Phụ nữ thực sự muốn gì: Khoa học về bản chất tình dục của nữ giới
Phụ nữ thực sự muốn gì: Khoa học về bản chất tình dục của nữ giới
Liệu cô ấy về bản chất chỉ quan tâm đến mối quan hệ tình cảm và con cái, còn tình dục chỉ là chuyện nhỏ?

Galen xứ Pergamum, thầy thuốc và có lẽ là nhà nghiên cứu y học cổ đại tài ba nhất thời La Mã, là một trong số rất nhiều người đàn ông có học thức thời bấy giờ tin rằng phụ nữ phải đạt cực khoái khi quan hệ tình dục thì mới có thai. Trong 1500 năm, giới khoa học vẫn đồng tình với quan niệm này. Làm sao chúng ta có thể từng tin vào việc phụ nữ cần phải lên đỉnh, trong khi hẳn đã phải có vô số bằng chứng phản bác điều này? 

  

What Do Women Want?: Adventures in the Science of Female Desire 

Không ai thực sự biết lý do tại sao, theo tác giả Daniel Bergner. Khi động chạm đến mảng nghiên cứu tình dục phụ nữ, các nhà khoa học thường muốn thấy kết quả họ kì vọng, và có rất ít những sự thật khoa học về chuyện nhạy cảm này so với những gì bạn nghĩ. "Bất chấp những sức mạnh của khoa học đương đại," Bergner viết, "câu hỏi hiển nhiên về mặt giải phẫu rằng liệu điểm G có tồn tại không vẫn còn chưa được trả lời."

Vậy các nhà khoa học ngày nay đang nhìn thấy gì? Cuốn sách trước đây của Bergner, "Phía bên kia của ham muốn" (The other side of desire) là một nghiên cứu chu đáo về những xu hướng tình dục kì quặc - như bái vật, khổ dâm, ham muốn trẻ con hay người tàn tật.

Trong cuốn sách mới của ông, "Phụ nữ muốn gì?" (What do women want?), như để tiếp tục nghiên cứu trước, Bergner tập trung vào nhóm, bạn có thể nói, có hành vi tình dục lệch chuẩn đông đảo nhất: phụ nữ. Ở giới này, các hành vi và ham muốn tình dục của họ chưa bao giờ được nhìn nhận phổ biến như ở nam. 

 

 

Cô đọng trong 200 trang sách là các cuộc phỏng vấn với các nhà tâm lý, phân tâm học, linh trưởng học, những người đã và đang "giải mã cơ chế của ham muốn ở nữ giới", một bài lược sử ngắn gọn về các quan điểm liên quan đến tình dục nữ giới từ thời cổ đại đến nay; một cuộc thảo luận về những dạng cực khoái khác nhau của nữ giới; và kèm theo những câu chuyện riêng tư của rất nhiều những người phụ nữ bình thường, kể về đời sống và mộng tưởng tình dục của họ. 


Các cuộc thí nghiệm và dữ liệu Bergner viết trong cuốn sách rất đa dạng và không nhắm đến một kết luận chung, nhưng ông đã khơi mào cho các nghiên cứu tình dục đương đại đi vào chống lại một niềm tin phổ biến sai lầm: quan niệm cho rằng phụ nữ về bản chất ít háu tình hơn đàn ông, "thiên bẩm" đã muốn có con và có liên kết cảm xúc, nhưng không nhất thiết là "chuyện ấy". Bergner, cây viết đóng góp cho Tạp chí New York Times, đổ lỗi cho những nhà tâm lý học tiến hóa khi đã tuyên truyền một phiên bản hiện đại của những lầm tưởng này. Ông tập hợp một đội gồm các nhà khoa học từ các lĩnh vực khác nhau, những người cùng lên tiếng về cách những thiên kiến giới tính đã che mờ đi sự tồn tại, sức mạnh, và ý nghĩa của động lực tình dục của con cái trong việc duy trì nòi giống.

 

a
Malika Favre

 

Đây là một ví dụ, với loài khỉ: Trong những năm 1970, nhà tâm lý học và nội tiết-thần kinh học tên là Kim Wallen để ý thấy hành vi tình dục của loài khỉ nâu bị tác động bởi độ lớn của chiếc lồng. Trong những chiếc lồng hẹp, các con khỉ như phát rồ, và con đực dường như chủ động đi làm tình, xác nhận quan niệm phổ biến thời bây giờ khi cho rằng con cái vốn hoàn toàn bị động trong tình dục. Nhưng trong các lồng lớn, như ngoài hoang dã, con cái lại mới là bên chọn bạn tình và kích thích quan hệ bằng cách đeo bám con đực và động chạm người chúng.

Chính những chiếc lồng nhỏ, do diện tích chật hẹp, đã làm giảm ham muốn giao cấu của khỉ, loại bỏ tất cả những nghi thức giao phối mà trong đó sự khát tình của con cái là một yếu tố kích thích tình dục thiết yếu. Sau các quan sát của Wallen, các nhà linh trưởng học bắt đầu để ý bằng chứng của rất nhiều các linh trưởng cái khởi xướng chuyện "làm tình", trong khi các con đực gần như chỉ ngồi đợi các "quý cô" chú ý đến sự cương cứng của nó.

 

Liệu chúng ta có phải kiểu linh trưởng đó? Ham muốn và hành vi tình dục của con người rất khó để nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học không có quá nhiều câu trả lời ngoài một số nghiên cứu, dự án và lý thuyết để chia sẻ. Lý thuyết được quan tâm nhiều nhất trong các ngành là phụ nữ, giống như đàn ông, cũng có xu hướng quan hệ lăng nhăng, bừa bãi. Quan niệm này được bổ trợ bởi các nghiên cứu động vật và các cuộc khảo sát trên diện rộng về phụ nữ, cho thấy mức độ ham muốn tình dục thấp có tương quan với số năm chung thủy của họ; và nữ giới thì mau giảm ham muốn tình dục với người bạn tình lâu năm hơn nam giới. 

 

Góc nhìn này cũng được chứng thực bởi các nhà tư vấn đôi lứa chuyên giúp phụ nữ kích thích lại ham muốn tình dục với bạn tình của mình thông qua tưởng tượng và những buổi hẹn hò ấn định. Họ vô cùng bi quan về tác dụng làm sống lại ngọn lửa tình của những bài tập này có thể tạo ra. Điểm quan trọng, Bergner viết, là động lực quan hệ tình dục suy giảm không phải hậu quả tất yếu dành cho phụ nữ - nó chính là kết quả của chế độ hôn phối độc thê. Thậm chí, lượng hoóc môn suy giảm thời mãn kinh cũng có thể hoàn toàn giải quyết bằng cách kiếm một bạn tình mới. Theo Bergner, Kim Wallen, nhà tâm lý học khám phá ra vai trò của lồng nhốt trong đời sống tình dục của khỉ, "tư tưởng một vợ một chồng, đối với phụ nữ, như một chiếc lồng văn hóa - bóp méo ham muốn nhục dục."

 

Song cũng không có tuyên bố nào cho rằng trải nghiệm ham muốn, hưng phấn và cực khoái của nữ giới giống hệt người nam. Bergner muốn ám chỉ khả năng về "một chuẩn mực mới, không tô vẽ" về bản năng tình dục của nữ giới, nhưng các nhà khoa học ông phỏng vấn không chỉ đơn giản lập luận rằng nữ giới háu tình hơn mức xã hội vẫn quan niệm; một vài người đang tư duy lại ý nghĩa của tình dục nữ giới trong sinh sản. Khoái cảm của phụ nữ không còn được coi trọng khi các nhà khoa học trong những năm 1600 bắt đầu khám phá ra cơ chế hoạt động của trứng. Từ đó các nghiên cứu khoa học đã tập trung phần lớn vào khả năng sinh sản hơn là chức năng tình dục của nữ giới; và sự tồn tại của ham muốn, hưng phấn và cực khoái của phụ nữ đã hoàn toàn bị phủ nhận.

 

Sự mơ hồ xoay quanh mặt giải phẫu học các bộ phận sinh dục của nữa giới vẫn tồn tại dai dẳng. Điểm G được phát hiện bởi một thầy thuốc Hà Lan trong những năm 1600. Nó được mô tả lại (như "một vùng khoái cảm...trên mặt phía trước của âm đạo dọc theo đường trình niệu đạo) bởi bác sỹ sản khoa người Đức Ernst Gräfenber năm 1950. Nó được báo cáo lại một lần nữa trong cuốn sách best-seller năm 1982 "Điểm G: và những khám phá khác về tình dục con người," bởi Alice Kahn Ladas, Beverly Whipple và John D. Perry. Cuốn sách được đón nhận với sự bất ngờ và hoài nghi khoa học; phần nghi vấn vẫn còn tồn tại đến nay. Chuyện xuất tinh ở nữ giới đã trải qua những giai đoạn được khám phá, phủ nhận, rồi lại được phát hiện, song vẫn chưa hề được giải đáp.

 

Luci Gutiérrez

Giờ đây, các nhà nghiên cứu về động vật lập luận rằng trên thực tế, giải phẫu học của phụ nữ vốn được thiết kế để thích nghi nhất với việc quan hệ cùng nhiều đối tượng khác nhau - không chỉ trong suốt cuộc đời, mà ngay cả khi vẫn đang trong mối quan hệ với người khác. Tốc độ lên đỉnh khác nhau giữa nam và nữ có thể có chức năng giúp phụ nữ quan hệ với nhiều người đàn ông liên tiếp, gia tăng khả năng thụ thai. Nhắc lại lý thuyết được nhà linh trưởng học và nhân học Sarah Blaffer Hrdy đề ra, Bergner viết rằng, những đặc điểm của khoái cảm nữ giới "có thể đã từng hiện hữu trong tổ tiên của ta. Sự trì hoãn, cảm giác mân mê kéo dài... là phương pháp của tiến hóa để đảm bảo rằng con cái trở nên dâm đãng, để họ có thể chuyển tiếp hiệu quả và liên tục từ lần ân ái này sang lần khác, để họ tích tụ các kích thích sang lần quan hệ tiếp theo cho tới khi lên tới đỉnh."

 

Nếu giả thuyết này đúng, thì khoái cảm ở nữ giới đóng một vai trò quan trọng trong sinh sản thành công ở người - dẫu rằng nó không phải là điều kiện tiên quyết để họ có thể thụ thai.

 

Vậy chúng ta phải làm gì tiếp đây? Liệu có ta có nên gia nhập câu lạc bộ của những kẻ lăng nhăng? Hay nên quan hệ tay ba? Hay tằng tịu với thợ chỉnh đàn piano?

 

Cứ làm nếu bạn dám chịu trách nhiệm. Bergner thừa nhận rằng mọi người chấp nhận một vợ một chồng không phải bởi vì nó là cách sắp đặt hấp dẫn nhất, mà bởi vì nó là cách tốt nhất để đạt được những thứ như ổn định cảm xúc, sự tin tưởng, và kéo theo đó là một mối quan hệ ổn định lâu dài - điều mà dường như cả nam lẫn nữ đều muốn, dù cho trong thâm tâm họ vẫn muốn đi ngủ lang. Bạn cũng có thể tưởng tượng một cuộc khám phá kĩ càng hơn về chuyện liệu độc thê có thực sự là nền tảng tốt nhất các mối quan hệ lâu dài, nếu xét đến chuyện cả nam và nữ (nghiên cứu bây giờ chỉ ra) đôi khi đều thấy việc sắp đặt này làm bóp nghẹt những hạnh phúc trong chuyện tình dục. 

 

Trong khi đọc cuốn sách này, tôi bị gợi nhớ đến tranh luận kéo dài của cây chính luận Dan Savage khi ông cho rằng các cặp vợ chồng sẽ có cuộc hôn nhân bền vững hơn nếu họ chịu buông lỏng quan niệm về độc thê-độc phu. Nhưng Bergner không đặt bút lâu vào câu đố về mối quan hệ dài hạn. Xu hướng gắn chặt tới một bạn tình nào đây không được đề cập nhiều ở đây. Thay vào đó, các phần riêng rẽ của cuốn sách được gắn kết với nhau bởi sự tập trung kiên trì vào luận điểm về sự tồn tại và sức mạnh của dục vọng ở nữ giới.

 

...Vẫn có một điểm không được lý luận đầy đủ trong cuốn sách, đó là lý do vì sao Bergner đưa tất cả những nghiên cứu và phỏng đoán này vào đây và ý nghĩa tổng hòa của chúng là gì? Tại sao khoa học chính thống lại khẳng định về ham muốn của phụ nữ mạnh mẽ như thế vào thời điểm này? Có phải những lý thuyết này bị ảnh hưởng bởi các vai trò xã hội của nam và nữ đang thay đổi? Hay bởi chính phong trào nữ quyền? Dù sao thì ta có rất nhiều nhà khoa học là nữ, một bối cảnh hoàn toàn mới. Lịch sử của nghiên cứu về tình dục phụ nữ cho chúng ta biết khi rất nhiều các nhà khoa học cùng phát hiện ra một điều gì đó vào cùng một thời điểm, thì là vì họ đều đã và đang tìm kiếm điều đó - một bước ngoặt về văn hóa. Vì vài lý do nào đấy, chúng ta không còn thấy chuyện đàn ông thì háu tình và nữ giới thì lãnh đạm hợp lý nữa.

 

Chuyện đó không còn, thì cũng không phải lí do để ta tiếc nuối. Khi mà ta còn tiếp tục nghĩ (ở một góc khuất nào đó trong tâm trí) rằng nam giới sinh ra vốn đã ham muốn tình dục, còn phụ nữ chỉ muốn thân mật và những đứa trẻ; thì ta sẽ còn tiếp tục bị kẹt trong logic cho rằng chỉ nam giới mới muốn quan hệ còn phụ nữ muốn đổi sex lấy sự bảo vệ và chăm sóc. Chính lối tư duy đầy tính buôn bán này đã đẩy các cặp đôi vào tình huống bi kịch: ai cũng chỉ quan tâm đến mình được gì, mất gì, sợ bị chơi xỏ. Tốt hơn hết cả đàn ông lẫn phụ nữ hãy tiếp cận nhau một cách bình đẳng về dục vọng trên giường, rồi hãy cãi nhau xem ai có nhu cầu lớn hơn ai vào sáng hôm sau.


Trạm Đọc (Read Station)

Theo Nytimes