giờ có thể được bản chất hóa. Đó là một thành phố rộng lớn, phức tạp, có bề dày lịch sử và không đồng nhất, mà các nhà văn qua các thời đại đã đưa ra các phiên bản của riêng họ. Dưới đây là một số lựa chọn cá nhân của tôi.
Trước khi đến London, bạn nên đọc gì?
“London: The Biography” của Peter Ackroyd, nghe có vẻ là một cuốn sách hàn lâm, khô khan nhưng không phải vậy. Lịch sử thành phố từ thời tiền sử được kể thông qua các tiêu đề của các phần như “Tội ác và Trừng phạt” và “Những người có tầm nhìn xa trông rộng ở Cockney” chứ không phải theo trình tự thời gian đơn thuần.
Ignatius Sancho, tác giả của “Letters of the Late Ignatius Sancho” được cho là sinh ra trên một con tàu chở nô lệ trên đường đến Tây Ấn vào năm 1729. Ông được đưa đến London khi còn nhỏ và ở lại cho đến khi qua đời vào năm 1780. Khi trưởng thành, ông điều hành một cửa hàng tạp hóa ở Westminster. Sancho là người theo chủ nghĩa bãi nô và là nhà soạn nhạc, đồng thời chuyển sang hoạt động trong giới văn học, chính trị và nghệ thuật hàng đầu. Điều này hết sức hiếm thấy đối với một người da đen vào thời điểm đó. Những bức thư của ông đã được xuất bản sau khi di cảo.
Cuốn sách của Virginia Woolf mà tôi thích nhất đó là “Mrs. Dalloway” - cuốn tiểu thuyết ngắn theo chủ nghĩa hiện đại, sâu sắc về mặt tâm lý, lấy bối cảnh một ngày duy nhất ở trung tâm London, năm 1923. Qua hai nhân vật chính thuộc giai tầng khác nhau, thành phố hiện lên thật sống động.
Bộ truyện tranh “The Diary of a Nobody” xuất bản năm 1892 bởi George và Weedon Grossmith sẽ cho bạn hiểu về giai cấp và thói hợm hĩnh của người Anh. Để làm cho các nhân vật hư cấu nhàm chán trở nên thú vị thì cần rất nhiều kỹ năng và anh em nhà Grossmith đã làm tốt điều này khi tạo ra anh chàng Charles Pooter cùng gia đình sống ở phía bắc London.
Cuối cùng, để có cái nhìn sâu sắc về thanh thiếu niên ở London, hãy đọc tập thơ “The Kids” của Hannah Lowe, lấy cảm hứng từ những đứa trẻ mà cô đã dạy ở một trường nội thành London trong 10 năm.
Cuốn sách sẽ cho bạn thấy các khía cạnh khác nhau của London
“The Five: The Untold Lives of the Women Killed by Jack the Ripper” của Hallie Rubenhold, có nội dung chính xác như những gì tiêu đề đã nói. Bạn sẽ thấy khá sốc khi đọc về những người phụ nữ này đã bị xuyên tạc một cách nghiêm trọng như thế nào kể từ khi họ bị giết vào thế kỷ 19. Với sự đồng cảm sâu sắc về khó khăn mà những người phụ nữ phải chịu đựng khi còn sống và sự kỳ thị mà họ phải đối mặt khi chết, Rubenhold đã làm sáng tỏ những giai thoại về họ.
Bạn cũng nên đọc tập thơ “A Portable Paradise” của Roger Robinson, người gốc Trinidad vì sự chân thực và dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc của nó. Tập thơ nói về vụ cháy tháp Grenfell phía Tây London năm 2017, khiến 72 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Đó là một thảm kịch có thể tránh được: Ngọn lửa lan rộng do tấm ốp được sử dụng bất chấp các quy định về xây dựng, do sự lơ là của chính phủ. Tòa nhà này vẫn sừng sững ở đó, được bao bọc trong giàn giáo với những trái tim màu xanh lá cây và dòng chữ “Forever in Our Hearts” ở trên cùng.
Lấy bối cảnh ở phía nam London, “Ordinary People” - một cuốn tiểu thuyết đầy cảm xúc của Diana Evans, khám phá một cách tinh tế mạng lưới những ham muốn và thất vọng xung quanh các mối quan hệ, gia đình, công việc và cách nuôi dạy con cái của người Anh da đen. Bạn cũng có thể tìm đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay của Evans tên là “26a”, với nhân vật chính là cặp song sinh từ một gia đình người Anh gốc Nigeria sống ở tây bắc London.
“Queer City: Gay London from the Romans to the Present Day” của Peter Ackroyd là ghi chép quan trọng và thú vị về định chuẩn hóa dị tính (heteronormativity: gợi ý hoặc tin rằng chỉ có các mối quan hệ khác giới là bình thường hoặc đúng đắn, đàn ông và phụ nữ có những vai trò khác nhau một cách tự nhiên:) trong lịch sử nước Anh.
Và trong “Night Haunts: A Journey Through the London Night” của Sukhdev Sandhu, bạn sẽ khám phá ra những cư dân đô thị làm việc trong bóng tối, từ cảnh sát, đến những người dọn dẹp cho đến những người chở xà lan và thợ xả nước trên sông Thames.
Tác giả đang được mọi người ở London nhắc đến
Isabel Waidner, một tác giả người London lai Đức-Anh, đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết trước khi giành được giải Goldsmiths cho tiểu thuyết “Sterling Karat Gold” năm 2022. Những cuốn sách của bà viết về chính trị của sự áp bức nhà nước, chính trị của sự nổi loạn, chính trị của trí tưởng tượng. Sự nhạy cảm bùng nổ và phong cách trong các cuốn sách của Waidner khác xa với văn xuôi thông thường và cách cư xử của tầng lớp trung lưu như bạn có thể tưởng tượng. Đó có thể là lý do để người ta chọn đọc sách của Waidner.
Nếu không có thời gian cho các chuyến đi trong ngày, bạn nên chọn cuốn sách nào?
Có rất nhiều nhà văn xuất thân từ tầng lớp lao động viết tiểu thuyết về những người xuất thân từ tầng lớp lao động, nhưng hai nhà kể chuyện xuất sắc người Scotland đã làm nên tên tuổi trong những năm gần đây: Douglas Stuart với tiểu thuyết “Shuggie Bain”, “Young Mungo” kể về các nhân vật chính trẻ tuổi, đồng tính, người Glaswegian; và Kerry Hudson, tiểu thuyết gia và người viết hồi ký, có cuốn tiểu thuyết đầu tay “Tony Hogan Bought Me an Ice-Cream Float Before He Stole My Ma” kể một cô gái trẻ sinh ra ở Aberdeen và những người phụ nữ trong gia đình cô.
Hai nhà văn này sẽ vắt kiệt cảm xúc của bạn bởi những gì họ viết vừa đau lòng vừa ấm lòng.
Khi đi dạo quanh London, bạn có thể nghe cuốn sách nào?
“London Clay: Journeys in the Deep City” của Tom Chivers sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Trước đây, ông đã viết những tập thơ để giờ đây mang sự nhạy cảm của một nhà thơ gửi vào cuốn văn xuôi phi hư cấu này khi viết những phần ẩn giấu của thủ đô, trộn lẫn quá khứ với hiện tại, cái đã biết với cái chưa biết và câu chuyện cá nhân của ông với lịch sử xã hội và địa chất.
Bạn nên ghé thăm địa điểm gắn liền với văn học nào?
Bệnh viện St. Thomas ở Waterloo, chắc chắn đáng để ghé thăm. Ở đó, bạn sẽ tìm thấy một bức tượng ấn tượng của Mary Seacole, y tá, chủ khách sạn và khách du lịch người Jamaica, người có cuốn tự truyện thẳng thắn và thú vị được xuất bản năm 1857 “Wonderful Adventures of Mrs. Seacole in Many Lands”.
Cách bệnh viện không xa, bạn sẽ tìm thấy một nơi linh thiêng dành cho các nhà văn: Góc Nhà thơ, ở Tu viện Westminster. Hơn 100 nhà thơ và nhà văn được chôn cất hoặc tưởng niệm ở đó; người đầu tiên trong số họ là Geoffrey Chaucer qua đời năm 1400, tác giả của “The Canterbury Tales” - bài thơ dài kể về hành trình của một nhóm người hành hương đi từ phía nam London đến Canterbury. Vào năm 2014, nhà thơ Patience Agbabi đã xuất bản một phiên bản phối lại dí dỏm của bài thơ này, có tựa đề “Telling Tales”.
Cũng được chôn cất trong Góc Nhà thơ là Charles Dickens, Thomas Hardy, Rudyard Kipling và Alfred, Lord Tennyson; và có những tấm bia tưởng niệm nhiều nhà văn khác, bao gồm cả John Betjeman; Jane Austen; Charlotte, Emily và Anne Brontë; Gerard Manley Hopkins; Ted Hughes; Henry James; William Shakespeare; Oscar Wilde và Philip Larkin. Trong một thành phố ồn ào, bận rộn, đây là không gian yên tĩnh để bạn có thể giao tiếp với những linh hồn của văn học và suy ngẫm về sức mạnh của văn học khi tạo ra tiếng vang vượt xa cuộc đời của một nhà văn.
Nơi tuyệt vời để bạn cuộn tròn với một cuốn sách
Newham Bookshop ở East End vào năm 1978, là nơi các nhà văn và các độc giả thực thụ thường ghé đến.
The Second Shelf, một hiệu sách dành cho phụ nữ ở West End, là nơi bạn có thể mua những cuốn sách, tác phẩm nghệ thuật và những món đồ quý hiếm, chẳng hạn như chiếc váy kẻ sọc của Sylvia Plath.
The British Library ở Kings Cross là một trong những địa điểm thích hợp để gặp gỡ mọi người ở London và nhâm nhi cà phê. Điểm đặc biệt ở đây là kho lưu trữ dưới lòng đất tương đương tòa nhà 8 tầng, chứa các bản sao của mọi cuốn sách, vở kịch hoặc tài liệu khác được xuất bản ở Vương quốc Anh. Độc giả có thể tìm kiếm hầu hết các cuốn sách thông qua Phòng đọc.
Cuốn sách Phúc âm St. Cuthbert, cuốn sách lâu đời nhất ở châu Âu còn nguyên vẹn, cũng thường được trưng bày tại Thư viện này. Thư viện đã mua nó với giá đáng kinh ngạc là 9 triệu bảng Anh vào năm 2012. Giá trị của văn học không chỉ là về mặt tài chính, nhưng không gì có thể sánh bằng việc nhìn thấy một cuốn sách giấy từ thế kỷ thứ 8 phản ánh thế giới lúc bấy giờ cũng như thế giới hiện tại.
Những cuốn sách về London mà Bernardine Evaristo đề xuất
- “London: The Biography” và “Queer City: Gay London from the Romans to the Present Day” của Peter Ackroyd
- “Letters of the Late Ignatius Sancho” của Ignatius Sancho
- “Mrs. Dalloway” (Tựa Việt: Bà Dalloway) của Virginia Woolf
- “The Diary of a Nobody” của George và Weedon Grossmith
- “The Kids” của Hannah Lowe
- “The Five: The Untold Lives of the Women Killed by Jack the Ripper” của Hallie Rubenhold
- “A Portable Paradise” của Roger Robinson
- “Ordinary People” và “26a” của Diana Evans
- “Night Haunts: A Journey Through the London Night” của Sukhdev Sandhu
- “Sterling Karat Gold” của Isabel Waidner
- “Shuggie Bain” (Tựa Việt: Những linh hồn nhỏ) và “Young Mungo” của Douglas Stuart
- “Tony Hogan Bought Me an Ice-Cream Float Before He Stole My Ma” của Kerry Hudson
- “London Clay: Journeys in the Deep City” của Tom Chivers
- “Wonderful Adventures of Mrs. Seacole in Many Lands” của Mary Seacole
- “The Canterbury Tales” của Geoffrey Chaucer
- “Telling Tales” của Patience Agbabi
Trạm Đọc tổng hợp
Nguồn: The New York Times