“New rules or no rules” (Luật mới hay không luật) là chủ đề cuộc gặp tháng 10-2014. Chương trình nghị sự bàn về những đề tài quan trọng nhất của năm đó: xung đột ở đông Ukraine, việc sáp nhập Crimea, cấm vận của phương Tây và những hậu quả đối với nước Nga. Và câu hỏi trung tâm: ai, khi nào và ở đâu xác định luật chơi trong chính trị quốc tế? Vì thế, mà những “vận động viên chính trị” hạng nặng từ Moskva đã đến Krasnaya Polyana, khu nghỉ mát trượt tuyết vùng Kavkaz trên Sochi của Olympic. Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Sergey Ivanov, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và là Chánh văn phòng điện Kremlin, hay những nhà kỹ trị ảnh hưởng như Igor Shuvalov, người phụ trách ngân sách và chính sách kinh tế trong Chính phủ.
Trong hội trường của cung điện bằng kính lộng lẫy nhìn ra sân vận động mới cho môn biathlon[2], nơi mà hồi tháng 2-2014, các vận động viên trượt tuyết bắn bia để giành huy chương vàng Olympic, các chính khách hàng đầu cố thảo ra một quan điểm thích hợp trong tình hình khủng hoảng hiện nay. Không khí rất thư giãn, các lãnh đạo Nga tập trung ở đó thể hiện sự thống nhất và lạc quan. Nhìn chung, họ đồng ý rằng cấm vận do phương Tây tiến hành khá đau đớn, nhưng cùng lúc lại mang đến cho nước Nga khả năng cuối cùng là phải nỗ lực để làm điều lẽ ra đã làm từ lâu, tức tiến hành cải cách kinh tế.
Phương châm được thỏa thuận của đội chính phủ là “Thay thế như một chương trình”. Khủng hoảng có thể trở thành cơ hội bất ngờ và tiềm năng lớn lao cho tăng trưởng. Và trước hết, những tập đoàn nhà nước như người khổng lồ Gazprom vẫn chưa khai thác hết tiềm năng họ có. Nói cách khác, tình hình đang trong tầm kiểm soát và không quá phức tạp như năm 1998. Năm đó đã đi vào ký ức nhân dân Nga như một thảm họa kinh tế, như một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Ngân sách hiện nay, dĩ nhiên cần đưa vào bãi phế liệu: nó phải cắt giảm đáng kể, nhưng còn lại thì Nga vẫn là một đất nước mạnh mẽ và Vladimir Putin vẫn là Tổng thống của nó.
Phát biểu của các nhà hoạt động chính trị - đó chỉ là khúc dạo đầu cho một thông điệp trung tâm mà Vladimir Putin gởi đến phương Tây khi kết thúc sự kiện này. Tám tháng sau biến cố ở Maidan - Kiev, Tổng thống Nga đã sử dụng hội nghị như một diễn đàn cho bài phát biểu có tính cương lĩnh của mình. Có lẽ đây là một trong những phát biểu cứng rắn nhất trong số những phát biểu mà ông từng đưa ra trước các thành viên của câu lạc bộ này, và là một sự pha trộn các thách thức chính trị và nỗi thất vọng cá nhân. Lời cảnh báo đó gởi cho ai, không có gì phải nghi ngờ: “Hoa Kỳ luôn nói với các đồng minh của mình: chúng ta có kẻ thù chung, nó đáng sợ, nó là trung tâm cái ác; chúng tôi bảo vệ các người - đồng minh của chúng tôi - khỏi nó, và có nghĩa, chúng tôi có quyền ra lệnh cho các người, buộc các người hy sinh những lợi ích kinh tế và chính trị của mình, chịu chi phí cho việc phòng thủ tập thể, nhưng lãnh đạo việc phòng thủ đó, dĩ nhiên, phải là chúng tôi”.
Chiến tranh lạnh, theo lời Tổng thống Nga, chính thức kết thúc từ vài thập niên trước, nhưng nó không chấm dứt bằng việc ký kết hòa bình và đặt ra những luật lệ rõ ràng vốn cần thiết từ lâu. Hậu quả cho thế giới còn lại còn hơn cả báo động và đặt ra những hiểm họa cho trật tự thế giới: Hoa Kỳ, tuyên bố mình là kẻ chiến thắng, đã hành động tuyệt đối vì lợi ích của mình, như những tay nhà giàu mới phất bỗng nhiên có được một tài sản khổng lồ; họ cố chiếm hữu thế giới, bất chấp những tổn hại.
“Có thể, sự độc quyền của Hoa Kỳ, cách mà họ thể hiện sự thống lĩnh của mình - thật sự là lợi ích cho tất cả, và sự can thiệp trên diện rộng của họ vào tất cả mọi vấn đề trên thế giới sẽ đem tới hòa bình, phồn vinh, tiến bộ, thịnh vượng, dân chủ - và đơn giản là hãy thư giãn và hài lòng?”, Putin mỉa mai nhận xét. Và ông trả lời câu hỏi này như sau: “Tuyệt đối không phải thế. Đơn phương bức chế, áp đặt những khuôn mẫu của riêng mình sẽ mang lại hậu quả trái ngược”.
Hiện nay, đối với nước Nga - điều đó rất rạch ròi - sự tinh tế của luật pháp quốc tế không còn quan trọng. Cấm vận của phương Tây không được chính giới Moskva xem như một biện pháp chính trị để kêu gọi đất nước tuân theo trật tự. Với họ, cấm vận là một phần của cuộc chiến không chính thức tuyên bố. Mục đích của nó là để mở rộng EU và NATO tới tận các biên giới Nga. Điều mà về mặt chính thức được tuyên bố như một cuộc thập tự chinh đạo đức của phương Tây nhằm bảo vệ bản sắc và mở rộng dân chủ, còn trên thực tế được Putin xem như một mưu toan nữa nhằm tước mất ảnh hưởng của Nga. Đó là sự khẳng định tiêu chuẩn kép, đặc biệt khi họ đồng thời cáo buộc Tổng thống Nga mưu toan phục hồi Liên bang Xô viết. Tổng thống Putin tiếp tục phát triển đề tài: “Có một câu ngạn ngữ cổ: ‘Những gì Jupiter được phép, con bò không được’[3]. Và chúng tôi không chia sẻ quan điểm này. Có thể đối với con bò, nó có tác dụng, nhưng con gấu sẽ không xin phép bất cứ ai. Chúng tôi gọi nó là ông chủ rừng taiga, và nó không chuẩn bị dịch chuyển đến những vùng khí hậu khác. Nó không thích như thế. Nhưng nó sẽ không giao cho ai rừng taiga của mình”. Mọi thứ được đề cập rất rõ ràng. Nhóm các chuyên gia tập trung ở đó hầu như không đặt câu hỏi. Chỉ có những nhà vận động hành lang của một công ty luật lớn của Washington, trước đây làm việc trong lĩnh vực an ninh Hoa Kỳ, đã cố phát biểu nhanh gọn rằng họ hiểu luật quốc tế và dân chủ theo quan điểm Mỹ. Cách nói này không chỉ nhằm để chống đối mà còn nhằm để ghi vào biên bản sự hiện diện của họ.
Sau đó, trong bữa ăn tối với một số chuyên gia phương Tây và đại diện các giới học giả, Vladimir Putin lại một lần nữa tuyên bố những điểm chính trong danh sách tội lỗi của phương Tây vốn đã ăn sâu trong tâm trí ông: “Họ đệ đơn lên Liên Hợp Quốc để đánh bom Libya nhằm ngăn ông Gaddafi làm chính điều đó với một bộ phận nhân dân mình. Chúng tôi đồng ý. Nhưng cuối cùng phương Tây lại sử dụng sự can thiệp của mình để lật đổ Gaddafi. Các người đã được gì? Không gì cả. Hỗn loạn. Và ở Iraq cũng thế. Các người vào Iraq. Các người đạt được gì? Cũng chẳng có gì tốt đẹp. Giờ đây, IS cùng với hàng nghìn cựu binh chế độ Saddam Hussein cố xây dựng quốc gia Hồi giáo”.
Và sau ly vodka tạm biệt là phần nói thêm ngắn về đề tài trong ngày - xung đột Ukraine. Câu hỏi chính của cuộc gặp: “Luật mới hay không có luật”. “Không phải chúng tôi bắt đầu. Đã từ lâu, chúng tôi nói với châu Âu rằng cách tiếp cận vấn đề Ukraine của EU: ‘hoặc cùng với chúng tôi, hoặc cùng với nước Nga: hoặc vì chúng tôi, hoặc chống lại chúng tôi’” là khá nguy hiểm. Bước đi đó động chạm trực tiếp tới lợi ích của chúng tôi”. Putin đã mô tả cái nhìn của mình về việc phát triển các sự kiện như thế. “Thế nhưng ở Brussels, họ đơn giản chỉ trả lời chúng tôi là chuyện đó không liên quan tới chúng tôi. Chấm, hết thảo luận. Và thực tế là một cuộc đảo chính đã được tiến hành. Sự sụp đổ kinh tế, chính trị của đất nước và nội chiến với hàng ngàn người chết”.
Còn về Crimea, vào buổi tối muộn tháng 10 đó, trên đỉnh Kavkaz, Vladimir Vladimirovich đã không nói gì thêm. Từ ngày 18-3-2014, Crimea đã lại là lãnh thổ Nga. Và nó sẽ vẫn là của Nga khi nào Putin còn giữ cương vị này. Chẳng có gì phải nghi ngờ.
Chú thích:
[1] Câu lạc bộ Valdai là một diễn đàn định kỳ của các chuyên gia nổi tiếng trong nước và quốc tế bàn về các chính sách đối nội và đối ngoại của Nga. Câu lạc bộ được thành lập vào tháng 9-2004 theo sáng kiến của Hãng thông tấn RIA Novosti, Hội đồng Chính sách Quốc phòng và tờ báo The Moscow Times.
[2] Biathlon là môn thể thao mùa đông hai môn phối hợp gồm trượt tuyết băng đồng và bắn súng.
[3] Từ thần thoại Hy Lạp: vị thần tối cao Olympus là Zeus (còn trong thần thoại La Mã là Jupiter) thích nàng Europe, con gái của vua Phoenician nên đã biến thành con bò đực để đánh cắp nàng. Từ đây xuất hiện thành ngữ Latin nói trên, với nghĩa những gì người này hay nhóm này được phép, không nhất thiết tất cả đều được phép.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
PUTIN – LOGIC CỦA QUYỀN LỰC: Sự thật của vị ‘sa hoàng’ mới của nước Nga đang tấn công Ucraina
“MIỀN ĐẤT HỨA” - Cuốn hồi ký nổi tiếng của vị Tổng thống da màu đầu tiên nước Mỹ, Barack Obama
Mikhail Sholokhov: Đời "tiến thoái lưỡng nan" của tác giả Sông Đông êm đềm